CHỨNG MINH HAY VIẾT LẠI LỊCH SỬ?





Ngày xưa khi Khổng tử được học trò hòi: “Nếu thầy được làm quan thì việc đầu tiên thầy sẽ làm gì?”. Khổng tử trả lời: “Nếu ta làm quan, việc ta phải làm là chính danh”. Học trò lại hỏi: “Thưa thày. Chính danh là như thế nào?”. Khổng tử trả lời: “Chính danh là gọi đúng tên sự vật, sự việc”.

Ngày Thiên Sứ tôi còn nhỏ, chừng 14, 15 tuổi khi xem đoạn trên trong cuốn “Cổ học tinh hoa”, nghĩ mãi tại sao “chính danh” là gọi tên đúng sự vật, sự việc? Sự vật, sự việc nào mà chẳng đã có tên gọi của nó rồi, thế ngài Khổng tử còn gọi như thế nào?

Sau này khi lớn lên, sự trải nghiệm cuộc đời và xem rộng các sách, mới thật hiểu thế nào là chính danh. Cuộc sống “trùng trùng duyên khởi”, cái cũ mất đi, cái mới xuất hiện, những cái mới cần chính danh. Và như vậy, bất cứ thời đại nào cũng cần chính danh. Cái “nicknem” trên diễn đàn mang dịch ra tiếng Việt gọi là gì? Gọi là tên riêng à? Không ổn? Người ta có tên riêng rồi mà? Gọi là bút danh à? Cũng không ổn! Ngày xưa các nhà thơ, nhà văn viết sách bằng bút, nên mới lấy một một danh hiệu riêng của mình ngoài tên thật, gọi là bút danh. Còn bây giờ gõ bàn phím mà “bút danh” cái gì? Thiên Sứ tôi mạo phạm gọi là “ký danh” thay cho từ “nicknem”. Có thể khái niệm “ký danh” không ổn. Vâng! Nhưng đấy là một thí dụ rất nhỏ về sự phát triển của cuộc sống và sự cần thiết phải chính danh.

Những chuyện quá lớn Thiên Sứ tôi không đủ khả năng lạm bàn. Ở đây Thiên Sứ tôi chỉ bàn trong giới hạn chính danh được phép bàn mà thôi. Tức là cụm từ : “Viết lại lịch sử” liên quan đến giáo sư Lê Mạnh Thát mà báo Thanh Niên đưa lên.

Ông Đinh Văn Lâm viết:

Tuy nhiên, các luận điểm được cho là gây 'chấn động' đòi đi đến viết lại lịch sử cổ đại và hình thành dân tộc Việt Nam của Thiền sư Lê Mạnh Thát, theo ông, còn phiến diện đặc biệt do sự hạn chế về phương pháp nghiên cứu, tư liệu, nhất là tư liệu khảo cổ học.

Lịch sử cổ đại và hình thành dân tộc Việt là một quá khứ đã tồn tại hoàn toàn khách quan. Có thể nói rằng: Tất cả các hiện tượng lịch sử đều là những tốn tại khách quan của qúa khứ. Người ta chỉ có thể giải thích nó như thế nào tuỳ theo quan điểm lịch sử, chứ không thể không thừa nhận tính tốn tại khách quan của hiện tượng đã tồn tại trên thực tế của lịch sử. Tần Thuỷ Hoàng là một bạo chúa, hay là người có công thống nhất đất nước Trung Hoa, tuỳ thuộc vào quan điẻm lịch sử. Chứ không thể phủ nhận tính tồn tại khách quan của con người Tần Thuỷ Hoàng và những việc làm của ông trong lịch sử. Tương tự như vậy, về bản chất cổ sử Việt là sự tồn tại khách quan. Tuy nhiên, tính đặc thù của cổ sử Việt là “khuyết sử” và chỉ được lưu truyền trong truyền thuyết và lịch sử chính thống đã chép lại từ truyền thuyết với những dấu ấn mơ hồ trong các bản văn lịch sử. Nhưng không phải vì thế mà người viết sử có thể tuỳ tiện viết về lịch sử cổ đại Việt vì bản chất tồn tại khách quan của nó, mà là phải chứng minh cho lịch sử cổ đai Việt vì tính khuyết sử của nó. Sự chứng minh này nhân danh khoa học, hay nói cách khác là “nhân danh đi tìm chân lý theo tư duy khoa học”.

