Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học

Đã có thời, thập kỷ 30 thế kỷ XX, có người đã đặt ra vấn đề liệu Việt Nam có quốc học hay không vì thấy cái gì cũng giống Trung Quốc. Cả nền nho học hàng ngàn năm giáo dục của tiền nhân chính là học văn hoá Trung Quốc, Triết học Trung Quốc, văn thơ Trung Quốc thậm chí chỉ học Bắc sử, thi Bắc sử trong khi ấy lại không học, không thi Nam sử trong thi Hương.
Đó là người ta chỉ biết tới dòng văn hoá, giáo dục bác học, còn dòng văn hóa dân gian, giáo dục dân gian thì lại rất Việt Nam. Phường vọng ngoại thì cho nôm na là cha mách qué, song biết đâu chính đó mới là hồn dân tộc, quốc học và khiến văn hóa, văn hiến Việt như trong Bình Ngô Đại cáo đã khẳng định rằng nền văn hiến Bắc Nam mỗi khác! Cũng nhờ vậy Việt Nam tồn tại đến ngày hôm nay!
Hiện nay cũng không ít giới trẻ cho rằng ngoài sự tự hào trong chiến đấu đánh thắng kẻ thù bằng lòng yêu nước của dân tộc thì hiện nay rất ít tự hào, nếu không nói là lại tự ty hay tự tôn không tưởng, nhất là khi hiện đại hóa, công nghiệp hóa chính là Tây Phương hóa vì Phương Tây đang nắm ưu thế về sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, văn minh…
Tôi là người học sử, nghiên cứu sử nước nhà, tôi cảm thấy chưa bao giờ nước ta đang chịu thử thách chưa từng có đối với Biển Đông cũng như đối với vận mệnh của Đất nước như hiện nay!
Sau cuộc chiến tranh lâu dài chưa từng có trong lịch sử. Như Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng đã nói có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn. Chưa bao giờ anh em trong một nước coi như kẻ thù không đợi trời chung, đã giết nhau không thương tiếc trong khi người ngoài lại có vẻ thương nhau trong tình Đồng minh, Đồng chí!
Chính tình Đồng minh Đồng chí mật ngọt ấy đang hại lại chúng ta, làm chúng ta người Việt với nhau xa cách!
Cái sai lầm nhất trong đó có người Mỹ là không hiểu, không tìm hiểu lịch sử, lòng yêu nước là chìa khoá của lịch sử Việt Nam như GS Trần Văn Giàu đã từng nhấn mạnh. Việt Nam có thể bị chiếm đóng rất dễ song giữ thì cực kỳ khó. Đó là chân lý không bao giờ thay đổi.
Tôi lại e sẽ có những sai lầm lịch sử khi người ta không chịu học, tìm hiểu kỹ lịch sử Việt Nam như người Mỹ từng phạm phải. Như gần đây có học giả trẻ Trung Quốc được đào tạo hẳn hoi cho rằng trước năm 1885, Việt Nam là thuộc quốc của Trung Quốc. Cũng có nhiều bạn trẻ Trung Quốc được giáo dục rằng Việt Nam trước đây là quận huyện của Trung Quốc nên hai nước anh em gắn chặt với nhau làm một để đối phó với kẻ thù chung và làm bá chủ thế giới trong tương lai không xa!
Nước ta nhỏ hay không nhỏ thì nhiều người đã nói tới rồi. Truyền thống từ thế kỷ thứ X sau hơn ngàn năm Bắc thuộc, được độc lập tự chủ rồi thì đầu tiên Đinh Bộ Lĩnh tự xưng là Đinh Tiên Hoàng Đế và đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt!
Từ thế kỷ X đến năm 1885 trừ khoảng 30 năm bị Minh thuộc, ngay cả khi bị xâm lược trong thời gian ngắn thời Tống, Nguyên rồi Minh, Thanh, nước Nam luôn đặt quốc hiệu Đại Việt và năm 1802 quốc hiệu là Việt Nam, tất cả các vua dù có xin cầu phong các triều đại Trung Quốc song luôn xưng đế chứ không như các vua chư hầu thời Trung cổ ở Châu Âu.
Có điều thời nào cũng vậy ngay đã có quốc hiệu Đại Cồ Việt hay Đại Việt các triều đại Trung Quốc luôn gọi An Nam quốc và phong An nam quốc vương như liên tưởng, cố níu kéo lấy đến thời đô hộ “An Nam đô hộ phủ” thời nhà Đường hay như nhà học giả trẻ Trung Quốc mới đây cho rằng từ 1885 trở về trước Việt Nam là thuộc quốc của Trung Quốc! Cũng chính vì vậy mà Trung Quốc đang cho rằng những gì ở Biển Đông là thuộc về Trung Quốc. Điều sai lầm lại cho rằng mọi người đã gọi Biển Đông là Biển Nam Trung Hoa thì đương nhiên công nhận đó là nội thủy của Trung Quốc mà họ quên đi rằng có những biển có tên một nước như Ấn Độ Dương thì có ai kể cả người Ấn lại cho đó là của nước Ấn đâu. Hay có luận điểm cho rằng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từng công nhận Tây Sa & Nam Sa thuộc Trung Quốc trong khi người ta quên đi rằng theo hiệp định Genève qui định rất rõ lãnh thổ dưới vĩ tuyến 17 trong đó có Tây Sa tức Hoàng Sa và Nam Sa tức Trường Sa thuộc chính quyền Phía Nam quản lý mà chính quyền Phía Nam hoặc là Việt Nam Cộng Hòa hay Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam lại chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa. Nếu hẳn đúng có những lời tuyên bố nào đi nữa của VNDCCH thì đó cũng chỉ là những đối sách chính trị trong khi đang đối đầu nhau trong cuộc chiến, đồng minh, đồng chí là ai mà thôi, không dính dáng gì đến chủ quyền cả.
Vì thế để thật sự muốn giữ tình hữu hảo vững bền của hai nước anh em, thì không thể không thẳng thắn nói với nhau rằng phải uốn nắn những nhận thức sai lầm về lịch sử như nhà nghiên cứu trẻ cũng như nhưng người trẻ Trung Quốc khác. Bằng không sẽ dẫn đến những hành động sai lầm lịch sử ở Biển Dông cũng như chủ quyền tại các hải đảo ở Biển Đông!