Nguồn gốc :


Hình Ý Quyền là một trong ba môn võ hiện được xếp trong Nội Gia mà truyền thuyết cho xuất phát từ núi Võ Đang. Sự thật môn Hình Ý Quyền, lúc đầu mang tên Lục Hợp Quyền, bắt nguồn từ Cơ Tế Khả, biệt danh Long Phong (1602-1683), người tỉnh Sơn Tây. Tài liệu có ghi lại là Cơ Tế Khả có viếng chùa Thiếu Lâm. Hiện nay tại chùa vẩn còn lưu truyền bài Tâm ý bả, với đòn thế rất giống môn Hình Ý hiện đại.
Cơ Tế Khả có hai học trò Tào Kế Võ và Trịnh lão sư.
Tào Kế Võ là một vị tướng dưới triều Hoàng đế Khánh Hy (1662-1772), và dạy cho hai anh em Đới Long Bang (khoảng 1713-1802) và Đới Lăng Bang, người tỉnh Sơn Tây.
Còn Trịnh Lão sư dạy cho Mã Học Lể (khoảng 1715-1790), người tỉnh Hà Nam.
Từ hai nhân vật Đới Long Bang và Mã Học Lể, môn phái chia thành ba chi nhánh.

Từ Mã Học Lể bắt nguồn chi phái Hà Nam, lấy tên Tâm Ý Lục Hợp Quyền. Ông chỉ truyền dạy cho người đạo Hồi. Lự Khao Cao (1873-1963) là người đầu tiên dạy ngoài giới Hồi giáo.

Đới Long Bang dạy hai con trai là Văn Lương và Văn Huân, và Lý Lạc Năng (khoảng 1808- 1890), biệt danh Năng Nhiên.
Đới Văn Lương và Đới Văn Huân chỉ dạy trong gia đình, và cho con trai. Cho tới Đới Khôi (1874-1951), vì không có con trai nên mới chịu truyền ra ngoài dòng tộc. Vì vậy chi phái Sơn Tây, mang danh là Tâm Ý Quyền, mới được phổ biến sau nầy.

Lý Lạc Năng sau khi học với Đới Long Bang, trở về Hà Bắc và thâu học trò tại đây. Từ đó bắt nguồn chi phái Hà Bắc, với tên là Hình Ý Quyền. Chi nhánh nầy được nhiều người theo học và được biết hơn hai chi phái kia. Vào cuối thế kỷ thứ 19, Lý Tồn Nghỉa (1847-1921) và Lưu Vỹ Tường thành lập với hai võ sư Thái Cực Quyền và Bát Quái Chưởng, môn Nội Gia Quyền. Từ đây bắt đầu sự lầm lẩn với môn Nội Gia xưa ghi lại bởi Hoàng Tông Hy (1610-1695), và người ta đều nghỉ là Nội Gia bao gồm ba môn Hình Ý Quyền, Thái Cực Quyền và Bát Quái Chưởng !

Đặc điểm :
Chiến đấu pháp của Hình Ý Quyền có thể tóm gọn trong hai câu : "Mạn công trực thủ, hậu phát tiên chí" (tấn công nhanh trên đường thẳng, đi sau tới trước), "Thiếp thân kháo đả, dĩ đoản chế trường" (Đến sát thân địch vừa hất vừa đánh, dùng đòn ngắn thắng đòn dài). Vì môn đồ Hình Ý Quyền chuyên đánh trên đường thẳng, nhập vào trung môn (chánh diện), nên không cho địch thủ có cơ hội phát triển đòn công và tuy ra đòn sau nhưng đòn lại tới trước. Khi tới sát địch thì hất hay đánh. Chi phái Hà Nam chuyên về hất. Nhưng lúc địch thủ nhanh hơn, thì môn sinh Hình Ý Quyền chạy tấn công bên hông.
Kình lực được phát huy qua sự phối hợp giữa bộ tiến, eo xoay, cột xương sống trôi lên sụp xuống và đòn tay đánh tới.
Tuy là môn phái miền Bắc Trung Quốc nhưng sử dụng nhiều đòn tay hơn đòn đá. Đòn đá lại không quá bụng. Đòn thế lúc phát thì có kình.
Chi phái Hà Bắc đòn thế ngắn gọn, đơn giản dựa trên 17 thế căn bản là Ngũ Hành quyền và Thập nhị Hình quyền. Những bài quyền có Ngũ hành liên hoàn quyền, Thập nhị hình quyền, Tạp thức trùy, Tứ bả quyền, Thập nhị hồng trùy...
Chi phái Sơn Tây giống chi nhánh Hà Bắc hơn. Chương trình huấn luyện bao gồm Ngũ hành quyền, Thập đại hình, Giao tế tứ bả, Ngũ thãng hạp thế...
Chi nhánh Hà Nam thì khác hẳn hai hệ phái trên, đòn thế rộng hơn, mạnh bạo hơn, căn bản chỉ có Thập đại Hình Quyền. Quyền thuật có những bài Thập đại hình, Tứ bả trùy...

Và chúng tôi phải nói tới môn Ý Quyền (còn có tên là Đại Thành Quyền), sáng lập do Vương Hương Chai (khoảng 1885-1963) trên nền tảng Hà Bắc Hình Ý Quyền pha lẩn với vài môn võ khác. Môn nầy không có bài quyền, và rất chú trọng tới phần Ý hơn là phần Hình, nên đặc biệt luyện tập Trạm thung (môn sinh đứng bất động giữ một tư thế và hít thở).

Kết luận : Hình Ý Quyền là môn võ miền Bắc Trung Quốc, có nguồn gốc từ chùa Thiếu Lâm tại tỉnh Hà Nam, với nhiều đòn tay hơn đòn chân, đòn thế đơn giản và mạnh bạo. Môn nầy không có liên quan lịch sử với môn Nội Gia Quyền ghi lại bởi Hoàng Tông Hy vào thế kỷ thứ 17, như hiện nay nhiều võ sư lầm tưởng.



Nguyễn Quí Jacques & Dufresne Thomas
Báo Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh