GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC BỘ KIM CỔ KỲ QUAN


*



Bộ KIM-CỔ-KỲ-QUAN được viết bởi Đức Ông Nguyễn văn Thới, mà người đời gọi một cách kính trọng là Ông Ba, sinh năm Bính Dần 1866 và mất năm Bính Dần 1926, tròn 61 tuổi âm lịch. Ông Ba sanh tại làng Mỹ-Trà, Thị xã Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp và mất tại Ngã Ba Lộ-Lỡ, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang. Ông ra đời sau khi Phật Thầy Tây An viên tịch 10 năm (1856). Ông trưởng thành trong thời kỳ Pháp bắt đầu đặt chân xăm lược nước ta và là một nhân sĩ có tinh thần yêu nước, chống Pháp triệt để.


Bộ KIM-CỔ-KỲ-QUAN được Ông Ba viết vào khoảng 1900-1926, thời Ông lánh nạn về ẩn dật tại Ngã Ba Lộ Lỡ. Nó gồm có chín quyển với các tựa đề :

1)- Kim Cổ Kỳ Quan
2)- Giác Mê ( không có bản chữ nôm, do Ông Trần Quang Trâm sưu tập nơi khác. Theo lời Ông Bảy, cháu nội Ông Ba, Ông Ba không có viết tập Giác Mê này ).
3)- Cáo Thị
4)- Vân Tiên
5)- Ngồi Buồn
6)- Bổn Tuồng
7)- Thừa Nhàn
8)- Tiền Giang
9)- Kiển Tiên

Ông Ba viết bằng chữ Nôm, bản chánh do Ông Bảy là cháu nội Ông Ba còn giữ ở Kinh 12, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.


Bộ KIM CỔ KỲ QUAN được coi như một " Thánh Kinh " của môn nhân phái BỬU SƠN KỲ HƯƠNG, bao gồm các chi phái : TỨ ÂN, HIẾU NGHĨA, TINH MINH, HÒA HẢO đều công nhận là Tinh Hoa Giáo Lý của Đức Phật Thầy để lại. Một quyển Kinh quý báu hay đúng hơn là một Thánh Kinh được tôn trọng và giữ gìn nghiêm túc theo đúng tinh thần của một tín đồ.


Nhưng đây lại là một quyển Kinh cực kỳ khó hiểu khiến cho tất cả những người nghiên cứu phải lắc đầu. Vì như Ông Ba nói " BẮT QUÀNG BẮT NIỄNG ", hoặc lặp đi lặp lại một ý nào, một chữ nào mà Ông Ba muốn nhấn mạnh. Người đọc phải có một trình độ Hán-Nôm căn bản và hiểu về Kinh Dịch, Tử Vi, Bát Quái... Nếu không, đành chịu thua, xếp sách lại. Đa số chỉ hiểu phần da, một số hiểu được phần thịt, và rất hiếm người thấu triệt được phần cốt tủy của nó .



Trích THÂN THẾ PHẬT THẦY TÂY AN

Cư Sĩ SPRI PO LIEU
(08-11-1996 Bính Tý)


TỰA

Lòng vọng cầu nội ngoại tương tề
Qui nhứt thống ra bề mới nổi
Trước mắt ngọc gẫm âu việc lỗi
Sau lưng nhìn nhiều nỗi Phật Tiên
Đêm năm canh thổn thức chẳng yên
Ngày sáu khắc sầu riêng mối đạo
Tưởng ái quốc cơ đồ sáng tạo
Nhìn lê dân cường bạo đa đoan
Chúa mỏi lòng chúa nghỉ thân an
Tôi mệt dạ còn mang nạn cả
Thời quân nhược quả kia báo quả
Thế thần cường giày giả trung cang
Bắc lương thiền nghỉ lại không toan
Thời bất đạt đa mang tội thế
Ngày Bính-Tý thương cha lập kế
Ơn cửu huyền tiền thế trung thu
Bảy ngày xuân ít kẻ công phu
Thập ngũ nhựt không tu hội thí
Trường an Phật ít người hội ý
Chốn bạo tàn hiệp trí gia công
Mẹ thương con xà lộn với long
Con ghét mẹ nên không niệm Phật
Sầu tâm nội nhơn đồng dử vật
Xét ít người lòng Phật nhiều ma
Có vui chi một chốn Diêm-la
Miền Tiên cảnh ra vào ít mặt
Rắn lộn Rồng nhơn dân sanh giặc
Đề lao trống cửa ngặt nổi chi
Nhị niên xao xát lời ghi để
Ngục rạt chen người xiết kể bao
Bấy lâu tiêu Tứ công lao khổ
Biển Thánh rừng Nhu bổ báo ân
Rạng đền hai chữ quân thân đạo
Ái quốc ưu quân bỏ bạo tàn
Quốc vương thủy thổ đường danh vọng
Rèn chí tu tâm động Phật Trời
Khổ tăng gia khổ lời bất chánh
Đường lành thấy đó tránh sao đành
Sầu nổi muôn chim không nhành đậu
Buồn cho thế sự hậu bất gia
Con Phật có lòng, ma nào dắt
Con ma chẳng kể quỷ bắt ma
Nhứt nhơn địch vạn gia ơn trợ
Ngó Bắc xem Nam sợ Phật Trời
Ngọn rau tấc đất lời cẩn hạnh
Súng bắn rập bô chẳng mạnh chi
Dỗng bất quá Thiên đừng khi Phật
Cường vô quá lý vật tiêu tan
Của Thiên trả Địa mang tiếng dữ
Tích đức minh minh chẳng chữ lòng
Có chi hơn một kiển non bồng
Trung quân hiếu phụ đạo vợ chồng