Đêm tháng tư oi nồng và lặng gió. Mùi cá khô và nước mắm bốc lên, đậm đặc không gian. Vầng trăng lưỡi liềm lúc ẩn, lúc hiện sau vạt mây xám trôi lang thang trên bầu trời như tà áo rách của người hành khất. Sóng biển ì oạp vỗ đều vào bãi đá cuội bám đầy rêu mốc và những xác hà, xác hến sắc lạnh như dao, sẵn sàng cứa đứt da thịt mọi sinh vật nào đụng chạm vào nó. Ngọn núi Linh Mẫu phía Tây thị xã sừng sững nổi lên cô độc giữa bao la đồng ruộng như cái nhà mồ khổng lồ. Xóm làng chìm trong giấc ngủ, chỉ nghe tiếng đàn chuột “chít chít” gọi nhau đi ăn từng đàn, từng lũ, hằng hà sa số là chuột. Suốt mấy tháng liền, đội quân chuột từ đâu kéo đến vùng này tàn phá ruộng nương, gây bệnh dịch hạch, gieo cái chết kinh hoàng cho dân chúng. Quan phủ đã gửi trát về khắp các tổng, huyện ra lệnh cho các binh sĩ và toàn dân diệt chuột mà không xuể. Hình như càng diệt, lũ chuột càng sinh sôi nảy nở, đàn đàn lũ lũ, nhung nhúc khắp làng trên xóm dưới, trong vườn ngoài ruộng.

Trong nhà ông Bá hộ Tùng mọi người vẫn khêu to bấc đèn, hồi hộp thức đợi bà Bá hộ đang nằm trở dạ. Tiếng rên la đau đớn, quằn quại của bà Bá hộ lẫn trong tiếng chuột kêu “chít chít” ở ngách tường, trên sàn nhà, dưới gầm giường và cả ngoài sân cây kiểng. Ông Bá hộ Tùng ngồi thừ người trên chiếc tràng kỷ, ngước nhìn lên bàn thờ tổ đăm chiêu suy nghĩ. Hạn hán, mất mùa, lại thêm dịch chuột từ trên trời rơi xuống khiến vùng quê điêu tàn, xơ xác. Vợ ông lại chuyển dạ nhằm vào giờ Hợi, tháng Tỵ, năm Tý là điềm gì vậy? Là người có chút Nho học, hiểu kinh dịch, ông gọi người nhà lấy chiếc bát sứ Giang Tây và ba đồng trinh lên cho ông lầm rầm khấn trời đất, gieo quẻ…

Một ngôi sao từ phía biển lóe sáng lên to bằng cái đấu, rơi về phía núi Linh Mẫu rồi tan biến vào trong đêm tối. Đàn dơi trong hang núi Linh Mẫu rít lên những tiếng thất thanh, rào rào bay vào vườn cây nhà Bá hộ Tùng. Những cánh dơi núi xoè to như chiếc quạt nan, chờn vờn, chấp chới trên ngọn cây xoài, cây mít. Đàn chó ngao thấy động chạy ra ngoài vườn ngửa cổ lên trời sủa vang, làm náo động cả xóm làng. Vừa lúc đó trong buồng cất lên tiếng khóc chào đời của cậu con trai ông Bá hộ Tùng...

Đó là năm Tý hai mươi bốn của thế kỷ XX. Chuyện xảy ra cách đây hơn bảy mươi năm. Cậu con trai ông Bá hộ Tùng nay đã thành chính khách lưu vong, sống trong một toà biệt thự lộng lẫy ở đảo quốc xa quê hàng vạn dặm. Tướng quân Huỳnh Bá Vương ngồi bệ vệ trên chiếc ghế cổ đời Minh, hai bên tay ngai chiếc ghế đều khảm rồng ở đầu. Râu tóc ông bạc trắng. Khuôn mặt vuông vức, tai to, trán rộng, da đỏ hồng... Nom ông đường vệ uy nghiêm, chỉ tiếc đôi mắt một mí, cái miệng quả quýt làm giảm bớt những nét quý tướng và vệt tối trên ấn đường như phảng phất bóng mây tội lỗi của quá khứ. Cô hầu gái người bản địa xúng xính trong bộ áo sường sám bằng tuyết nhung mầu nâu đen, bưng tách trà sâm, nhẹ nhàng đặt lên bàn mời ông rồi khép nép đứng ra sau ghế chờ lệnh. Tướng quân họ Huỳnh nhấp một ngụm trà, đưa tay khoát nhẹ cho cô hầu gái không cần phải đấm lưng, xoa bóp. Ông đang đắm chìm trong dòng hoài niệm về thủa ấu thơ ở quê nhà xa tít bên bờ biển Đông. Làm người lúc về già ai chẳng có giây phút nhớ về mảnh đất chôn nhau, cắt rốn và năm tháng tuổi thơ bay bổng theo cánh diều hay ngụp lặn dưới dòng sông, eo biển. Câu chuyện tâm tình giữa ông Bá hộ Tùng với bà vợ sau đêm sinh nở, theo lời kể của mẹ ông lại hiện về rõ nét như đoạn phim trên màn hình của chiếc ti vi màu kê ở góc phòng.

