Lầu Tứ Phương Vô Sự (Kinh thành Huế) thuộc Quần thể di tích cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới vừa được trùng tu với tổng kinh phí 9,3 tỷ đồng, nay đã được trưng dụng toàn bộ để mở quán cà phê.
Sự việc đang gây một luồng dư luận bức xúc cho đại đa số người dân Huế vì đây là lần đầu tiên, một di tích bị tận dụng toàn bộ để phục vụ cho việc kinh doanh, giải trí.

Một di tích độc đáo

Lầu Tứ Phương Vô Sự là một trong những công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo pha trộn Đông - Tây, được xây dựng vào năm 1923 (thời vua Khải Định). Nếu tính các di tích đứng trên mặt thành ở Đại Nội thì lầu Tứ Phương Vô Sự là cao nhất và có giá trị cao về mỹ thuật.

Lầu mang ý nghĩa là cầu mong mọi sự bình yên, là nơi học tập hàng ngày của các hoàng tử và công chúa giai đoạn cuối của triều Nguyễn. Ngoài ra, đây còn là vị trí mà nhà vua và hoàng gia ngồi hóng mát. Qua nhiều cuộc biến thiên lịch sử, lầu đã bị tàn phá nghiêm trọng, chỉ còn lại một phần tường nhỏ.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị chủ đầu tư đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Phân viện Khoa học Xây dựng miền Trung nghiên cứu các tư liệu thư tịch, điều tra thám sát khảo cổ học và lập dự án bảo tồn tu bổ di tích này với tổng mức đầu tư hơn 9,3 tỷ đồng.


ầu Tứ Phương Vô Sự sau khi tu bổ thành công cuối năm 2010

Công trình đã được đầu tư hệ thống tường, lan can, phục hồi lại nguyên bản lầu Tứ Phương Vô Sự xưa kia. Ở sân vườn, không gian cảnh quan môi trường đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, lắp hệ thống chống sét và phòng cháy cũng được tôn tạo lại như cũ.

Riêng lầu Tứ Phương Vô Sự sau khi tu bổ có hai tầng theo đúng nguyên bản xưa. Gồm: sàn lát gạch, trần làm bằng gỗ, có nhiều đèn mang phong cách Tây. Tầng dưới để các đồ sứ kiểu trưng bày, tầng trên để trống. Ngoài sân có nhiều hòn giả sơn và sứ, thông tạo cảnh quan thoáng mát.

Vào tháng 10/2010, di tích Lầu Tứ Phương Vô Sự đã được khánh thành và gắn biển công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trùng tu xong biến thành quán cà phê
Những ngày giữa tháng 5/2011, nhiều người dân Huế rất ngạc nhiên khi thấy lầu Tứ Phương Vô Sự được “trang hoàng” thêm bởi nhiều bàn ghế, bảng hiệu, đèn điện. Và đúng vào sáng 22/5, tại đây, một quán cà phê mang tên “Tứ Phương Vô Sự Lầu” đã được khai trương. Từ sáng đến tối, rất đông người kéo tới đây uống cà phê, đa phần vì tò mò và cùng có tâm trạng “buồn nhiều hơn vui”.


Lầu đã thành quán cà phê

Mục sở thị một vòng quanh quán cà phê “Tứ Phương Vô Sự Lầu”, ở tầng 1, các tủ kính trưng bày đồ sứ xưa đã không còn, thay vào đó là gần 10 bộ bàn ghế cùng quầy lễ tân với một máy tính, một máy tính tiền, một bàn thờ Thần Tài - Ông Địa, 1 tủ đá. Tầng 2 là không gian Trà đạo với nhiều nệm lót với bàn thấp ngồi bệt. Nhiều em nhỏ được ba mẹ dẫn lên chơi khoái chí chạy nhảy la hét om sòm.

Phía ngoài hiên ở tầng 1 và quanh các đường lát gạch ở sân, nhiều bộ bàn ghế với hoa tươi trên bàn chờ đón khách. Một hệ thống loa nhỏ được đấu nối vào tường 2 tầng lầu phát ra những bản nhạc xưa đúng với phong cách một quán cà phê vườn ở Huế. Các cờ đuôi nheo xưa được viết chữ “Tứ Phương Vô Sự Lầu, Café - giải khát” treo dọc bờ thành nhìn ra đường cái để thu hút khách. Sân dưới sát cửa Hòa Bình là chỗ để xe máy, xe đạp. Riêng xe hơi thì bỏ ngoài cửa có người trông coi cẩn thận. Hệ thống nhà vệ sinh cũng được dựng lên sát tầng 1 lầu Tứ Phương Vô Sự.

