I. DẪN NHẬP
Nhiều người đã tập họp ở đây tối nay và tôi rất vui sướng được gặp mỗi người trong các bạn. Tôi cảm kích trước mối quan tâm của các bạn vào đời sống tâm linh, trước đức tin của các bạn, và trước sự nối kết của các bạn với giáo lý đạo Phật. Thật tốt đẹp trong việc các bạn chú tâm tới định luật nghiệp báo, nhân quả, và trong việc các bạn quan tâm tới những đời tương lai của mình. Điều quan trọng là hành xử một cách trách nhiệm trong đời này. Tất cả chúng ta đều cần ăn uống, cần mặc những y phục tiện dụng, và ở một mức độ nhất định, cần vui hưởng cuộc đời chính mình. Nhưng tối quan trọng là chúng ta cần chuẩn bị cho những đời tương lai bởi lẽ cuộc đời này thì vô thường. Ở tuổi bốn mươi, năm mươi sáu mươi hay bảy mươi, chúng ta phải từ bỏ cuộc sống tạm thời này. Tất cả chúng ta đều phải chết và vào lúc đó chúng ta không thể đem theo mình bất kỳ thứ gì. Rõ ràng là chúng ta không thể mang theo thân xác mình. Điều chúng ta đem theo khi từ giã cuộc đời này là tâm thức của chúng ta.
Cái chết là một sự biến đổi của tri giác tương tự như việc đi vào trạng thái mộng mỗi đêm. Khi tâm thức rời bỏ thể xác, nó tiếp tục có những kinh nghiệm tâm linh mới. Vào lúc chết, thể xác ngừng hiện hữu và tan trở lại vào các yếu tố (các đại). Ngữ của người đã chết cũng tan biến. Tuy nhiên, tâm là một hình thức trống không thì không chết. Từ vô thủy cho tới giây phút hiện tại, tâm ta, tâm thức ta đã từng đi vào nhiều trạng thái khác nhau của sự tái sinh trong sáu cõi luân hồi. Tuy thế, nó không bao giờ tồn tại mãi mãi trong bất kỳ cái nào trong những trạng thái đó.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng trí huệ và lòng bi mẫn vĩ đại của ngài, đã đến thế giới này và đã trình bày tám mươi bốn ngàn pháp môn. Những giáo lý này khám phá con đường đến giải thoát. Cốt tủy của những giáo lý này là tự chế không làm hại mọi chúng sinh, khơi dậy Bồ đề tâm, là tâm tỉnh thức, vì sự lợi lạc của tất cả chúng sinh, và tận lực để tự đưa mình và đưa những người khác thoát khỏi đau khổ khiến cho sự an bình và tĩnh lặng được thành tựu.
Một khi đi vào con đường này, các bạn cần xem xét động lực của các bạn. Các bạn cần kềm chế trước những hành động không lành mạnh và bất thiện, và xoay chuyển tâm hướng về những tư tưởng và hành động lành mạnh và đức hạnh. Những tư tưởng và hành động không lành mạnh và bất thiện bị thúc đẩy bởi tham, sân và si, được gọi là ba độc. Ba độc này phải bị loại bỏ. Các giáo lý của con đường Bồ tát đặt tầm quan trọng trong việc tích tập đức hạnh, là điều hoàn toàn tùy thuộc vào động lực của các bạn. Các bạn phát khởi động lực đúng đắn bằng cách suy tưởng rằng từ vô thủy cho tới giây phút này, tất cả chúng sinh, vào lúc này hay lúc khác đã từng là những người cha, người mẹ tốt lành và thân yêu của các bạn. Các bạn nên suy xét rằng mỗi một và mọi chúng sinh đã từng có lúc ban tặng cho các bạn cuộc đời, nuôi dưỡng các bạn và đối xử các bạn với sự tốt lành to lớn. Vì tất cả chúng sinh đã đối xử với các bạn bằng một sự tốt lành vĩ đại như thế trong quá khứ, và bây giờ đến lượt các bạn, các bạn phải trải bày lòng tốt lành đó đối với họ.
Mọi người đều ước muốn hạnh phúc. Nhưng vì không hiểu làm thế nào tích tập các nguyên nhân để đưa đến hạnh phúc, mỗi người tiếp tục tích tập các nguyên nhân sản sinh ra đau khổ. Việc không nhận định được cách thức loại bỏ các nguyên nhân tiêu cực này sẽ chỉ đem lại thêm nỗi đau khổ. Những gì người ta ước muốn và những gì người ta nhận được thì trái nghịch lẫn nhau.
Khi một người đang nhận lãnh các giáo lý, điều quan trọng là giải thoát khỏi ba khiếm khuyết của một bình chứa (pháp khí), sáu sự ô nhiễm và năm cách sai lầm trong sự hiểu biết hay nhớ tưởng.
Về ba khiếm khuyết của một bình chứa, khiếm khuyết thứ nhất là giống như một cái bình lật úp. Không thứ gì có thể đi vào một bình chứa như thế. Khiếm khuyết thứ hai thì giống như một bình chứa có đáy bị rò rỉ. Không thứ gì có thể được cầm giữ. Khiếm khuyết thứ ba giống như một bình chứa bị dơ bẩn bởi chất độc. Trong trường hợp này, bất kỳ giáo lý nào được đặt trong một bình chứa như thế, bản thân chúng bị dơ bẩn khi bị trộn lẫn với những tà kiến. Khi thọ nhận những giáo lý tâm linh, mỗi một trong những khiếm khuyết này phải được loại bỏ.
Sáu ô nhiễm là sự kiêu ngạo hay tự phụ, thiếu đức tin, thiếu quan tâm hay nỗ lực, phóng tâm hướng ngoại, sự thu rút vào trong hoặc sự căng thẳng, và lắng nghe với sự hối tiếc hay thất vọng. Tất cả những điều này phải được loại bỏ.
Năm cách thức sai lầm trong việc hiểu biết hay nhớ tưởng là hiểu biết ngôn từ nhưng quên ý nghĩa; sự hiểu biết ý nghĩa nhưng quên ngôn từ; sự hiểu biết cả hai nhưng không thấu suốt; hiểu biết chúng lộn xộn; và hiểu biết chúng sai lạc. Những cách thức này cũng phải loại bỏ vào lúc ta nhận lãnh các giáo lý.
Khi nhận lãnh các giáo lý, ta cần cố gắng ngồi một cách khiêm tốn, lắng nghe với một tâm thức mở rộng. Bốn nhận thức cần được củng cố. Đó là nghĩ tưởng chính các bạn như người bị bệnh; nghĩ tưởng Pháp như thuốc men; nghĩ tưởng bậc thiện tri thức như một bác sĩ thiện xảo; và nghĩ tưởng sự thực hành như cách thức để bình phục.
Hơn nữa, khi lắng nghe giáo lý các bạn cần nỗ lực phát khởi sáu ba la mật, đó là sự bố thí, giới luật, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ, sự thấu suốt siêu việt.
Theo truyền thống, ngay trước khi giáo lý được ban cho, một nhạc khí triệu tập các người học Pháp lại. Khi nghe âm thanh, họ lập tức nhận ra nó như một biểu thị của Pháp. Các khí cụ được dùng là những cồng chiêng, gậy gỗ, vỏ ốc, chuông, và ngay cả những hòn đá. Khi âm thanh đầu tiên được nghe thấy, nếu sự hoan hỉ phát sinh trong tâm thức ta, thì chỉ duy điều này đã có thể giải tan được những tích tập tiêu cực của nghiệp trong nhiều đời.
Tối nay, tôi đã quyết định bắt đầu các giáo lý về sáu Bardo, sáu trạng thái trung gian. Sự thấu hiểu các Bardo này thì đặc biệt quan trọng vào giây phút quyết định của đời các bạn, là lúc các bạn chết. Chỉ có một cách thức để chuẩn bị cho giây phút các bạn chết và đó là bằng thực hành tâm linh. Không có cách nào khác. Các giáo lý về sáu Bardo là các khám phá Terma được đem tới thế giới này bởi Terton Karma Lingpa, một trong những bậc thầy vĩ đại nhất của Tây Tạng. Karma Lingpa sanh khoảng năm trăm năm trước ở Kongpo, Tây Tạng. Ngài là một bậc chứng ngộ vĩ đại không thể nghĩ bàn. Các khám phá về sáu Bardo này đến trực tiếp từ Đức Phật Vajrasattva, đến Đức Vajrapani (Kim Cương Thủ), rồi tới Guru Rinpoche (Đức Liên Hoa Sanh), và cuối cùng tới Karma Lingpa.
Theo truyền thống, giáo lý này được phân làm ba phần. Giai đoạn khởi đầu được gọi là thiện hạnh vào lúc bắt đầu. Các giáo lý chính là thiện hạnh ở khoảng giữa. Các giáo huấn cuối cùng là thiện hạnh vào lúc kết thúc. Chúng ta đã đi được những bước chuẩn bị cho thiện hạnh vào lúc bắt đầu, và những bước đó đang duy trì động lực thanh tịnh, sự tẩy trừ tà kiến, tri giác về vị thầy tâm linh và bản thân ta trong cái nhìn linh thánh trong khi thọ nhận các giáo lý. Thiện hạnh vào lúc bắt đầu liên quan tới việc chế ngự tâm thức ta khiến ta được thư thản và cởi mở trước các giáo lý. Bản thân các giáo lý là thiện hạnh vào lúc giữa và cho phép ta đi tới một kết luận dứt khoát mà trong trường hợp này sẽ có nghĩa là hoàn toàn thấu hiểu sáu bardo. Cuối cùng, thiện hạnh vào lúc kết thúc bao gồm các thực hành giúp phân biệt rõ ràng giữa luân hồi sinh tử và niết bàn, bằng cách ấy, nó chuẩn bị cho chúng ta đối với sự chuyển tiếp từ đời này sang đời sau.
Việc tiếp cận cái chết của ta thì giống như bắt gặp khuôn mặt chính mình trong một tấm gương. Chúng ta là ai, đó là cái được phản chiếu ở đấy vào lúc đó. Những gì chúng ta sẽ mang theo ta là công đức chúng ta đã tích tập và điều này sẽ tùy thuộc ở các giáo lý ta đã từng thọ nhận và thực hành trong suốt đời ta. Sự quý báu của việc nhận lãnh các giáo lý như thế không bao giờ có thể bị đánh giá thấp. Chúng tuyệt đối cần thiết trong việc chuẩn bị sự chuyển tiếp từ đời này sang đời sau. Nếu các bạn đã nhận lãnh các sự truyền Pháp đúng đắn và đã thực hành chúng trong đời các bạn, thì các bạn sẽ được chuẩn bị để đi vào bardo, trạng thái trung gian. Các bạn sẽ không tái sinh trong các cõi thấp mà sẽ có thể hướng tâm thức các bạn tới các trạng thái tái sinh cao hơn như các cõi người và trời. Nếu các bạn tái sinh cao hơn, các bạn vẫn còn bị mắc kẹt trong vòng sinh tử và vì thế thật lý tưởng là các bạn cần nỗ lực để đạt được sự giải thoát hoàn toàn. Các giáo lý về sáu Bardo mô tả chính xác điều gì xảy ra trong mỗi giai đoạn mà chúng ta trải qua và làm thế nào để chuẩn bị cho các sự chuyển tiếp này.