Ông Bá hộ Tùng đẩy cửa buồng, rón rén đi từng bước, vén màn ngồi bên mép giường âu yếm hỏi vợ:

- Mình có khoẻ không? đã ăn uống gì chưa?

- Tôi khoẻ rồi. Ơn Trời, nhờ Phật cho chúng mình một thằng con trai bụ bẫm. Mình xem này, tóc cu cậu dài và đen nhánh.

- Bà khoẻ là tôi mừng. Thằng bé này vận số có nhiều điều lạ lắm!

- Sao thế hả mình?

- Đêm qua, lúc mình vừa sinh thì trời đổ mưa như trút nước, kéo dài đến sáng. Tôi nghe dân làng kháo nhau mưa làm trôi lở đất cát trên sườn núi Linh Mẫu, lộ ra hòn đá có hình mặt quỷ dữ trông ra bờ biển. Đàn chuột quỷ sứ lâu nay phá phách bỗng nhiên biến đi đâu sạch. Hình như tinh tướng của lũ chuột nhập hết vào mỏm đá quỷ trên núi, ám hại dân sứ này còn dài dài.

- Nó mọc lên ở chỗ nào, hở mình?

- Ở ngay phiến đá nhẵn lỳ mà tôi với mình thường hay ngồi lúc mới quen nhau ấy. Chỗ mình ngồi bây giờ thành đỉnh đầu của mỏm đá mặt quỷ.

- Mình nom thấy nó có dữ tợn không?

- Ghê lắm mình ạ! Hai hốc mắt sâu hoắm. Mặt sần sùi trốc lở. Cái hàm đười ươi nhe răng nhọn hoắt như muốn nhai tươi nuốt sống mọi sinh linh trên mặt dất.

Bà bá hộ thở dài ngước nhìn lên đỉnh màn. Đôi dòng lệ chảy tràn xuống gối. Đứa bé bên cạnh ọ oẹ đòi ăn. Bà xoay nghiêng người, vạch vú cho con bú. Miệng bà bất giác bật lên câu hát ru của những người dân xa xứ lang thang. Lời hát nghe ai oán, não lòng:

Ầu ơ… một kiếp con người

Nợ nần kiếp trước, luân hồi trả vay

Biết thân lăn lóc đọa đầy

Thà làm hạt bụi chân mây cuối trời…

Ông Bá hộ Tùng nhìn đứa trẻ háu ăn, bú tòm tọp vào núm vú mẹ, lòng bồi hồi nhớ lại quẻ bói dịch hồi đêm ông đã xem. Thằng bé này mai sau sẽ làm nên những chuyện động trời. Trai thời loạn, gái thời bình. Vận số dân nước mình sẽ trải qua một thời tao loạn, núi xương sông máu. Theo cách tính củaChudịch thì khoảng chẵn ba con giáp nữa, vào năm Tý sáu mươi, lúc thằng bé 36 tuổi sẽ bắt đầu đại loạn. Cung nô bộc của nó có một vì sao lạ không rõ hình tích, lúc sáng lúc mờ. Cái điềm đàn dơi núi bay từ hang đá trong núi Linh Mẫu vào vườn soài là ứng với thằng bạn đồng tuổi Tý sẽ cùng nó phất lên vào năm Canh Tý sáu mươi. Một đứa làm tướng dưới đất, một đứa làm tướng trên trời. Hai đứa cùng học một lớp ở trường võ bị vào năm Mậu Tý bốn mười tám và thân thiết với nhau từ đó. Chúng sẽ thành cặp bài trùng dựa vào nhau để thăng tiến, nhưng luôn gầm ghè muốn làm thịt lẫn nhau. Trời sinh ra một đứa thâm trầm, nhiều mưu mẹo kín đáo, còn một đứa ngông nghênh bốc đồng. Thằng bạn kia có lúc hớ hênh làm cái bung sung cho thằng bé nhà mình giật dây phát ngôn với bàn dân thiên hạ, song không dễ gì kiềm chế nó. Một con chuột đồng, một con dơi núi đua nhau tranh bá đồ vương giữa thời tao loạn...

