Sự Khác Biệt Giữa Phật, Duyên Giác, A La Hán

Kinh Ưu Bà Tắc Giới Phẩm Ba Loại Bồ Đề Đức Phật giảng về sự sai biệt của Phật, Duyên Giác, A La Hán như sau:

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Thế Tôn đã nói, Bồ Tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ đề có ba loại: Thanh Văn Bồ Đề, Duyên Giác Bồ Đề, và Phật Bồ đề. Nếu thành tựu Bồ đề gọi là Phật, tại sao Thanh Văn, Duyên Giác không được gọi là Phật? Nếu người giác ngộ pháp tính được gọi là Phật, Thanh Văn, Duyên Giác cũng giác ngộ pháp tính, tại sao không được gọi là Phật? Nếu người chứng được Nhất Thiết Trí được gọi là Phật, Thanh Văn, Duyên Giác cũng chứng được Nhất Thiết Trí , tại sao không được gọi là Phật?”

Thiện nam tử! Bồ Đề có ba loại: một là từ sự nghe Pháp mà chứng ngộ; hai là từ sự suy tư mà chứng ngộ, ba là từ sự tu hành mà chứng ngộ.

Thanh Văn từ sự nghe Pháp mà chứng ngộ, nên không gọi là Phật.

Duyên Giác từ sự suy tư mà chứng ngộ ít phần, nên gọi là Duyên Giác. Chư Phật là Bậc Không Thầy, cũng không nhờ nghe Pháp, hoặc suy tư, mà chỉ do sự tu hành mà giác ngộ tất cả, thế nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Vì thấu rõ pháp tính, nên gọi là Phật. Pháp tính có hai loại: một là Tổng Tướng, hai là Biệt Tướng. Hàng Thanh văn chỉ biết tổng tướng, nên không gọi là Phật. Duyên Giác, tuy đồng với Thanh Văn biết Tổng Tướng, nhưng chẳng phải do sự nghe Pháp, nên gọi là Duyên Giác.

Đức Như Lai Thế Tôn, thấu rõ tất cả Tổng Tướng, Biệt Tướng. Không do sự nghe Pháp, suy tư, không nương vào thầy, chỉ nương vào sự tu hành mà được giác ngộ.

Thiện nam tử! Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ viên mãn, biết tất cả các pháp. Thanh Văn, Duyên Giác tuy biết rõ bốn Thánh Đế, nhưng trí tuệ chưa viên mãn, do nghĩa nầy nên không gọi là Phật.

Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ viên mãn, biết tất cả các pháp, nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Như ba con thú: thỏ, ngựa và hương tượng, lội qua sông Hằng. Chân thỏ không chạm đến đáy sông, nổi trên mặt nước mà bơi qua. Chân ngựa thì có lúc chạm đến đáy sông, có lúc không chạm. Chân hương tượng thì lúc nào cũng chạm đến đáy sông. Ở đây, sông Hằng tượng trưng dòng sông mười hai nhân duyên. Khi hàng Thanh Văn vượt qua dòng sông mười hai nhân duyên, cũng giống như thỏ qua sông, khi hàng Duyên Giác vượt qua, cũng giống như ngựa qua song, khi Đức Như Lai vượt qua, cũng giống như loài hương tượng qua sông. Vì thế Đức Như Lai được gọi là Phật. Thanh Văn, Duyên Giác tuy đoạn Phiền Não, nhưng chưa đoạn Tập Khí. Còn Đức Như Lai đã nhổ tận gốc của tất cả Phiền Não và Tập Khí, nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Sự nghi có hai loại: một là Phiền Não Nghi, hai là Vô Ký Nghi. Hàng Nhị thừa tuy đoạn được Phiền Não Nghi, nhưng chưa đoạn được Vô Ký Nghi.

Như Lai đoạn hết cả hai sự nghi, nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Thanh văn chán sự nghe nhiều, Duyên giác nhàm sự nghĩ sâu, chỉ có Đức Phật, đối với hai việc nầy, tâm không nhàm chán, bởi thế nên gọi là Phật. Ví như vật sạch để trong đồ đựng sạch, trong ngoài đều sạch. Thanh Văn, Duyên Giác, trí tuệ tuy thanh tịnh, nhưng thân tâm không thanh tịnh. Như Lai không phải thế, trí tuệ và thân tâm đều thanh tịnh, thế nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Sự thanh tịnh có hai loại: một là trí tuệ thanh tịnh, hai là đức hạnh thanh tịnh. Thanh Văn, Duyên Giác tuy có trí tuệ thanh tịnh, nhưng đức hạnh không thanh tịnh.
Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ, đức hạnh đều thanh tịnh, thế nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Công hạnh của Thanh Văn, Duyên Giác có giới hạn, còn công hạnh của Đức Như Lai Thế Tôn thì không có giới hạn, thế nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Đức Như Lai Thế Tôn, trong một niệm trừ diệt hai chướng: một là Trí Chướng, hai là Giải Thoát Chướng, thế nên gọi là Phật. Đức Như Lai đầy đủ trí nhân và trí quả, thế nên gọi là Phật