Công ty đồng cốt

Gần đây, cả ở thành thị lẫn vùng nông thôn xuất hiện rất nhiều những ngôi nhà có kiến trúc kiểu đền phủ, điện thờ. Ở những nơi này người ta cầu cúng, hương khói nghi ngút, nến cháy đỏ ngày, đôi khi có cả hát chầu văn, hầu đồng bóng... Điều gì đang xảy ra bên trong đấy?


Ngôi phủ của gia đình bà Vũ Thị S. Để có được ngôi phủ bề thế này gia đình đã phải mạnh tay chi tới gần 400 triệu đồng, riêng tiền mua tượng và đồ thờ trang trí bên trong (sơn son thếp vàng) hết hơn 100 triệu

Dựng phủ đón lộc!

Nhà giàu thì xây hẳn phủ hai, ba tầng, còn người nghèo thì đơn giản chỉ là một mái tum hay một góc nào đó trong nhà. Chúng tôi có mặt trong phủ của gia đình bà Vũ Thị S. ở ngõ 16, phố Võ Thị Sáu (Hà Nội). Phủ của nhà bà khá nổi tiếng bởi sự bề thế của một ngôi nhà hai tầng kiểu cách trông ra mặt hồ. Trên tầng hai, phủ chính, gồm ba gian: gian giữa đặt bàn thờ mẫu, hai bên là ban thờ Phật và thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Nếu như có thêm bàn thờ ông Văn Xương nữa có lẽ nhiều người sẽ nhầm là mình đang ở đền Ngọc Sơn.

Anh Phạm Anh T., con trai bà S., cho biết gia đình dựng phủ vào năm 2000, tốn kém trên 200 triệu đồng. Tính riêng tiền mua tượng, đồ thờ đã chiếm phân nửa số đó. Gia đình đã xuống tận Sơn Đồng (Hoài Đức-Hà Tây) đặt 20 tượng lớn nhỏ, tượng lớn nhất giá 8 triệu đồng, nhỏ nhất 2 triệu. Chưa kể mỗi bức tượng trung bình còn phải dát hết khoảng hai chỉ vàng đánh thành quì.

“Xây được phủ to như thế này nên mấy năm nay gia đình tôi mới có thêm nhiều lộc” - anh Phạm Anh T. hồn nhiên nói. Có lẽ anh rất tin vào những điều như thế bởi gia đình buôn bán ở chợ H. Anh cũng cho biết thường thì những người buôn bán, kinh doanh đều có “đức tin” như thế và thường xuyên đi đền, đi phủ. Việc làm ăn quá bận rộn và do vậy để tiết kiệm thời gian, họ “rước” cả phủ về nhà mình thờ cúng.

Trong cả ngàn ngôi phủ, đền ở Hà Nội thì không phải ai cũng có mục đích như vậy. Một số người đã biến tín ngưỡng này thành mê tín dị đoan hay những trò nhảm nhí. Chúng tôi đã có mặt trong một buổi hầu đồng ở điện thờ của một người đàn ông tên là Thạch, có dinh cơ (phủ) đồ sộ và thanh thế nhất nhì Hà Nội.

Cô đồng là một chàng thanh niên khoảng 26, 27 tuổi khoác lên người chiếc áo đỏ thêu hình rồng sau lưng, mũ áo, cân đai oai vệ, trùm khăn đỏ kín mặt, ngồi lắc lư như say sóng. Bất ngờ cô hất tung khăn trùm đầu, đứng lên ngồi xuống liên tục, đón vũ khí từ tay hầu dâng múa tiến múa lui...

Các con nhang đã bắt đầu xì xào “Thánh nhập rồi đấy” và cùng nhau xá lấy xá để. Cô rút tiền từ trong ngăn kéo trước mặt rặt những tờ 20.000đ, 50.000đ kẹp vào kẽ ngón tay ném ra ngoài cho hầu nhặt bỏ vào một cái chuông cho cung văn. Liên tục những con nhang (hương) lê đầu gối đến gần bỏ thêm tiền vào một chiếc đĩa rặt những tờ 50.000đ, cúi đầu dâng lên cô và ghé tai xin cô những ham muốn cụ thể nào đó. Cô nhận lời, lục tiền lẻ trả lại một ít cho con nhang này rồi quay sang con nhang khác.