Người quản gia bước vào, nhắc tướng quân Huỳnh Bá Vương đã đến giờ đi tản bộ và tập khí công ngoài hoa viên biệt thự. Ông ta cầm chiếc ba toong khảm đầu rồng, có hai viên đá hồng ngọc ở mắt, kính cẩn đưa cho chủ nhân. Tướng quân họ Huỳnh gật đầu mỉm cười nhìn viên quản gia trung thành. Ông ta là người gốc quê ở chân núi Linh Mẫu. Năm Tý sáu mươi sảy ra chính biến, lúc đó tướng quân họ Huỳnh mới đeo lon Trung tá, nhờ có công phò giúp Tổng thống dẹp loạn nên được vượt cấp vinh thăng Thiếu tướng. Ba năm sau đó cũng chính tướng quân họ Huỳnh lại ngả theo phe đảo chính bao vây dinh Tổng thống để người bạn thân là tướng không quân Nguyễn Đại Long ném bom sát hại anh em Tổng thống. Người được ông và Đại Long sai giết Tổng thống chính là viên quản gia bây giờ. Vốn tính đa nghi nên tướng quân họ Huỳnh từ ngày chuyển sang làm chính khách chỉ dùng toàn người cùng quê, biên chế họ vào đội cận vệ của mình. Ông ta chỉ huy đội cận vệ rất mẫn cán, đến ngày tàn cuộc chiến, phải theo chủ chạy ra đảo quốc thì trở thành người quản gia cho tướng quân họ Huỳnh.

Tướng quân Huỳnh Bá Vương lững thững chống ba toong dạo quanh hoa viên biệt thự. Cơ ngơi này ông mua của con trai ngài Tổng thống đương nhiệm trên đảo quốc với giá hai triệu đô la. Nó nằm trên quả đồi nhìn ra biển, tứ bề lộng gió. Hoa viên rộng chừng một trăm mẫu, với những hàng thông cao to chạy dọc lối đi bằng bê tông và cả một rừng hoa các loại, bốn mùa nở rộ. Nó còn là một vườn thú nuôi đủ các loài gậm nhấm quý hiếm mua từ khắp các châu lục: Chồn bay, chuột túi căng gu ru, sóc đuôi cờ, cày xạ hương, chồn lông đỏ, nhím khoang tứ đốm... Cái tuổi Giáp Tý và câu chuyện mẹ kể ngày xưa như vẫn ám ảnh tướng quân họ Huỳnh. Những năm tháng tuổi già, sống tha hương nơi đất khách quê người, ông chỉ thích nuôi thật nhiều loài thú gậm nhấm. Ở đảo quốc châu Á toàn người mũi tẹt da vàng này, ông vẫn còn được trọng vọng, vì nể. Nhiều lúc nghĩ đến tướng Nguyễn Đại Long, kẻ kình địch trên chính trường, ông lại mỉm cười thương hại cho anh chàng phổi bò. Mang thân là chính khách lưu vong mà đi cư ngụ ở mẫu quốc thì đâu dễ được đàng hoàng thanh thản như Huỳnh Bà Vương ở đảo quốc đồng minh. Càng ngẫm, ông càng phục tài bói dịch của bố và những lời tiên đoán năm xưa về quan hệ giữa ông và tướng Nguyễn Đai Long.

