Trích dẫn Nguyên văn bởi kunga Xem Bài Gởi
Hỏi. Xin thầy một lời khuyên về thứ tự những gì cần chuyên tâm (quán tưởng, tưởng tượng, tụng chú, tâm kiêu hãnh nhiệm màu v.v...)
Ðáp. Ở đây thầy xin trả lời theo quan điểm riêng của thầy. Quan điểm riêng của thầy không phải là chân lý của mọi sự. Theo thầy thấy, thầy mỗi ngày phải tụng một bài tụng dày bằng tập sách trước mặt thầy đây. Một bài tụng dài và sâu rộng như vậy, lúc mới tu học không ai có thể hiểu hết mọi ý nghĩa ẩn hàm trong đó. Vậy theo ý thầy, trước hết quí vị nên tu hành dựa theo bài tụng sáu thời công phu đạo sư du già. Ráng tìm hiểu đại khái ý nghĩa của bài tụng. Phần này là để làm gì, mang ý nghĩa gì, phải hành trì ra sao.
Khi mới tu học, hình ảnh trong quán tưởng có hiện rõ hay không, không quan trọng gì lắm, quí vị không cần phải quan tâm. Ðiều quan trọng là phải cố gắng chuyển hóa tâm thức theo lamrim [tâm qui y, tâm bồ đề, tánh không].
Ðầu mỗi buổi công phu, điều quan trọng nhất là khởi tâm qui y tam bảo, cho thật vững vàng, mạnh mẽ. Rồi trong bất cứ bài tụng nào thân Phật cũng khởi hiện từ chân không, phải phối hợp trí tuệ tánh không cùng với kinh nghiệm đại lạc, từ đó khởi hiện thân Phật. Vì lý do đó, quí vị phải siêng năng quán niệm tánh không. Mỗi ngày ít nhất đôi ba lần quán niệm tánh không, bằng không là phạm mật giới.
Khi khởi hiện thân Phật, là người mới tu học quí vị chỉ cần phát khởi chút hình tướng mơ hồ của thân Phật là đủ, không đòi hỏi phải có ngay sắc tướng rõ rệt, trong sáng, cũng không cần phải hiểu sâu xa về sắc tướng vi tế của Phật. Chỉ cần hiểu đại khái hình này màu này có nghĩa gì. Ví dụ Phật Kalachakra vì sao chân phải màu đỏ, chân trái màu trắng, thân hình lại màu xanh... màu sắc như vậy có nghĩa gì. Khi khởi hiện thân Phật, phải nhớ về ý nghĩa của màu sắc và trang sức cầm tay; về tánh đức của Phật Kalachakra; về chướng ngại Phật Kalachakra đã loại bỏ; về thành tựu Phật Kalachakra đã trải qua. Khởi hiện thân Phật Kalachakra là nhớ tất cả những ý nghĩa được biểu hiện qua sắc thân ấy, đây là điều rất quan trọng.
Bằng không, nếu chỉ quán tưởng thân Kalachakra mà không hiểu thân ấy mang ý nghĩa gì, lại cố gắng cho hình hiện lên thật rõ, làm như vậy sẽ khiến tinh thần mệt mỏi và sớm cảm thấy mất thì giờ. Ví dụ khi thỉnh Như lai cùng ruộng phước đến để cúng dường nước, vòng hoa, hương đốt, hương xoa, v.v..., làm như vậy không phải vì Phật đói khát, hay vì Phật không được thơm. Chắc chắn là Phật không có những giới hạn như chúng ta có. Chỉ vì cần thanh tịnh cái nhìn hư vọng của chúng ta về thế giới hiện tượng nên mới cúng dường những cúng phẩm ngoại tại lên Phật, tưởng tượng từ Phật khởi hiện kinh nghiệm bất nhị của tánh không và đại lạc. Cúng dường như vậy là để tạo nhân duyên tịnh hóa cái nhìn hư vọng về thế giới hiện tượng. Lúc cúng dường, cần nhớ nghĩ như vậy, biết rõ phẩm cúng dường của mình tương ứng với giai đoạn nào trên con đường tu chứng Kalachakra.