Các con nhang thuộc rất nhiều thành phần trong xã hội, từ anh nông dân suốt ngày cắm mặt xuống đất, cô hàng xén buôn bán ở chợ, cho đến vợ của những ông công chức ngồi phòng máy lạnh. Họ có chung niềm tin vào lộc của thánh, của mẫu... Không biết các thánh cho họ được những gì nhưng mỗi lần hầu bóng như vậy ngốn mất của họ khá nhiều tiền bạc. Lần hầu bóng trên đây mỗi giá hầu mà các con hương muốn xin với cô một ước muốn gì đó đều phải bỏ ra trên 50.000đ làm lễ (ở các vùng nông thôn thì 10.000đ, 20.000đ). Tuy nhiên, mỗi vấn lại gồm 12 giá, nếu như theo hầu hết tất cả các giá thì đây là số tiền không hề nhỏ chút nào.

“Công nghệ” mồi chài
Trong thế giới của thầy bói tồn tại một “công nghệ” môi giới dựng phủ mà nhiều người vẫn gọi là những “công ty đồng cốt”. Đối tượng khách hàng mà những “công ty” này nhắm đến đầu tiên là những người nhẹ dạ cả tin thường đến xem bói ở phủ của thầy, cô. Với đối tượng này, thầy, cô không tốn nhiều công sức, chỉ cần phán theo kiểu như gia đình sắp có đại họa, mất người hại của, nếu như thường xuyên mang lễ đến nhờ thầy hay nếu như gia đình có điều kiện thì thầy sẽ đến dựng phủ cho, ngày nào cũng nhang khói thì mọi tai ương đều qua khỏi...

Đương nhiên là hoạt động của những “công ty đồng cốt” này chưa dừng lại ở đây. Công ty có hẳn những đường dây do một vài người chuyên đi gạ gẫm, mồi chài, len lỏi đâu đó ở các chợ, làng, khu phố... Đối tượng ưu tiên của những “nhân viên tiếp thị” này là những người buôn bán nhỏ, những công chức, thậm chí là quan chức.

Với vùng nông thôn, hầu bóng chỉ xảy ra vào những ngày rằm và lễ trong tháng, còn ở thành thị thường diễn ra đều đặn vào ngày cuối tuần. Những người ở xa, không điêu kiện có đến phủ của các thầy, thì thầy dựng phủ cho để có chỗ nhang khói hằng ngày, thường là với mức giá chung khoảng trên dưới 2 triệu đồng.

Những phủ này vẫn phải lệ thuộc vào phủ của thầy, gọi là “phủ con”, ngày đại lễ phải mang đồ lễ đến “phủ lớn” để dâng tạ hay cũng có thể “nhờ” thầy đến làm lễ tại phủ. Nếu như xem phủ lớn là một “công ty” thì phủ con tựa như một chi nhánh, cũng có thể nhận “con hương” cho thầy bằng việc đặt bát hương ở phủ con...

Những ngày lễ lớn, đại rằm “phủ con” cùng con hương của mình vẫn phải đến hầu thầy ở “phủ lớn”. Chính vì thế mà các “công ty đồng cốt” có rất nhiều khách hàng nên họ làm ăn khá phát đạt. Thầy, cô nào sau vài năm hành nghề cũng xây được những ngôi nhà khang trang, bề thế với nhiều tiện nghi và phương tiện đắt tiền. Mà không giàu làm sao được khi mỗi vấn hầu mang vê vài trăm ngàn cho đến bạc triệu. Hơn nữa, mỗi ngày các cô có thể chạy sô từ 3 - 4 vấn hầu.

