Dịch vụ Hosting ở Việt Nam: vàng thau lẫn lộn?

Tags: Việt Nam, Hoàng Anh, nhà cung cấp dịch vụ, công ty phần mềm, chuyên viên thiết kế, dịch vụ hosting, một công ty, tại Hà Nội, ở nước ngoài, chất lượng, sử dụng, khách hàng, của các, máy chủ, than"Các dịch vụ hosting có máy chủ (server) đặt tại Việt Nam chất lượng tương đối tốt thì có giá trên trời! Sử dụng dịch vụ host của các đại lý phân phối nước ngoài giá rẻ hơn nhưng chất lượng thì như đi... "bốc thăm trúng thưởng". May thì được host tốt, rủi thì chạy loăng quăng mà đổi nhà cung cấp!", Hoàng Anh - chuyên viên thiết kế web một công ty phần mềm ở Hà Nội than vãn.




Hosting - Dịch vụ lưu trữ web (nơi lưu trữ dữ liệu trên một máy chủ xác định) luôn là thị trường tiềm năng trong nhiều năm qua, do phong trào "người người làm web, nhà nhà làm web". Tuy nhiên, cũng vì thế mà chất lượng của loại hình dịch vụ này lâu nay vẫn bị than phiền là "thả nổi", "vàng thau lẫn lộn". Sự bùng phát về số lượng các nhà cung cấp dịch vụ hosting và domain không đi đôi với chất lượng.

Người dùng than vãn

"Các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ web ở Việt Nam chắc phải đặt máy chủ ở trên... trời, chỉ có thế mới khiến giá cả dịch vụ hosting cao như thế!"Anh Hoàng Ngọc - một lập trình viên tại Hà Nội nói vui. Để dẫn chứng, anh Ngọc đưa ra bảng giá dịch vụ hosting của một trong những nhà cung cấp lớn nhất Việt Nam, theo đó giá cước một tháng cho dịch vụ hosting đơn giản (Basic Hosting) đã là 150.000 đồng với dung lượng tối đa 25 MB, gói dịch vụ chuyên nghiệp (Professional Hosting) có giá lên tới 900.000 đồng cho tối đa 300 MB dung lượng/tháng. Trong khi đó, với một nhà cung cấp hosting ở nước ngoài, gói dịch vụ Host chuyên nghiệp với dung lượng 20 GB (Space: 1GB, Bandwidth: 20GB) giá chỉ có hơn... 150.000 đồng/tháng (10 USD).

Tuy nhiên, việc sử dụng dịch vụ hosting có một đặc điểm là khách hàng phụ thuộc khá nhiều vào vấn đề hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ nhà cung cấp dịch vụ. Có lẽ, đó chính là nguyên nhân quan trọng khiến các doanh nghiệp lớn có nhu cầu sử dụng dịch vụ hosting ở Việt Nam đành "cắn răng" đóng phí giá cao.

Còn với dân làm web nghiệp dư, DN nhỏ hoặc các cá nhân, họ cho rằng, giá cước dịch vụ host của các nhà cung cấp trong nước cao, nên cứ thoải mái đăng ký và sử dụng hosting của các nhà cung cấp nước ngoài, mặc dù không dám chắc rằng dữ liệu của mình sẽ được an toàn đến đâu?

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, cách đây một năm, vụ "bỏ trốn" của Công ty TNHH Telepacket do một Việt kiều Mỹ mở tại Việt Nam chuyên cung cấp Hosting cũng khiến hàng trăm khách hàng đang sử dụng dịch vụ của công ty này tại TP.HCM điêu đứng. Đây là công ty đã tài trợ host cho Diễn đàn tin học, đồng thời đặt baner quảng cáo tại đây. Rất nhiều thành viên theo đó đã sử dụng dịch vụ của Telepacket đến lúc này chỉ còn biết... kêu trời vì mất host, trong khi người nào cũng ký hợp đồng ít nhất là 1 năm.

Người bán kêu trời





Để đặt một server ở nước ngoài, các nhà cung cấp dịch vụ host tại Việt Nam phải trả một khoản chi phí từ khoảng 300-400 USD/tháng (Ảnh minh họa).