Một cách lý tưởng, các giáo lý về sáu Bardo cần được ban cho trong một khung cảnh nơi vị thầy và các đệ tử gặp gỡ mỗi sáng vào lúc tám giờ, tạm ngưng khoảng giữa trưa tới hai giờ, rồi lại tiếp tục lúc hai giờ và kéo dài tới khoảng sáu giờ, liên tục theo cách này mỗi ngày trong khoảng một trăm ngày. Đó là cách tôi dạy giáo lý này ở Tây Tạng vì đề tài rộng lớn và đòi hỏi sự soạn thảo thật công phu. Trong quá khứ, dân Tây Tạng đã đeo túi đựng nhiều đồ dự trữ cột chặt vào ngực và vượt qua những quãng đường thật xa để nghe Pháp. Họ có thể du hành nhiều tuần hay nhiều tháng để tìm một vị đạo sư có phẩm chất mà từ ngài họ có thể nhận lãnh các giáo lý thuộc loại này. Giáo Pháp rất khó được thọ nhận. Chúng cực kỳ quý giá và thật hi hữu mới gặp được một vị thầy nắm giữ những dòng truyền thừa này và đang ước muốn truyền dạy giáo lý.
Các bạn thật may mắn được tiếp đón nhiều đại Lama. Các ngài đã đến đây bởi các ngài muốn giảng dạy Pháp và giúp đỡ các bạn. Các ngài đã đi thẳng vào cửa chính của các bạn. Đó là một tình huống duy nhất. Ở Tây Tạng thì không bao giờ như thế. Có đến mười ngàn người có thể tham dự các buổi giảng Pháp ở Tây Tạng. Ở Mỹ, rất ít người đến nghe Pháp. Điều này dường như rất lạ lùng vì ai nấy đều phải chết và tuy vậy rất ít người quan tâm tới việc chuẩn bị cho thời điểm thực sự là giây phút quan trọng nhất trong đời họ. Ở đây có vẻ không có một mối quan tâm mạnh mẽ với Pháp. Người ta quan tâm chút ít và có thể muốn học hỏi, nhưng Pháp không thực sự đi vào trái tim họ. Mặc dù Pháp là cái gì chân chính và quý giá như vàng, nhưng nó đã không được nhận biết như thế. Các bạn có may mắn to lớn được nghe Giáo Pháp, tuy nhiên tâm thức các bạn không hoàn toàn thấu hiểu tầm quan trọng của nó. Trong đời các bạn, không có gì quý báu hay quan trọng hơn việc học Pháp, thực hành Pháp và nhận thức rõ rằng vị thầy có khả năng ban cho các bạn món quà to lớn nhất mà các bạn sẽ thọ nhận mãi mãi. Các bạn nên hiểu rằng Pháp là một chất cam lồ quý giá và khi có được một cơ hội để nghe Pháp, các bạn nên thấu hiểu rằng một cơ hội như thế thì hiếm hoi thế nào. Tôi để ý rằng những người phương Tây hạn chế thời gian thực hành và học Pháp chỉ trong ít giờ mỗi tuần. Như thế, thời gian còn lại để làm cái gì? Cũng vẫn chuyện cũ như vậy. Mọi người nói chung bị lôi cuốn trong sự vô minh luẩn quẩn và việc thâu hoạch vật chất.
Chỉ riêng các giáo lý Bardo đã chiếm gần năm trăm trang và vì thế tôi không có thời gian để dạy rộng rãi như tôi mong muốn, nhưng tôi muốn tất cả các bạn hiểu rằng thật quan trọng phải tránh tái sinh trong các cõi thấp. Điều tối quan trọng mà các bạn có thể làm trong đời này là thực hành Pháp để các bạn có thể đạt được giải thoát khi các bạn giã từ cuộc đời này. Đó là con đường mà tôi muốn chỉ cho các bạn.
Nói chung, tất cả các thực hành bắt đầu với bốn suy niệm xoay chuyển tâm ta hướng về Pháp. Suy niệm thứ nhất là về sự tái sinh làm người quý báu thì khó đạt được, một sự tái sinh với tám sự tự do và mười đặc ân cho phép ta thực hành Pháp và đạt được giải thoát trong một đời. Suy niệm thứ hai là về sự vô thường của cuộc đời. Suy niệm thứ ba là về chân lý không thể sai lạc của luật nhân quả. Suy niệm thứ tư là về nỗi khổ của sinh tử.
Ta phải hiểu rõ tại sao sự tái sinh làm người này thật quý báu và khó đạt được. Vì khi đã gặp được Pháp, bạn có cơ hội để thực hành, nhưng các thú vật thì không. Chúng không thể gặp được Pháp, hiểu biết và thực hành Pháp. Là một thú vật, tâm thức của chúng bị ngăn trở không thể hiểu biết ngôn từ và ý nghĩa của Pháp. Cho dù bạn giải nghĩa rằng hạnh phúc đến từ đức hạnh – những hành động được thúc đẩy bởi thái độ không-tham, không-sân, không-si - cho dù bạn giải nghĩa điều này cho chúng hàng ngàn năm, hàng tỉ kiếp, chúng cũng chẳng thể nào hiểu được. Chúng không thể học cách thực hành Pháp. Là con người, chúng ta đã gặp được Pháp. Chúng ta có cơ hội này, nhưng chúng thì không. Nếu bạn nhìn những con gà, cọp, bò v.v.. thái độ của chúng chỉ là tham muốn, tìm kiếm hạnh phúc của cuộc đời này. Vì thế, mọi hành động của chúng là bất thiện. Do đó, lúc này đây, một phép mầu nhiệm đã xảy ra cho chúng ta: là một con người. Như một giấc mơ! Chúng ta đến từ những cõi thấp. Ngôi nhà hay nơi cư trú thường xuyên của chúng ta là những cõi thấp. Chúng ta đã đến từ những nơi đó. Điều không thể có được đã xảy ra vào lúc này, không chỉ là một con người, mà là đã gặp được Pháp. Như một giấc mơ, một điều bất khả đã xảy ra. Chúng sinh ở trong các cõi địa ngục và chúng sinh hiện đang tái sinh trong cõi địa ngục từ trạng thái trung ấm thì nhiều như những hạt bụi hay những vi trần của trái đất này. Số lượng chúng sinh là những ngạ quỷ và chúng sinh đang tái sinh trong cõi ngạ quỷ từ trạng thái trung ấm thì giống như số hạt cát trong đại dương. Số lượng súc sinh và chúng sinh đang tái sinh trong cõi súc sinh từ trạng thái trung ấm thì như số lá cỏ mọc trong những rặng núi và trên mặt đất. Số chúng sinh được tái sinh làm người bình thường từ trạng thái trung ấm thì ít ỏi, chưa nói tới việc tái sinh làm người toàn hảo do hội đủ tám sự tự do và mười điều thuận lợi. Bởi ta đã phải thực hành những nguyên nhân để có được thân người này cho nên nay mới đạt được thân người. Được làm người là một điều cực kỳ hy hữu.
Suy niệm thứ hai là về sự vô thường. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào và đến không lời cảnh báo. Từ lúc thụ thai, sự có thể xảy ra của cái chết đã xuất hiện. Sự sinh ra trong sinh tử chỉ dẫn tới cái chết. Đây là một sự thật, chứ không phải một cố gắng để được bệnh hoạn. Một trẻ sơ sinh có thể chết trong thai hay lúc sinh ra. Một đứa trẻ hay thanh niên trẻ trung cũng có thể chết. Chúng ta thường nghĩ mình sẽ sống tới bảy mươi hay tám mươi, nhưng không có gì bảo đảm cho điều đó. Không ai biết được đời mình sẽ kéo dài bao lâu. Giây phút cái chết của chúng ta và những tình huống chung quanh điều đó thì không chắc chắn. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta có thể sẽ chết sau tuổi năm mươi. Sự suy niệm về lẽ vô thường của cuộc đời thì ích lợi trong việc có được một nhận thức sâu sắc về sự phải chết của các bạn, thay vì tin tưởng một cách thơ ngây rằng các bạn sống mãi.
Suy niệm thứ ba là về định luật nghiệp báo. Đây là một định luật đơn giản được Đức Phật giảng dạy. Một nguyên nhân đạo đức sinh ra một kết quả đạo đức: sự tái sinh như một vị trời hay người. Một nguyên nhân vô đạo đức sinh ra một kết quả vô đạo đức: đó là sự tái sinh trong ba cõi thấp (địa ngục, quỷ đói, súc sinh). Nếu ta tích tập đức hạnh thì không thể không được hạnh phúc như một kết quả. Nghiệp thì bất biến. Các hạt giống các bạn đã gieo sẽ kết thành quả. Điều này không thay đổi. Bản tánh của lửa là nóng. Bản tánh của nước là ướt và lạnh. Phẩm tính của một yếu tố (đại) không biến đổi. Sự tích tập đức hạnh sẽ không bao giờ sinh ra đau khổ vì bản tánh của đức hạnh là đem lại hạnh phúc. Sự tích tập ác hạnh sẽ không bao giờ đem lại hạnh phúc vì bản chất của ác hạnh là đau khổ. Các hành động tiêu cực sinh ra đau khổ. Các hành động tích cực sinh ra hỉ lạc. Đây là một định luật căn bản. Học giả vĩ đại Shantideva đã nói : “Bởi mắc phạm các hành động xấu ác, mặc dù tôi có thể ước muốn hạnh phúc, bất kỳ tôi đến nơi đâu tôi sẽ hoàn toàn bị đánh bại bởi những vũ khí của đau khổ, gây nên bởi cuộc đời xấu xa của tôi.”
Suy niệm thứ tư là về nỗi đau khổ của vòng sinh tử. Khi nghĩ tưởng về vòng sinh tử các bạn cần thấu hiểu rằng nó trải rộng toàn bộ từ những đỉnh cao của đời sống xuống tới các địa ngục thấp nhất và bao gồm mọi sự trong đó. Con người ở trong dục giới và cần những thứ nào đó để sống còn. Chúng ta cần thực phẩm và y phục. Chúng ta không thể chịu đựng sự bị lạnh lẽo hay đói khát. Chúng ta cần trải nghiệm hạnh phúc vì chúng ta không thể chịu đựng đau khổ. Chúng ta là những tạo vật của dục giới. Trong cõi giới của chúng ta và trong toàn bộ vòng sinh tử, bản chất nền tảng là sự đau khổ. Vào lúc chấm dứt, kết quả sau cùng của sự hiện hữu này sẽ là chịu đau khổ. Có ba loại đau khổ: nỗi đau khổ vì sự biến đổi, đau khổ vì đau khổ và nỗi đau khổ đa hợp.
Có hai suy niệm được thêm vào. Suy niệm thứ năm suy tưởng về các lợi lạc của sự giải thoát. Sự giải thoát trên con đường của Phật giáo có thể xảy ra nhờ sự thực hành các phương pháp có liên hệ với bất kỳ cái nào trong chín thừa. Tất cả các Thanh Văn, Phật Độc Giác và Bồ Tát sẽ thành tựu sự giải thoát vào thời điểm thích hợp. Mọi con đường được Đức Phật giảng dạy cuối cùng đều dẫn tới trạng thái giải thoát. Trạng thái giải thoát, Phật tánh, thì thoát khỏi đau khổ. Nó là một trạng thái an bình và hạnh phúc.
