“...Đã quy y Tam Bảo phải dứt điều ác, làm việc lành, gắng giữ trọn luân thường, phát lòng tín nguyện cầu sanh về Tây Phương. Lại phải có lòng thương xót hộ sanh, đừng giết hại, và trì Lục Trai hoặc Thập Trai. Nếu chưa có thể dùng thanh đạm trọn đời, cũng chớ nên quá tham trong sự ăn uống. Như thế mới không trái với tâm từ bi của Phật. (giữ vẹn luân thường, thuơng xót hộ sanh, đừng giết hại, trì trai...giở kinh ra thì đây là chánh nhân vãng sanh của Kinh Vô Lượng Thọ)

Người thường ý chí kém, tâm lại quá cao, tuy nói vâng lời , thật ra toàn là y theo thiên kiến của mình. Trong môn Tịnh Độ, lòng tin là cội gốc. Tin được chắc, kẻ phạm tội ngũ nghịch thập ác đều có thể vãng sanh; tin chưa vững, bậc thông Tông thông Giáo còn hoặc nghiệp cũng không duyên phận. Ngươi đã chẳng phải là bậc thông Tông Giáo, có thể nương sức mình trừ hoặc nghiệp để khỏi sanh tử, lại không tin nơi sức Phật và công đức của tự tánh đều không thể nghĩ bàn, thì làm sao để giải thoát? Phải biết, nếu đủ tín nguyện sâu thiết cầu về Tây Phương, không người nào chẳng được vãng sanh. Niệm Phật là pháp tròn tắt mau lẹ để thoát nẻo luân hồi; với sự hướng thượng của môn nầy, nhiều người còn chưa biết, lại sanh lòng háo thắng đi nghiên cứu nhiều mon tuy là cương yếu của Phật Pháp, nhưng khó đem sự lợi ích cho người căn tánh kém và kẻ sơ cơ. Dù cho nghiên cứu được thông suốt không còn nghi, đến khi dụng công lại phải y theo phép Niệm Phật Cầu Sanh mới là ổn thỏa. Nếu nói về lý giải, lại còn có những nghĩa của Pháp Tướng, Thiền, Giáo rất nhiệm mầu, làm sao thông suốt cho hết được? Tâm người thường cao mà không biết hạn lượng sự cao theo sức mình! Thường tự cho rằng “căn tánh hèn kém, khó mong sanh về Tây Phương, chỉ cầu không đọa tam đồ cũng vui lòng”, đâu biết nếu chẳng được vãng sanh, tương lai sẽ bị đọa vào ác đạo? Các môn Pháp Tướng, Thiền, Giáo, nghiên cứu trọn đời cũng khó nắm được chỗ quy thú, dù được, còn phải dứt sạch hết hoặc nghiệp mới thoát khỏi luân hồi. Nói đến việc nầy, e rằng mộng không thành mộng đó thôi!

Pháp môn Tịnh Độ nương nhờ sức từ của Phật, các pháp môn khác chỉ dùng sức mình. Những môn kia đều là giáo lý thông thường, như sĩ phu trong đời do tài đức mà làm quan cao thấp. Môn Tịnh Độ là giáo lý đặc biệt, như thái tử mới sanh đã tôn quí hơn quần thần. Vì thế, hai bên không thể sánh nhau, mà phàm phu nghiệp chướng vẫn nhiều, há chẳng dè dặt trong sự lựa chọn pháp môn để tu hành ư?”