Bởi vậy, nếu đã là nhân danh tính khách quan khoa học thì vấn đề khuyết sử trong cổ sử Việt phải được đặt vấn đề minh chứng trên cơ sở sự thẩm định những luận cứ bằng tiêu chí khoa học. Không có vấn đề viết lại lịch sử.

Do đó, việc đặt vấn dề như ông Đinh Văn Lâm nói trên BBC là “đòi đi đến viết lại lịch sử cổ đại và hình thành dân tộc Việt Nam của Thiền sư Lê Mạnh Thát”. là một cách dùng từ không chính xác. Tôi cho rằng: Xét về tính chính danh của sự việc thì giáo sư Lê Mạnh Thát và những người quan tâm đến cổ sử Việt không thể đòi “Viết lại lịch sử cổ đai và hình thành dân tộc Việt” mà chỉ có thể chứng minh cho một thời khuyết sử trong lịch sử cổ Việt.

Xét quan điểm cho rằng: “Thời Hùng Vương thực chất chỉ là liên minh 15 bộ lạc” với những người dân “ở trần đóng khố”, “tồn tại vào khoảng thế kỷ thứ VII trước CN” hoàn toàn không phù hợp với tiêu chí khoa học. Bởi vì nó không thể giải thích được một các hợp lý những hiện tượng và vấn đề liên quan đến nó. Những người có quan điểm này chỉ giải thích một cách rời rạc từng hiện tượng riêng rẽ, mà thậm chí vẫn còn bất hợp lý ngay trong từng hiện tượng được giải thích rời rạc đó. Thí dụ như ông Đào Duy Anh với minh chứng của ông thì khi Thục Phán mới lên 10 đã ..chống Tần; hoặc như quan điểm mới về niên đại tồn tại của An Dương Vương thì khi liên hệ với những hiện tượng liến quan Trọng Thuỷ chết ba năm rồi vẫn sinh con. ..vv..còn rất nhiều những sự vô lý khác mà giới hạn của bài viết không thể thống kê được.

Về nguyên tắc, chân lý đã là sáng tỏ thì không thể phủ nhận. Nếu lập luận chứng minh thời Hùng Vương chỉ là một liên minh 15 bộ lạc đã chặt chẽ và chứng tỏ được tính khoa học thật sự của nó thì không thể có hiện tượng phản biện nhân danh những tư liệu bản văn cổ dể phản bác và chứng minh cho một quan điểm khác.

Để cụ thể hơn, chúng ta xem lại câu nói này của ông Đinh Xuân Lâm, như là một tiêu chí cho phương pháp nghiên cứu lịch sử. Tôi xin lưu ý là:

Tiêu chí cho phương pháp nghiên cứu lịch sử chứ không phải quan điểm lịch sử. Ông Đinh Xuân Lâm nói:

"Về mặt phương pháp khoa học nghiên cứu sử học, thì phải mở rộng cái diện nghiên cứu các nguồn tư liệu và phải tiến hành đối chiếu, so sánh các nguồn tư liệu trước khi đi tới một sự khẳng định,"

