Hệ thống quyền của môn phái này khá chặt chẽ, được xây dựng trên bốn bộ chính là: Hổ quyền - Long quyền - Hầu quyền - Xà quyền. Trong đó, Hổ quyền và Long quyền thuộc ngạnh công, được coi là nền tảng căn bản; Hầu quyền và Xà quyền thuộc Nhu công và Miêu công, là phần xuất sắc, ảo diệu.

Nhớ hoài mội dải Thu giang/ Dòng sông trăng nước nước mơ màng đêm đêm/ Dâu xanh lả cánh tay mềm/ Tơ tằm óng ánh dệt nên lụa vàng …”.
Đọc những vần thơ ấm áp, êm đềm trên chắc ít ai nghĩ rằng tác giả của nó là một võ sư chưởng môn nổi tiếng trong làng võ Việt, vị võ sư mà cuộc đời “là một chuỗi những bất hạnh, may mắn lớn nhất là được gần gũi các bậc danh sư” – như lời ông tâm sự.
Đó là “Độc thủ đại hiệp” Mã Vĩnh Trinh - là chưởng môn võ phái Quảng Nam võ đạo thuộc Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam. Dù đã “quy ẩn giang hồ” tại Hóc Môn, TPHCM, hằng đêm vị võ sư một tay này vẫn miệt mài hướng dẫn cho hàng trăm môn sinh những đường quyền thế cước.

Ngoài ra, ông còn chỉ đạo võ thuật các phim truyện “Cổ tích Việt Nam” (Hãng phim Phương Nam), Đường đời (đạo diễn Nguyễn Hữu Khai)….

Tuổi thơ dữ dội của 1 cao thủ làng võ Việt



Mã đại hiệp trong thế “Độc thủ trấn thiên môn”

Võ sư Mã Vĩnh Trinh tên thật là Võ Đình Qúy, sinh năm 1940 tại Đông Yên, Duy Xuyên, Quảng Nam, hậu duệ đời thứ ba của võ tướng Võ Quang Liêm dưới triều vua Tự Đức. Vốn dòng dõi danh gia võ học đất Quảng, năm Thành Thái thứ 10 (1898) tổ phụ Võ Quang Liêm khai sáng môn phái “Quảng Nam Võ Đạo”.

Môn phái này đã tạo ra nhiều bậc danh võ, niềm tự hào của đất võ Quảng Nam. Ở Phú Sơn, các thầy Cửu Âu, Bá Truật, nổi tiếng là “thần thương”. Ở Mã Châu có thầy Cửu Rọi với ngọn cước sấm sét.

Ở Đông Yên có các thầy họ Võ như Quang Chính, Quang Đối, Quang Toàn, Quang Chi là “Tứ đại thiên vương” sức mạnh như hổ báo, chuyên tay không đoạt súng Tây. Danh sư Võ Quang Chi chính là ông nội của Võ Đình Qúy, người khai tâm và định hướng võ thuật để Qúy trở thành một chưởng môn sau này.

Thời kỳ này, thực dân Pháp đã gần như hoàn chỉnh bộ máy cai trị đất nước ta, nhưng lòng dân vẫn đêm ngày nung nấu chí phục thù. Với truyền thống thượng võ, môn đồ Quảng Nam võ đạo gươm, giáo đứng lên đánh giặc, nêu cao tinh thần bất khuất của con dân nước Việt.

Rồi một ngày con sông Thu Bồn bỗng dậy sóng tàu Tây. Với tàu chiến, đại pháo, Pháp mở ra nhiều đợt càn quét nhằm tiêu diệt nghĩa quân, dập tắt tinh thần kháng chiến.

Môn đồ Quảng Nam võ đạo lớp bị giết, lớp bôn ba mỗi người nỗi ngã, Quảng Nam võ đạo chỉ còn trong ký ức của vùng đất oanh liệt nhiều thăng trầm.

Cũng như Mã Châu, vùng đất Đông Yên hàng trăm năm qua nổi tiếng với nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa, dệt vải... Những ruộng dâu, nong tằm và dải lụa óng ánh đất Đông Yên đã hằn sâu trong tâm thức Võ Đình Qúy – Mã Vĩnh Trinh trên suốt con đường hành hiệp giang hồ sau này.

