NĂNG LỰC TRÍ TUỆ
Những Lời Dạy Căn Bản Của Phật Giáo
Nguyên tác: WISDOM ENERGY, BASIC BUDDHIST TEACHINGS
Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche - Vô Huệ Nguyên dịch
Wisdom Publications xuất bản


2. Áp Dụng Đạo Pháp Vào Đời Sống Hàng Ngày
Tôi nghĩ các bạn đã nghe đầy đủ về Đạo pháp. Lạt ma Zopa đã thâu tóm lại và giải thích làm thế nào để hiện thực hoá sự hiểu biết này, tôi thiết nghĩ các bạn cũng biết sự lợi ích của nó như thế nào. Từ đó các bạn đã có kiến thức làm sao giải quyết những khó khăn xẩy ra trong cuộc sống của các bạn theo Đạo pháp, tôi không muốn nhắc lại những điểm này nữa.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn sâu hơn một chút những gì Lạt ma Zopa đã nhấn mạnh. Thí dụ, khi Lạt ma và những người khác đề cập đến Phật, Pháp và Tăng, chúng ta không nên nghĩ đây là những gì đã qua đi, đã chết. Họ không thuần túy là những nhân vật lịch sử, cũng không phải những gì Lạt ma nói về tương lai, như nói: “Nếu các bạn thực hành Đạo pháp như thế, như thế, các bạn sẽ đạt giác ngộ trong tương lai, điều này làm các bạn vui.” Thực ra Lạt ma đang nói về hiện tại – cái gì đang xẩy ra trong tâm của các bạn ngay bây giờ.

Ngay khi chúng tôi nói về nghiệp, sự làm việc của nhân và quả, không phải chúng tôi phát biểu một cái gì đã hoàn thành trong quá khứ để có ảnh hưởng đến những kinh nghiệm hôm nay. Thực ra, chúng tôi muốn chỉ cho các bạn biết cái gì các bạn làm buổi sáng với ý hướng xấu, thì ngay buổi chiều cùng ngày hậu quả xấu có thể xẩy ra. Tốt nhất hãy học những gì có liên quan đến những sự thay đổi ngay bây giờ còn hơn là sưu tầm, tích trữ những tài liệu lịch sử hoặc những kiến thức triết học về các sự kiện.

Thí dụ, khi Lạt ma Zopa nói về ba lãnh vực chính của con đường dẫn đến giác ngộ. Cái gì mà các bạn lãnh hội được trong bài học này không tùy thuộc vào sự giải thích của ngài mà là những gì đang xẩy ra trong tâm của các bạn khi các bạn nghe nó. Nếu các bạn quá chú ý vào kiểu cách diễn tả thông minh của ngài, thì có thể các bạn sẽ chỉ lãnh hội được những lời giảng giải như vậy, nhưng đây chỉ là những gì các bạn đã thấy. Người Tây phương thường có những thái độ, “ Ôi chao, ngài giảng quá hay, thật là tuyệt!” Nhưng nếu các bạn nhận xét cái gì đang xẩy ra thì các bạn sẽ thấy rằng ngài đã không giảng về trí tuệ. Ngài chỉ diễn tả những gì đang xẩy ra trong tâm của các bạn, trong nội tâm của các bạn. Ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng các bạn hãy nhìn vào chính các bạn gần hơn nữa, sâu hơn nữa. Ngài nói rất đơn giản, rất thẳng; cái gì chính các bạn nhận thức được, cái đó làm cho nó trở nên tuyệt vời.

Vì thế, tất cả đều tùy thuộc vào các bạn nghe như thế nào, nghe bằng cách nào. Nó giống như đang coi một phim hấp dẫn trên truyền hình. Các bạn chăm chú, nóng ruột muốn biết cái gì sắp xẩy ra. Cũng giống như vậy, khi Lạt ma nói, các bạn hãy để ý xem ngài đang khuấy cái gì lên trong bạn. Những lời nói của ngài và những sự hiểu biết, thực hành của các bạn phải hợp nhất cùng lúc với nhau. Thực ra, Đạo pháp không đề cập đến những gì ở bên ngoài như dẫy Hy Mã Lạp Sơn; nó đề cập đến chính các bạn, trong các bạn. Và dĩ nhiên, không nói đến thân thể các bạn, mũi, tóc hoặc tai của các bạn mà chỉ nói về những trạng thái tâm của các bạn. Nó chỉ thuần túy đề cập đến sự tác tạo tâm lý, thái độ của chính các bạn.
Có thể người ta nghĩ rằng Đạo pháp chỉ là những hiện tượng văn hoá của người Đông phương, thực ra nó không phải như vậy. Cái gì chúng ta thường nghĩ khi chúng ta nói về “văn hoá”? Đó chỉ là tâm tương đối, những huyễn ảo được chia sẻ của một xứ sở hay của một loại người nào đó, vì thế nó chẳng có một chút liên hệ gì với Đạo pháp. Nếu chúng ta diễn tả ý nghĩa này ra thêm một chút thì chúng ta có thể nói rằng Đạo pháp là “văn hoá” của sự phát triển tâm linh của riêng chúng ta. Nhưng điều này đã không được hiểu theo ý nghĩa thông thường của chính nó.

