Bắc Giang vốn thuộc xứ Kinh Bắc ngàn năm văn hiến, thời phong kiến đã có người 58 thi đỗ đại khoa làm rạng rỡ truyền thống khoa bảng và hiếu học của quê hương. Về mặt chiến lược quân sự, các triều đại phong kiến xưa đều quan tâm tới vùng đất này, vì nó nằm trên con đường thiên sứ nối kinh đô Thăng Long với phương Bắc, vì thế vùng đất này cũng được coi là một trong 4 trấn quan trọng của Kinh thành Thăng Long.

Là vùng đất phên dậu che chắn cho kinh thành Thăng Long, có nhiệm vụ ngăn chặn các thế lực ngoại xâm và xâm chiếm nước ta, cho nên Bắc Giang cũng là miền đất thượng võ, sản sinh ra nhiều nhân tài có công giúp dân giúp nước, giữ gìn non sông đất nước. Đó là các nhân vật lịch sử như: Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc ở triều Lý (Thế kỷ XI), là Hán Quận công Thân Công Tài, Cẩm Quận Công Trần Đình Ngọc, Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc ở triều Lê; Giáp Văn Trận, Giáp Văn Tường, Nguyễn Văn Thịnh (Cai Vàng), Hoàng Hoa Thám ở thời Nguyễn. Đó là những con người tiêu biểu vang tiếng trong lịch sử. Còn biết bao các vị Quận công, Hầu tước, biết bao ông Đề, ông Lãnh khác ở khắp các làng quê mà ngày nay dân gian vẫn truyền tụng công tích và thờ phụng ở chốn đình trung. Tất cả những con người ấy, với những hành trang đẹp đẽ ấy đã làm giàu cho kho tàng phương ngôn xứ Bắc: “Trai cầu vồng Yên Thế…”, “Đô vật Cẩm Bào…”, “Đấu vật Song Khê…”... các vùng đất ấy, cho đến ngày nay vẫn là niềm tự hào về truyền thống văn vật của quê hương Bắc Giang.Truyền thống thượng võ là nét đẹp của Bắc Giang, để phát huy truyền thống này ở khắp các làng quê trong tỉnh đã gắn kết các yếu tố thượng võ vào trong các lễ hội hàng năm, như ở lễ hội Cầu Vồng với tinh thần “Trai cầu Vồng Yên Thế”, ở lễ hội Xương Giang với tinh thần của hào khí Xương Giang muôn đời oanh liệt, ở lễ hội Phồn Xương (Yên Thế) với tinh thần khởi nghĩa Yên Thế muôn đời bất diệt,... và các lễ hội khác như hội Từ Hả (Lục Ngạn), hội Tòng Lệnh (Lục Nam), hội Bơi chải (An Châu), hội Bơi chải Làng Mai (Hiệp Hoà)... đều phản ánh tinh thần thượng võ của một miền xứ Bắc.

Trong những năm qua, ngành thể dục thể thao của tỉnh đã tiến hành điều tra nghiên cứu tìm hiểu về tinh thần truyền thống thượng võ của Bắc Giang, kết quả điều tra nghiên cứu đã khẳng định rõ Bắc Giang cũng là miền đất thượng võ và có một dòng võ Yên Thế, có điều dòng võ này đang có nguy cơ mai một vì các võ sư ở các lò võ hiện còn rất ít và các làng này dấu tích rất còn mờ nhạt. Do đó cũng có thể nói rằng các lò võ cổ đến nay vẫn chưa được xác định chính xác. Vì thế cũng thật khó tin rằng: ở một vùng đất như ở Bắc Giang là miền đất có cả hàng trăm vị Quận công, hàng chục ông Đề, hàng trăm ông Lãnh, toàn là các võ tướng cầm quân đánh giặc, bất khuất kiên cường, vang danh trong sử sách mà lại không rõ học võ thuật ở đâu. Chẳng lẽ cả trăm người đó lại kéo nhau đến tỉnh khác để học quyền, cước, binh khí, võ thuật? Nhất định phải có chỗ dạy, có lò võ ở chính miền đất này, thế nhưng xưa nay vẫn chưa tìm ra dấu tích.