Hỏi chuyện cô đồng

Chúng tôi tìm về xã Nhân Thắng (Gia Bình, Bắc Ninh) để tìm hiểu dư luận ở địa phương lên án việc hai “cô” đồng Vũ Thị Sảnh và Vũ Thị Lan (Thuyên) lập phủ thờ mẫu, có hành nghề bói toán, chuyên đi gạ gẫm, mồi chài người địa phương làm con hương của phủ mình hoặc là dựng phủ.

Anh Nguyễn Văn T. bị chấn thương sọ não nên thần kinh có vấn đề, mỗi khi trái gió trở trời lại phát điên phát khùng, nhưng mẹ anh không cho đi bệnh viện vì “cô” Sảnh phán rằng bệnh này có bác trời chứ bác sĩ cũng không chữa được, chỉ có nước đến phủ “cô” nhang khói để “cô” tâu hộ với mẫu, mẫu tha thứ thì trăm phần trăm là khỏi. Thế là gia đình anh T. trở thành con hương. Một gia đình khác ở xã Phú Hòa (Lương Tài, Bắc Ninh) kiện “cô” Lan vì đã lợi dụng bà mẹ già của họ bỏ tiền ra để lập phủ.

Dư luận ở xã Nhân Thắng cho rằng “cô” Sảnh và “cô” Thuyên (Lan) có hẳn một đường dây đền phủ. Ông Nguyễn Trọng Niên, phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã, cho biết là các “cô” có cả một sạp hoa quả trên chợ Long Biên, đi buôn bán hoa quả đường dài vào tận trong miền Nam, có giúp nhiều người mở phủ, toàn là ở những địa phương khác. Chính “cô” Sảnh cũng mặc nhiên thừa nhận điều này khi chúng tôi hỏi cô việc mở phủ. “Cô” nói với chúng tôi là cô mệt vì mấy ngày nay luôn tất bật cùng các con hương, con phủ hầu bóng. Khi chúng tôi đến, trong phủ oang oang tiếng hát cô đồng đủ để từ đầu làng đến cuối làng nghe.

Nguyễn Thị Sảnh sinh năm 1967 tại thôn Cẩm Xá. Năm 1985 “cô” lấy chồng cùng xã, nhưng vì cô phát bệnh khớp nên bỏ chồng trở về nhà. Có một lần cô ra đường bị ngất, tưởng chết mang về nhà tỉnh lại, sau đó thì “cô” tự cho mình là “thánh cho lộc” rồi dựng phủ thờ cúng và xem bói cho người bằng cách nhìn khói của cây nhang. Công an xã Nhân Thắng cho biết “cô” có rất đông con hương, con phủ là người trong xã và ở các địa phương khác, nhiều nhất là khu vực cầu Hồ giáp ranh giữa ba huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài (Bắc Ninh) và Gia Lâm (Hà Nội).

Còn “cô” Thuyên tên thật là Vũ Thị Lan, sinh năm 1955, hành nghề trước “cô” Sảnh, cũng tự xưng là “thánh cho lộc” rồi dựng đền lập phủ và xem bói. Cô xem bói bằng cách “xin” thánh cho quẻ, gieo đồng xu rồi nhằm mặt sắp, ngửa mà phán “lời vàng ý ngọc”. Có người không tin nhưng có người bảo đúng.

Không biết các “cô” đã “xin” được lộc cho những ai nhưng chỉ thấy các cô càng ngày càng phất lên. Như cô Sảnh, từ một gia đình làm nông nghiệp nghèo kiết xác bỗng chốc xây được nhà ba tầng khang trang đầy đủ tiện nghi, sắm được cả một chiếc ôtô du lịch, sống ở vùng thôn quê đã có điện thoại bàn nhưng “cô” còn xài cả điện thoại di động xịn. Nhiều người trong làng tỏ ra bất bình vì thủ đoạn kiếm tiền rôm rả, om sòm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Họ đặt câu hỏi là tại sao “cô” Sảnh, “cô” Thuyên hành nghề như vậy, trong thời gian dài mà chính quyền lại để yên.

HÀ TÂM
Tuổi Trẻ