Khi người ta nói Đạo pháp bị giới hạn bởi văn hóa thì đó chỉ là những lời thoái thác, một lý do để bào chữa. Họ nói: “Lạt ma đang giảng về văn hóa riêng của ngài. Cái đó khác với của tôi, tôi là người Hoa kỳ, không thể thực hành được.” Tâm thường viện cớ như vậy để thoái thác. Có những ngày hầu như bạn không nhìn thấy, không suy nghĩ được một điều gì rõ ràng, hãy quan sát xem cái gì đã xẩy ra trong những ngày đó. Thay vì tìm hiểu nguồn gốc những sai lầm thì bạn lại nghĩ: “Tôi không thể thực hành Đạo hôm nay.” Phản ứng này thường xẩy ra phải không? Nhưng nó cho chúng ta biết chúng ta chẳng hiểu thực sự Đạo pháp là gì. Cũng giống như vậy, khi chúng ta nói chúng ta không thể theo Đạo vì chúng ta là người Hoa Kỳ, vì chúng ta đang ở nước Hoa Kỳ.

Đạo pháp không phải là văn hóa của bất cứ người nào. Nó không phải của Hoa Kỳ, cũng chẳng bao giờ trở thành như vậy. Cũng chẳng phải là văn hóa phàm tục của người Tây Tạng. Đây không phải là cái mà chúng tôi muốn giảng dậy. Cả văn hóa của Tây tạng cũng như của Hoa Kỳ đều là phàm tục, đều thuộc về luân hồi, nên chắc chắn chúng tôi không muốn chỉ cho các bạn cách trao đổi cho nhau. Đạo pháp chỉ dậy con đường tìm hiểu nội tâm đang nằm sâu trong những lãnh vực tầm thường, mê tín, huyễn ảo của bất cứ một người nào, một quốc gia nào.

Văn hóa của Hoa Kỳ là gì? Mỗi buổi sáng vừa thức dậy, lập tức tâm của bạn đi vào bếp, ý nghĩ đầu tiên của bạn là, “Cà phê của tôi đâu?” Rồi đến buổi trưa bạn muốn một cái hamburger. Đó là những cái tạo nên văn hóa của Hoa Kỳ, phải vậy không? Văn hóa phàm tục đó chẳng có liên hệ gì với Đạo pháp. Đạo pháp không có liên hệ gì với những tập tục, thói quen bên ngoài của xã hội.

Làm thế nào bắt đầu một ngày với Đạo pháp? Thay vì để cho bản ngã đi tìm cà phê, hãy thức dậy một cách có ý thức, chú ý vào những cảm nhận ở bên trong và những hiện trạng của tâm. Rồi, thiết lập những gì hứng khởi cần phải làm trong một ngày. Như “Mục đích sống trong ngày hôm nay là gì? Nó phải là cái gì quan trọng hơn uống cà phê. Sống chỉ vì ly cà phê thì chẳng có gía trị gì. Hãy hướng ngày hôm nay cho việc phát triển tâm bồ đề là điều rất tốt đẹp, hãy hướng về sự bình an của con đường giải thoát và giác ngộ để ơn ích cho tất cả mọi người.” Rồi quyết định, “Từ lúc này đến khi đi ngủ, tôi sẽ ý thức trong tất cả mọi hành động của tôi qua thân, khẩu và ý. Bằng cách này, tôi sẽ giữ được sự kiểm soát, tạo được sự an lành cho nội tâm của tôi.”

Nếu chúng ta tạo được một tâm trạng hứng khởi như vậy mỗi buổi sáng, chúng ta sẽ không phải nhắc đi nhắc lại cái gì phải làm trong ngày hôm nay? Cũng chẳng cần phải nghĩ, “Tôi phải cố gắng làm một người có đạo, tôi phải sống tốt lành.” Với một động lực thúc đẩy và một sự quyết tâm như vậy thì một ngày an lành sẽ đến. Nếu có người nào tức giận, la mắng bạn, bạn cũng sẽ giữ được sự kiểm soát và bình tĩnh. Đây không phải là chúng ta tự hành hạ chúng ta, đè nén sự giận dữ của chúng ta. Sự tự kiểm soát sẽ đến một cách tự nhiên và êm diụ, nó đến từ sự nhận thức sâu xa về nguồn gốc của những sai lầm và những bất lợi của tính xấu.

Nhưng bạn không được tin những điều này chỉ vì tôi nói hoặc người nào khác nói. Hãy tự thẩm định những điều này và tự tìm hiểu xem nó thấm vào trái tim bạn như thế nào. Nếu bạn thực hiện như vậy mỗi ngày, tôi chắc chắn rằng bạn sẽ tìm ra phương pháp mà Đạo pháp đang kiểm soát, nó rất thực tế.

Một phương pháp rất hữu hiệu trong việc kiểm soát cả nội tâm lẫn ngoại cảnh là niệm mật chú. Một trong những câu mà chúng tôi thường lặp đi lặp lại của Phật Thích Ca là Om muni muni maha muniye svaha. Niệm mật chú có hiệu qủa vì nó giúp tâm chúng ta yên tịnh và an bình, nó tự động hướng về một điểm. Nó làm cho tâm chúng ta tiếp nhận được những rung động vô cùng vi tế, do đó nó thăng tiến sự cảm nhận của chúng ta. Âm vang, chấn động của chúng có tác dụng tẩy trừ tận gốc rễ những năng lực xấu để cho bản tính chân thực tự nhiên của sự vật được hiển lộ ở tâm trong sáng của chúng ta. Nhờ tụng niệm những câu mật chú siêu việt, chúng ta có thể thanh tẩy tất cả những nguồn năng lực ô nhiễm đang ở trong thân, khẩu và ý của chúng ta.

Tụng niệm mật chú có phải là một phương pháp thiền định siêu tuyệt hay không, nó tùy thuộc vào bạn và trí tuệ của bạn. Sức mạnh của mật chú không phải tự chính nó. Nó hoàn toàn không tự động mang đến cho tâm linh bạn những đại ơn đại phước, dù là một chủng tử thánh thiện rất cổ kính nào đó khi bạn tụng lên cũng cần phải trầm tư suy tưởng. Nghĩ rằng mật chú tự nó có sức mạnh là một ý niệm vô cùng sai lầm.Thí dụ, nếu bạn đang say sưa chìm đắm trong tham dục mà tụng niệm những câu mật chú có giá trị cứu độ thâm sâu thì cũng chẳng có ơn ích gì. Đó cũng chỉ là một sinh hoạt khác của luân hồi, của phàm tục mà thôi.

Giả sử bạn đang ngồi niệm mật chú mà cứ nghĩ đến miếng sô cô la, “ Trời, sô cô la, sô cô la, sô cô la thật tuyệt!” Nếu bạn qúa bận tâm vì những ý tưởng này hoặc bị quyến rũ bởi những thức ăn ngon trong chợ thì làm sao bạn có thể thực hành thiền đúng đắn được? Làm sao nó có thể đem lại an lạc cho bạn? Để cho mật chú có hiệu qủa, bạn cần phải giữ cho tâm bạn an tịnh và ít nhất bạn cũng phải tập trung được một khoảng thời gian.

Thêm vào đó, bạn cần phải có lòng hứng khởi, hăng say thanh khiết. Không cầu mong một ơn phước nào cho riêng bạn. Mục đích chân thật của mật chú, cũng như những sự thực hành khác của Đạo pháp, là đem lại ơn phước cho người khác, cho muôn loài chúng sinh, chứ không phải cho riêng bạn. Thay vì cứ nghĩ, “Tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn,” hãy cố gắng phát triển lòng ao ước thanh khiết là vì lợi ích cho người khác. Bạn không nên qúa thông minh, qúa xúc động, qúa vội vã mong cầu trong vấn đề này. Chỉ nên hồi hướng ơn phước của mật chú cho muôn loài rồi nguồn năng lượng này sẽ tự nhiên tuôn trào.

