Đi tìm hình hài biệt thự Hà Nội

04/09/2012 06:00:00 (GMT+7)
.printPage .noPrint {display:none !important;}
Biệt thự - có phải là từ ghép dinh thự riêng biệt, nếu quả đúng như vậy thì biệt thự Hà Nội chỉ có ở khu phố Tây-khu phố mới xây đầu thế kỷ XX ở phía Nam Hồ Gươm, khu phía Bắc Hồ Gươm là khu phố ta mà bây giờ ta gọi là khu phố cổ hay khu 36 phố phường. Vài chục năm sau có khu phố Tây ở phía Bắc Thành phố, ngay nay là quận Ba Đình, ở phía Nam khu phố Tây có thêm khu phố mới xây theo lối Tây nhưng phần lớn là người Việt Nam khá giả sinh sống.



Gần đây ta nghe đến con số 1600 biệt thự, những năm 90 con số là là 4.000, còn trước năm 1954 thì có thể là vài vạn. Những người Hà Nội xưa đi qua khu phố Tây thì rảo bước vì nó vắng vẻ, xa lạ và có phần cách biệt. Hầu hết những biệt thự lớn do các viên chức cao cấp người Pháp ở, những người Pháp giàu có (chủ nhà băng, đồn điền, hầm mỏ, hãng buôn lớn) thì ở tập trung trên quận Ba Đình – nhiều ngôi nhà sang trọng, lịch lãm ngày nay làm sứ quán – cơ quan đối ngoại.

Năm 1889 có 439 người Pháp ở Hà Nội, năm 1908 có 4.000 người, năm 1940 có 1/3 người Pháp sinh ra tại đây. Năm 1923, Hà Nội chỉ có 4.000 người Pháp, nhưng họ ở một nửa thành phố, còn 120.000 người Việt chen chúc trong 45% diện tích, còn lại 5% là của người Hoa...Từ sau những năm 1940, khi người Nhật vào Đông Dương, nhiều người Pháp vào rời Hà Nội vào Nam hay về nước và người Việt mua lại.



Biệt thự Pháp giữa lòng Hà Nội. (Ảnh: Hồng Khanh)

Sau năm 1954 thì số phận các biệt thự thay đổi nhiều, không kể những biệt thự dành cho các cơ quan nước ngoài sử dụng, hầu hết các biệt thự Pháp cho dù được xây dựng chắc chắn nhưng cũng xuống cấp nhanh. Trên phố Hoàng Diệu có mấy ngôi biệt thự lớn, lùi sâu vào phía trong khu vườn rộng, trông rất sang trọng. Sau năm 1954, biệt thự này là nơi ở của một vị tướng lừng danh. Vậy mà những năm 1990, vị tướng ấy sống khá đạm bạc với những cái tủ gỗ ghép và bộ bàn ghế đóng hàng loạt đặt giữa phòng khách, trông rất tương phản với cái cầu thang gỗ lim đen nhánh.

Trên phố Phan Đình Phùng cũng vậy, có một vị lãnh đạo cao cấp ở trong một biệt thự vốn của một ông chủ tư bản người Pháp. Sau năm 1975, cán bộ cơ quan có chở đến nhà ông một ô tô chở đầy tủ lạnh, máy điều hòa, quạt bàn, quạt trần… Ông kiên quyết không nhận, bắt trả về cơ quan… Chuyện ấy giờ nghe thì buồn cười, nhưng hồi ấy là khá phổ biến.

Phố Nguyễn Du bên hồ Thuyền Quang có nhiều biệt thự Tây nhưng chi tiết trang trí theo lối Tầu: ngói ống lưu ly, cửa sổ song gỗ ghép hình chữ triện… Ngôi nhà góc phố Quang Trung đẹp nhất, hoàn thành chủ chưa kịp vào ở thì viên tướng Nhật Bản lấy làm trụ sở, năm 1945 là nơi ở của Nguyễn Hải Thần – lãnh tụ Quốc Dân Đảng. Lùi về phía trên là là dãy nhà của mấy quan đầu tỉnh Hà Đông, Sơn Tây… Sau năm 1954 là nơi ở cao cấp, gần đây thấy sửa lại thành quán ăn sang trọng. Nội thất ngôi nhà vẫn trang trí trông rất quý phái, nghe đâu chủ quán phải trả mỗi tháng mấy trăm triệu.