Hoàng Hoa Thám người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Yên Thế (1885 - 1913)

Thật may mắn, một ngày đầu xuân năm 2008, chúng tôi có điều kiện trở lại điều tra khảo sát vùng Yên Thế đã gặp anh Lư Dũng, người dân tộc Nùng ở xã Tam Hiệp. Cũng vô tình mà anh Dũng cung cấp cho chúng tôi một tài liệu cổ. Đó là quyển sách nhỏ khổ 12cm x 6, 5cm gồm 61 tờ bằng 112 trang. Đây là quyển sách chữ Hán. Trong sách này mỗi trang có khoảng 6 dòng, mỗi dòng 15 chữ được viết trên giấy Lệnh hội (một loại giấy dó mỏng, mềm, rất tốt). Chữ viết chân phương dễ đọc. Bìa sách đã được đóng lại bằng loại giấy vỏ bao xi măng. Gáy sách không phải là dùng giấy dó se lại để khâu như truyền thống mà đóng kẹp bằng 2 sợi dây đồng. Các trang của sách đã qua sử dụng nên nhiều tờ quăn, mòn, rách tờ đôi. Tuy văn bản có bị quăn rách, nhưng may thay nội dung vẫn còn tương đối đầy đủ có thể đọc xem tốt.

Qua xem xét, chúng tôi thấy quyển sách này có hai nội dung. Một là để xem một vài môn thuật số cổ như: xem ngày giờ tốt xấu, xem tướng, xem tay, xem chân giò gà, hướng dẫn thuật bấm độn Hàn Tín. Nội dung thứ hai liên quan đến một tổ chức võ lâm ở Yên Thế được thể hiện qua bài văn tế tổ sư võ phái. Qua bài văn này chúng tôi biết đó là bài văn soạn ra vào năm Thành Thái thứ 6 (1894).

Anh Lư Dũng cho biết: Các cụ gia đình anh xưa có biết chữ Hán, sách vở để lại nhiều; về sau các cụ già qua đời không ai trong con cháu học chữ Hán nữa nên không ai biết số sách đó nói gì. Vì vậy có người anh ở Hữu Lũng về xin, gia đình đã cho gần hết, chỉ giữ lại vài quyển mỏng, trong số đó có quyển sách nêu trên, các cụ dặn giữ cẩn thận, chỉ giao cho người cần giao. Vì thế mà quyển sách còn tới hôm nay.

Xét thấy nội dung bài văn tế võ lâm có liên quan tới dòng võ ở Yên Thế cũ, chúng tôi có hỏi anh Lư Dũng đôi điều liên quan đến võ thuật thì anh Dũng nói rằng: Trước đây, các cụ trong họ đều giỏi võ. Vào thời cụ Đề Thám đánh Pháp, có một cụ làm nghề dạy học chữ Hán, ta gọi là thầy Đồ có lên chốn này mở lò dạy võ. Họ nào cũng có người biết võ, truyền lại cho con cháu theo phương pháp bí truyền (truyền kín) không truyền ra ngoài. Chuyện kể, một hôm cụ nội anh đi qua Cầu Trắng (Nhã Nam) trên người có đeo túi tiền to, bất thình lình có 6, 7 tên cướp xông ra tấn công cướp của. Một tay giữ túi tiền, một tay thế thủ, đánh lại. Mấy tên cướp đã có vũ khí tấn công cụ mà không lại, thậm chí còn bị cụ đánh cho chạy cả. Chuyện này trong họ vẫn còn truyền.

Anh Dũng cũng cho biết, hiện nay trong họ vẫn còn một số người biết võ song lâu ngày không luyện nên có biểu diễn cũng không điêu luyện. Bản thân anh Lư Dũng cũng biết nhiều bài võ được cha chú truyền dạy, nhưng cũng chưa đấu với ai bao giờ. Theo anh các bài cổ của các cụ truyền đều có, mỗi bài có một số miếng, mỗi miếng lại có một cái tên gọi theo tiếng dân tộc của anh. Chúng tôi đã đề nghị anh cho mang sách về để nghiên cứu, anh đồng ý và anh là người biết thuốc Nam, nên anh còn cắt cho thang thuốc về để uống cho khoẻ.

