Ngô Quyền-“Vị tổ Trung Hưng thứ nhất của dân tộc”

Một ngày cuối thu Giáp Thân, chúng tôi về xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) dự lễ kỷ niệm 1060 năm ngày mất của Ngô Quyền. Mới sáng sớm, hàng trăm người từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tây... đã đổ về thôn Cam Lâm, đến ngôi đền thờ Ngô Quyền với lòng thành kính biết ơn vô hạn người anh hùng dân tộc, người đã lãnh đạo quân dân ta lập nên chiến công oanh liệt trên sông Bạch Đằng, đánh đuổi quân Nam Hán, xưng vương, mở kỷ nguyên độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.



Theo sử liệu trong chính sử nước ta, Ngô Quyền sinh năm Mậu Ngọ (898). Khi mới sinh ra, ông đã có quý tướng “tráng mạo khác thường, có ba nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Đến khi lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc”. Năm 20 tuổi, cha mẹ qua đời, Ngô Quyền đem thuộc hạ theo Dương Đình Nghệ, một hào trưởng nổi tiếng, một bộ tướng của Khúc Thừa Dụ. Dưới trướng của Dương Đình Nghệ có 3.000 quân. Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ mến tài, tin cậy, chọn làm con rể, giao cho cai quản Châu Ái.
Bấy giờ đất nước ta đang buổi yên bình. Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ, một chức sắc do vua Nam Hán bổ, từ năm 906, sau khi giành được một ít quyền tự chủ đã thực hiện chính sách khoan, giản, an, lạc, đưa đất nước phát triển một bước. Nhưng chỉ được hơn 10 năm, khi ông mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay, do không có tài đức nên đất nước lại loạn lạc và đến năm 930 thì quân Nam Hán lại sang chiếm đóng. Năm 931, Dương Đình Nghệ dựng cờ khởi nghĩa, được dân ủng hộ, nhanh chóng tiến quân ra giải phóng Đại La, vẫn xưng là Tiết độ sứ. Châu Ái được giao cho Ngô Quyền trấn giữ. Trong vùng cai quản, Ngô Quyền được dân chúng mến mộ, tin cậy nên xây dựng được một đội quân mạnh, ai cũng trung thành.
Mùa xuân năm Đinh Dậu (937), Dương Đình Nghệ bị thuộc hạ là Kiều Công Tiễn sát hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Đất nước lại loạn, nhiều người nổi lên chống đối. Trong loạn lạc, Ngô Quyền trở thành niềm tin và hy vọng của toàn dân nước Việt. Năm 938, từ Châu Ái, Ngô Quyền đưa quân ra trừng phạt kẻ phản phúc. Biết không thể địch nổi đội quân vừa đông, vừa mạnh của Ngô Quyền, Kiều Công Tiễn sai người chạy sang cầu cứu vua Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Cung bấy lâu nuôi mộng chiếm hẳn nước ta, nên khi có cơ hội đã đáp ngay lời khẩn cầu của bọn Kiều Công Tiễn. Lưu Cung phong con trai là Lưu Hoằng Thao làm Giao vương, chỉ huy đạo thủy quân, men theo vùng biển đông bắc nước ta, tiến vào cửa sông Bạch Đằng. Còn đích thân Lưu Cung đem quân ra đóng ở trấn Hải Môn, sẵn sàng tiếp ứng.
Biết đất nước đứng trước nguy cơ ngoại xâm, Ngô Quyền đốc quân nhanh chóng tiến ra Đại La, trước là chém chết tên phản nghịch Kiều Công Tiễn, sau là bàn kế đánh quân Nam Hán. Trước các tướng sĩ, Ngô Quyền nói: “Hoằng Thao là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mệt mỏi, lại được tin Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía từ trước rồi. Quân ta sức mạnh, đối địch với quân mệt mỏi, tất phá được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của họ nhân khi nước triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự, không kế gì hơn kế ấy cả”. Ngô Quyền và các mưu sĩ đã nghiên cứu kỹ: nước cửa sông Bạch Đằng khi thủy triều lên thì hai bờ mênh mông, lòng sông sâu thẳm, thuyền lớn dàn hàng ngang cũng vào ra dễ dàng. Còn khi triều xuống, lòng sông hẹp lại, nước chỉ còn sâu cho thuyền lớn ra vào ở đoạn giữa dòng. Đánh Hoằng Thao cần dùng mưu kế, phải lừa cho địch vào trong cửa sông, chặn lại không cho rút ra được mà tiêu diệt. Trước khi giặc vào, triều xuống, quân Ngô Quyền đã đẵn cây vạt nhọn, bịt sắt làm cọc, đóng sâu xuống lòng sông.