Thừa hưởng cái “gen” võ dõng của ông cha, cậu bé say mê võ thuật đến kỳ lạ, từ tuổi còn để chỏm, cậu bé Quý đã làm quen với tấn pháp, đọc thiệu, say sưa với đường quyền ngọn cước. Ngày nào không tập võ, không nghe bàn luận chuyện võ, cậu bức rứt không yên.

Thậm chí khi giặc ruồng bố, cậu vẫn say mê luyện võ dưới hầm. Dường như tâm trí cậu đã dồn hết cho võ thuật, niềm vui sống cần thiết như khí trời.

Ngày 23/9/1945, như mọi người dân miền Trung, người Đông Yên nhất tề đứng lên hưởng ứng phong trào “Nam Bộ kháng chiến”. Không bao lâu sau, thực dân Pháp đã trả đũa bằng những cuộc truy lùng, thảm sát và cái ngày khủng khiếp ấy như tấm thảm kịch hành hạ mãi tuổi thơ cậu bé.



Chưởng môn Mã Vĩnh Trinh

Chứng kiến cha mẹ bị giặc bỏ vào bao bố thả xuống đập nước Vĩnh Trinh, tuổi thơ vô tư của cậu đã trở thành những chuỗi ngày kinh hoàng. Trên lưng của ông bà chạy loạn, cậu bé đã biết thế nào là nỗi nghiệt ngã của chiến tranh.

Trôi dạt đến Bình Định, trong nỗi cơ cực không nhà, không tiền bạc, không việc làm, cậu bé được gởi vào “Trường Dục Anh” Liên khu 5 để có cái ăn, cái chữ. Cũng tại miền đất võ này, cậu may mắn gặp được kỳ nhân – võ sư Diệp Trường Phát mà người ở đây vẫn quen gọi “Tàu Sáu”.

Diệp Trường Phát sinh năm 1896 tại làng An Thái, là người gốc Hoa. Năm 13 tuổi, ông được cha mẹ cho sang quận Chiếu An, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) học võ, rồi sang Hồng Kông thụ huấn thêm. Trở về An Thái, ông tiếp tục học hỏi và rút tỉa thêm tinh hoa võ thuật cổ truyền Bình Định.

Lúc đầu, ông chỉ dạy người trong gia đình, sau này, do nhiều người nài nỉ, ông mới truyền võ nghệ cho người trong làng. Năm đó (1924), ông đã 28 tuổi. Từ đây, môn phái An Thái, còn gọi là Bình Thái Đạo (tức Bình Định, An Thái) ra đời.

Hệ thống quyền của môn phái này khá chặt chẽ, được xây dựng trên bốn bộ chính là: Hổ quyền - Long quyền - Hầu quyền - Xà quyền. Trong đó, Hổ quyền và Long quyền thuộc ngạnh công, được coi là nền tảng căn bản; Hầu quyền và Xà quyền thuộc Nhu công và Miêu công, là phần xuất sắc, ảo diệu.

Về mặt tinh thần, cụ Tàu Sáu lấy “Ngưu giác chỉ” làm biểu tượng của môn phái. Cụ đã suy tưởng, nghiền ngẫm về bản chất tốt đẹp của loài trâu, rồi đúc kết thành giáo điều của môn phái, gồm có 5 điều gọi là “Ngũ điều”:

Phải nhẫn nại, đoàn kết, hy sinh, thật thà, dũng cảm. Bên cạnh “Ngũ qui” cũng có 5 điều: không phản sư phế đạo; không ỷ thế hiếp cô; không sanh tâm đạo tặc; không loạn dâm háo sắc; không thắng vinh bại nhục.

Sự sắp xếp trên, còn hàm chứa một quan niệm rất tinh tế và xuyên suốt của cụ Tàu Sáu về phương diện giáo dục, rèn luyện con người thông qua phương pháp huấn luyện võ thuật.

