Phần 1. Giai đoạn công nhận Đạo Việt Nam

Tin Mừng được các nhà Thừa Sai Tây Phương truyền bá tới Việt Nam. Trong số đó nổi bật hàng đầu phải kể đến Alexandre de Rhodes (1591 – 1660) là người có công rất lớn biên soạn ra chữ Quốc Ngữ, tức là cách đọc và viết tiếng Việt vô cùng tiện lợi hiện nay.
Đầu năm 1625, Alexandre de Rhodes cùng với bốn cha Dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản, cập bến Hội An, gần Đà Nẵng. Ngài bắt đầu học tiếng Việt và chọn tên Đắc Lộ. Thầy dạy tiếng Việt cho ngài là một cậu bé khoảng 10, 12 tuổi. Ngài ghi lại:
“Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ Châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng Latin và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thày giảng giúp việc các cha truyền giáo trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thầy và nơi vương quốc Lào láng giềng.
Khi chúng tôi vừa đến kinh đô Bắc Kỳ, tức khắc nhà vua truyền lệnh cho tôi phải xây một nhà ở và một Nhà Thờ thật đẹp. Dân chúng tuốn đến nghe tôi giảng đạo đông đến nỗi, tôi phải giảng đến 4 hoặc 6 lần trong một ngày. Chị vua và 17 người thân trong gia đình vua xin lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhiều tướng lãnh và binh sĩ cũng xin theo đạo. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là thấy các vị sư đã mau mắn từ bỏ bụt thần để theo đạo Công Giáo. Tất cả đều dễ dàng chấp nhận khi tôi giải thích cho họ hiểu giáo lý đạo Công Giáo rất phù hợp với lý trí và lương tâm con người.
Các tín hữu Công Giáo Việt Nam có Đức Tin vững chắc đến độ, không gì có thể xóa đi Đức Tin ra khỏi lòng họ. Nhiều người phải đi bộ suốt 15 ngày đường để được xưng tội hoặc tham dự Thánh Lễ. Nhưng phải thành thật mà nói, tôi không thể chu toàn cách tốt đẹp mọi công tác truyền đạo này, nếu không có trợ giúp tuyệt vời của các thầy giảng. Vì nhận thấy mình là Linh Mục duy nhất giữa một cánh đồng truyền đạo bao la, nên tôi chọn trong số các tín hữu, những thanh niên không lập gia đình và có lòng đạo đức sâu xa cũng như có nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, để giúp tôi. Những người này công khai thề hứa sẽ dâng hiến cuộc đời để phụng sự Chúa, phục vụ Giáo hội, sẽ không lập gia đình và sẽ vâng lời các cha Thừa Sai đến Việt Nam truyền đạo. Hiện tại có tất cả 100 thầy giảng đang được thụ huấn trong Chủng Viện và được các tín hữu trang trải mọi phí tổn.
Vào năm 1651, cha Đắc Lộ cho in cuốn Từ Điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) dựa trên các ký tự tiếng Việt của những Giáo Sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Ngoài ra một tác phẩm khác cùng tầm quan trọng do Giáo Sĩ Đắc Lộ soạn là cuốn “Phép giảng tám ngày” (tựa Latinh: Catechismus). Khác với phần tự điển ghi từ vựng, “Phép giảng tám ngày” là tác phẩm văn xuôi, phản ảnh văn ngữ và ghi lại cách phát âm của tiếng Việt vào thế kỷ 17.

Khi các Giáo Sĩ Dòng Tên vào truyền giáo ở Việt Nam, các ngài cho phép Giáo Dân thờ kính Khổng Tử và các tổ tiên đã qua đời, theo phong tục Việt Nam. Năm 1625, các Thừa Sai ở Hội An nhắn nhủ bổn đạo: “Đạo Đức Chúa Blời buộc mọi người phải tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ, nên phải thi hành nghi lễ cúng vái, trừ ít điều mê tín dị đoan, như đốt vàng mã, hay khi cúng lại tin là tổ tiên về ăn của cúng”.
Khi truyền giáo tại Trung Hoa, Dòng Tên cho phép các giáo hữu tại đây được tôn kính Đức Khổng và người qua đời như nghi thức người Hoa quen thi hành đối với tổ tiên và các triết gia của họ.

Phần 2. Giai đoạn phủ nhận Đạo Việt Nam

Nhưng chủ trương hội nhập văn hóa bản địa của Dòng Tên mà vào 400 năm trước mang một tầm nhìn vượt hẳn thời đại, dù đã làm cho việc loan báo Tin Mừng vô cùng thuận lợi, lại gặp phải phản ứng gay gắt ngay từ chính… Vatican.