Vương và Long cùng học một khoá sĩ quan trường võ bị quốc gia ở Đà Lạt. Ngày ấy, Vương có dáng thư sinh, nho nhã, biết kiệm lời và chọn câu chữ tế nhị mỗi lần giao tiếp. Long cùng tuổi Tý, nhưng tính tình sôi nổi, thuộc nhiều chuyện tiếu lâm, sống ngang tàng và tán gái nhanh như chảo chớp. Họ thân nhau như hình với bóng. Vũ trường hay quán bar nào có cô gái nhà lành xinh đẹp mới vào làm, Vương đều rủ Long đến mở đầu màn tán tỉnh. Trong khi Long nốc rượu, khoa chân múa tay, huyên thuyên tán tỉnh thì Vương ngồi nhấp nháp ly rượu vang Pháp lắng nghe, thỉnh thoảng đưa mắt sang người đẹp nói đôi lời lấp lửng đầy ý tứ. Quả nhiên về sau các nàng tuy lấy cớ hẹn Long, nhưng mục đích là gặp Vương. Cuộc đời binh nghiệp gắn bó hai người thành cặp bài trùng để Long xông xáo hò hét cho Vương thực hiện mọi ý đồ. Cuộc chính biến năm Tý sáu mươi cũng nhờ Vương phân tích cho Long thế lực của Tổng thống còn đang mạnh, rồi qua Long vận động thêm các sĩ quan cấp tá ủng hộ Tổng thống chống lại phe đảo chính, nên hai người cùng được vinh thăng cấp tướng. Ba năm sau, lại chính Vương lôi kéo Long mang lực lượng không quân phối hợp với mình bao vây và giết hại Tổng thống. Chỉ khi hai người đã ngồi ngất ngưởng trên ngôi cao quyền lực họ mới nảy sinh lòng thù ghét, ra mặt đả kích, chống phá nhau kịch liệt. Tuy vậy bản tính bông lông khiến nhà chính khách Long càng lăng mạ, chửi bới, càng củng cố thêm uy tín, quyền lực cho ông bạn vàng túc trí đa mưu. Lời tiên đoán của ông Bá hộ Tùng dưới chân núi có hòn đá mặt quỷ khiến Vương suốt một thời dấn sâu vào chính trường càng thấy linh nghiệm...

Nhưng có một điều tiên đoán trong quẻ dịch, ông Bá hộ Tùng không nói với vợ, âm thầm mạng theo sự bí mật sang bên kia thế giới. Ông chỉ làm một bài sấm để dân chúng quanh vùng truyền tụng và chiêm nghiệm về sau:

Sông máu núi xương
Đắp thành nghiệp vương
Chỉ qua một giáp
Oan hồn tứ phương
Phá tan mặt quỷ
Sắc sắc không không
Ba năm sau đó.


Năm Tý sáu mươi, đô thành đẫm máu trong cuộc đảo chính không thành, bị Tổng thống ra lệnh đàn áp. Nghe tin con trai nhờ trận tắm máu này được vinh thăng cấp tướng, bà Bá hộ buồn rầu ăn chay, thắp hương lễ tạ linh hồn chồng rồi lập chùa, đi tu ở núi Linh Mẫu. Hàng ngày bà gõ mõ, tụng kinh sám hối cho con trai, nhất quyết không chịu về nhà. Tướng quân Huỳnh Bá Vương về quê thăm mẹ, nghe dân gian truyền tụng bài sấm lòng thấy nửa tin nửa ngờ. Giờ ông nhớ lại buổi hai mẹ con gặp nhau trong chùa ngày đó.

- Lạy mẹ, con đã về.

- A di đà phật! Ta đã chút bỏ bản ngã, mang tâm đến nương nhờ Phật tổ. Kẻ vô ngã không có mình làm sao có gia đình, con cái.

- Lạy mẹ, xin mẹ đừng làm con sợ.

- Mô phật! Thí chủ từ đâu đến sao quanh mình âm khí nặng nề, tanh mùi máu?

- Mẹ ơi! Con là người lính. Con phải bắn giết những kẻ chống đối theo lệnh Tổng thống mà thôi.

- Mô phật! Nhân sinh là kiếp luân hồi. Việc đời nhân nào quả nấy. Thí chủ hãy nghe ta:

Của cải là phù du
Lợi danh hư ảo tất
Sẽ biến thành bụi cát
Quỷ dữ và hiền nhân

Oán cừu trả bằng ân
Cây đời sai quả phúc
Lưu truyền là âm đức
Ác tâm theo xuống mồ..
.