Quí vị nếu hàng ngày phải đi làm, lo việc gia đình, thời gian eo hẹp, vậy có thể tu theo dạng cực kỳ ngắn gọn, nhớ rằng mình đã cúng dường những gì, ý nghĩa cúng dường ra sao, vậy thôi cũng đủ. Phật tử Tây phương có thể thu xếp để hàng năm có được vài tuần hay một tháng, dành riêng cho việc tu tập, nhập thất, nghe pháp, v.v..., hoặc chỉ một tuần nhập thất, chuyên tâm vào việc tu tập, tìm một miền núi yên tĩnh nào đó, hoặc chỉ giản dị tránh xa ra khỏi chỗ ở hàng ngày. Nếu là nhập thất, quí vị có thể cả ngày thiền quán về Kalachakra, khi ấy có thể đi sâu vào chi tiết. Ví dụ như cúng phẩm này thật sự mang ý nghĩa gì, sắc tướng ra sao, khởi hiện như thế nào, từ đâu mà khởi hiện và khởi hiện xong thì trở về đâu, vì sao lại từ tim mà khởi hiện, các vị thiên nữ dâng cúng phẩm hình dáng của mỗi vị ra sao, có bao nhiêu cánh tay, gương mặt như thế nào, v.v..., ráng tưởng tượng phong phú đủ loại cúng phẩm hoa nước v.v...
Làm như vậy chủ yếu là để thu nhiếp tất cả mọi thành phần vật chất thô lậu về lại thật tánh không, tịnh hóa trong thật tánh không, rồi khởi hiện thành cúng phẩm, dâng lên các đấng Như lai, và tưởng tượng cúng phẩm này đầy khắp không gian vô tận. Trong bài tụng Ðạo sư du già có một đoạn ngắn nói về các phẩm cúng dường. Quí vị nếu có thì giờ, có thể cúng dường sâu rộng, dùng trí tưởng tượng của mình quán tưởng cho thật phong phú. Nếu không, chỉ đọc qua cũng được. Chỉ vài câu tụng thôi, đọc sơ qua cũng được, ngừng lại thật lâu cũng được. Nếu đi sâu vào chi tiết ví dụ như chi tiết về ánh sáng phóng ra v.v..., quí vị sẽ thấy ở đây có nhiều điều thật thú vị.
Vì sao lại từ tim hoạt hiện cúng phẩm, rồi lại thu nhiếp về trong tim? Vì thật tánh của tất cả mọi hiện tượng không những là tánh như [suchness], mà còn là ánh sáng chân như [clear light]. Từ tim khởi hiện những vị thiên nữ và ánh sáng, rồi thu nhiếp về lại tim là để nhắc nhở chúng ta sự hiện diện của ánh sáng chân như tiềm ẩn trong luân xa tại tim.
Dù tu theo mật pháp nào, tất cả đều dẫn đến cùng một thành tựu, là thu nhiếp tâm khí về lại đường khí mạch chính giữa, rồi thu nhiếp tất cả về giọt tinh chất bất hoại nơi tim. Nếu đời sống hàng ngày quá bận rộn, thiếu thì giờ, quí vị không cần phải đi sâu vào tất cả những chi tiết này, chỉ cần dâng cúng phẩm khởi hiện từ tim rồi tan hòa về tim, đức Phật nhận cúng phẩm với tâm hỉ lạc không ô nhiễm. Bấy nhiêu là đủ. Cho dù không có thì giờ quán niệm tâm hỉ lạc này không ô nhiễm như thế nào, cũng không cần phải lo lắng, vì bất kể cúng phẩm ra sao Phật chắc chắn luôn nhận với tâm hỉ lạc không ô nhiễm. Ðừng lo lắng. Dù hình ảnh quán tưởng không rõ ràng, dù quí vị không biết tâm hỉ lạc không ô nhiễm ra sao để mà quán tưởng, đức Phật cũng không sao cả, vì vậy không cần lo lắng, chỉ cần có một khái niệm sơ qua là được.
Cúng dường có thật rộng rãi, tưởng tượng cúng phẩm có thật phong phú hay không, cũng đều là việc thứ yếu. Quan trọng là khi tụng minh chú danh xưng của vị đạo sư kim cang và lúc tụng chú của các đấng Như lai trong mạn đà la, ngay lúc ấy phải nhớ lại tất cả những điểm chính yếu của lamrim, ví dụ tâm qui y, vô thường, nghiệp quả v.v... Nếu không thể nhớ hết mọi điểm trọng yếu trong lamrim, ít ra cũng phải chia thành nhiều phần, mỗi ngày nhớ nghĩ về một phần khác nhau. Miệng tụng minh chú, tâm quán niệm miên mật về một giáo pháp trong lamrim. Làm như vậy là để thỉnh nguyện năng lực gia trì của Đạo Sư Bổn Tôn Pháp Chủ ( guru deity ), truyền cảm hứng cho ta mau chóng thành tựu giáo pháp ấy. Trong khi tụng chú có thể quán niệm về tâm bồ đề, về tánh không, v.v..., làm như vậy cũng giống như hướng về đấng đạo sư Pháp chủ mà nói: “xin hộ trì cho con thành tựu được phần giáo pháp này”.
