ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI
*

Tôi đi chợ. Chợ có nhiều chỗ buôn bán lớn nhỏ, bày bán đủ loại hàng, với đủ thứ giá. Tôi phải biết lựa chọn. Sao cho đúng nhu cầu. Sao cho đúng khả năng. Sao cho hợp với khu xóm, địa phương.

Tôi sống giữa đời. Đời ví như cái chợ bao la. Tôi phải biết chọn người để tin, biết chọn nghề để sống, biết chọn những nơi để xây dựng liên quan, biết chọn lời để nói, biết chọn thời để làm. Chọn lựa nào cũng đòi phải đắn đo. Để biết đắn đo, tôi phải có một trí óc biết suy nghĩ trên những dữ kiện cần thiết. Từ cuộc sống đời thường đến cuộc sống đạo, và cuộc sống tu trì, mục vụ, truyền giáo, việc biết chọn lựa phải tiến cao hơn mãi về thông minh và hợp thánh ý Chúa.

Trên đường tiến về thông minh và hợp thánh ý Chúa cho các lựa chọn, tôi rất cần một yếu tố. Yếu tố đó là ánh sáng của Chúa. Hay nói một cách chặt chẽ hơn, ánh sáng đó chính là Chúa Giêsu. Người đã phán: "Thầy là ánh sáng đến trong thế gian. Bất cứ ai tin vào Thầy, thì sẽ không ở lại không bóng tối" (Ga 12,46).

Cuộc đời của tôi được soi sáng bởi Lời Chúa phán trên đây. Nhưng không phải vì thế mà tôi đã luôn tránh được những bóng tối. Trái lại, bóng tối vẫn chen vào cuộc đời tôi. Xung đột giữa ánh sáng và bóng tối diễn ra thường xuyên gay gắt. Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ đôi chút về các thứ bóng tối mà tôi phải đối phó. Chia sẻ của tôi dựa vào kinh nghiệm bản thân nhiều hơn là lý thuyết. Có ba loại bóng tối đáng để ý thường ảnh hưởng đến đời sống đạo.


1/ Bóng tối cá nhân

Bóng tối nói đây gồm mọi thứ tiêu cực trong mỗi người. Như tính hẹp hòi, thiếu hiểu biết về Lời Chúa, thiếu học hỏi về lịch sử Hội Thánh, lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới. Thiếu cái nhìn đầy đủ về thời sự. Thiếu nghiên cứu đúng đắn về những môn khoa hoc có liên quan đến đạo. Thiếu khách quan trong những phán đoán. Nhất là đầy định kiến, thiếu khát khao đi tìm sự thực đạo đức.

Mới rồi, tôi nghe người ta thuật lại phát biểu của một tín hữu: "Làng tao có hai thằng đã được phong thánh. Ai dám coi thường quê tao là sẽ đụng đến tính anh hùng truyền thống của quê tao. Sẽ có chết đấy". Tôi nghe mà rợn tóc gáy, vì nhìn thấy bóng tối cá nhân đó đáng ghê sợ, có khả năng làm méo mó sự thánh thiện của các thánh trong đạo chúng ta.

Trên thực tế, không thiếu người có đạo đã có những chọn lựa, phán đoán và hiểu biết sai lầm, do những bóng tối cá nhân của mình che khuất sự thực và thánh ý Chúa. Phúc Âm kể nhiều trường hợp như thế. Thí dụ khi các ông Pharisêu trách Chúa Giêsu đã để các môn đệ Người bứt lúa mà ăn cho đỡ đói, Chúa Giêsu đã trả lời: "Tôi muốn lòng nhân từ chứ đâu cần của lễ" (Mt 12,7). Với lời đó, Chúa Giêsu đã vạch rõ định kiến của giới Pharisêu, tuy có vẻ đạo đức, nhưng thực sự đó là bóng tối.