Để đạt được giải thoát các bạn cần có một bậc thầy hay người dẫn dắt tâm linh. Đây là suy niệm thứ sáu. Không có một vị thầy tâm linh, các bạn không thể biết được con đường và cũng không thể chuẩn bị cho đời sau. Các bạn sẽ không thể hiểu được bất kỳ điều gì về Pháp, ngay cả một chữ. Các bạn được hướng dẫn vào con đường đưa tới giải thoát nhờ ân huệ của vị thầy tâm linh của các bạn. Nhờ việc lắng nghe các giáo lý, suy niệm và thiền định về chúng, các bạn có thể đi lên các cấp bậc của sự phát triển và đạt tới giải thoát, sau cùng có khả năng để dẫn dắt tất cả chúng sinh tới cùng một trạng thái rốt ráo đó. Có được một vị thầy tâm linh có phẩm tính thì giống như có một phi công cực kỳ thiện xảo để lái máy bay hay một bác sĩ khám phá ra một cách kỳ diệu cách chữa trị mọi bệnh tật. Một bậc thầy tâm linh chân thật biết đích xác điều gì cần dạy để các bạn sẽ thấu hiểu cách thức tích tập đức hạnh dẫn tới giải thoát và xa lìa đau khổ. Một bậc thầy tâm linh chân thật có khả năng đưa đệ tử đến một hạnh phúc tạm thời trong đời này và đến một hạnh phúc vĩnh cửu tuyệt đối khi họ từ giã cuộc đời. Khi các bạn tìm được vàng các bạn cho rằng mình đã tìm được cái gì quý báu. Việc tìm ra được một bậc thầy tâm linh là vật quý báu nhất mà các bạn sẽ luôn luôn bắt gặp. Các bạn cần nương tựa vào các vị dẫn dắt tâm linh chân thực và sử dụng tốt đẹp cơ hội để học hỏi với các ngài. Kết quả sẽ là hạnh phúc đích thực.
II. CHẾT, TRUNG ẤM THÂN VÀ TÁI SINH
1. CHẾT
Qua sự huân tập và ảnh hưởng của tam độc tham, sân, si, ác nghiệp đã hình thành, thiết lập những mối liên kết với tâm thức qua những khuynh hướng có mục tiêu. Khi con người chết, nếu có những khuynh hướng như thế sẽ tiếp tục đầu thai trong vòng sanh tử luân hồi với thân và tâm được thừa hưởng từ sự tích lũy nghiệp thiện và ác ở kiếp sống vừa qua.
Một số người chết vì kiệt sức hoàn toàn, một số khác chết do hao mòn phước đức, chết không đúng thời điểm hay còn gọi là bất đắc kỳ tử.
Một người chết trong ba trạng thái tâm : Thiện, Bất thiện hay Vô ký. Trong trường hợp thứ nhất, người hấp hối có thể quán tưởng về Tam Bảo hay một vị thầy đức hạnh của mình, bằng cách đó tâm của vị ấy mới phát sinh tín tâm. Hoặc người hấp hối có thể nuôi dưỡng niềm hỷ lạc vô biên để thoát khỏi sự ràng buộc của những phiền não tham dục, luyến ái, thay vào đó bằng cách quán niệm Tánh không và Tâm từ bi. Điều này có thể tự người hấp hối làm hoặc qua sự trợ niệm của người khác. Nếu những yếu tố trên được nuôi dưỡng trong thời điểm hấp hối, một người chết với tâm thanh tịnh như thế thì việc tái sinh của họ sẽ được cải thiện. Đây là cách tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết.
Mặt khác, ta nên tránh đánh thức, quấy nhiễu người đang hấp hối, điều đó chỉ khiến cho họ nổi giận thôi. Đôi khi người thân và bạn bè tập trung quanh tử sàng bày tỏ niềm tiếc thương và khóc lóc bi thảm, sẽ làm cho người hấp hối khởi tâm tham ái và quyến luyến. Nếu người chết với tâm niệm bất thiện như thế, sẽ đẩy họ đầu thai vào cõi xấu, điều này rất nguy hiểm.
Trong bất cứ trường hợp nào, trạng thái tâm của người hấp hối bao giờ cũng quan trọng trước khi chết. Bởi vì ngay cả một người tu luyện tâm linh mà bị quấy rầy vào thời điểm ấy cũng làm cho phiền não phát khởi, chính trạng thái tâm này sẽ tạo ra ác nghiệp và đó là động cơ chính dẫn dắt người ấy tái sinh vào một cõi bất lợi như tam đồ ác đạo : Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh. Vì thế, điều tối quan trọng cho cả người hấp hối lẫn người sống là tránh tạo ra những tình huống gây bất lợi cho tâm thức của người chết. Chúng ta cần biết điều này.
Những người chết trong trạng thái tâm thiện đều có cảm giác mình thoát ra ánh sáng từ trong bóng tối, loại bỏ sự khổ đau và đạt được hạnh phúc. Có nhiều trường hợp người bệnh rất nặng, đến lúc gần chết đã nói ra những điều tốt đẹp thoải mái thay vì nói đến căn bệnh của họ. Còn đối với người bệnh tuy nhẹ nhưng nỗi sợ hãi quá lớn, giai đoạn cuối cùng này tâm họ luôn hoảng hốt, nên có cảm giác mình từ nơi ánh sáng đi vào trong bóng tối và từ nơi hạnh phúc bị rơi vào cảnh khổ đau.
Một số người, thân thể ấm áp của họ đã bị suy yếu qua cơn bệnh nên họ trở nên khao khát muốn được hơi nóng, bằng cách này củng cố thêm cho khuynh hướng tái sinh của họ vào nơi như địa ngục nóng hoặc một nơi có khí hậu nóng. Những người khác thích cái mát lạnh, thích uống nước lạnh và khiến cho khuynh hướng tái sinh của họ vào nơI như địa ngục hàn băng chẳng hạn. Vì thế điều này rất quan trọng là tránh khởi những ý niệm tham ái trong lúc chết và trực tiếp hướng tâm đến những điều thiện.
2. THÂN TRUNG ẤM
Thân trung ấm (Bardo) nên hiểu nôm na là sự sống sau khi chết trước khi thần thức người ấy đi tái sinh vào một trong sáu cõi nào đó (Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ va Súc sinh). Thân trung ấm là thân không có xác thịt mà là lấy tư tưởng làm thân. Thần thức của con người sau khi lìa khỏi xác thân sẽ rơi vào một trong hai trường hợp sau: đối với người khi sanh tiền tạo các nghiệp nhân cực ác (như ngũ nghịch, thập ác), hoặc người đã tu rất nhiều công đức lành (tu mười điều thiện), hoặc người có tín sâu, nguyện thiết, một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương; hoặc người có công phu thiền định đã đoạn trừ được kiến tư hoặc, những người đó sau khi chết không phải thọ thân trung ấm. Ngay khi vừa chấm dứt hơi thở, họ sẽ trực chỉ đọa vào địa ngục A tỳ, hoặc sanh lên cõi trời, hoặc vãng sanh về Tịnh độ. Đối với hạng người bình thường, khi sanh tiền tuy tạo nghiệp nhưng không rơi vào một trong hai nghiệp cực thiện hay cực ác kể trên. Với nghiệp thiện ác lẫn lộn nên thần thức cần một khoảng thời gian để tái sanh vào cảnh giới tương ưng. Trong trường hợp này, thần thức phải trải qua giai đoạn thọ thân trung ấm.
Cảnh giới thọ dụng của thân trung ấm biểu hiện qua hai phần: sắc thân thọ báo và tâm lý thọ báo. Về sắc thân thọ báo, trung ấm có hai loại hình sắc xinh đẹp và xấu xa. Trung ấm có loại hai tay hai chân, có loại bốn chân, có loại nhiều chân, hoặc không chân. Đại để trung ấm chuẩn bị tái sanh về loại nào thì có hình dáng tương đồng với chúng sanh loài đó.
Thân trung ấm của hàng nhân thiên cõi dục, hình dáng bằng đứa bé năm bảy tuổi. Thân trung ấm của chúng sanh cõi sắc lớn bằng thân bản hữu và có y phục, vì do có nhiều chủng tử tàm quý. Chúng sanh ở cõi vô sắc không có thân trung ấm, bởi cõi này không có hình sắc. Trung ấm chư Thiên đầu hướng lên, trung ấm người, bàng sanh và quỷ nằm ngang mà bay đi, trung ấm của chúng sanh ở địa ngục đầu chúc xuống.
Những ai có thiên nhãn, nhìn vào ánh sáng phát ra từ mỗi người, họ có thể đoán định được người đó thiện hay ác. Trung ấm cũng thế, tùy theo nghiệp thiện hoặc ác mà mỗi loài đều có những ánh sáng phát ra khác nhau. Trung ấm của kẻ tạo nghiệp ác ánh ra sắc đen hay xám, trung ấm của kẻ tạo nghiệp thiện ánh ra sắc trắng như điện sáng. Còn về màu sắc, trung ấm của địa ngục sắc đen như than. Trung ấm của bàng sanh sắc xám như khói. Trung ấm của ngạ quỷ sắc đạm như nước. Trung ấm người và trời Dục giới sắc như vàng ròng. Trung ấm của chư Thiên Sắc giới rất đẹp màu tươi trắng, sáng tỏ như ánh trăng rằm.
Trung ấm có rất nhiều thần lực. Mắt của thân trung ấm nhìn suốt xa như thiên nhãn không bị chướng ngại, thấy các trung ấm khác và chỗ mình sẽ thọ sanh. Tai của trung ấm có thể nghe được những âm thanh cực nhỏ. Mũi của trung ấm có thể ngửi được những mùi hương dù xa vạn dặm... Trong giây phút, trung ấm có thể bay vòng quanh giáp núi Tu di, lại có thể xuyên qua tường vách núi non không bị chướng ngại. Chỉ trừ hai chỗ trung ấm không thể vượt qua được: Bào thai mẹ, vì nghiệp lực, một khi trung ấm đã vào rồi thì không thể đi ra được và Kim cang tòa của Phật, do thần lực của Phật, trung ấm không thể vượt qua được.
Thọ mạng tối đa của thân trung ấm là bảy ngày, nếu quá thời hạn bảy ngày mà chưa tìm được chỗ thọ sanh, trung ấm sẽ chết đi rồi sống lại. Nhưng trong vòng 49 ngày trung ấm cũng sẽ tìm được chỗ thọ sanh. Trung ấm khi chết, do nghiệp lành hay dữ chuyển biến mà đổi thành thân trung ấm loài khác. Đại để trung ấm khi sắp chết, tùy theo nghiệp thiện ác mà trong tâm thấy những tướng sai khác, khiến tâm thức mơ màng dường như trong mộng, bấy giờ khởi lên ý niệm muốn chết để sống lại. Khi chết tùy theo nghiệp mà có cảm thọ khổ vui, và sau đó tiếp tục sanh làm thân trung ấm khác, để nối tiếp công việc tìm nơi để thác thai.
