Lần đầu tiên tại Việt Nam, lễ cầu quốc thái dân an bằng nghi thức Mạn đà la (mandala) Quán Thế Âm do các vị tăng Tây Tạng thực hiện bằng cát màu sẽ diễn ra tại cơ sở Học viện PGVN TPHCM, 750 Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận. Vậy Mạn đà la Quán Thế Âm là gì? VHPG giới thiệu vài thông tin sơ lượt về nghi thức này đến quý bạn đọc.

Mandala là tiếng Phạn (manïdïala), nguyên nghĩa là vòng tròn hay vòng cung. Đó là một khái niệm quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng nói chung và Kim cương thừa, truyền thống Mật tông nói riêng, một trong những truyền thống chính của Phật giáo đại thừa. Mạn đàla được hiểu là biểu tượng của vũ trụ và các năng lượng trong vũ trụ diễn tả qua hình vẽ, là cơ sở để hiện tượng hợp nhất với bản thể. Mandala là một đối tượng thực hành thiền định.

Trong Mật tông Tây Tạng, mandala không chỉ là đối tượng thiền quán mà còn là bàn thờ để hành giả thực hiện các nghi lễ. Tùy tính chất của nghi lễ, mỗi mandala nhắm đến một vị Phật hay một vị Bồ tát nhất định cùng các pháp khí, lễ vật phù hợp.

Đồ hình Mandala thường biểu hiện bằng hai hình dáng: hình tròn được bao bọc bởi hình vuông với nhiều chi tiết và màu sắc được quy định nghiêm ngặt. Người thực hiện các Mandala phải là hành giả có khả năng định lực nhất định và tương đương mới có thể cùng phối hợp một cách nhịp nhàng.

Theo Kim cương thừa, mọi hiện hữu trong vũ trụ đều có thể là Mandala, từ thế giới ngoại cảnh cho đến thân và tâm mình. Tuy nhiên, theo truyền thống, về mặt thể hiện, người ta quy ước Mandala là một lâu đài hình vuông có bốn cửa nhìn ra bốn hướng. Và thông thường, có bốn cách để xây dựng mandala: (1) hội họa (thangka), (2) cát nhuộm màu, (3) hạt gạo nhỏ, và (4) vật thể ba chiều, thường là bằng kim loại.

Mandala cát được nhiều tăng sĩ cùng nhau tạo trong phạm vi của một nghi lễ lớn nhất định nào đó, chẳng hạn ở đây là lễ cầu quốc thái dân an với Mandala cát màu Quán Thế Âm Bồ tát. Để thực hiện Mandala cát này, những tăng sĩ cần thời gian nhiều ngày liên tục và sau khi hoàn tất, khi nghi lễ cầu nguyện được kết thúc, nó được phá hủy ngay. Cát được gom lại và rắc xuống dòng sông.

Mandala Quán Thế Âm là Mandala trình bày Bồ tát Quán Thế Âm, một vị Bồ tát có lòng từ bi bình đẳng với mọi chúng sinh trong mọi quốc độ, ngài là hiện thân của tâm từ bi rộng lớn, luôn lắng nghe âm thanh khổ đau và lời cầu nguyện, thị hiện mang hơi ấm và niềm an lạc đến cho chúng sinh. Theo quan niệm Phật giáo Tây Tạng, Ngài là vị Bồ tát bảo hộ cho thế gian, cho nền hòa bình và môi trường sinh thái.

Về nghệ thuật, mỗi Mandala là một tác phẩm tuyệt vời, mang đặc thù của Phật giáo Tây Tạng. Với tôn giáo, đó là một nghi lễ được thực hiện bởi những hành giả có định lực vững vàng, nơi kết tụ năng lượng tâm linh và sức chú nguyện lớn, có khả năng đem lại sự an lạc cho chúng sinh, cho đối tượng cầu nguyện.

saigon42