Năm 1633, Linh Mục Juan Bautista Moralez, Dòng Đa Minh (OP) và Linh Mục Antonio de Santa Maria Caballero, Dòng Phanxicô (OFM) đến tỉnh Phước Kiến, Trung Hoa dưới triều Đại Minh. Hai vị chứng kiến các nghi lễ tôn kính Khổng Tử nhưng lại kết án là mê tín dị đoan và có phản ứng quyết liệt. Triều đình cho rằng hai vị chống lại phong tục văn hóa trong nước, gây nguy hại cho trật tự xã hội. Vua Minh trục xuất hai vị đó ra khỏi Trung Hoa. Moralez và Caballero về Roma khiếu nại với Toà Thánh.

Năm 1645, Giáo Hoàng Innocentê X ra tự sắc cấm tuyệt đối các tín hữu Công Giáo thi hành các nghi lễ cúng bái tổ tiên và Khổng Tử.

Ngày 25.1.1707, Giáo Hoàng Clêmentê XI cử Giám Mục Carlo Tommaso Maillard de Tournon đến Nam Kinh công bố lệnh cấm các Linh Mục làm chủ tế hoặc tham dự lễ tế Khổng Tử hoặc người quá cố và đặt bài vị người chết trong nhà. Ai không tuân theo, sẽ tức khắc bị vạ tuyệt thông.

Các văn kiện đó, thời xưa Giáo Hội Việt Nam quen gọi là cuộc tranh tụng “lễ phép nước Ngô”, cũng cấm luôn các nước chung quanh, vốn chịu ảnh hưởng ít nhiều văn hóa Trung Hoa, như Mãn Châu, Nhật Bản, và Việt Nam. Roma không chỉ cấm thờ cúng tổ tiên đã khuất mà còn giới hạn hình thức hiếu thảo cả khi cha mẹ đang còn sống. Từ đó, người Công Giáo có sự cách xa với các anh chị em lương dân.

Không chỉ dừng lại ở đó mà thôi, vào năm 1773, Giáo Hoàng Clêmentê XIV giải thể luôn Dòng Tên trên toàn thế giới. Các Tu Sĩ Dòng Tên ở Việt Nam cũng cùng chung số phận.

Mãi đến ngày 7.8.1814, Đức Giáo Hoàng Piô VII mới ra trọng sắc Sollicitudo omnium Ecclesiarum tái lập Dòng Tên trên toàn giới. Phải đợi đến năm 1957, Dòng Tên mới quay trở lại Việt Nam.

Chính sách đó của Giáo Hội với Dòng Tên và nền văn hóa Á Đông đã làm cho việc Loan Báo Tin Mừng đang đi từ chỗ thuận lợi sang bị chống đối kịch liệt và bị bách hại tàn khốc, gây nên nhiều cuộc tử đạo không đáng có, dẫn tới tình trạng bị ngưng trệ luôn trong một thời gian rất dài cho tới tận hôm nay.

Phần 3. Tính cực đoan của các tôn giáo Tây Phương

Ba tôn giáo độc thần Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo đều phát xuất từ Tây Á nhưng sau đó lại được phát triển mạnh mẽ tại Âu Châu, tuy cùng tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất nhưng lại tự tôn tự đại phủ nhận lẫn nhau, nhất định cho rằng chân lý chỉ có nơi mình và không ngần ngại lao đầu vào những cuộc thánh chiến đẫm máu để tiêu diệt đối phương.
Giáo Hội Công Giáo đã phát động nhiều cuộc Thập Tự Chinh cũng như đã xử tử nhiều người trên dàn hỏa thiêu vì gán cho họ tội phù thủy hay dị giáo, trong số đó có cả Thánh Nữ Jeanne d’Arc.
Giáo Hoàng Innocent III (1160 – 1216) đã ra tự sắc quy định bất kỳ ai có quan điểm cá nhân về Thiên Chúa đi ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội phải bị thiêu sống. Ngài phát động cuộc Thập Tự Chinh thứ 4 chống lại Hồi Giáo và thúc ép Vua Philip II Augustus của Pháp tiến đánh miền Albigense vì họ lỡ sát hại Khâm Sứ Tòa Thánh là Pierre de Castelnau. Sau khi chiến thắng, quân Pháp đã tàn sát luôn 20 ngàn người dân ở Albigense.

