TTCN - Ông Lí Quẩy Trìu, nguyên chủ tịch HĐND huyện Sa Pa, một người Dao được nhân dân địa phương quí trọng vì có hiểu biết về văn hóa dân tộc Dao một cách sâu sắc, khẳng định: “Chuyện bốc bùa của người Dao là có thật, tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm được bùa...”.


Chảo Vần Chằn đang “tác nghiệp” giết tên Nam

Cúng đèn và làm bùa


Theo ông Trìu, người Dao có ba thang bậc về cúng đèn: thứ nhất là hàm cấp “ba đèn”, người có hàm cấp đó phải biết cúng liên tục trong 24 giờ; bậc thứ hai cao hơn là loại “năm đèn” phải biết cúng liên tục 72 giờ liền, tức ba ngày ba đêm; bậc thứ ba cao hơn nữa (và cũng là bậc cuối cùng) - “12 đèn”, phải biết cúng liên tục 168 giờ, tức bảy ngày bảy đêm.

Với cả ba bậc trên, người cúng không được quan hệ nam nữ trước và sau cúng rất nhiều ngày, cuộc sống của họ chỉ được phép một vợ một chồng. Người Dao tin rằng khi đã cúng được ba đèn thì bắt đầu biết “đối thoại” với thế giới âm, kêu gọi được các cô hồn; năm đèn thì biết kêu mưa gọi gió; 12 đèn thì coi như làm được tất cả, gọi được cả trời cả đất, bưng bê được lưỡi cày nung đỏ, đi được trên những lưỡi dao sắc đặt ngửa...

Để đạt được 12 đèn thì thật là hiếm lắm! Hiện chỉ có hai người còn sống đã đạt được hàm cấp ấy: ông Chảo Sành Nhàn ở bản Phờ Xí Ngài, xã Trung Chải, huyện Sa Pa và ông Chảo Tạ Quẩy ở bản Ki Công Hồ, xã Tòng Sành, km 19, huyện Bát Xát.

Ông Lí Quẩy Trìu nhấn mạnh: “Tất cả những người biết bốc bùa như hai vị cao tay ấn kể trên đều là những người có ảnh hưởng khá sâu sắc đến uy tín, tình cảm, có khi là niềm tự hào của dân bản vì chỉ những người biết cúng (ít nhất từ ba đèn trở lên) mới được dân bản tôn vinh, ủy nhiệm lên đồng trong lễ hội lên đồng của người Dao. Việc bốc bùa của họ là thực hiện tín ngưỡng từ bao đời, là làm việc thiện, trừ tà ma hãm hại dân lành... ”

Kẻ nhận danh "12 đèn"

“Nó chính là thằng Chảo Vần Chằn ở đội 4...”- chị Triệu Mẩy C. - ở đội 3, xã Tả Phìn, Sa Pa - kể do hai đội liền kề nhau, hai gia đình cùng thả trâu rong, một hôm con trâu đực nhà chị húc nhau với con trâu đực nhà Vần Chằn, con trâu nhà nó thua bỏ chạy. Chỉ có thế mà từ đó nó thâm thù nhà chị.

Nó bảo chị: “Tao đã từng cúng được đến 12 đèn, tao sẽ bốc bùa làm cho gia đình mày ốm hết lượt mà chết”. Giữa năm 2000 chị Mẩy C. bị bệnh, đau đầu nôn mửa; lần hai vào năm 2001 chị cũng bệnh mất ba tháng trời; lần thứ ba gần đây, theo lời chị Mẩy C., Vần Chằn tiếp tục bốc bùa hại chị khiến chị bệnh gần chết! Bây giờ dù chị đã khỏe nhưng vẫn cứ lo lắng vì sợ một ngày nào đó Vần Chằn hứng lên lại làm hại chị!

Người bạn của chị C. kể thêm: “Đi đâu mẹ vợ Vần Chằn cũng khoe có con rể biết bốc bùa, vừa để hù dọa mọi người cũng vừa chèo kéo xem có ai muốn làm bùa thì nộp lễ cho bà ta hưởng. Nói chung là chúng tôi khiếp sợ nhà nó lắm!”

Lần theo địa chỉ chị Triệu Mẩy C. cho, tôi tìm đến nhà Chảo Vần Chằn. Lúc mới gặp Chằn cũng tỏ ra lúng túng, nghi ngờ tôi là cán bộ tỉnh, huyện gì đó kiếm cớ đi điều tra về y. Nhưng chỉ sau đó ít phút, khuôn mặt thiểu não và giọng nói cầu khẩn của tôi đã giúp y lấy lại được tự tin.

Chằn nói như quát: “ Ở Hà Nội lên à? Bọn dưới đấy lên đây nhờ tao nhiều việc lắm, còn có cả con cái nhà tướng chứ chả bỡn đâu...” (có lẽ được tiếp xúc với đồng bào miền xuôi khá sớm nên Chằn nói tiếng Việt tương đối sõi). Tôi rụt rè: “Con bị vợ nó cắm sừng nên lên đây nhờ thầy tháo gỡ cho”.

Chằn bảo trước mắt phải sắm lễ hết cả thảy là 3 triệu đồng, đưa trước cho Chằn 2 triệu, khi nào thành công lên tạ lễ đưa tiếp 1 triệu. Rồi Chằn mở tủ lấy ra nào là mõ trâu, cờ, đao, dùi, kéo, và mấy cuốn sách lằng nhằng chữ nho gì đó, bảo tôi đọc tên cái thằng “cắm sừng” để Chằn còn “điều binh khiển tướng” đi giết nó. Tôi liền lấy luôn tên mình, thế là Chằn kêu to lên: “Thằng Nam à, mày phải chết!”. Rồi Chằn nói: “Chỉ năm phút nữa thôi, thằng Nam sẽ lên cơn đau bụng quằn quại, 15 ngày sau thằng Nam sẽ thập tử nhất sinh...”.

Ông Lí Phù Chòi, một cán bộ địa phương đã nghỉ hưu, nói: “Chảo Vần Chằn lấy đâu ra mà dám xưng danh “tậu say phàm chải tăng”(12 đèn), hàm cấp đó là để cho những người có đạo đức, những người vì cộng đồng, tín ngưỡng dân tộc mình”. Và ông Chòi cho biết thêm mới năm ngoái (2002), Chằn tuy đã yên bề gia thất nhưng vì cái máu “sơn dương” nổi lên hắn đã cùng một phụ nữ ở cùng đội 4, xã Tả Phìn hằng tối ra đồi vắng “hoan lạc” cho tới khi cái bụng của chị ta to dần lên tố cáo Chằn. Khi chính quyền xã ra tay, Chằn phải trốn chạy lên rừng cho đến tận khuya mới dám mò xuống ăn cơm, cứ như thế suốt mấy tháng trời liền...

Theo ông Lý Phù Chòi, có không ít phụ nữ trong bản bị bệnh tật, được Chằn rỉ tai sang nhà nó để Chằn giải bùa; nhiều người trong số ấy sau này thường có tính khí thất thường với người chồng của mình. Nhiều chị bị Chằn xâm phạm không dám nói ra đã đành, càng không thiếu những ông chồng biết rõ chuyện Chằn giở thói sơn dương với vợ mình nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn vì sợ nói ra thì nó thù cho, nó bốc bùa cho thì khốn!

Nhiều người dân vùng cao mong mỏi những kẻ lợi dụng tâm lý e sợ, tin vào bùa chú của đồng bào để làm điều vô đạo đức cần phải được nghiêm trị.

VŨ THÀNH NAM
Báo Tuổi Trẻ