Mật chú cũng có sức mạnh giải trừ bệnh tật. Thí dụ, đôi khi người ta bị mất trí, bị điên vì những năng lượng xấu quấy phá tâm ô nhiễm của họ. Những chấn động thanh khiết của mật chú có thể mang tâm của họ trở lại tình trạng an bình, êm dịu, nó có khả năng trị bệnh tâm thần. Vì một thân xác bệnh tật cũng ảnh hưởng đến những tình trạng tâm sẵn có ô nhiễm nên mật chú cũng có khả năng chữa trị và điều dưỡng nó. Chẳng có gì gọi là ma thuật trong vấn đề này. Khoa học đã chứng minh và đang áp dụng lối trị bệnh này.

Ý nghĩa câu mật chú của Đức Phật Om muni muni maha muniye svaha là “Hãy kiểm soát, hãy kiểm soát, hãy kiểm soát thật nhiều.” hoặc “Hãy tỉnh thức, hãy tỉnh thức, hãy tỉnh thức thật nhiều.” Các bạn có thể cho rằng Phật giáo quá chú trọng đến sự kiểm soát, sự tỉnh thức và cảm thấy tất cả các lạt ma đều nói, ”Tâm huyễn ảo của các bạn đầy ắp những tật xấu nên các bạn phải hạn chế nó tối đa.” Chúng tôi không có ý nói như vậy. Hơn nữa, nếu buổi sáng chúng ta có quyết tâm như vậy thì nguyên một ngày chúng ta mới tự động để ý đến những hành động của chúng ta hơn. Một khi đã có quyết tâm thì cái đồng hồ nội tâm sẽ tự chạy một mình. Vì đã hướng dẫn nguồn năng lượng chủ yếu đi theo một chiều nên chắc chắn những năng lượng phụ sẽ phải tuôn chạy theo cùng một đường.

Ở Tây Tạng chúng tôi thường nói hướng dẫn tâm cũng như “cầm cương hướng dẫn ngựa chạy.” Ngựa là con vật có sức mạnh, nếu bạn không có cách kiểm soát nó, nó sẽ chạy lung tung, có khi còn hại cho chính nó và những con vật khác nữa. Nhưng nếu chúng ta biết cách điều khiển năng lượng và sức mạnh của con ngựa thì nó có thể hoàn thành được rất nhiều công việc khó khăn. Chúng ta cũng áp dụng như vậy cho chính chúng ta. Nhìn một cách khoa học, thân, khẩu và ý của chúng ta chẳng có gì khác hơn là để chuyên chở, chuyển đạt những hình thái năng lượng khác nhau. Vì thế, nếu buổi sáng chúng ta hướng dẫn nguồn năng lượng này bởi sự quyết tâm của chúng ta thì những năng lượng của thân, khẩu và ý sẽ đi theo cùng một đường. Do đó sự kiểm soát mà chúng ta đề cập đến ở đây giống như người phi công không hạn chế mà là hướng dẫn chiếc máy bay của anh ta. Sự phức tạp, sự khó khăn của ngôn từ không diễn tả được những gì của nội tâm. Nhưng nếu chúng ta thực hành thiền định và đạt được những nhận thức từ nó thì chữ “kiểm soát”, “tỉnh thức” sẽ không còn là một trở ngại cho chúng ta nữa.

Phần quan trọng nhất của một ngày chính là buổi sáng. Giả sử bạn thức dậy với một cơn nhức đầu hay với một cái chân đau, thay vì để ý đến những đau đớn này, điều đầu tiên bạn nên làm là hãy có một quyết tâm vững mạnh giữ thái độ hứng khởi về tâm bồ đề cho suốt cả một ngày. Ngày đầu tiên chắc chắn là khó khăn. Nhưng từ những ngày sau nó sẽ dễ hơn, dễ hơn với niềm hứng khởi thanh khiết này. Đây là kết quả của sự trau dồi, phát triển và điều kiện hóa tâm của chúng ta theo một chiều hướng thánh thiện.