Bà mẹ nói xong, nhắm mắt ngồi tĩnh tâm trước phật đài. Tướng quân Huỳnh Bà Vương quỳ đợi hồi lâu bất lực, đành lủi thủi xuống núi. Ông bùi ngùi thương mẹ, nhưng lại tự nhủ lòng: Chí làm trai phải nuôi việc lớn. Phận nam nhi phải thành danh trong thiên hạ. Chính trường là cuộc tàn sát khi công khai, khi ngấm ngầm. Muốn thành danh con người phải có máu lạnh, khi cần phải tàn nhẫn và giả trá... Mang nặng trong lòng ý nghĩ ấy, Huỳnh Bá Vương quay lại đô thành, lao vào chém giết, bày mưu, gài bẫy trên đường thăng tiến của quyền lực. Mười hai năm sau, đúng vào năm Tý bảy hai, ngôi chùa của bà Bá hộ bỗng nhiên bốc cháy trong đêm. Sau cái chết của bà, một trận mưa khủng khiếp kéo dài suốt bảy ngày đêm. Trời đất tối tăm mù mịt, sấm chớp đùng đùng. Tan cơn mưa, người ta thấy mỏm đá mặt quỷ trên núi Linh Mẫu bị sét đánh vỡ toác làm đôi. Tướng quân Huỳnh Bá Vương nghe tin bủn rủn tay chân, tâm thần hoảng loạn. Ông nhớ lại mấy câu cuối trong bài sấm:

Oan hồn tứ phương
Phá tan mặt quỷ
Sắc sắc không không
Ba năm sau đó.


Lời sấm mách bảo ông, thời vận trên chính trường sắp hết, nhiều lắm là ba năm, phải mau chuẩn bị phòng thân. Nhìn lại các chiến hữutâm phúc, ônghoang mangthấy mình đã gạt bỏ, rơi rụng gần hết, chỉ còn kẻ khắc tinh Đại Long đang mưu toan lật đổ mình. Ngoài chiến trường thua quân mất đất. Trong đô thành âm ỉ ngòi nổ bạo lực của Nguyễn Đại Long. Đồng minh ở xa bên kia Thái Bình Dương hờ hững bỏ rơi. Tướng quân họ Huỳnh chỉ còn biết ngấm ngầm ra lệnh cho tay chân vơ vét vàng bạc của công quỹ, giục vợ nhanh chóng thu hồi tiền vốn các băng nhóm, đường dây ma tuý. Trong vòng ba năm ông thu về gần chục tấn vàng rồi tháo chạy sang đảo quốc, trước ngày đối phương tấn công vũ bão vào đô thành.

Mặt trời đã lên cao, đỏ như chậu máu trên biển. Đàn thú gậm nhấm “chít chít” kêu trong các chuồng đòi ăn, làm huyên náo cả hoa viên biệt thự. Người quản gia giương ô che nắng, dục Tướng quân Huỳnh Bá Vương quay về phòng. Trong ông bỗng nhiên thấy cô quạnh, trống trải. Tận trong sâu thẳm, ông nhói lên niềm nhớ quê, thương mẹ, thương cha. Vàng bạc, kim cương, đô la và tất cả mọi của cải chẳng còn chút ý nghĩa gì đối với tướng quân họ Huỳnh. Vợ ông giờ này chắc đã ngồi xoa mạt chược với mấy phu nhân quyền quý người bản địa. Các con ông thảy đều lấy chồng Tây hay vợ Tàu và đã dắt díu nhau đi ở bên Tây, bên Mỹ. Chúng chẳng thiết về với đôi vợ chồng già lẩm cẩm, nếu có viết thư, đọc lên chỉ thấy đòi phân chia tài sản trước khi ông chết. Ông thèm được về quê leo núi Linh Mẫu hay tắm mình trong biển ngập nắng, nhưng lại sợ dân chúng căm thù hành quyết. Bên tai ông văng vẳng tiếng những oan hồn đòi mạng. Quanh ông nhìn đâu cũng hoá xác người cụt chân, gãy tay hay lòi ruột. Người quản gia thấy chủ nhân chóng mặt, lảo đảo sắp ngã. Ông ta đỡ tướng quân Huỳnh Bá Vương vào buồng nằm nghỉ. Từ sáng hôm đó, tướng quân ốm liệt giường, luôn mê sảng. Bác sĩ giải thích đó là bệnh của người già cả nghĩ.

(Vũ Ngọc Tiến
Phan Rang 1995).