Trong nhiều giờ đồng hồ ngồi xem tình hình khách của quán, chúng tôi thấy có khá nhiều bạn trẻ, gia đình kéo tới uống café nhất là vào buổi tối. Theo quan sát của chúng tôi cũng có nhiều người đến xem quán như thế nào vì không tin là có quán café “mọc ra” từ một di tích văn hóa lộ liễu đến thế.

Chị Nguyễn T.N. đi cùng gia đình tới đây uống nước vì tò mò, bức xúc: “Nghe người ta nói ở lầu ni họ mở ra quán cà phê để kinh doanh. Vì nằm ở sát đường Đặng Thái Thân nên rất dễ tìm vào. Tui đến xem mà thiệt không hiểu nổi vì răng lại làm một việc ẩu như rứa. Đây là di tích xưa của cha ông, mang ý nghĩa tinh thần to lớn. Rứa mà vô đây uống, thấy đã biến thành một quán cà phê rồi. Cả tầng trên rồi tầng dưới của lầu được để bàn ghế, người đi ra vào uống nước ồn ào, dẫm đạp lên các dấu vết của di tích thế kia ai mà chịu thấu. Nếu các vua sống thấy cảnh này e là buồn đau vì con cháu mình tận dụng quá đà di tích đi thôi. Rồi đây sẽ không biết còn những chỗ nào trong Đại Nội biến thành quán cà phê nữa”.

Anh Nguyễn Tăng Quang, một người dân sống gần đó, cùng quan điểm: “Không chỉ riêng tôi mà nhiều người dân xung quanh khu vực nhìn vào lầu Tứ Phương Vô Sự đều bức xúc. Làm sao một di tích của vua chúa mà lại biến thành một quán cà phê để kinh doanh như vậy!”.

Nhưng theo một quản lý ở quán cà phê Tứ Phương Vô Sự Lầu lý giải thì: “Thấy du khách tới đây nhìn ngó lơ rồi đi, để vậy cũng lãng phí. Mình kinh doanh thế này một công đôi việc vừa khỏi lãng phí vừa thu hút khách du lịch. Trên đây rất đẹp, nhất là về buổi tối ngồi ở đây rất mát và có thể nhìn xa được kỳ đài và các phong cảnh ở Huế rất tuyệt. Những du khách mới vào Huế lần đầu mà uống cà phê ở đây thì không còn gì bằng”.

“Vừa làm vừa sửa để phát triển du lịch”

Trong ngày 22/5, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị quản lý lầu Tứ Phương Vô Sự - về việc quán cà phê mọc lên ngay tại di tích thì nhận được câu nói: “Để lúc khác trả lời. Tôi đang bận” rồi cúp máy.

Liên hệ với ông Mai Xuân Minh, PGĐ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, ông Minh cho biết sau nhiều thảo luận giữa Trung tâm với tỉnh TT-Huế đã đi đến thống nhất “Nhằm quảng bá hình ảnh lầu Tứ Phương Vô Sự, đồng thời quảng bá hình ảnh di tích Huế nên đã đưa quán cà phê vào sử dụng. Lâu nay có rất nhiều công trình được trùng tu xong rồi để đó rất lãng phí. Mục đích là dành cho khách du lịch có điểm dừng chân, nghỉ ngơi chứ không đặt nặng kinh doanh thương mại.

Ở Huế làm cái gì cũng rất nhạy cảm, nhưng làm rồi thì người ta kêu ca vì hình thức quá mới lạ. Trùng tu một công trình lớn mà không ai lên tham quan thì lãng phí vô cùng. Chứ ở Hà Nội, Sài Gòn và các nước khác thì họ làm việc này (mở quán giải khát tại di tích - PV) rất bình thường. Chắc tại mình chưa quen làm mà thôi”.


