1- Khái-quát:


Bởi Bát-quái Tiên-Thiên do Đức Phục-Hi sáng lập ra, nói rằng vua Phục-Hi đi trị thủy trên sông Mạnh-Hà mới thấy trên lưng của Long-Mã có xuất hiện nhiều điểm, dưới dạng chữ thập, nhờ tài trí thông-minh quán thế, ông mới toán ra bằng số, tổng cộng là 55 điểm, như trên có nói đến.

Có nghĩa là trong 10 con số này đã có âm dương, chẵn lẻ của nó. Nếu cộng cả hai tổng-số của âm-dương-số lại sẽ được là:

[(1+3+5+7+9) + (2+4+6+8+10)= 25+30]=55.

Tổng-số là 55. Hai con số 5 đi liền nhau Dịch nói là nhị ngũ, tức là hai con số (5) ngũ.

Ngũ đây là ngũ-hành, nên mới phân ngũ-hành dương và ngũ-hành âm; đấy là lý-do tại sao không đọc là 55 mà nói là cơ nhị ngũ. Bởi Dịch là biến, có biến mới có hóa, sự hóa-sanh từ xưa đến giờ là vô cùng tận; nếu không như vậy thì địa-cầu này sẽ bị tiêu-diệt mà thôi.

Thật vậy, đó là nguyên-lý:

Bát quái biến hóa vô-cùng, phân định Ngũ hành, Càn khôn muôn vật. Thái cực sanh LƯỠNG NGHI và cứ thế tiếp-tục biến-hóa ra mãi.

Ấy cũng gọi là số của Hà-đồ, hay còn gọi là cơ nhị ngũ, tức là khí Hư-vô phát-khởi, là trung-tâm điểm vũ-trụ.

Hà-Đồ là Đạo tự nhiên, là bản-đồ trên lưng nó có nhiều điểm.

- Hai điểm với bảy điểm phía trước (hướng Nam, biểu hiện cho mùa HẠ, thuộc hành Hỏa).

- Một với sáu phía sau (thuộc hướng Bắc, biểu hiện cho mùa Đông thuộc hành THỦY).



- Ba với tám bên trái (là hướng Đông, biểu-hiện cho mùa Xuân, thuộc hành Mộc).

- Bốn với chín bên mặt (là hướng Tây, biểu hiện cho mùa Thu, thuộc hành Kim).

- Năm với mười chính giữa (trung-ương, Tứ-qúy thuộc hành Thổ)

Cả thảy là năm ngôi tượng-hình cho khí Ngũ-Hành:

1 với 6 phía sau, tượng hình Bắc-phương Nhâm-Qúy Thủy.

2 với 7 phía trước, tượng hình Nam-Phương Bính-Đinh Hỏa.

3 với 8 bên trái tượng hình Đông-phương Giáp-Ất Mộc.

4 với 9 bên mặt, tượng hình Tây-phương Canh-Tân Kim

5 với 10 chính giữa, tựơng hình Trung-ương Mồ-Kỷ Thổ.

Xem đồ hình những điểm trắng tượng dương, những điểm đen tượng âm.

Năm điểm ở chính giữa cũng tượng hình Thái-Cực hàm nhứt-khí, tức nhiên Thái-cực bao-hàm một khí.

Tổng cộng hết là 55 điểm mà kỳ thiệt là nhị ngũ, bởi vì nếu tính hàng ngang là hai con số ngũ đứng liền nhau (gọi đó là Âm ngũ-hành và Dương ngũ-hành). Tuy là nhị ngũ mà kỳ thiệt là nhứt ngũ mà thôi. Bởi âm với dương như hình với bóng, cũng chỉ là một. Học Dịch cần phải quán-thông các lý lẽ, không chấp lời cũng không chấp từ mà phải nắm vững lý.

Tuy là nhứt ngũ mà cả tượng là một điểm. Dịch gọi “thiên nhứt sanh thủy” Thủy này không phải là nước mà là thể khí, đó là khí-sanh-quang hóa sanh ra muôn loài vạn-vật. Câu này ứng hợp với lời Thầy:

“Khi chưa có chi trong càn khôn Thế-gíơí thì Khí Hư-vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-Cực”.

Khổng truyện nói; “Thiên nhất, Địa nhị; Thiên tam, địa tứ; Thiên ngũ, Địa lục; Thiên thất, Địa bát; Thiên cửu, Địa thập”.

Như vậy ta thấy các Thiên số 1, 3, 5, 7, 9 là các số lẻ còn gọi là số CƠ.

Địa số là các số chẵn 2, 4, 6, 8, 10 còn gọi là số NGẪU.

Vì Đạo tạo hỏa của trời đất chẳng qua là một cái Dương ngũ-hành và một cái Âm ngũ-hành, một cái sanh một cái thành mà thôi. Tuy phân ra ngũ-hành mà kỳ thiệt là một Âm một Dương vận-dụng cái Đạo gọi là “Nhất âm nhất dương chi vị Đạo” 一陰一陽之胃道 (một cái âm, một cái dương qua lại gọi là Đạo).

Tuy âm dương vận dụng mà kỳ thiệt là một khí qua lại vận-dụng cái Đạo.

Tượng-hình ĐẠO như thế này:

- Ngũ-Hành thuận sanh: Thổ sanh Kim, Kim sanh Thủy, Thủy sanh Mộc, Mộc sanh Hỏa, Hỏa sanh Thổ, Thổ trở lại sanh Kim.




-Ngũ-Hành nghịch khắc; Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc lại khắc Thổ. Nếu trên vòng tròn thì Thổ phát ra tại trung-ương theo vòng tương-sanh rồi trở vào dứt cũng tại trung-ương.

Ra vào thì chẳng chi khác hơn là một khí (thổ khí), chẳng chi khác hơn là một trung. TRUNG nầy là một cái gốc lớn của thiên-hạ, ấy là Thổ cư Trung (Đất ở chính giữa) hòa-hiệp hết tứ-tượng. HÒA là con đường suốt chung cho thiên-hạ. Ấy là Tứ-Tượng tại ngoại (chạy ra bên ngoài) chỉ một khí lưu-hành .Trong vừa Hòa vừa là một khí, cả thảy đều là Thái-Cực.

Duy có con người hưởng lấy khí Âm-Dương ngũ-hành của Trời Đất mà sinh thân mình, cho nên trong thân mình có đủ khí âm-dương ngũ-hành. Nhưng ngũ-hành nầy có Tiên-Thiên Hậu-Thiên. Tiên-Thiên Ngũ-Hành thuộc dương. Hậu-Thiên Ngũ-Hành thuộc Âm.

Các số: 1, 3, 5, 7, 9 là Dương ngũ-hành thuộc Tiên-thiên.

Các số: 2, 4, 6, 8, 10 là Âm ngũ-hành thuộc Hậu-thiên.