Chúng tôi nghĩ rằng, một lò võ xưa được mở ra là lò của một họ. Võ xưa là rất cần và rất quý nên các cụ của các họ rất trân trọng. Không phải ai cũng truyền mà phải truyền cho người có tâm đức và có chí. Học võ là để tự vệ chứ không phải để đánh người. Do đó học phải có lò, có bài bản. Lò võ phải có thày, có tôn sư, có môn sinh…Tổ sư của một môn phái võ lâm hàng năm phải tổ chức tế lễ. Với quan niệm như thế, hơn nữa nhận thấy ý nghĩa của tập sách giúp cho việc tìm hiểu về truyền thống thượng võ của Yên Thế xưa nên chúng tôi lược dịch, để giới thiệu nội dung bài Văn tế Võ Lâm ở Yên Thế xưa mà chúng tôi mới sưu tầm được để các nhà nghiên cứu văn hoá cùng độc giả tham khảo.

“ Văn tế võ lâm "

Ngày 22 Việt, Quý Mão, tức ngày 01 Nhâm Tý, tháng năm Kỷ Nguyệt Kiến Kỷ Dậu, năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894).

Tế chủ là Nguyễn Văn... cùng cả họ, kính cẩn dâng bánh, xôi, rượu, hương hoa các thứ cùng trầu cau, xin được kính cáo tới các vị: Hoàng Lục Nguyễn chưởng, Chân y xứ giả, Từ lâm Đại tướng, Võ lâm đại thần, Giám độ đại thần

Giáng xuống nơi này.

Xin được kính các vị tôn thần là các bậc thông minh chính trực, biến hoá vô cùng, khi cầu thì ứng, khi cảm được thì thông. Tài y nắm lĩnh; cấp giao xuống chốn linh thiêng; quỷ không giám đoạt; vong hồn thì yên vui; con cháu được phú quý; phúc lộc dồi dào.

Cúi mong các vị hưởng lấy.

Nay căn cứ.

Ở xã Xa Khuê, tổng Phương Hạnh, châu Lương Sơn, tỉnh Phương Lâm, nước Đại Nam hiếu chủ là... và cả họ.

Cúi xin được tiến một vị chân linh vì có Lệnh lang ở vận Trung nguyên là vị quan đất ấy mắc tội, vào lúc tốt thời có chân y, tài hoá, khí dụng các vật tiến dâng xin kể dưới đây:

Áo gấm vuông một bức, toà thi 1 toà, áo một chiếc, khăn 1 chiếc. Khăn vuông 1 đôi, áo dài một chiếc. Khăn 1 chiếc, yếm một chiếc, hình nhân một người, quạt một cái, gối vuông 1 chiếc, điếu 1 cái, bàn 1 cái.

Hộp trầu một hộp, phức một đôi, nồi đồng 1 cái, mâm đồng một chiếc, thau đồng 1 chiếc. ấm chuyên 1 cái, chén sứ một bộ. Hầu bao 1 cái, bát tàu một đôi, chén tàu một đôi, bát chiết yên 1 đôi, nậm 1 cái, trâu một thủ, bò một thủ, lợn 1 con, gà một con, vịt một con, ngan 1 con, mèo 1 con, chó 1 con, chiếu 1 cái, dao 1 con, khiên 1 cái, đột 1 cái, kiều 1 cái, cày 1 cái, bừa 1 cái, mai 1 cái, kim ngân vàng mã 100.

Tất cả các thứ cứ xin các vị ở Địa phủ là các bậc Diêm la, Chưởng chân y sứ giả, Võ Lâm Đại thần giao phó tới hồn... là 1 vị chân linh đem về nơi âm trạch dùng mãi các thứ đó. Nếu gửi người nào vô danh không được có ý tranh chiếm, không được có ý chiếm đoạt.

Xin cung kính các vị

Hoàng Lục Nguyễn chưởng, Chân y sứ giả, Võ lâm đại thần, Giám độ đại thần chứng minh cho sự hóa chân hương.

Cứ mong sự chứng minh.

Qua bài văn tế võ lâm trên, chúng tôi thấy rằng đây là một văn bản có ý nghĩa cho việc tìm hiểu truyền thống thượng võ của Bắc Giang. Nó là một văn bản cách ngày nay đã hơn 100 năm, cùng thời mà Hoàng Hoa Thám phất cờ chống Pháp; lại là văn bản có ở đất cụ đề vì thế nó sẽ gợi mở cho chúng ta có thể tìm hiểu thêm nhiều điều về truyền thống thượng võ ngay trên mảnh đất cụ Đề, đúng như câu ca xưa rằng:

Đất này là đất cụ Đề

Tây lên thì có, Tây về thì không. /.

Theo báo Bắc Giang