Câu chuyện được người dân Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội lưu truyền nhiều đời nay, nằm sâu dưới hang Cắc Cớ là bể xương, suối xương của 3.600 nghĩa quân Lữ Gia...

Ai từng đến thăm danh lam chùa Thầy, hẳn không thể bỏ qua hang Cắc Cớ (hay còn gọi là Thần Quang Động). Đây không chỉ là hang động cao nhất của núi Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội mà còn thu hút khách thập phương bởi màu sắc thần bí bao phủ hàng nghìn năm nay.

Câu chuyện thảm khốc được nhân dân quanh vùng lưu truyền rằng, nơi đây là mồ chôn khổng lồ của 3.600 nghĩa quân Lữ Gia, thời kỳ chống Hán, cách nay tới hơn 2.000 năm. Nhưng rồi, cuộc chiến trứng chọi đá, nghĩa quân của vị tể tướng 4 triều này đã kéo hết vào hang trên núi Sài Sơn cố thủ. Quân giặc không truy kích được, đã khiêng những tảng đá lớn bịt miệng hang, giết chết hàng ngàn nghĩa quân trong lòng núi.

Hơn 2.000 năm sau, vào năm 1933, nhà chùa cùng phật tử và nhân dân Sài Sơn đã phá cửa động, xây bể lớn, rồi tiến hành gom xương cốt khắp hang đổ vào bể.

Tuy nhiên, theo lời những người dân nơi đây, dưới miệng hang sâu thẳm với 9 tầng địa ngục, còn hàng nghìn bộ xương nằm rải rác tạo thành núi xương, suối xương. Cũng có những lời đồn đại rằng, những ai tò mò khám phá dưới lòng hang thăm thẳm về nhà ắt đổ bệnh hoặc chết bất đắc kỳ tử.

Câu chuyện ấy cứ truyền tai người Sài Sơn đời này qua đời khác, trở thành nỗi ám ảnh truyền kiếp, nhưng thực sự đã có ai nhìn thấy bể xương, suối xương hay chưa vẫn là những câu hỏi nghi vấn.

Vào những ngày đầu tháng 4/2011, một nhóm thám hiểm đã quyết định liều mạng lên đường đi tìm kho xương, suối xương bí ẩn, huyễn hoặc trong lòng núi.

Dưới đây là những hình ảnh nhóm thám hiểm ghi lại trong cuộc hành trình gian nan:




Đường dẫn xuống mỗi tầng 9 tầng “địa ngục” là một khoảng không gian hẹp để đi tiếp, phải chui qua một hang nhỏ. Cứ mỗi hang nhỏ, với những con đường ngoắt ngoéo, lại dẫn đến một tầng “địa ngục” tiếp theo.

Rải rác trên lối đi là những mẩu xương người.


Một vài địa điểm ở sâu thấy vết chữ viết rất cũ, mờ, và nếu đúng như thông tin ghi trên các phiến đá, thì có người xuống hang sâu vào năm 1938. Một số người chinh phục vào các năm 40, 50 của thế kỷ trước cũng để lại dấu tích. Có một vách đá toàn là chữ Nho đã mờ, nhưng nhìn cách trình bày thì giống như một bài thơ.


Bắt đầu xuống đến "tầng địa ngục" thứ 3, rất nhiều xương người hiện ra. Nhiều đoạn đã bị vùi sâu dưới lớp đá hoặc "ngụp lặn" dưới tầng phân dơi.


Hàng nghìn những mẩu xương lớn nhỏ xuất hiện đầy rẫy trên lối đi. Có lẽ chính bởi vậy người dân Sài Sơn mới gọi đây là núi xương, suối xương...


Nhiều mẩu xương đã mục giũa. Cảm giác chỉ cần một cơn gió cũng đủ cuốn những khúc xương này tan theo gió bụi.


Xương chồng chất lên nhau, nhiều vô kể.




Dù xương quai hàm đã mục nát nhưng những chiếc răng vẫn còn nguyên vẹn.



Càng xuống sâu con đường càng ngoắt nghéo, hiểm trở.



Liệu đây có thực là xương cốt của hàng nghìn nghĩa quân Lữ Gia của 2.100 năm trước hay là thi hài của những người chết đói năm 1945 như một số giả thuyết khác? Còn vô vàn câu hỏi chưa có lời giải đáp liên quan đến hang động bí ẩn chứa đầy xương cốt này. Hiện Thần Quang Động vẫn chưa được chính quyền quan tâm đúng mức, chưa được các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu. Người dân cả nước vẫn mong chờ những lời giải đáp rõ ràng về hàng ngàn bộ xương của những người chết thảm trong lòng núi.


Lê Trang

Theo Bưu Điện Việt Nam