Trong thời gian ở lại với cõi trung ấm này, vào những ngày đầu, vong linh không nhận ra mình đã chết, họ quay lại gia đình để gặp những người thân nhưng không ai biết, họ hỏi thăm từng người nhưng không ai trả lời, họ cố gắng sinh hoạt trở lại bình thường như lúc còn sống nhưng không thể được, cho đến khi họ tự phát hiện ra bóng hình không in lên đất, không phản chiếu trên gương, họ mới biết là mình đã chết. Từ đây, họ lần lượt nhớ lại những thiện và ác nghiệp mà họ đã tạo ra trong đời sống vừa qua. Tất cả những cảnh tượng hạnh phúc hay khổ đau đều hiện ra trước họ như một cuộn phim suốt cuộc đời họ. Nếu vong linh là người từng tạo phước, tu tập tâm linh, thì luôn có những cảm giác yên bình, thanh thản và dễ dàng để tìm đường tái sinh vào cõi lành. Còn nếu những người từng tạo ra ác nghiệp, có đời sống tiêu cực thì luôn đối mặt với những cảnh tượng khổ đau, kinh hoàng, sợ hãi, thất vọng và chán chường. Họ lang thang một cách tuyệt vọng trong cõi trung ấm và muốn tìm một thân xác để tái sinh tương xứng với nghiệp lực của họ. Nếu thân trung ấm có tu tập và làm chủ được thần thức của mình, thì người ấy chọn lựa cho mình một cảnh giới tốt để tái sinh, ngõ hầu tiếp tục tu luyện hoặc vì hạnh nguyện cứu độ chúng sinh. Trái lại thì không có sự lựa chọn nào, mà thần thức người ấy bị buộc phải thọ sinh vào một cảnh giới nào đó khế hợp với nghiệp lực của mình, cho dù người ấy có muốn đi hay không.
3. TÁI SINH
Nếu được tái sinh trở lại cõi người, thần thức của người ấy thấy cha mẹ tương lai của mình đang nằm với nhau. Nếu người ấy tái sinh thành người nam thì phát khởi tâm muốn chiếm hữu người mẹ mà rất ghét người cha. Nếu tái sinh trở thành người nữ thì ngược lại, chính sự phát khởi tâm này đã làm chấm dứt thân trung ấm của họ và thần thức của họ được chuyển qua đời sống kế tiếp, bằng cách nhập vào bào thai của người mẹ và bắt đầu với hình dáng của một con người. Khi ấy tinh cha và huyết mẹ được kết hợp với thần thức của người ấy, họ tự nhiên và dần dần phát triển thành một con người.
Như đã nói ở trên, khi gần đến ngày tái sinh, thần thức của người ấy bị lôi kéo về nơi tái sinh tương lai, thậm chí nơi ấy là địa ngục. Sự chuyển tiếp sự sống từ đời này sang đời khác là nghiệp lực. Nghiệp (karma) có một năng lực cá biệt và đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cấu tạo tâm tánh của con người. Nghiệp được hình thành dưới sự tập hợp của tam độc tham, sân, si hay vô minh và ái dục. Chính vô minh (ignorance) và ái dục (desire) là cội rễ của mọi ác nghiệp. Do ác nghiệp này mà khiến cho con người trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Để thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử khổ đau này con người phải nổ lực tu tập đoạn diệt cho bằng được cội rễ của vô minh. Khi vô minh bị tận diệt thì ái dục cũng bị tận diệt, ái dục diệt thì sinh, lão, bệnh, tử sầu bi khổ ưu não cũng không còn, và lúc ấy con người mới thật sự thoát khỏi vòng vây của sinh tử luân hồi.
III. ĐƯA VÀO BARDO
Đó là những giai đoạn khác nhau của Bardo (thân trung ấm), mà chúng ta sắp lần lượt dạo qua. Đây là một chủ đề rất rộng lớn, đòi hỏi hàng năm nghiên cứu thực tập. Người ta làm việc với các người đang hấp hối, thực hành trên chính mình… Tối thiểu, khi tiến hành sự học hỏi này, người ta thực hành trong vòng một tháng với mỗi một trong sáu cái Bardo. Chính vì thế mà người ta nói rằng có một cuộc tu hành sáu Bardo trải dài trong sáu tháng. Ở đây, chúng ta chỉ có hai ngày, cực kỳ ngắn ngủi, chúng ta chỉ có thể làm một cuộc nhập môn đơn giản. Tuy nhiên, mặc dầu khó đi sâu vào chi tiết, người ta có thể trao truyền những hiểu biết có thể hữu ích trong một số trường hợp.
Thứ nhất là Kyéné bardo hay là Bardo của đời hiện tại, nó bắt đầu từ lúc sanh ra và chấm dứt vào lúc chết. Trong truyền thống này, chúng ta có những giáo huấn được biết dưới tiêu đề “Sự giải thoát tự nhiên của bản tánh nền tảng”. Tiếng Tây Tạng là Kunshyé Rangdrošl. Trong giáo huấn này, người ta học cách giải thoát tất cả nguyên nhân từ chính gốc rễ của chúng. Đó là một giáo huấn ở đó người ta làm sáng tỏ mọi hiểu biết bên ngoài và bên trong, người ta trả lời mọi câu hỏi, để không còn một nghi ngờ nào và có một sự tin tưởng không lay chuyển vào điều người ta đã biết. Để hình dung điều ấy, người ta dùng hình ảnh con chim én. Trước khi xây tổ, con chim này thận trọng tìm kiếm một nơi chốn chắc chắn, và xây tổ rất vững chắc. Tiếp theo, chim én bay đi bay về không chút sợ hãi, không chút ngần ngại : nó không cần tự mình xác minh nữa về sự an toàn của cái tổ bởi vì nó đã làm những nghiên cứu này từ trước.
Cũng thế, chúng ta phải trải qua các giai đoạn khác nhau của sự tu hành, học cách làm việc với các cảm xúc khác nhau trong cuộc sống mỗi ngày, để cho chúng ta sửa soạn phút giây chết và cái gì đến sau đó. Để làm việc thật sự với các cảm xúc chúng ta trải qua, chúng ta phải thấu hiểu rằng mỗi một cảm xúc chúng ta kinh nghiệm qua không gì khác hơn là kết quả của quá khứ đang phóng dọi vào hiện tại. Đức Phật cũng như nhiều bậc thầy vĩ đại từ những truyền thống khác nhau đã nói : “Để biết hành động trong quá khứ của bạn ra sao, hãy nhìn vào tấm gương đời bạn hiện tại ; để biết bạn sẽ là gì và điều bạn muốn thành trong các đời sau, hãy nhìn vào tấm gương của các hành động hiện tại của bạn” (hành động của thân, ngữ, tâm). Thế nên, để trở nên có thể sửa đổi, để làm trong sạch các hành động quá khứ, để có thể sửa soạn cho tương lai, những người bạn quý báu nhất chính là những pháp môn thực hành tâm linh.
Khi chúng ta ở trong Bardo của cuộc đời hiện tại, hai Bardo khác xuất hiện. Chúng là Bardo của giấc mộng và Bardo Thiền định.
Bardo thứ hai là Milam bardo hay là Bardo của giấc mộng. Nó bắt đầu giây phút chúng ta chìm vào giấc ngủ và hoàn tất khi thức dậy. Người ta có thể tự hỏi vì sao chúng ta trải qua nhiều kinh nghiệm khác nhau trong các giấc mộng. Giấc mộng chỉ là kết quả của các hành động và thói quen của chúng ta. Trong khi ngủ, chúng ta có đủ loại kinh nghiệm. Thân xác nghỉ ngơi, bất động, nhưng xuyên qua các hành động quá khứ chúng ta đã in những dấu vết lên tâm thức nền tảng, những phóng ảnh xuất phát từ đó làm cho chúng ta trải qua các kinh nghiệm, các cảm giác, du lịch đến các xứ chưa biết... trong các giấc mộng hay các ác mộng. Để làm việc với chuyện đó, chúng ta có những giáo huấn được biết dưới tên là Treulpa Rangdrošl, nghĩa là “Sự giải thoát tự nhiên của mọi ảo ảnh trong trạng thái giấc mộng”.
Tinh yếu của sự chỉ dạy này là phát triển và duy trì quang minh nội tâm, để không cảm thấy một khó khăn nào khi đối xử với các giấc mộng. Người ta ví lời dạy này như việc thắp một ngọn đuốc trong bóng tối : bóng tối của các ảo giác mà chúng ta gây ra bị tan biến nơi sự sáng sủa của ánh sáng nội tâm. Điều này không chỉ có ích lợi cho hiện tại. Sự tu hành này là một sự trợ giúp lớn lao, đặc biệt vào lúc chết, để nhận ra quang minh thanh tịnh mà chúng ta trải nghiệm ngay tiếp sau cái chết.
Bardo giấc mộng chiếm một phần quan trọng trong cuộc đời chúng ta, nó cũng cho phép chúng ta có một cái nhìn thoáng qua về kinh nghiệm sau khi chết, cũng như kinh nghiệm về Bardo của tái sanh.
Khi chìm trong giấc ngủ, có một giai đoạn qua đó các giác quan chúng ta hòa tan cái này vào trong cái kia, và một trạng thái nó sẽ chấm dứt khi giấc mộng bắt đầu. Giữa giây phút thiu ngủ và giây phút giấc mộng bắt đầu có một khoảng trống. Vài người trong chúng ta có sự thực hành tâm linh có thể ngay trong giây phút ấy nhận ra quang minh và trụ trong trạng thái quang minh ấy hay tịnh quang ấy. Vài người không có học tập, bỏ lỡ sự nhận ra này và ngược lại, rơi vào một trạng thái tối tăm. Tiếp theo giấc mơ bắt đầu khởi động.
Bây giờ, để bắt đầu, giấc mơ khởi động như thế nào ? Các giác quan, các năng lực của các nguyên tố, hòa tan lần lượt trong nhau. Tiếp theo chúng ta có tám trạng thái khác nhau của tâm thức, chúng hòa tan trong tâm thức nền tảng là A-lại-gia thức, Tây Tạng là Kunshyé. Người ta ở một chốc trong trạng thái này. Và rồi bắt đầu giấc mộng, nó tùy thuộc vào vị thế nằm của chúng ta trong giấc ngủ, vào các việc làm trong ngày, vào thân xác và sức khỏe... Trong mọi trường hợp, khi thân thể yên nghỉ ở đó, như một xác chết, thì tâm thức chúng ta bắt đầu lang thang. Lúc đó chúng ta có cái gì ? Chúng ta có một thân thể tâm thức. Cái thức thân này bắt đầu lang thang đây đó và biết mọi loại kinh nghiệm. Đôi khi là các ác mộng không thể tin nổi, đôi khi là những giấc mơ rất bình thường hàng ngày, hay lại theo đuổi điều chúng ta đã làm thời thơ ấu hay trong một quá khứ rất gần. Lại có đôi khi, khi chúng ta không hiện hữu trong phương diện vô minh của a lại gia mà trái lại trong phương diện trí huệ của A-lại-gia thức, chúng ta có những giấc mơ liền lạc chúng chỉ cho chúng ta những gì sắp xảy ra trong tương lai.
