“Cao thủ giải bùa”

Thứ ba 20/12/2011 05:05

ANTĐ - Đó là ông Hoàng Phúc Vậy, 58 tuổi người dân tộc Tày ở bản Đon, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào cai). Ngoài biệt danh ấy ra, ông còn là một thầy Tào chuyên “nói chuyện” với người âm.





Thầy Vậy trong một lần giải bùa

Thung lũng “ma cà rồng”


Gặp chúng tôi trong bộ trang phục của thầy Tào kể về cái nghề “nói không ai tin”, ông Vậy khề khà về công việc “giải bùa” huyền bí này.

Trong phong tục tập quán của người dân tộc, “ma cà rồng” (ma gà) là loại “ăn sống cũng được, ăn chín cũng xong”. Loại ma này thực chất là vía của một nhóm người biến thành, người ta quan niệm ma cà rồng không làm cho người chết được. Nhưng khi nó nhập vào người nào thì người đó bị ốm yếu, đau đớn triền miên, tinh thần hoảng loạn, gia đình sẽ bị khuynh gia bại sản dẫn đến đổ vỡ. “Ma cà rồng” muốn hại người thì phải bán “khoăn” (vía) cho quỷ để đổi lấy cái mà nó cần.

Theo ông Vậy, “ma cà rồng” chẳng khác gì những kẻ nổi loạn của loài người, con ma này thường xúi bẩy cho làng xóm mất đoàn kết, gia đình lục đục. Để đối phó với loại ma này, thầy cúng phải mời đến một loại ma khác là “ma cao công” đến mới trị nổi vì nó là anh em ruột thịt với vua Xích Ca.

Hiện nay, người Tày khắp nơi vẫn cho rằng bản Đon là thung lũng sống của “ma cà rồng”, và đó cũng là nơi sinh ra các thầy phá bùa giỏi nhất để “trừ ma diệt quái”.

Bí ẩn giải bùa





Chuẩn bị lễ cúng

Trước khi trở thành một cao thủ phá bùa, ông Vậy từng là thầy bỏ bùa nổi tiếng. Ông bảo, có nhiều loại bùa như: bùa yêu, bùa ghét, bùa phát, bùa diệt… Mỗi loại bùa tương ứng với một loại thần chú và một con ma. Để bỏ bùa không hề đơn giản, người bỏ bùa sẽ bị nguy hiểm nếu không am hiểu “pháp thuật”.

Sau nhiều năm tháng chứng kiến cảnh người dân bị bỏ bùa, ông Vậy quyết định chuyển sang phá bùa giúp người. Tính đến nay, ông Vậy đã phá bùa được cho hàng nghìn người bị hại. Từ những trường hợp thường xuyên ốm yếu, điên khùng đến những thanh niên bị bỏ bùa yêu… họ đã tìm đến ông Vậy nhờ hóa giải.
Lễ vật giải bùa khá cầu kì, ngoài một con gà và con lợn nhỏ, còn có một món cỗ tạp là thịt sống nhuộm máu gà, một bát tiết tươi, củ nâu, chuối xanh thái lát nhuộm máu. Các thứ ấy bày thành một mâm cỗ tạp đặt cạnh mâm gà và đầu lợn. Địa điểm đặt mâm ở một góc ngoài của ngôi nhà.

Ông Vậy cho biết, mỗi loại bùa đều có một con ma nên không thể đưa mâm cỗ vào nhà, khi hành lễ phải mời khéo con ma về nhận lễ. Khi con ma này đi ra khỏi nhà, thầy phá bùa phải dùng thần chú “yểm” không cho nó quẫy phá.

Trong bài cúng giải bùa phải mời tổ thư, pháp thư, binh thư, binh mã… đến nhà sau đó đọc thần chú xin quẻ. Tuy nhiên, cũng có những kiểu phá bùa đơn giản bằng cách dùng “mẹo” dân gian chứ không cần thiết phải lễ vật hay thần chú.

Trong các cuộc phá bùa, “đệ nhất cao thủ” này không ít lần thoát chết vì sức mạnh siêu nhiên do bùa ngải gây ra. Cách đây 3 năm có trường hợp của chị Nguyễn Thị Đào bị bùa làm cho điên dại, suốt ngày chỉ khóc lóc, chửi rủa, gia đình đưa đi chạy chữa khắp các bệnh viện nhưng không thuyên giảm. Không còn cách nào, chồng chị Đào đã tìm đến “cao thủ” bản Đon để xin ông giải giúp. Vì bùa chú chị Đào dính phải thuộc dòng “sừng sỏ” hiểm hóc nên trong lúc giải, bùa chú ấy đã “vật” lại cả ông Vậy.

Hai lần giải, ông Vậy đều thất bại, chỉ có thể giúp chị Đào bình thường được một hai ngày rồi lại tái phát. Giải đi giải lại mấy lần, cuối cùng ông phải mời tất cả anh em họ hàng của chị Đào trực tiếp làm lễ. Từ đó đến nay chị Đào đã bình phục hoàn toàn.

“Ai dám theo nghề tôi?”

Nghề thầy bùa thường là cha truyền con nối. Ông Vậy là đời thứ tư trong gia đình theo nghề này, khi còn sống bố của ông cũng là một “cao thủ giải bùa” có tiếng ở miền Bắc những năm 1970.

Đến nay, ông Vậy hành nghề được hơn 30 năm, đã lặn lội khắp các bản làng để giải bùa. Từ đó, ông đã thu thập được nhiều cách giải bùa khác nhau và những câu thần chú có một không hai trong thế giới bùa ngải.
Đến nay tuổi đã như mặt trời xế núi, sức trai bản điền đã hết, ông đang đi tìm một đệ tử chí nghĩa có thể đón nhận từ ông kho pháp thuật huyền bí. “Nhưng ai dám theo nghề tôi? Nghề giải bùa nguy hiểm gấp vạn lần so với việc đi bỏ bùa. Tôi cần một người có tâm và rất thông minh để truyền nghề…” - Ông Vậy cho hay.

Hiện chưa có khảo cứu khoa học nào về bùa ngải. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những người đi xin bùa thường có ý thức giải quyết những vướng mắc của mình. Bùa chỉ giúp họ củng cố niềm tin, yên tâm hơn trong những sự việc không hay đang xảy đến cho gia đình. Do vậy nên nhìn nhận bùa ngải dưới góc độ văn hóa dân gian với tư cách là một hiện tượng tồn tại từ rất lâu trong đời sống của bà con dân tộc và loại trừ các quan điểm mê tín dị đoan.

Nam Trần - Yên Zin