Đầu phố Lê Thánh Tông có mấy biệt thự xây giống nhau, cao hai tầng, mỗi tầng có hành lang trước rộng dẫn vào hai buồng: một phòng khách, một phòng ăn. Tầng trên là hai phòng ngủ. Nhà nào cũng có vườn rộng phía sau, dãy nhà ngang cho người phục vụ: nấu bếp, tài xế và người làm vệ sinh, vườn tược. Đây là biệt thự công vụ, dành cho các giáo sư trường đại học Y- Dược, trường thì nằm giữa phố Lê Thánh Tông. Các giáo sư từ Pháp sang Hà Nội làm việc vài năm, sau đó người khác sang thay. Năm 1954, có một nhà giáo người Việt Nam về lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội, ông được Chủ tịch ủy ban quân quản cấp cho mẩu giấy bằng bàn tay đánh máy chữ “cấp cho ông… số nhà… phố Lê Thánh Tông làm trụ sở” ký tên, đóng dấu thiếu tướng Vương Thừa Vũ. Mới đầu chỉ có gia đình ông ở, sau ông thương tình cho anh lái xe đưa vợ con đến ở nhờ dãy nhà dưới, cấp phó của ông cũng được phân ở tầng dưới, ông lui lên tầng trên. Dần dà đến năm 1995 đã có 6 hộ ở cùng. Con cái ông lái xe bấy giờ chiếm ngõ mở cửa hàng bán café, vợ ông giáo phàn nàn thế là họ không bằng lòng, thỉnh thoảng họ xin đâu mấy tờ giấy dầu đốt ở sân, khói mù mịt xông vào phòng ông giáo ở tầng 2, ông cụ ho sù sụ, lấy giấy báo dán kín cửa lại, căn phòng cửa kính cửa chớp lịch lãm ngày xưa giờ thì trông giống cái hang hơn là nơi ở.



Sự kiêu hùng một thời đang dần xuống cấp trên từng mảnh từng, từng khung cửa đến không gian sống. (Ảnh: Hồng Khanh)

Cuối phố Quang Trung có ngôi nhà đẹp, rộng nhất phố - đó là của ông thầu khoán quân nhu thời tạm chiếm, bây giờ nhà ấy là cơ quan đối ngoại. Những năm 1965-1971, chúng tôi còn thấy con ông ấy chạy ngoài đường, anh ấy hơi lẩn thẩn, mặc mỗi cái quần đùi chạy khắp phố. Anh ấy vẽ rất đẹp, vẽ bằng phấn, gạch non xuống nền đường những nhân vật trong truyện Tam Quốc hay Thủy Hử rất sống động… thế rồi anh ấy biến mất trên đường phố lúc nào không biết.

Phía sau phố ấy có biệt thự hai tầng nằm sau mấy cây nhãn xanh um. Những năm 1972-1973 mới có vô tuyến, thì trẻ con toàn phải đi xem nhờ, cả phố có mỗi nhà của hai vợ chồng ông tướng người miền Nam mở cửa cho trẻ con cả phố vào xem. Phim có Dianop và Bôm bốp đã hay thì chớ, bà vợ ông tướng còn lấy một đĩa kẹo chia cho tất cả khán giả cởi trần ngồi đầy sân nhưng rất trật tự. Một thời gian sau hai vợ chồng ông ấy vào Nam, ngôi nhà phân cho người khác, suốt ngày đóng cửa im ỉm… nghe đâu biệt thự ấy hóa giá rồi, vài chục triệu thôi… số tiền đủ mua một cái ti vi.

Phố Triệu Việt Vương có ngôi biệt thự to, nhà của ông kỹ sư học bên Pháp về, ông làm cho nhà máy lớn – lương cao lắm. Có học, giàu có, ông lại tham gia hội đồng thành phố nên biết thông tin quy hoạch sớm, ông mua đất làm cả dãy nhà bán cũng lời mà cho thuê cũng cao giá. Ông sống vương giả lắm, năm 1965-196, Hà Nội chiến tranh, ông vẫn comple trắng chống ba tong đi ăn phở mỗi sáng. Con trai ông học sư phạm dạy học tít miền ngược, khổ quá không chịu nổi bỏ về Hà Nội lêu lổng, nghiện rượu nặng mất sớm. Nhà thì bán dần từng buồng, cháu ông giờ chạy xe ôm đầu phố.

Mỗi ngôi biệt thự có một hình hài, một số phận, kèm theo câu chuyện về các chủ nhân của nó. Gần đây Hà Nội cho phép tư nhân mua gom biệt thự để phục hồi như xưa. Nếu cái biệt thự nào hoàn thành việc ấy thì cũng là lúc sinh ra câu chuyện mới đấy.

Trần Huy Ánh