Quí vị cũng sẽ thấy rằng công phu tu hành của mình khi tiến khi thoái, lên xuống thất thường. Vừa mới hạ quyết tâm sống chết vì chúng sinh, thoắt một cái đã thấy mình lang thang trong khu phố, mải mê mua sắm. Vậy muốn khỏi phí uổng công phu tu tập của mình, quí vị nên thường xuyên nhớ nghĩ về đường tu, luôn thỉnh nguyện đạo sư hộ niệm giữ gìn cho mình thẳng đường đến giác ngộ. Khi niệm chú, nên thỉnh nguyện như vậy, nhớ nghĩ về lamrim, quán tưởng ánh sáng và nước cam lồ từ ruộng phước Như lai chảy xuống, thấm nhuần toàn thân, tịnh hóa và truyền năng lực, giúp quí vị hoàn thành Phật đạo. Quí vị không nên quán tưởng cho riêng mình, mà cho toàn bộ chúng sinh trong sáu cõi. Làm như vậy hoàn toàn vì tâm đại bi, vì tâm bồ đề, muốn lợi ích chúng sinh.
Thầy muốn nhắc thêm một lần nữa, tu theo lamrim là một trong những điểm quan trọng nhất của pháp Kalachakra. Ðiểm quan trọng thứ hai là khi quán tưởng thân Phật, phải khởi từ tánh không, dựa trên bốn cửa giải thoát. Bình thường chỉ nói tới ba cửa giải thoát, nhưng trong Kalachakra lại có bốn. Ðó là Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, có nghĩa là sự không có tự tánh của nhân duyên, của bản thể, của kết quả và của hành động. Qua bốn cửa giải thoát này mà quán niệm tánh không, khởi hiện thân Phật. Hành giả quán tưởng thân Phật hiện lên từ thiền định về tánh không. Ðây là điều quan trọng nhất.
Như thầy có đã giảng trong phần dẫn nhập, gọi Mật tông là đường tu quí giá chỉ vì trong cùng một niệm hành giả có thể thành tựu phương tiện và trí tuệ hợp nhất, có thể cùng một lúc thành tựu sắc thân và pháp thân (trong Kalachakra gọi là thân trí giác bản lai). Ðó là đặc điểm của Mật tông, Hiển tông không thấy nói đến. Tu theo mật pháp thì phải thiền quán tánh không, rồi từ tánh không khởi hiện thân Phật. Trí tuệ tánh không hoạt hiện thành thân Phật. Vì vậy đồng loại thành tựu cả hai.
Nhìn vào khế kinh Hiển tông, thấy có chỉ cách tu phối hợp chỉ quán. Tu chỉ để định tâm, quán để đạt tuệ. Trong khi đó Mật tông chỉ có một phương pháp tu duy nhất là quán tưởng. Hình trong quán tưởng hiện ra trong sáng toàn hảo, đó là định, đồng thời thân Phật khởi hiện từ tánh không nên niệm niệm đều không rời tánh không của thân Phật hiện ra trong quán tưởng, đó là tuệ. Trong Mật tông, chỉ và quán là một, định tuệ không tách rời. Thân Phật trong quán tưởng khởi hiện từ tánh không, hành giả vừa quán niệm tánh không, vừa từ tánh không khởi hiện thành thân Phật, vì vậy đồng thời quán niệm về diệu dụng chân như của thân Phật. Ðây là điều rất quan trọng trong phương pháp tu Bổn tôn du già.
Thân Phật Kalachakra khởi hiện dưới dạng phụ mẫu cùng với 10 vị Shaktis. Các đấng Như lai này trụ ở giữa, bốn phương chính bốn hướng phụ. Ngoài chuyện quán tưởng các vị này, hành giả còn phải nhớ nghĩ về ý nghĩa của từng vị, ví dụ như 10 vị Shaktis là mười hạnh ba la mật. Ðây là đều cần nhớ càng nhiều càng rõ càng tốt, gieo vào tâm thức càng nhiều ấn tượng càng tốt, gieo chủng tử cho sau này mau chóng thành tựu hai giai đoạn phát khởi và viên thành.
Ngoài việc tu học lamrim và hành trì đều đặn không gián đoạn 6 thời công phu đạo sư du già, hành giả còn phải tìm đọc càng nhiều về Kalachakra càng tốt. Khi đọc sẽ gặp hai trường hợp, hoặc hiểu, hoặc không hiểu. Phần nào hiểu rồi thì phải áp dụng ngay vào công phu hành trì mỗi ngày. Phần chưa hiểu thì phải tìm tòi học hỏi thêm cho đến khi hiểu mà áp dụng.
Duong vao kalachakra rat hay cam on huynh nhieu lam