Dầu là giấc mộng gì, khi nó diễn tiến điều quan trọng là có thể nhận biết nó thật sự là giấc mộng – đây là giai đoạn đầu tiên, kết quả đầu tiên để nhắm đến của sự thực hành tâm linh – nghĩa là không để cho giấc mộng cuốn đi và nhận biết trong trạng thái giấc mộng rằng người ta đang mộng.
Nếu chúng ta thử xem tất cả mọi việc mà chúng ta làm ban ngày không gì khác hơn một kinh nghiệm tương tự với những kinh nghiệm mà chúng ta có trong giấc mộng, như thế chúng ta có thể thấy các kinh nghiệm khi thức của chúng ta chỉ là một giấc mộng và điều ấy cũng cho phép chúng ta nhận biết những giấc mộng thật sự là giấc mộng. Sự kiện áp dụng thái độ này sẽ giúp chúng ta, chẳng hạn như khi chúng ta trải qua các khủng hoảng tâm lý đáng sợ, những vấn đề dữ dội… Bằng cách ấy, chúng ta không để cho mình bị đóng kín trong tình trạng khủng hoảng và chúng ta trở nên rất dễ dàng giáp mặt đối đầu. Tất cả các hoạt động và tình huống mà các bạn từng dính dáng tới dường như cực kỳ quan trọng vào lúc đó, nhưng sẽ như giấc mộng vào ngày hôm sau. Hãy suy nghĩ về điều đó.
Bardo thứ ba là Samten bardo hay là Bardo của thiền định. Bardo của thiền định rất là quan trọng. Giáo huấn về chủ đề này được biết dưới tên Rigpa Rangdrošl, nghĩa là “Sự giải thoát tự nhiên trong tình trạng của tâm thức giác ngộ”. Người ta ví điều này như một đứa con mồ côi tìm gặp được mẹ nó. Người ta cũng dùng ví dụ một nữ diễn viên trước tấm gương của cô : tấm gương là một nơi nương tựa quan trọng, nếu không nữ diễn viên không thể hóa trang. Sự tu hành này dạy cho chúng ta nhận ra trạng thái bổn nhiên của trí huệ hay là trạng thái giác ngộ.
Rất nhiều người Tây phương đã đọc cuốn “Tử Thư Tây Tạng”, trong đó diễn tả rất nhiều cảnh kinh khủng, như có nhiều người đến tay cầm dao búa, nhiều người xông đến để chém giết chúng ta. Họ rất là hung dữ, tàn bạo. Đó chính là lòng ham muốn của chúng ta đã sản xuất ra những hình ảnh kinh khủng này.Tôi tin vào sự kiện này, bởi vì trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đã tích tụ biết bao nhiêu là âm lực (năng lượng âm), biết bao nhiêu là điều không đúng sự thật và biết bao nhiêu lớp mền xấu xa nặng nề từ khi sinh ra đến bây giờ, cộng thêm với những kiếp trước nữa nữa. Cuộc đời của chúng ta hầu như chỉ để sản xuất ra những sai lầm và u mê?
Một lần tôi được nghe kể, có những danh ca đã bán được rất nhiều đĩa nhạc trên khắp thế giới, nếu chúng ta xếp những đĩa nhạc này chồng lên nhau, có thể nó sẽ cao gấp hai lần núi Hy Mã Lạp Sơn. Giống như vậy, những sản phẩm của chúng ta về chiếc mền nặng nề cũng có thể cao gấp ba, gấp bốn lần dãy Hy Mã Lạp Sơn. Do đó, vì những dấu ấn lầm lẫn mà chúng ta đã có, đã tích tụ, đã in sâu vào tâm thức của chúng ta từ muôn vàn kiếp nên chúng ta sẽ thấy, sẽ kinh nghiệm được tất cả những thứ này trong tiến trình của sự chết.
Điều quan trọng là hãy cố gắng giữ sự trong sạch càng nhiều càng tốt. Mỗi một ngày nên cố gắng giữ sự trong sạch càng nhiều càng tốt. Hãy giữ chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng trong sạch, đừng tạo thêm ô nhiễm qua thân khẩu và ý của chúng ta nữa. Như vậy sẽ không có vấn đề gì xẩy ra cả.
Chúng ta có thể thắc mắc, làm sao lại tham lam trong lúc chết được. Lòng tham lam đến từ tâm. Ngay cả trong lúc tỉnh, cuộc sống của chúng ta bị dẫn dắt bởi những tư tưởng tham, chiếm hữu, tranh giành, muốn. Trong lúc chết, thân xác của chúng ta thì đóng lại nhưng tư tưởng vẫn tiếp tục đến, vẫn nuối tiếc dĩ vãng vẫn níu kéo tương lai. Giống như trong lúc mơ. Tư tưởng tham cũng như vậy. Nó rất mạnh, vì thế ngay trong lúc thân xác bắt đầu lạnh, ngay trong lúc thân xác không còn cử động, tam độc cũng vẫn làm việc mãnh liệt ở bên trong.
Tất cả những ảo ảnh đều từ ba độc tố này mà ra. Nếu chúng ta không có ba độc tố này thì chúng ta sẽ không có bất cứ một vấn đề nào trong lúc chết. Nếu được như vậy thì chết sẽ là một sự bình an, một đại lạc. Đó là điều quan trọng. Chúng tôi diễn tả sự chết là sự nhận chìm, là sự thẩm thấu của tứ đại, khi chúng chìm đi chúng để lại những ảo ảnh. Chỉ có những người nào bị tam độc hành hạ mới có những sự mất cân bằng khi tứ đại ra đi. Tứ đại chìm đi có nghĩa là tứ đại không còn cân bằng. Trong kinh thư của Tây tạng danh từ đất, nước và lửa “chìm”, nhưng thực ra chúng không chìm vào nhau. Theo danh từ khoa học, nó bị suy đồi hay bị mất cân bằng. Như vậy, khi một “đại” biến mất là một ảo ảnh xuất hiện, một “đại” khác tan biến là một ảo ảnh khác xuất hiện.
Nguyên nhân thoái hoá của những năng-lượng-không-cân-bằng trong cơ thể là tam độc. Sách y khoa của người Tây tạng giải thích rằng lòng ham muốn sản xuất ra “Lung”. Có nghĩa là khí không còn cân bằng. Một khi lòng tham dấy lên là khí trong người không còn đều hoà, nó làm cho hơi thở trở nên nặng nề khó luân chuyển.
Lòng sân hận ganh ghét sản xuất ra mật đắng. Lòng tham lam vô độ sản xuất ra xung khí, nó có ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Lòng thù hận sản xuất ra qúa nhiều mật đắng có hại cho hỏa đại (Kundalini). Nếu năng lượng trong người mà hoạt động mạnh qúa, hoạt động qúa sức, nó sẽ kích động mạnh tứ đại làm cho con người xáo trộn, kết qủa là sẽ có nhiều lầm lẫn, lộn xộn xẩy ra. Sự thắng thế của một đại trong tứ đại sẽ tạo nên một sự mất thăng bằng trong cơ thể, nó có thể giết chúng ta. Khí lực (phong đại) trong cơ thể của chúng ta là nguồn sinh khí phải không? Nhưng khi nó không còn cân bằng, nó sẽ trở thành tử khí. Cũng vậy, trái tim của chúng ta, sức ấm của chúng ta, cũng là những nguồn sinh lực, nếu nó bị thất thoát cũng sẽ gây ra rất nhiều phiền phức.
Chúng ta cần nước, phải không? Nhưng nếu có qúa nhiều nước, chúng ta cũng bị chết. Vì thế, nếu tứ đại cân bằng với nhau ở trong cơ thể của chúng ta thì chúng ta sẽ có sức khỏe tốt. Nhưng khi một trong tứ đại này mất cân bằng là toàn thể con người bị ảnh hưởng, bị xáo trộn. Đó là sự thật, sự thật về con người của chúng ta.
Tôi cảm thấy muốn về nhà và đi ngủ. Và bây giờ, trước khi kết thúc, chúng ta hãy làm một cuộc thiền định ngắn. Trước tiên, hãy sửa soạn tư thế của bạn: xếp chân ở vị trí thoải mái nhất; xương sống thẳng như một mũi tên. Đặt hai bàn tay vào thế quân bình, với bàn tay trái ở dưới, bàn tay phải đặt trên, và các ngón cái chạm nhau để thành một hình tam giác. Hình tam giác này tượng trưng cho pháp giới, nguồn gốc của thực tại, và cũng là luồng nội nhiệt nằm ở vùng bụng. Đầu hơi nghiêng về phía trước, để miệng và răng như bình thường, với đầu lưỡi chạm vào vòm trên của miệng gần các răng phía trên. Hướng mắt nhìn xuống thả lỏng. Đừng mở mắt quá lớn mà cũng đừng nhắm mắt; hãy để mắt mở hé chút xíu. Đôi khi mắt sẽ khép lại tự nhiên; thế cũng được. Hãy cố gắng để tâm trong trạng thái tự nhiên một cách sinh động, không nghĩ gì về chuyện quá khứ hay về chuyện bạn tính làm trong tương lai, không khởi lên bất kỳ một khái niệm nào. Chúng ta thở tự nhiên, dùng chính hơi thở của chúng ta như là điểm tựa cho thiền định. Mục đích của sự tập trung chánh niệm vào hơi thở là để phát triển khả năng định tâm, đưa tâm thức đến trạng thái tĩnh lặng, an bình nội tại, và như thế tìm ra ánh sáng tự tâm. Không cần phải gò bó, hãy tự nhiên, hãy thực sự thoải mái, hãy để cho năng lượng trôi chảy tự nhiên. Đừng nghĩ rằng chúng ta đang thiền, đừng nghĩ rằng chúng ta là một thiền gia. Đừng nghĩ chúng ta là một người khiêm tốn. Đừng nghĩ chúng ta là người chấp ngã. Đừng nghĩ bất cứ một cái gì, một vấn đề gì…
(Ngày hôm sau)
Tối nay tôi muốn bàn về Bardo của Giây Phút Chết. Cho dù có thể các bạn không tin tưởng tôi và sẽ không thực sự tin tôi cho tới khi giây phút ấy đến với các bạn, có đó một Yama (Thần Chết), ông ta đến viếng các bạn vào lúc các bạn chết. Thần Chết sẽ ở đó để giúp các bạn đánh giá các tích tập về nghiệp của các bạn và vào lúc đó các bạn sẽ hiểu rõ ràng các bạn là ai và tình trạng nguy nan của các bạn ra sao. Khi nói điều này tôi có cảm tưởng là các bạn có thể không hoàn toàn tin tưởng tôi. Hãy tin tôi, có một Thần Chết sẽ đến thăm các bạn, nghiệp của các bạn sẽ được cân đo, có một Bardo, và có các cõi thấp. Những điều này thì thật như kinh nghiệm về việc đang có mặt ở đây tối hôm nay. Nó cực kỳ khủng khiếp và ghê sợ, và cho tới khi giây phút ấy đến, các bạn vẫn sẽ không tin nó. Nhưng khi lúc ấy tới, các bạn sẽ cảm thấy hối tiếc ghê gớm vì cho dù các bạn không ưa thích Pháp trong đời mình, các bạn phải cần đến nó vào lúc các bạn chết. Vì thế, tại sao bây giờ không ưa thích nó và thực hành nó một khi các bạn có cơ hội để làm điều đó. Vào giờ chết của các bạn, các bạn sẽ bị tràn ngập bởi sự ân hận và những giọt nước mắt sẽ tuôn ra trong đôi mắt các bạn. Thậm chí các bạn có thể ngất đi vì sợ hãi và hối tiếc. Hẳn là khôn ngoan khi làm điều nào đó về Pháp ngay bây giờ và hãy tin tôi là không có điều gì tốt đẹp hơn mà các bạn có thể làm cho chính các bạn.