Tầng 1 của lầu với nhiều bộ bàn ghế ngồi uống nước thay thế cho những tủ triển lãm đồ cổ trước đây

Ông Minh cũng thừa nhận, ngoài phục vụ khách với mục đích văn hóa thì quán cà phê cũng đem lại nguồn thu cho Trung tâm Bảo tồn. Cụ thể trung tâm đã tổ chức đấu giá, trước khi đấu giá có thông báo đến mọi người. Lúc đầu rất nhiều người đăng ký, sau đó khá nhiều người rút lui vì không đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của di tích. Cuối cùng chỉ có một người làm việc ở phòng nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn này trúng đấu giá với mức nộp 200 triệu đồng/năm cho trung tâm. Hợp đồng ký 3 năm có đáp ứng những yêu cầu hàng đầu là quán làm nhiệm vụ phục vụ du khách, giới thiệu nét văn hóa của lầu tứ Phương Vô Sự cho khách.

Ông Minh cũng có lời mời PV lên xem quán cà phê và có gì đóng góp ý kiến thêm để cùng phát triển quán, cùng hướng đến việc phát huy di tích, miễn sao là đừng vi phạm đến luật văn hóa. “Bên anh rất cầu thị. Có gì bên anh sẽ lắng nghe để sửa những điểm không hay, phản cảm. Bên anh hứa sẽ không làm ảnh hưởng đến di tích”.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Hòa, PCT UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng đồng tình: “Quan điểm của tôi là chúng ta nên ủng hộ vì di tích trùng tu xong đóng cửa xong thì đâu có được. Theo tôi báo chí nên ủng hộ việc này. Vấn đề đặt ra là cách quản lý, tổ chức.

Lầu Tứ Phương Vô Sự là chỗ để hóng gió, hóng mát, ngắm cảnh rất thích hợp làm quán nước. Cứ vừa làm vừa sửa. Vì mới làm lần đầu thì cứ để cho anh em làm. Quá trình làm có gì sơ suất thì điều chỉnh góp ý. Chứ di tích mà “đắp chăn trùm mền” thế thì sao được. Vấn đề đặt ra về phía bảo tàng là phải giữ vững để bảo tồn những giá trị nguyên trạng. Còn cái gì khai thác được thì phải đưa vào để nhập thể với cuộc sống cho nó sinh động”.
Cũng theo ông Hòa, di tích ở Phủ Nội Vụ (địa điểm trước đây của trường ĐH Nghệ thuật Huế) cũng nên đưa vào khai thác sử dụng vì du khách đi tham quan xong không có một chỗ ngồi uống nước.

Trả lời câu hỏi “Nếu quán cà phê tận dụng di tích rồi làm hư hại di tích thì sao?”, ông Hòa trả lời: “Chúng ta sẽ lắng nghe ý kiến góp ý rồi điều chỉnh dần dần. Hiện trong Đại Nội Huế phải có một điểm dừng chân cho du khách để họ nghỉ ngơi, uống nước giải khát chứ từ trước đến nay chưa có chỗ nào đàng hoàng cả. Khách toàn ngồi ghế nhựa trên sân cỏ, dưới gốc cây trong quán cóc dọc đường đi nên vì thế chúng ta phải chọn chỗ mà làm cho thích hợp”.

Cùng ngày, phóng viên trao đổi với ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh thanh tra Sở VH-TT-DL tỉnh TT-Huế, ông Thắng cho biết đã nắm rõ việc này, sẽ sớm làm việc với Trung tâm Bảo tồn về vụ việc. “Quan điểm của chúng tôi là nếu ai sai thì phải xử lý và điều chỉnh. Riêng với cá nhân kinh doanh quán cà phê, nếu có dấu hiệu xâm phạm vào di tích thì nhất quyết phải xử lý nghiêm”.

Một số hình ảnh PV ghi lại ở quán cà phê Tứ Phương Vô Sự Lầu trong ngày khai trương 22/5.


Tầng 1 với bàn lễ tân, bàn thờ Ông Địa cùng tủ lạnh

Một bên hành lang được ngăn lại làm chỗ pha chế, nhốn nháo nhân viên ra vào bưng bê nước

Tầng 2 lót sàn gỗ biến thành không gian trà đạo lý tưởng

Có chỗ bỏ giày dép cho du khách

Công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội được tu bổ với hơn 9 tỷ đồng ngày nào đã nhanh chóng trở thành quán cà phê

Di tích Lầu Tứ Phương Vô Sự được tận dụng 100% ở trong nộ thất và ngoại thất - theo các lãnh đạo là "nơi dừng chân cho du khách và không phải vì mục đích kinh doanh".
(Theo Dân trí)