2/ Bóng tối tập thể

Bóng tối chung của tập thể thường thấy ở các dư luận và lối sống của những tập thể, những nhóm, những giai cấp, những địa phương. Một ví dụ rất biểu tượng, đó là những lời kết án Chúa Giêsu của tập thể dân chúng trước quan Philatô. Phúc Âm kể: "Ông Philatô hỏi: Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do Thái? Họ liền la lên: Đóng đinh nó vào thập giá! Ông Philatô lại hỏi: Nhưng ông ấy có làm điều gì gian ác đâu. Họ càng la to: Đóng đinh nó vào thập giá" (Mc 15,12-14).

Lời kết án đó đúng là một bóng tối dày đặc che phủ tập thể. Bóng tối đó được tạo nên do kích động bởi các tư tế. Tôi thấy dư luận và ý kiến tập thể có nhiều điều tốt, nhưng, như trường hợp trên đây, nó cũng có nhiều sai trái. Hiện nay, bóng tối tập thể trong đạo đang phát triển mạnh. Có những nước công giáo trước đây đã nêu gương tốt về giữ đạo và truyền giáo. Nay bóng tối đã phủ khắp. Có vùng việc bỏ lễ Chúa nhật, việc ly dị, trở thành bình thường. Có những tổ chức tu trì xưa nêu gương sáng về đức khó nghèo, nay bóng tối đã dày đặc. Khó nghèo trở thành khó mà nghèo.

3/ Bóng tối cơ chế

Bóng tối cơ chế là những xuống cấp do chính luật của cơ chế, hoặc do những lệnh và gương xấu của những bề trên cơ chế.
Chúa Giêsu nhiều lần đã nói tới bóng tối trong cơ chế hồi đó. Thí dụ lời Người nói sau đây: "Anh em biết: Những người được coi là thủ lĩnh các dân, thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy.

Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,42-45). Trên đây là cơ chế, mà Chúa Giêsu muốn được thiết lập trong đạo của Người. Ý muốn đó của Chúa đã và đang được thực hiện tại nhiều nơi trong Hội Thánh. Tuy nhiên, cũng phải thành thực nhìn nhận có những cơ chế không còn toả sáng nữa, nhưng đã trở thành mù mịt bởi nhiều bóng tối.

Trong một số cơ chế đạo, những người đứng đầu đã trở thành một thứ vua chúa, nắm quyền lực, hãnh diện vì được phục vụ và hưởng thụ còn hơn là người đứng đầu cơ chế thế gian.
Trên đây là một thoáng nhìn về những bóng tối trong cuộc sống đạo. Những bóng tối ấy đang ảnh hưởng mạnh đến các lựa chọn của chúng ta giữa chợ đời.

Ai sẽ cứu chúng ta khỏi sự thống trị của các bóng tối ác nghiệt đó? Ai sẽ giúp chúng ta chiến đấu với những bóng tối quỷ quyệt và hung dữ đó? Thưa: Chúa Giêsu. Hãy tin vào lời Người hứa:
"Thầy là ánh sáng đến trong thế gian. Bất cứ ai tin vào Thầy, thì sẽ không ở lại trong bóng tối" (Ga 12,46). Tất nhiên, tin vào Chúa Giêsu luôn đi kèm với việc thực thi những gì Chúa Giêsu dạy.

Tình hình đời đạo càng ngày càng diễn tiến phức tạp. Có người, có nơi thích chọn lựa lối sống đạo và phát triển đạo theo ánh sáng thế gian. Có người, có nơi vẫn duy trì lối sống đạo và phát triển đạo theo ánh sáng Phúc Âm. Lựa chọn cái này là bỏ cái kia. Nghĩa là lựa chọn nói lên sự tự do của mỗi người. Mỗi người vì thế phải chịu trách nhiệm về những gì mình lựa chọn.

Đời ta có nhiều bóng tối. Nhưng vẫn có Ánh Sáng cứu độ giúp ta biết chọn lựa con đường phải đi, các việc phải làm. Hơn bao giờ hết, lúc này là lúc phải đi theo Ánh Sáng cứu độ. Kẻo các bóng tối sẽ dần dần đẩy ta xuống dốc, sẽ nhận chìm ta vào hố diệt vong. Lúc đó mới thức tỉnh thì sẽ quá muộn.

Gm. JB Bùi tuần