Tôi đã phải đối phó với nhiều tình huống nghiêm trọng liên quan tới cái chết. Có lần một bà già qua đời, và gia đình bà bọc tử thi trong một chiếc mền len, cột chặt lại bằng dây thừng, và thắp hàng trăm ngọn đèn bơ trong nhà cho sáng. Khoảng nửa đêm, tôi thức dậy và nhìn lên bệ thờ là nơi nhiều ngọn đèn bơ được thắp. Tôi thấy một cái bóng di chuyển và nhìn quanh xem có thể có ai đang trông coi điện thờ hay châm thêm vào các đèn bơ hay không. Tôi quan sát chỗ tử thi nằm, bàn tay phải nó dơ thẳng lên từ dưới cái mền. Tôi đánh thức thị giả của tôi dậy, ông ta là một Lama và là hành giả xuất sắc, hơi già hơn tôi, và kể cho ông điều gì đã xảy ra và nói bây giờ không phải là lúc để ngủ. Chúng tôi đã thực hành cả đêm và đến sáng thì hoàn tất một vài nghi lễ và cái xác được đưa tới lò thiêu. Về cơ bản, tôi đã từng chứng kiến nhiều cách khác nhau mà cái xác phản ứng lại khi nó mang hình thức của một cái xác sống. Nó thực sự xảy ra vì thế xin đừng cho rằng khi các bạn chết nó sẽ là một thời điểm an bình. Có thể không nhất thiết là như vậy.
Cái chết chắc chắn sẽ tới và sau đó tâm thức lang thang vơ vẩn. Nó lang thang phù hợp với nghiệp của người chết. Bây giờ là lúc để thực hành. Tôi đã dạy Pháp cho các bạn giống như tôi dạy cho các con trai và con gái của riêng tôi. Nếu các bạn không thực hành, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến tôi, và nếu các bạn thực hành và trở thành một hành giả xuất sắc, điều đó cũng không ảnh hưởng tốt hay xấu cho tôi. Toàn bộ trách nhiệm là của các bạn.
Bardo thứ tư là Chika bardo hay là Bardo của giây phút chết. Từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, chúng ta ở trong Bardo của đời hiện tại. Từ lúc bệnh tật hay điều kiện (duyên) sẽ gây nên cái chết của chúng ta bắt đầu cho tới khi hơi thở bên trong bị trục xuất, chúng ta kinh nghiệm Bardo Giây Phút Chết. Khi chúng ta chết, chúng ta từ giã thế giới này và mọi sự trong đó. Chúng ta từ bỏ gia đình, bạn bè và những người thân yêu của ta. Chúng ta phải chia lìa với tất cả những người đã từng rất thân thiết với ta cũng như chia lìa với tài sản của ta và mọi sự là quan trọng trong suốt đời ta.
Cái xảy ra vào lúc mang thai, nghĩa là khi tâm thức chúng ta vào trong bụng mẹ dựa vào tinh chất màu trắng của cha và tinh chất màu đỏ của mẹ, là một tiến trình kéo dài nhiều hay ít hơn chín tháng, từ đó chúng ta có một thân thể vật lý.
Được tạo thành bằng cách ấy, chúng ta dựa vào các nguyên tố khác nhau. Bên ngoài, chúng ta có đất, nước, lửa, gió và không gian. Cũng thế, bên trong thân thể chúng ta được hợp thành bởi tinh chất của năm nguyên tố. Tinh chất của thịt chẳng hạn thuộc về đất. Máu và các chất lỏng khác thuộc về nước. Thân nhiệt thuộc về lửa và hơi thở và sự lưu chuyển của năng lực trong thân thuộc về gió. Khoảng không đầy khắp trong toàn thân, thuộc về nguyên tố không gian.
Chúng ta hãy xem tiến trình của sự tan rã nguyên tố này trong nguyên tố khác một cách đại cương.
Vì trung tâm thành hình đầu tiên là trung tâm rốn, cho nên cũng là trung tâm đầu tiên giải tán. Năng lực của nguyên tố đất ở trong rốn bắt đầu hòa tan. Nó hòa tan vào cái gì ? Nó hòa tan trong năng lực của nguyên tố nước. Khi nó hòa tan, về thân xác, người ta cảm thấy rất nặng nề, về tâm thức, người ta chìm trong sự đờ đẫn, tâm thức không sáng sủa.
Cảm giác nặng nề này, cảm giác lún sâu này, người ta có thể nhận ra chúng nếu họ đến tham dự với những người hấp hối. Với riêng tôi, vì cha tôi là một đại sư và cũng là một thầy thuốc, người thường được gọi đến bên giường người hấp hối, và tôi cũng thường có dịp tham dự với những người đang chết. Người ta rất thường gặp kinh nghiệm này được giải thích rất chính xác trong những giáo huấn: ngay cả những người nằm rất thoải mái cũng đòi hỏi “Hãy giữ tôi lại, tôi cảm thấy rơi xuống, tôi cảm thấy bị lún xuống !” Điều này chỉ rằng nguyên tố đất đang tan vào nguyên tố nước.
Đất tan trong nguyên tố nước, còn nguyên tố nước tan vào đâu ? Nguyên tố nước tiêu tan trong lửa. Chúng ta cảm thấy rất yếu đuối. Nhưng chưa hết. Bên trong, chúng ta không chỉ cảm thấy tối tăm, mà một trạng thái bị tước đoạt hết xâm chiếm chúng ta. Ở giai đoạn này, chúng ta nhận thấy rằng những chất lỏng chảy ra từ mũi và miệng của người hấp hối, họ cảm thấy mất hết nước và đòi uống. Cho người ấy uống lúc này sẽ là một sự giảm nhẹ cho họ.
Khi nước tan trong lửa, hơi nóng của thân thể bắt đầu yếu đi, nó thoát khỏi thân. Bên trong các cảm giác rất là trái ngược nhau : khi thì người ta cảm thấy một sự sáng sủa tâm thức rất lớn, khi thì một sự lộn xộn rất lớn. Cũng thường trong giai đoạn này – chắc chắn điều ấy tùy thuộc vào bệnh tật và các hiện tượng khác – đôi mắt đảo lộn và người ta không thể nhắm lại nữa.
Tiếp theo, năng lực của lửa tan trong nguyên tố gió. Vì nguyên tố gió bên trong liên quan với hơi thở, ở giai đoạn này hơi thở ngắn lại. Rồi người ta có những thay đổi chuyển tiếp sáng sủa và lộn xộn của tâm thức, ở đây trạng thái tâm thức bị xáo động.
Rồi, mặc dầu mắt hoặc nhắm hoặc trợn ngược, chúng ta có những tri giác dưới dạng các tia chớp sáng.
Mọi kinh nghiệm này không chỉ dành riêng cho con người, thú vật và ngay cả côn trùng nhỏ bé nhất cũng trải qua tương tự. Chẳng hạn khi một con thỏ bị giết chết bởi một chiếc xe hơi, nếu chúng ta quan sát nó vào lúc các nguyên tố hòa tan trong nhau, chúng ta thấy các con chấy rận từ trong bộ lông nhảy ra. Cũng thế – rõ ràng ở Tây phương điều này không xảy ra vì dễ dàng tắm rửa – nhưng ở Đông phương vì nhiều lý do mà người ta có thể có chí rận, và lúc ấy, người ta thấy các con chí rận không bám lấy người nữa mà rời bỏ thân thể một cách hối hả. Điều đó xảy ra khi nguyên tố lửa tan vào nguyên tố gió.
Như thế, tôi đang thực sự nói về điều gì ở đây ? Tôi đang nói về tiến trình mà mỗi một và tất cả mọi người trong chúng ta sẽ kinh qua, tuy nhiên ngay cả bây giờ khi các bạn nghe những lời này, các bạn có thể nghĩ rằng tôi đang nói về người nào khác đang hấp hối, nhưng đây chính là điều mà tất cả chúng ta phải trải qua.
Vào lúc chết, nghiệp tiêu cực của con người trội vượt hẳn lên và gây nên sự đau khổ ghê gớm. Đây là nỗi đau khổ mãnh liệt nhất mà các bạn sẽ luôn luôn kinh nghiệm. Người hấp hối có một vài năng lực để hiểu biết về sự tái sinh kế tiếp của họ và để phản ứng lại việc đó trong những giây phút cuối cùng này. Tâm thức mê lầm có thể biểu lộ theo một cách mà những lời cuối cùng của người đang hấp hối thốt ra thì hoàn toàn tiêu cực và khó chịu. Nếu họ sắp đi xuống cảnh giới địa ngục thì họ có thể biểu lộ những khuynh hướng của cảnh giới địa ngục trong thái độ tinh thần và sự biểu lộ qua thân thể ngay trước khi chết. Nếu họ sắp đi tới cảnh giới ngạ quỷ hay cảnh giới súc sanh, họ có thể biểu lộ các khuynh hướng đó. Sẽ có các dấu hiệu và các biểu lộ. Người hấp hối có thể thực sự thấy được nơi tái sanh trước khi các dấu hiệu và biểu lộ này xảy ra và điều này sẽ trở nên rõ ràng hiển hiện.
Những người sắp đi vào cảnh giới địa ngục sẽ mọc lên một cách tượng trưng những chiếc sừng và răng nanh, và nhìn thấy Yama (Thần Chết) đang đến dẫn tay họ tới cõi địa ngục, nơi đó họ sẽ bị thiêu đốt trong các loại địa ngục. Thậm chí họ sẽ có kinh nghiệm này trước khi tới đó. Đây không phải là câu chuyện nào đó mà tôi đang bịa đặt. Nó xảy ra như thế nhưng các bạn vẫn nghĩ rằng nó sắp xảy ra cho người nào khác. Nỗi đau khổ của cái chết thì không thể nghĩ lường.