Lưu Hoằng Thao dẫn quân vào cửa sông Bạch Đằng, tuy trong lòng lo lắng nhưng cậy thuyền to, quân đông vẫn đốc quan quân hùng hổ xông vào. Thấy ven sông vắng lặng, thuyền chiến của Nam Việt bé nhỏ, chưa đánh đã chạy, y càng hí hửng, chủ quan. Khi đoàn thuyền của quân Nam Hán đã lọt qua bãi cọc, Ngô Quyền mới hạ lệnh cho quân xuất kích đánh địch từ mọi hướng. Quân Nam Hán bị đánh bất ngờ. Nước triều càng xuống, quân địch càng hỗn loạn, càng chạy thục mạng thì khi va vào cọc nhọn càng thủng mạnh, chìm mau. Bị lọt vào thế trận tiến thoái lưỡng nan, đoàn thuyền của địch lần lượt bị đánh đắm. Hoằng Thao cùng hơn nửa số quân bị diệt, “máu chảy loang lổ cả khúc sông” Bạch Đằng. Lúc ấy, Lưu Cung đã đem quân vượt qua biên giới, theo đường Lạng Sơn tiến xuống Đại La. Mới đi được một quãng, nghe tin toàn bộ thủy quân của Lưu Hoằng Thao đã bị tiêu diệt, con trai bỏ mạng, Lưu Cung chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than, rồi cho quân hạ giáo rút về nước.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền mãi mãi được ghi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đời đời bất diệt, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn nghìn năm của phong kiến phương Bắc, mở ra kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự chủ thực sự và lâu dài cho toàn dân tộc.
Mùa xuân năm Kỷ Hợi (939), Ngô Quyền tự xưng vương để “chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”, đóng đô ở Cổ Loa để “nối lại quốc thống”, kế tục sự nghiệp của họ Khúc, họ Dương, đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục.
Năm Giáp Thìn (944), Ngô Quyền mất, hưởng thọ 47 tuổi. Cuộc đời ngắn ngủi, nhưng sự nghiệp của Ngô Quyền thật vĩ đại. Sử gia Ngô Sĩ Liên đã tổng kết về sự nghiệp võ công, văn trị của Ngô Quyền một cách chính xác, súc tích: “Tiền Ngô vương nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục có thể thấy được quy mô của bậc đế vương”...”Vua mưu tài đánh giỏi, làm nên công tái tạo, đứng đầu các vua”.
Đứng trong đền thờ Ngô Quyền, thắp nén hương tưởng nhớ “Vị tổ trung hưng thứ nhất của dân tộc” (lời Phan Bội Châu) mà tôi không khỏi chạnh lòng vì qui mô nhỏ bé, vẻ đơn sơ của đền, miếu thờ người anh hùng dân tộc.
Tôi đã đến khu Thái miếu thờ Lý Thái Tổ và 8 đời vua nhà Lý (1009-1225), đến hai khu Thái miếu thờ Trần Thái Tông và vương triều Trần (1226-1400), đến Lam Sơn xem phục hồi lại khu Thái miếu Lam Kinh thờ Lê Lợi và vương triều Hậu Lê (1428-1527). Những nơi đó, mấy năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư phục hồi, tôn tạo, tu bổ lại các di tích một cách khang trang, xứng đáng với tên tuổi các anh hùng dân tộc và công lao của từng vương triều.
Về Đường Lâm dự lễ tưởng niệm 1060 năm ngày mất của Ngô Quyền, tôi và cả nghìn người hôm đó mong ước một ngày nào đó, trên Đường Lâm, mảnh đất “một ấp hai vua” (Phùng Hưng và Ngô Quyền), có một khu Thái miếu xứng đáng để thờ Ngô Quyền và vương triều nhà Ngô (939-965).

( Sưu tầm )