Không cần biết chúng ta đã đọc bao nhiêu về Đạo pháp, nhưng hầu như chúng ta đã không dành ra được một ngày để kinh nghiệm những sự thực tập như vậy. Nhưng nếu chúng ta cố gắng thì ngay lập tức tâm của chúng ta sẽ cảm nhận được niềm an lạc này. Khi quý vị bắt đầu thực hành tâm linh, dĩ nhiên, quý vị sẽ làm theo những gì quý vị đã nghe, đây là những điều nên làm khi bắt đầu bước vào bất cứ một con đường thực hành tâm linh nào. Nếu chúng ta không chấp nhận điều kiện này, chúng ta sẽ mất kiên nhẫn trong việc thực hành và chúng ta sẽ nghĩ chúng ta bị bắt buộc rồi sẽ mất hết sự tự nhiên. Có thể quý vị sẽ cầu phép lạ khi quý vị ngồi thiền, rồi không thấy phép lạ xẩy ra, quý vị sẽ tự hỏi, “Tại sao tôi lại chạy theo phong tục kỳ lạ này của người Phương đông?” Thế rồi tâm tiêu cực của quý vị sẽ trả lời, “Anh đang bắt chước kiểu ngồi của một lạt ma ngoại quốc đấy. Chẳng có gì hay khi làm như vậy. Tại sao anh không ngồi thoải mái trên ghế như những người Mỹ khác?”

Do đó chúng ta nên thận trọng với tâm của chúng ta. Nó biết rõ phải làm thế nào để hợp lý hóa tại sao không nên theo những phương pháp với mục đích thuần hóa nó. Chúng ta cần phải hiểu rõ tính hoài nghi của cái tâm nghi ngờ này mà tiếp tục thực hành một cách kiên nhẫn bền bỉ và vững chắc.

Một điều khác cũng cần phải nhận định là trong cùng một lúc có hai cái tâm cùng làm việc trong chúng ta. Thí dụ, trong lúc quét nhà, một cái tâm chú ý đến việc quét nhà còn một cái tập trung vào việc tụng kinh. Điều này không có nghĩa là hai tâm mâu thuẫn nhau hoặc việc tụng kinh của bạn là không chân thành. Ngay trong lúc thực hành Đạo, chúng ta cũng vẫn đang sống trong trần gian và đang có những sinh hoạt liên hệ. Có nhiều điều chúng ta cần làm để sống, như kiếm tiền, pha trà, uống cà phê, nấu ăn, ...vân vân... Chúng ta không nên bỏ những sinh hoạt này. Hãy nhận định một cách đơn giản rằng chúng chỉ có những giá trị tương đối trong dòng hiện hữu, trong đời sống thường ngày. Do đó, trong lúc làm công việc quét nhà tâm của chúng ta cũng vẫn thực hành tâm linh được.

Có những phương pháp hướng dẫn việc thực hành tâm linh này. Mật chú là năng lượng, nhưng không phải là năng lượng tầm thường. Nó thuần túy thanh tịnh, xuất phát từ trí tuệ đơn thuần. Vì thế, nếu tâm của chúng ta cũng khởi phát ra từ nguồn năng lượng thanh tịnh này thì chúng ta vẫn an lạc mặc dầu chúng ta đang làm những công việc trần gian của kiếp luân hồi. Theo chiều hướng này thì tâm như một đại dương, tự tính của nó trầm lặng mặc dù vẫn có những làn sóng nhấp nhô ở trên mặt.

Nếu chúng ta có trí tuệ, chúng ta có thể chuyển hóa năng lượng của những dòng sinh hoạt thường ngày của chúng ta – như mầu sắc, tình cảm, ...vân vân...—thành an lạc. Như vậy những năng lượng ở bên ngoài của một cái gì mà chúng ta nhận thức được sẽ không có khả năng bắt tâm của chúng ta khởi lên lòng ham muốn, hấp dẫn, gợi cảm hoặc những sinh hoạt tiêu cực khác. Hơn thế nữa, tâm của chúng ta còn có thể kiểm soát và chuyển hóa những hoàn cảnh này, những sinh hoạt này thành thánh thiện, đạo đức. Với sự hướng dẫn, tỉnh thức và kiểm soát này, chúng ta sẽ không còn diễn dịch, biện minh cho những hiện tượng khác nhau trong sự bám víu và cố chấp nên không còn cơ hội để những vọng tưởng xuất hiện nữa. Chúng ta sẽ không còn bị cảnh thổi lên dìm xuống khi đối diện với những cái tốt xấu, với những cái ưa thích hoặc ghét bỏ.