Năm ngoái khi tôi ở Delhi, một hôm chúng tôi đã viếng thăm một vườn bách thú, ở đó có một cái chuồng nhốt ba con rắn khổng lồ. Vài con chim nhỏ được thả vào chuồng cùng với một ít hạt để chúng đủ sống cho tới khi các con rắn ăn thịt chúng. Những con rắn chắc chắn sẽ ngấu nghiến những con chim nhỏ bé đó vì chúng là con mồi của lũ rắn. Tuy nhiên, những con chim không có ý niệm gì về số phận của chúng. Và như thế, mặc dù mọi người nhìn vào chuồng có thể thấy rằng ngày mai các con chim sẽ chết, nhưng chính chúng thì hoàn toàn không biết gì về tình trạng nguy hiểm của chúng. Việc này gây ấn tượng cho tôi như một ví dụ cổ điển về thân phận của chúng sinh. Tất cả chúng ta đều thích dấn mình vào những vấn đề thế gian, cuộc đời chúng ta bị tiêu mòn bởi công việc và những hoạt động khác, và chúng ta không thấy được bản chất của sinh tử trong khi nó thật hiển nhiên. Không thấy được điều đó, người ta tiếp tục theo đuổi các hoạt động thế tục mà không có bất kỳ sự tỉnh giác nào về số phận của họ : cái chết đó đang tới gần vào bất cứ giây phút nào như một sự thật đối với những con chim trong cái chuồng đó. Thật buồn khôn tả khi nhìn thấy tình trạng nguy cấp và sự vô minh của chúng sinh. Quá rõ ràng là chúng sinh cần Pháp để họ có thể né tránh được Yama, Thần Chết, khi ông ta đến dắt tay họ đi. Có một cơ hội để chuẩn bị nếu như các bạn có thể gặp được Pháp và thực hành nó. Nếu các bạn không chuẩn bị, các bạn sẽ giống như một con cừu bơ vơ lạc lối, gặm cỏ thơm ngon trên những sườn dốc cao, xa bầy và khi nó đang vui hưởng bữa tiệc thì bất thần không biết từ đâu một con chó sói nhảy xổ ra và ăn nó ngấu nghiến. Đừng quên rằng Thần Chết đang đến gần. Vào lúc đó các bạn sẽ bị tràn ngập bởi bất kỳ nguyên nhân của cái chết nào. Nguyên nhân của cái chết sẽ là kinh nghiệm mãnh liệt nhất về nỗi đau khổ mà các bạn chưa từng có trong đời các bạn. Các bạn sẽ bị tràn ngập bởi các giai đoạn tan rã. Điều thiết yếu là phải chuẩn bị và làm việc như thế trong khi các bạn vẫn còn có thể.
Chúng ta cũng đã ghi nhận, trong thân ta, chúng ta có hai tinh chất mà chúng ta đã nhận được từ cha và mẹ: tinh chất màu trắng của cha và tinh chất màu đỏ của mẹ. Chúng ta cũng có những kinh mạch vi tế trong đó các tinh chất này lưu thông. Tinh chất đỏ trú ngụ ở phần dưới của kinh mạch trung ương, ngang mức lỗ rốn và tinh chất trắng trú ngụ trên cao trong luân xa đầu.
Ở giai đoạn này, tinh chất đỏ bắt đầu đi lên về trái tim bằng cách theo kinh mạch chính, và tâm thức chúng ta có một kinh nghiệm một tia chớp rực rỡ màu đỏ trong không gian. Khi chúng ta phạm trù hóa những phiền não khác nhau, chúng ta đã thấy có 21.000 loại phiền não nối kết với tham ái. Tuy nhiên, người ta có thể giản lược chúng thành 40 phạm trù lớn của các hình thức tư tưởng và phiền não nối kết với tham ái. Khi tinh chất đỏ bắt đầu đi lên, 40 hình thức phiền não liên hệ với tham ái này đi đến chỗ cạn kiệt.
Tiếp theo, tinh chất trắng bắt đầu đi xuống từ đỉnh đầu và chúng ta có một kinh nghiệm bên trong về ánh sáng trắng sáng chói. Đúng lúc ấy, 21.000 phiền não liên hệ với sân – mà người ta có thể giản lược thành 30 phạm trù lớn của các hình thức tư tưởng hay phiền não nối kết với sân hận – đi đến chỗ cạn kiệt.
Rồi hơi thở bên ngoài, hơi thở ra kéo dài ra so với hơi thở bên trong, hơi thở vào, và tất cả máu chảy dồn về tim. Sau đó, tinh chất trắng và tinh chất đỏ gặp nhau trong trái tim, yếu tố tâm thức cũng rút vào đó và người ta thấy một kinh nghiệm về ánh sáng tối đen. Lúc này, 21.000 tư tưởng liên hệ với si, vô minh – mà người ta có thể rút gọn lại thành bảy hình thức tư tưởng hay phiền não nối kết với si, vô minh – cạn kiệt hết lúc đó. Trong vài chốc lát, người ta bất tỉnh trong một trạng thái vô thức trong bóng tối toàn diện.
Miệng không đóng được nữa. Dầu miệng đã không đóng lại vì thở khó khăn hay các nguyên nhân vật lý, dù nó được đóng lại một cách nhân tạo hay không, thì nó cũng mở ra vào lúc đó. Mắt trợn lên. Từ lúc này trở đi, người ta không còn thấy với con mắt vật chất nữa ; hơi thở ra dừng lại trong một khoảng cánh tay ; vào lúc hơi thở đi ra, người ta có kinh nghiệm bên trong về một ánh sáng hoàng hôn.
Hơi thở bên ngoài dừng lại, hơi thở bên trong tiêu tan, và lúc ấy các tinh chất trắng và đỏ thật sự kết hợp với nhau trong trái tim. Người ta rơi vào vô thức.
Bardo thứ năm là Eusel bardo hay là Bardo của ánh sáng thanh tịnh (tịnh quang). Tiếp theo, sau kinh nghiệm về khoảnh khắc của cái chết, xảy đến Bardo của tịnh quang. Về bardo này chúng ta có giáo huấn Tongwa Rangdrošl, nghĩa là “Sự giải thoát tự nhiên bởi kinh nghiệm về tịnh quang”. Nhờ một sự tu hành như vậy, người ta sẽ như một đứa bé không ngần ngại nhảy vào đôi tay ôm ấp của mẹ nó và vậy thì, khi người ta gặp kinh nghiệm này vào lúc sau khi chết, không có chút ngần ngại nào để nhận ra bản tánh của tịnh quang này và tức thời đạt đến thức tỉnh hay giác ngộ.
Những ai đã đi vào tịnh quang trong khi họ sống, thì sẽ nhận ra nó vào lúc này và tự nhủ “A ! Đây là kinh nghiệm về tịnh quang mà ta đã sống trong khi thiền định !” Nhận ra điều đó, họ sẽ tức thời giải thoát trong Pháp thân hay Dharmakaya.
Những người chưa từng đi vào tịnh quang sẽ không nhận ra nó như chính bản tánh của mình, như ánh sáng của chính mình và có thể họ sợ nó, cũng y như đôi khi chúng ta sợ bóng mình vậy !
Những người đã có thể thực hành tịnh quang sẽ đạt đến giác ngộ tức thời vào giây phút đó. Khả năng rơi lại vào trong trạng thái vô minh huyễn hóa không đặt ra với họ ; ngược lại họ sẽ có thể giúp đỡ vô số chúng sanh.
Với người sợ sự chói chang của ánh sáng quang minh của chính họ, kinh nghiệm này không kéo dài lâu, nó chỉ là một tia chớp. Tuy nhiên, dầu kéo dài lâu hay mau, đó là một kinh nghiệm được trải qua bởi tất cả chúng sanh trong giai đoạn này.
Tiếp theo, chúng ta nghe những âm thanh điếc tai, những âm thanh ấy thật ra chỉ là âm vang của bản tánh trong trạng thái thanh tịnh của nó, điều mà người ta gọi là âm thanh của Pháp thân. Và bởi vì người ta sợ cái ánh sáng vô biên này, nó không gì khác hơn là trạng thái quang minh bản nhiên của chúng ta, người ta liền rơi vào trở lại trong các huyễn hóa của dòng nghiệp lực, giống như trước kia.
Bardo thứ sáu là Sipai bardo hay là Bardo của tái sanh. Nó bắt đầu từ giây phút người ta để cho qua kinh nghiệm về tịnh quang mà không nhận ra được. Có những giáo huấn gọi là Sipa Rangdrošl, hay là “Sự giải thoát tự nhiên trong Bardo của tái sanh”. Người ta ví điều ấy như việc nối hai ống dẫn nước, nước chảy trực tiếp giữa hai ống, không có gián đoạn nào, cũng không mất giọt nước nào. Cũng thế, chúng ta không phải lang thang lạc lỏng, nhờ vào sự tu hành này chúng ta sẽ chọn được sự tái sanh thích hợp nhất để tiếp tục thực hiện những sự nghiệp còn dở dang.
Một lần nữa chúng ta tiếp tục một tiến trình: giây phút đó chúng ta không có chỗ nương tựa là tinh chất của cha và của mẹ nữa để duy trì thân xác, nhưng có một nơi nương tựa rất vi tế đến từ cái mà người ta gọi là A-lại-da thức, tâm thức nền tảng.
Cái này đơn giản do những khuynh hướng thói quen từ quá khứ. Người ta có thể tự hỏi thế nào là thân thể tâm thức này. Nó rất giống với thân thể tâm thức mà chúng ta có trong trạng thái mộng.
Nhưng còn nữa. Cuối cùng các phiền não tham, sân, si và vô minh sẽ trở lại đè nặng với một cường độ lớn dần, rất nặng nề, rất nguy hiểm.
Vì không có thân vật chất mà có một thân thể tâm thức, chúng ta có các khả năng thiên nhãn và chúng ta có thể dời chỗ rất là nhanh. Ví dụ để đi Paris, chúng ta chẳng cần xe lửa, máy bay gì, ngay khi nghĩ tới nó là chúng ta đã có ở đó. Tuy nhiên ban đầu vì các thói quen nghiệp lực, chúng ta có khuynh hướng mạnh mẽ là ở lại nơi chúng ta đang sống, gần gũi bà con và bạn bè thường ngày – điều này xảy ra trong những tuần lễ đầu. Nhưng rõ ràng điều ấy tùy từng người.
Một số người theo nghiệp của họ, không chờ lâu mà kiếm một đời khác, số người khác phải lâu hơn, nhưng thường 49 ngày đầu là rất quan trọng.
Trong nửa đầu chu kỳ 49 ngày này, chúng ta có những kỷ niệm về các kinh nghiệm của đời sống mà chúng ta vừa từ bỏ; trong nửa thứ hai, chúng ta có những kinh nghiệm liên quan đến cuộc đời sắp tới, dù nó là gì. Tùy theo mỗi người mà điều này có thể thay đổi.
Về sự giúp đỡ mà người ta có thể đem lại cho một người chết, dầu cho hơi thở bên ngoài đã ngừng, đôi khi, trước khi hơi thở bên trong cũng ngừng, có thể làm cho người ấy trở lại với cuộc đời. Ngay ở một giai đoạn đi xa hơn, dù hơi thở bên trong đã ngừng, nếu người ấy chưa thức dậy trong trạng thái thân thể tâm thức, còn có thể làm cho người ấy trở lại.
Chính vì thế mà khi người ta muốn giúp đỡ một người đang chết, khi người ta biết kỹ thuật chuyển di tâm thức và người ta có thể thực hiện nó, thật cực kỳ quan trọng chờ đợi phút giây chính xác, biết được những dấu hiệu và chờ đợi lúc máu đỏ và trắng bắt đầu rịn ra ở lỗ mũi và các lỗ phía dưới. Vào lúc đó người ta có thể thực hiện phép chuyển di tâm thức.
Khi một người vừa chết, rất quan trọng để giúp họ bằng sự tu hành tâm linh. Tất cả mà mọi thứ mà người ta làm trên bình diện vật chất sẽ không thể giúp cho người ấy nhiều. Một khi đã chết, chúng ta không thể mang theo được vật gì hết. Ngược lại, sự tu hành tâm linh, nghĩa là những sự cầu nguyện sẽ là một trợ giúp lớn lao.
