Chánh Pháp tồn tại bao lâu ?

Trong Chương 10, Tiểu Phẩm, Tạng Luật (Tỳ khưu Indacanda dịch) có đề cập đến việc bà Mahāpajāpati Gotamī đến gặp Đức Phật xin xuất gia tỳ khưu ni, và Ngài chỉ đồng ý cho phép nếu bà thọ nhận Tám Trọng Pháp. Sau đó, Ngài nói với Trưởng lão Ānanda:

- Này Ānanda, nếu nữ nhân không đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này Ānanda, phạm hạnh có thể sẽ được tồn tại lâu dài, Chánh Pháp có thể tồn tại một ngàn năm. Này Ānanda, bởi vì nữ nhân đã xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này Ānanda, giờ đây phạm hạnh sẽ không tồn tại lâu dài, này Ānanda, giờ đây Thánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.

(Sự kiện này cũng được ghi trong bài kinh Mahāpajāpati Gotamī, Tăng chi VIII.51)

Vì thế, ngày nay, 2500 năm sau khi Đức Phật bát-niết-bàn, nhiều người bi quan cho rằng chúng ta đang ở trong thời Mạt Pháp, không ai có thể đạt giác ngộ giải thoát nữa. Tuy nhiên, Chú giải Luật tạng và Chú giải Tăng chi bộ có giải thích: 1000 năm của Chánh Pháp là đề cập đến sự diệt tận các lậu hoặc với sự thành đạt về bốn Tuệ Phân Tích. Từ đó về sau là 1000 năm của sự diệt tận các lậu hoặc do thuần túy tuệ minh sát, 1000 năm của đạo quả Bất Lai, 1000 năm của đạo quả Nhất Lai, 1000 năm của đạo quả Nhập Lưu. Như vậy, Chánh Pháp sẽ tồn tại 5000 năm, và sau đó sẽ không còn ai trong cõi người có thể nhập dòng thánh giải thoát. Thêm vào đó, Tỳ khưu Dhammanando (chùa Benchmabophitr, Bangkok) cho biết trong bản Chú giải Trường bộ và Trung bộ có ghi một con số khác: thời kỳ của đạo quả A-la-hán có thể kéo dài đến 4000 năm, rồi sau đó mới từ từ suy tàn.

Dù sao đi nữa, chúng ta cũng nên ghi nhận rằng trong lời giảng cuối cùng cho ngài Subhada trước khi nhập diệt, Đức Phật có tuyên bố khi nào Bát Chánh Đạo được tu tập và truyền giảng một cách đúng đắn thì thế giới nầy không bao giờ trống vắng các đạo quả thánh (Đại kinh Bát-niết-bàn, Trường bộ).

(Buddha Sasana - A Buddhist Page by Binh Anson)