Có thể tóm tắt, trước hết phải làm sao khơi dậy và tập cho người môn sinh biết nhẫn nại, chịu đựng để họ có thể thích ứng, hòa hợp được với những phức tạp, mâu thuẫn trong cuộc sống. Từ đó, nhu cầu giao lưu, chia sẻ trong họ mới có điều kiện phát triển, họ sẽ tự đoàn kết với mọi người.

Và khi đã biết đoàn kết yêu thương nhau rồi, thì họ mới có thể hy sinh cho nhau được. Đấy là lẽ tự nhiên. Mà, một con người có đức hy sinh là đã triệt tiêu được những vụ lợi, đố kỵ nhỏ nhen, nguồn gốc của sự dối trá xảo quyệt.

Họ sẽ luôn sống và cư xử một cách thật thà, đúng đắn. Nếu có phải dụng võ, thì cũng chỉ vì lẽ phải, vì chính nghĩa.

Đấy là sự dũng cảm của con nhà võ. Khi gặp Võ Đình Quý, thương cậu bé khôi ngô, tư chất thông minh khác thường, cụ Tàu Sáu hết lòng dạy dỗ. Như để quên đi nỗi đau bất hạnh, Qúy lao vào tập luyện bất kể ngày đêm.

Lúc này ông nội Qúy (Võ Quang Chi) đã lớn tuổi, mắt đã lòa. Sợ mình mất đi tinh hoa võ công họ Võ bị mai một, ông cố hết sức truyền lại cho cháu môn võ gia truyền. Cùng lúc phải lĩnh hội cả hai môn võ, tưởng như quá sức so với cái tuổi ham ăn, ham chơi của Qúy.

Nhưng trái lại, Qúy như kẻ đói lâu ngày mới được ăn, học ngấu nghiến như sợ không còn được học nữa. Cụ Quang Chi đặt hết niềm kỳ vọng vào Qúy - truyền nhân duy nhất của công phu Quảng Nam võ đạo.

Đêm đêm dưới ánh trăng, ngoài những bài bản học được từ cụ Tàu Sáu, Qúy miệt mài thao luyện những bài võ mang tên những vùng đất quê hương: Vĩnh Trinh quyền, đao Nghi Hạ, roi Thu Bồn, La Tháp truy mệnh thương, Hải Vân quyền, Thanh Châu song kiếm…

Năm 13 tuổi, Võ Đình Qúy theo ông bà về lại đất Đông Yên. Đôi mắt ông nội đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy nhưng ông vẫn theo dõi sát sao việc học của đứa cháu. Ông truyền thụ hai tuyệt kỹ công phu cao cấp của môn phái là long trảo công và điểm huyệt.
Một hình nhân bằng gỗ vẽ chi chít tên những huyệt đạo trên cơ thể. Mỗi huyệt xoi một lỗ gần bằng đầu ngón tay.

Hằng ngày Qúy phải xỉa hàng ngàn lần vào huyệt vị trên hình nhân, vừa xỉa vừa gọi đúng tên huyệt cho đến lúc các đầu ngón tay bầm dập rớm máu mới được cho nghỉ. Đến khi bịt mắt vẫn điểm trúng huyệt vị, công phu mới thành…

Không chỉ truyền võ thuật, ông còn bồi dưỡng cho Qúy về Võ đạo. Võ đạo là cái đích để vươn tới của nhà võ. Võ học là võ đạo, tâm đạo, gắn liền với đạo làm người, hướng con người tới mục tiêu hoàn thiện bản ngã.

Ông nội của Quý dạy rằng: quyền pháp, cước pháp, thủ pháp, tấn pháp dẫu có hơn người mà tâm pháp bất chính thì cũng thành đồ vô dụng. “Đắc nhân tài không bằng đắc nhân tâm; khiến người sợ sao bằng làm người thương”.

Ông cũng dạy rằng có 3 thứ “võ” phải tránh, đó là “Võ phu”: đụng đâu đánh đó, “Võ mồm”: học ít nói nhiều, khoe khoang khoác lác, “Võ vườn”: coi thường người khác. Người võ sĩ hành hiệp giang hồ phải lấy tâm làm gốc, lấy lễ làm đầu.

Theo báo DDDN