Như vậy thì cứ theo chính tiêu chí về phương pháp nghiên cứu này của ông Lâm đưa ra đã cho thấy khi chứng minh quan điểm phủ nhận truyền thống , các ông đã không “tiến hành đối chiếu, so sánh các nguồn tư liệu trước khi đi tới một sự khẳng định," mà ở đây là những bản văn mà giáo sư Lê Mạnh Thát đã sử dụng. Bởi vậy, giáo sư Lê Mạnh Thát mới có cơ sở sử dụng nhưng tư liệu mà các ông chưa hề “tiến hành đối chiếu, so sánh các nguồn tư liệu trước khi đi tới một sự khẳng định," để biện minh cho quan điểm của giáo sư. Nếu như các ông đã xem những tư liệu này của giáo sư Lê Mạnh Thát (tức là đã “đối chiếu, so sánh các nguồn tư liệu trước khi đi tới một sự khẳng định”) ,và đã có những chứng giải hợp lý thì giáo sư Lê Mạnh Thát sẽ không có cơ sở nào để dùng những tư liệu này để chứng minh cho quan điểm của mình. .

Do đó, khi có những tư liệu khác, hoặc những hiện tượng lịch sử khác mà các ông chưa phát hiện ra, mà người khác phát hiện ra thì đáng nhẽ các nhà nghiên cứu nghiêm túc phải thận trong xem xét trước khi kết luận. Vì đó là những tư liệu hoặc những hiện tương có khả năng phản biện đã nằm ngoài những tư liệu được quán xét để có một kết luận trước đó .

Từ nhưng dẫn chứng trên, cho ta thấy rằng: Dù là quan điểm nào – phủ nhận hay phục hồi truyền thống đều là sự chứng minh cho lịch sử chứ không phải là “viết lại lịch sử”. Lịch sử là sự tồn tại khách quan của quá khứ. Khi con người muốn tìm về quá khứ bị khuyết sử thì phải chứng minh cho sự tồn tại khách quan của lịch sử. Khái niệm “viết lại” hoàn toàn mang tính chủ quan. Chẳng có ai “viết lại” – nếu sự viết lại được hiểu theo nghĩa phủ nhận tính khách quan của lịch sử – Tôi cho rằng: Nếu đã nhân danh khoa học thì không có vấn đề viết lại lịch sử mà nên là đặt vấn đề là “chứng minh cho lịch sử”.

Như vậy, nếu là việc chứng minh cho lịch sử - tôi nghĩ nó đỡ căng thẳng hơn vì tính chính danh của nó - khi có những nhận định khác nhau nhân danh tính khách quan khoa học về bản chất thời cổ sử Việt.

Trong hai luận điểm khác nhau về thời cổ sử Việt, tất sẽ phải có một cái đúng và một cái sai. Đây là một trường hợp không có cả hai đều đúng, mà chỉ có cả hai đều sai. Vì chân lý chỉ có một mà thôi. Chưa có một cuộc tranh luận công khai, vậy cũng không nên vội đặt vấn đề viết lại lịch sử.

Tôi nghĩ điều này rất khách quan, nếu được sự quan xét nghiêm túc của những nhà nghiên cứu khoa học và nó sẽ không gây sốc cho luận điểm lịch sử về cội nguồn dân tộc Việt bị chứng minh là sai.

Vì tính nhân danh khoa học được phổ biến trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và sự mong muốn chứng minh cho chân lý.. Thiên Sứ tôi cũng không quản ngại những khó khăn trong cuộc sống riêng tư của mình để chứng minh cho một thời cổ sử Việt trải gần 5000 năm văn hiến. Chẳng phải vì một lợi nhuận và danh vọng, địa vị xã hội gì ngoài việc đi tìm chân lý. Tôi không còn trẻ để phấn đấu cho tương lai.

Bởi vậy, đây là bài viết cuối cùng của tôi trên blog liên quan đến sự kiện của giáo sư Lê Mạnh Thát.

Chúc các bên tham gia tranh luận tìm được chân lý cuối cùng trong việc chứng minh cho một thực tế đã tồn tại của một thời khuyết sủ Việt. Trong lúc bức xúc, có thể có vài lời chưa dược nhã nhặn. Mong quí vị cũng thông cảm.

Thiên Sứ