Nếu người ta biết những người tiến hóa nhiều về tâm linh và họ có khả năng giúp đỡ người này, phải mời họ tới cầu kinh cho người ấy.
Trong nửa đầu của 49 ngày, phải thường xuyên cầu kinh cho người chết, ngay khi tư tưởng của người chết hiện ra trong tâm thức của chúng ta, phải trả lời họ bằng những lời cầu nguyện, vì họ đang thật sự chờ đợi những tư tưởng tốt lành. Bốn mươi chín ngày là thời gian dành chung cho tất cả mọi người, nhưng có một số người khác cứ vất vưởng trong thế giới trung ấm này một thời gian rất lâu. Nếu trường hợp họ bị kẹt lại trong thế giới trung gian này, họ sẽ trở thành ma quỷ. Thông thường khi một người đang hấp hối, chúng ta đọc kinh cầu nguyện hoặc nhắc nhở, họ đều nghe thấy, thậm chí người bất tỉnh cũng thế. Đối với vong linh trong cõi trung ấm cũng có khả năng nghe, cảm nhận và hiểu được.
Cũng phải hoàn thành các ước nguyện trong di chúc trong 49 ngày sau khi chết, vì điều đó cho phép họ ra đi bình an và tìm thấy con đường của họ. Nếu không thể làm, điều đó có thể làm cho họ chậm trễ, nghĩa là dầu nhờ vào một nghiệp quả tốt mà cơ hội cho một cuộc tái sanh thuận lợi xuất hiện, họ lại bị trễ lại đàng sau vì để nhìn xem những ý muốn cuối cùng có được thi hành hay không. Thế nên cực kỳ quan trọng phải làm tròn mong muốn của một người vừa ra đi.
Câu chuyện này không phải là một chuyện kể dành cho trẻ em. Đó là một câu chuyện sống thực, đã xảy ra cách đây khoảng hai mươi lăm năm ở miền đông Tây Tạng. Có một trung tâm tu học được điều khiển bởi một vị thầy vĩ đại, Lama Dugpa Rinpoché. Ngài có thói quen đi ra xung quanh vùng phụ cận, ban cho các lời chỉ dạy cho nhiều đệ tử thuộc nhiều cấp độ, họ quây quần quanh ngài, có cả nhiều người ăn xin. Các người ăn xin này chẳng chú ý bao nhiêu tới lời dạy của ngài hơn là tới thức ăn mà ngài phân phát cho tất cả. Trong đám họ, có một người ăn xin già rất thích món xúp. Ngày nọ, ông chết thình lình, và trong nhiều đêm chó của trang trại quấy rầy mọi người khi sủa không ngớt và chạy vòng quanh căn nhà hư nát nơi ông ăn xin già nua thường ẩn mình ở đó để ăn. Vị Lama biết bằng thiên nhãn rằng người mới chết rất thích xương và mỗi lần ông dùng một bữa ăn có xương tủy ông giữ lại một ít để nấu xúp. Ông đã cất giấu kho tàng của mình trong một kẻ hở của bức tường, giấu mấy con chó, và ngay cả sau khi chết, ông cũng không thể bỏ được các xương ấy. Dugpa Rinpoché chỉ ra nơi để xương, bảo người ta tán ra thành bột và làm một lễ cúng cầu an cho ông ăn xin. Yên bình trở lại với trang trại.
Tâm thức gắn bó với các vật vô nghĩa như vậy, đôi khi chỉ là vài mảnh xương. Cũng có những câu chuyện về các bà lão không thể lìa bỏ các cây kim, cuộn chỉ của họ... Nhưng chuyện này xảy ra chỉ mới hai mươi lăm năm ! Thế nên, những sự vật nhỏ bé và thấp kém có thể gây cho chúng ta một lo âu lớn, thật quan trọng cần sắp xếp trước khi người ta cảm thấy gần với sự chấm dứt, và phải chuẩn bị tất cả để thoát khỏi mọi bám níu.
Thân thể tâm thức sắp sanh lại ở đâu ? Điều ấy tùy thuộc vào các hành động đã làm trong quá khứ. Nhiều chỉ dẫn được đưa ra về chủ đề này, theo đó điểm cuối cùng nơi hơi nóng của thân thể thoát ra và tan biến, hay theo cái cách và chỗ nơi máu bắt đầu rịn ra. Người ta nói rằng trước khi thân thể tâm thức người ấy thoát ra khỏi xác thì trên thi thể họ sẽ có một điểm nóng được tụ lại duy nhất có màu đỏ hoặc có màu trắng. Điểm nóng tụ lại ở đâu thì thần thức sẽ thoát ra ở chỗ đó. Ví dụ, nếu điểm nóng hội tụ ở đỉnh đầu thì chúng ta tin rằng người ấy sẽ tái sanh vào cõi lành, điểm nóng tụ lại ở bàn chân thì chắc chắn người ấy sẽ đọa vào hạ giới. Dấu hiệu cho biết khi thần thức thoát xác sẽ có một ít máu chảy ra ở lỗ mũi hoặc nước dịch thoát ra từ bộ phận sinh dục.
Vì tất cả chúng ta sẽ phải chết, mỗi một và mọi người trong chúng ta sẽ có kinh nghiệm này và nó cực kỳ khó khăn. Nó khó khăn đến khó tin. Người quá cố trong Bardo sẽ than khóc từ sâu thẳm hiện thể của họ về việc họ hối tiếc ra sao, đặc biệt là khi họ nhận ra là họ đang đi vào các cõi thấp. Và khi họ kêu khóc với những người mà họ nghĩ là có thể cứu giúp họ, các người trong gia đình và những người thân yêu, thì không ai sẽ nghe họ, và sẽ không ai đáp lại những kêu gọi đau đớn của họ.
Là chúng sinh trong sáu cõi, chúng ta không thể tránh khỏi việc gặp gỡ cái chết. Cái chết có thể xảy đến bởi một trong hai lý do: Sự cạn kiệt của nghiệp hay Sự tấn công của các điều kiện, các tình huống hay các trở lực bất ngờ lấy đi mạng sống của ta. Các bạn có thể chết khi các bạn còn trẻ hay khi già đi. Có thể vào bất cứ lúc nào. Khi thần chết đến thăm các bạn, chào hỏi, và đưa các bạn sang trạng thái tái sanh kế tiếp, các bạn sẽ kinh nghiệm kết quả của những hành động mà các bạn đã tích tập trong đời này. Thời gian mà các bạn dâng hiến cho sự thực hành Pháp sẽ là kho tàng công đức mà các bạn mang theo mình. Đó là những gì sẽ thúc đẩy các bạn đi vào trạng thái tái sanh kế tiếp của các bạn, dù là tái sanh như một vị trời, người hay bất kỳ loại thân tướng nào có thể. Rõ ràng là các bạn phải nhận thức rằng nghiệp là thật có. Có ba loại nghiệp. Một là tong-cho-nang-tu-kyi-ley, có nghĩa là bạn tạo ra một nguyên nhân trong đời này và kinh nghiệm kết quả cũng trong đời này. Nghiệp thứ hai là kye-ney-nang-tu-kyi-ley, bạn tạo ra nguyên nhân trong đời này và kinh nghiệm kết quả trong đời sau của bạn. Loại thứ ba là leng-tang-zhen-la-nang-tu-kyi ley, bạn tạo nguyên nhân trong đời này và nhiều đời sau mới kinh nghiệm kết quả. Kết quả của sự thực hành Pháp là đức hạnh và hạnh phúc.
Chết không phải là một kẻ thù. Chết là một phần trong đời sống của chúng ta. Đối với Phật tử và những người từng thọ trì một pháp môn nào đó thì thật là thuận lợi nếu họ được nhắc lại mười điều Phật dạy trước khi chết :
1. Không nên khởi niệm tham đắm chấp thủ mọi dục vọng ở đời nàỵ Nên cố gắng và tránh hướng tâm ái luyến đến người thân của mình, vì dẫu đời sau có gặp lại thì cũng phải chia lìa. Trong thời điểm hấp hối, ta phải bỏ tất cả mọi thứ lại phía sau. Ta cũng không nên chấp đắm tấm thân của mình, vì lúc chết ta phải rời bỏ nó. Ta không luyến tiếc các thứ như thức ăn, áo quần, nhà cửa, vì những thứ ấy cuối cùng cũng từ bỏ ta.
2. Ta nên phát khởi lòng bi mẫn và thương yêu đối với mọi chúng sanh.
3. Ta nên đoạn tận mọi phẫn uất và thù hằn, nếu không thì nó sẽ làm hại ta trong kiếp sau.
4. Tất cả các giới pháp mà mình thọ trì nếu đã vi phạm thì phải cố gắng sám hối cho thanh tịnh trước khi chết.
5. Ta phải phát tâm dõng mãnh trong đời vị lai sẽ thọ trì và giữ giới pháp thanh tịnh.
6. Ta phải cảm thấy đau xót về những ác nghiệp mà mình đã gây tạo cho người khác trong đời này và phải sám hối để dễ dàng tái sanh.
7. Ta phải nhớ đến những công đức mà mình đã làm trong đời này và phát tâm sẽ tiếp tục làm trong vị lai.
8. Ta nên nghĩ đã đến lúc mình phải ra đi để đến đời sau, vì đó là quy luật tự nhiên đã có sinh ắt có tử.
9. Phải quán thấy mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên mà sinh và cũng do nhân duyên mà hoại diệt.
10. Ta phải quán thấy rằng mọi sự vật hiện tượng đều vô ngã để ta vượt thoát khỏi sầu và đạt được sự an lạc.
Có nhiều người trong căn phòng này tối nay, và mọi người trông rất khác biệt nhau. Ai nấy đều có vẻ khác nhau. Mọi người có những thái độ khác nhau, hiểu biết các giáo lý bằng những cách khác nhau, có một đời sống gia đình khác nhau, mức độ giàu có khác nhau và v.v... Căn nguyên của mọi sự này là nghiệp. Thọ mạng mà các bạn sẽ trải qua, dù dài hay ngắn, thì hoàn toàn do bởi nghiệp của các bạn, và chỉ có nghiệp của các bạn là sẽ quyết định các bạn sống thọ bao lâu và các bạn sẽ có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị cho giây phút quan trọng đó. Khi tôi nhìn xung quanh và thấy tất cả các bạn nỗ lực chờ đợi để nhận các giáo lý về sáu Bardo, điều ấy thực sự đáng kinh ngạc. Tất cả các bạn hết sức may mắn có được cơ hội nhận lãnh các giáo lý này và thật cởi mở khi nghe và thực hành chúng. Tôi cảm thấy thực sự chắc chắn là không ai trong các bạn sẽ phải tái sinh trong các cõi thấp. Điều ấy khiến tôi rất sung sướng nhưng tôi muốn khuyến khích các bạn cần có lòng sùng mộ mãnh liệt, giữ samaya (giới nguyện) trong sạch, và ghi nhớ rằng mặc dù có những việc nào đó mà các bạn phải thực hiện trong đời này chẳng hạn như tạo nên một đời sống tươm tất và sống một cách thoải mái, điều quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị cho lúc chết.