Tại Mỹ Châu Latinh thực dân Tây Ban Nha đã thẳng tay giết chóc dân bản địa và dẹp bỏ các nền văn hóa địa phương, ép buộc thổ dân phải theo Công Giáo. Hậu quả là ngày nay đa số dân miền đó đều nói tiếng Tây Ban Nha và là người Công Giáo.
Cho đến tận nay nhiều người Hồi Giáo vẫn mang não trạng tin rằng đánh bom tự sát để giết bọn vô đạo, tức là những người không theo đạo Hồi sẽ mang lại phần thưởng thiên đàng cao nhất cho họ.
Não trạng tôn giáo cực đoan này đã lây lan qua cả các ý thức hệ chính trị phát xuất từ Âu Châu. Chủ nghĩa Quốc Xã Đức không ngần ngại thủ tiêu 6 triệu người Do Thái. Chủ nghĩa Mác–Lê đã gây nên cái chết của 100 triệu người.
Giáo Hội đã phải rất vật vã, đau đớn, khó nhọc, và vô cùng chậm chạp để đọc ra Thiên Chúa không hề bị gò bó trong một con đường duy nhất để đi đến với con người.
Trong gần 2.000 năm, nhiều Công Đồng và Giáo Hoàng đã tuyên bố chắc như đinh đóng cột rằng: Bên ngoài Giáo Hội Công Giáo không có ơn cứu độ (Hors de l’Église, pas de salut).
Đó là tuyên tín long trọng của Giáo Hoàng Innocent III năm 1208, Boniface VIII năm 1302, Công Đồng FLorence năm 1442, Giáo Hoàng Piô IV năm 1564, và Pô IX năm 1854.
Mãi cho đến tận thế kỷ 20, năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI tại Công Đồng Vatican II, khai mạc đúng 50 năm trước vào ngày 11.10.2012, mới tuyên xưng: Tất cả các Kitô Hữu (gồm cả Cải Cách, Anh Giáo, Chính Thống) đều liên kết với chúng ta trong Thánh Thần bởi vì Thánh Thần cũng ban cho họ những ân huệ và ân sủng cũng như hoạt động nơi họ bằng quyền năng thánh hóa (Lumen Gentium, số 15).

Công Đồng Vatican II long trọng tuyên xưng rằng 2/3 nhân loại không theo Kitô Giáo cũng vô cùng thân thiết với Thiên Chúa: Vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, cho nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy, theo một cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi. (Gaudium et Spes, số 22, Giáo Hoàng Học Viện).
Nếu Giáo Hội toàn cầu đã như thế thì Giáo Hội Việt Nam cũng có rất nhiều giới hạn trong tầm nhìn về những giá trị truyền thống của dân tộc.

Phần 4. Tính bao dung của Đạo Việt Nam

Tại Á Đông, trong hàng ngàn năm đã không hề có các cuộc chiến tranh nhân danh tôn giáo nào. Nhân dân theo các tín ngưỡng dân gian rất nhẹ nhàng bao dung, cùng tồn tại hài hòa song song, không có các tổ chức quy củ và các giáo điều tuyệt đối.
Trích: Tín ngưỡng là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào để giải thích thế giới và mang lại sự bình an cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng đôi khi được hiểu là tôn giáo. Điểm khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo ở chỗ, tín ngưỡng mang tính dân tộc, dân gian nhiều hơn. Tín ngưỡng không có tổ chức chặt chẽ, không có một hệ thống điều hành và tổ chức như tôn giáo, nếu có thì cũng lẻ tẻ và rời rạc.
Tôn giáo có hệ thống giáo lý, kinh điển... được truyền thụ qua giảng dạy và học tập ở các Tu Viện, Thánh Đường, học viện... có tổ chức Giáo Hội, hội đoàn chặt chẽ, có nơi thờ cúng, có sự tách biệt giữa siêu nhiên và con người.
Tín ngưỡng chưa có hệ thống giáo lý mà chỉ có các huyền thoại, thần tích, truyền thuyết. Tín ngưỡng mang tính chất dân gian, gắn với sinh hoạt văn hóa dân gian. Trong tín ngưỡng có sự hòa nhập giữa thế giới thần linh và con người, nơi thờ cúng và nghi lễ còn phân tán, chưa thành quy ước chặt chẽ. (Hết trích, nguồn: Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2001)
Giống như Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của nền văn hóa Trung Hoa trong đó đời sống tinh thần thiên về tín ngưỡng dân gian phóng khoáng, không mang tính cách tôn giáo với tổ chức quy củ như ở Tây Phương với các giáo điều nặng nề, áp đặt và khắt khe.
Tại Á Đông người ta có thể đọc sách Thánh Hiền, ngưỡng mộ Khổng Tử, trung với vua, thanh thoát theo kiểu Lão Tử, thoải mái tôn thờ Phật và cúng vái tổ tiên. Đối với họ, tất cả các triết thuyết khác nhau đó không hề mâu thuẫn với nhau mà còn làm cho đời sống tinh thần của họ thêm phong phú.
Một tôn giáo đặc thù của Việt Nam là Cao Đài tôn thờ chung Phật, Lão, Khổng và cả Chúa Giêsu nữa.