Đến lượt các nhà cung cấp dịch vụ host tiết lộ: "cung cấp host giống như làm dâu trăm họ, được thời gian đầu, thời gian sau thì tha hồ... nghe mắng mỏ". Anh Hùng - Giám đốc một công ty chuyên cung cấp host tại Hà Nội than rằng, khách hàng thường chia làm hai loại. "Một loại tương đối am hiểu kỹ thuật, nên ra khi sử dụng dịch vụ, họ thường xuyên tự ý sử dụng dịch vụ vào các mục đích khác nhau, đôi khi cả spam mail, DDoS, hoặc tự ý thay đổi lung tung trên host... khiến nhà cung cấp đau đầu. Khách hàng thuộc loại thứ 2 lại thiếu kiến thức, thành ra hơi một tý lại gọi nhà cung cấp để than phiền, mắng mỏ vì những lý do không đâu"... "Chúng tôi vì thế luôn đứng trong thế phải chịu trận"!

Tuy nhiên, than phiền kiểu này của nhà cung cấp có vẻ vô lý!. Bởi đã làm người cung cấp dịch vụ cho khách hàng, thì điều đương nhiên, họ phải đảm bảo phục vụ tốt mọi đối tượng khách hàng, không thể than: "đối tượng này hiểu biết, đối tượng kia thiếu kiến thức"!

Có một điều, nhà cung cấp dịch vụ cũng thường xuyên là nạn nhân của các trò lừa đảo đa dạng liên quan đến hosting. Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ hosting (xin giấu tên) cười khổ: "Thủ tục khai báo thông tin cá nhân cho khách hàng mà không "thoáng" thì khách hàng đi hết, thoáng quá thì nhà cung cấp thường xuyên "giơ đầu chịu báng". Làm sao quản lý được cả ngàn domain, subdomain mỗi ngày? Họ đưa tool hack, virus, tung thư rác. DDoS qua website... chính nhà cung cấp hosting bị thiệt đầu tiên, mà nhiều khi không tìm được khách hàng là ai!"

Về vấn đề chi phí, kỹ thuật viên một công ty cung cấp Hosting theo dạng đại lý cho biết, để có một dịch vụ đảm bảo chất lượng, đối với các nhà cung cấp đặt máy chủ ở nước ngoài, thường chi phí lên đến khoảng 300-400 USD/1server/tháng. Với chi phí đó, không phải bất kỳ nhà cung cấp hosting nào ở Việt Nam cũng có thể duy trì để cung cấp dịch vụ host đảm bảo.

Anh kỹ thuật viên nói trên cũng thú nhận: "Chúng tôi chỉ thuê một gói dịch vụ có dung lượng tương đối lớn từ nhà cung cấp nước ngoài, sau đó chia nhỏ ra để cho thuê lại, và "share host" để khai thác người dùng tối đa nhằm giảm chi phí". Điều này rõ ràng đã khiến chất lượng dịch vụ không thể tốt. Anh này cũng khẳng định, đây là biện pháp phổ biến của rất nhiều nhà cung cấp host giá rẻ khác ở Việt Nam.

Không ai kiểm tra chất lượng!

Rõ ràng, nhìn cả từ hai góc độ của "người mua" và "người bán", thị trường dịch vụ hosting ở Việt Nam đang ở tình trạng "rối như canh hẹ", "vàng thau lẫn lộn". Trong khi đó, người dùng dường như không thể kiểm tra được chất lượng một cách cụ thể trước khi sử dụng dịch vụ.

Về nguyên tắc, người dùng có thể kiểm tra tốc độ truy nhập của các website hiện đang được nhà cung cấp dịch vụ nào đó cung cấp host để test thử, song nó cũng chỉ phản ánh được chất lượng tức thời vào thời điểm kiểm tra, khó mà chắc chắn được điều gì.

Đa số người dùng quan niệm rằng, web cứ chạy nhanh, tức là đã được host tốt, nhưng trên thực tế, điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như: tốc độ đường truyền Internet. Với một hạ tầng ADSL ở Việt Nam mà nhiều người định nghĩa vui là ..."Auto Disconnect and Supper - Laggy", thì việc kiểm tra chất lượng host càng trở nên nan giải.

"Ở Việt Nam hiện tại, các vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng về dịch vụ Hosting cũng chưa được cấp quản lý đặt ra một cách cụ thể. Có lẽ cách tốt nhất là người dùng nên tham khảo qua các website thống kê bình chọn tương đối khách quan của nước ngoài, hoặc qua các diễn đàn, nhằm tìm đến những nhà cung cấp dịch vụ có chút uy tín. Tất nhiên, kết quả cũng chỉ là... tương đối"!đại diện một nhà cung cấp dịch vụ host tại Hà Nội đưa ra lời khuyên.

Thế Phong