Ở điểm này có thể có những câu hỏi như “ Nếu bạn thánh thiện hóa những sinh hoạt, những đối tượng như vậy hoặc chuyển hóa chúng thành một cái gì khác, bạn có chắc rằng bạn sẽ không tạo ra một huyễn tượng tâm thần khác không? Làm sao một phương pháp (phương pháp cũng là huyễn ảo, Dg) lại có thể xóa bỏ được sự thật?” Người Tây phương thật là thông minh, nên những câu hỏi như vậy rất thường xẩy ra. Để trả lời, tôi xin đặt một câu hỏi khác,” Phải chăng những cái mà bạn nhìn thấy, thật sự nó ‘tốt’ hoặc ‘xấu’?” Quý vị nghĩ rằng những cái mà chúng ta nhìn thấy tốt hoặc xấu thực sự nó như vậy, làm sao chúng ta biết nó như vậy? Tôi không nghĩ rằng quý vị sẽ hài lòng khi trả lời câu hỏi này. Quý vị có thể nói, “Bởi vì tôi cảm thấy đúng.” Nhưng tại sao quý vị cảm thấy như vậy? “Bởi vì tôi nhìn nó bằng con mắt của tôi.” Tôi lại hỏi, “Vậy cái gì làm cho con mắt của quý vị nhìn là luôn luôn đúng? Quý vị có luôn luôn nhìn được sự thật bên ngoài sự phóng tưởng, sự vọng tưởng của tâm thần không?” “Không, dĩ nhiên là không,” rồi quý vị trả lời tiếp, “nhưng lần này chính mắt tôi nhìn thấy là đúng.” Làm sao quý vị biết được? Tôi bảo đảm với quý vị là sẽ không có một câu trả lời nào tuyệt đối đúng cho câu hỏi này. Chúng ta có thể suy nghĩ cả một đời, nhưng không thể nào có được một câu trả lời hoàn toàn thỏa mãn.(1)

__________________________________________________ ___
(1) Chú thích của người dịch:
Để nói lên tính cách huyễn ảo của tất cả mọi hiện tượng, kể cả những phương pháp thiền định và để phá chấp đến tuyệt cùng, Milarepa, một thánh tăng của Tây Tạng ở thế kỷ 11 nói:

Kẻ nào vướng mắc trong huyễn ảo
Kẻ đó lầm lẫn trong thiền định.
Nếu ngươi biết chúng không là chướng ngại
Mà chỉ là sự thị hiện
Của tâm rỗng lặng
Thì ngươi đã bị phỉnh lừa trong thiền định.
Đó là căn nguyên của tất cả mọi lầm lạc
Tất cả đều xuất hiện trong tâm.
Lại nữa,
Thiền định là một ảo nghĩ
Không thiền định cũng là một ảo tưởng
Chúng giống nhau cho dù người thiền hay không thiền.
Trí phân biệt là mầm mống của mọi sai lầm
Trong tất cả chẳng có gì là tất cả
Trong quan điểm chẳng có gì là quan điểm
Đó là tính thể của tâm.
(Một trong hàng ngàn bài thơ đạo Milarepa để lại cho thế gian. Đọc toàn bài thơ ở phần phụ lục.)
______________________________________


Đừng để mất một điểm nào trong vấn đề này. Câu hỏi này không khó vì nó chỉ là một điểm u tối của triết lý, chúng huyễn ảo. Nó không hoàn toàn là một rắc rối, một khó khăn về lý thuyết, nhưng nó đến từ kinh nghiệm của chúng ta. Vấn đề là chúng ta không thể nào nhìn được bản tính tuyệt đối của mọi hiện tượng. Không chấp nhận điểm này thì rất khó mà nói về sự thật. Khi tôi hỏi, “Làm sao quý vị biết được cái gì quý vị nhìn là thật hay giả?” thì đừng nghĩ, “Lạt ma đang hỏi tôi một câu hỏi khó. Chỉ có ngài mới trả lời được.” Nó không phải như vậy. Không có ai có thể giấu quý vị câu trả lời chân thật. Chỉ khi nào chính quý vị kiểm chứng được những kinh nghiệm của quý vị về cái mà quý vị gọi là sự thật thì lúc đó quý vị mới bắt đầu đồng ý về vấn đề này.

Chuyện gì đã thường xẩy ra ở nước Mỹ khi một người da đen và một người da trắng xung đột với nhau. Thực sự họ đã không nhìn ra được toàn diện vấn đề. Thật ra, người da trắng đã sơn phết một quan niệm lệch lạc về người da đen và ngược lại. Rồi, dựa trên lối nhìn lệch lạc này, họ hành động một chiều, cứng nhắc cho nhau. Tại sao sự kỳ thị này lại có sức mạnh ảnh hưởng đến tâm của họ? Thực ra, đây chỉ là những vọng tưởng bệnh hoạn, những phóng tưởng tâm thần mà tất cả những vọng tưởng này, những phóng tưởng này chẳng có liên hệ thực tại nào với cá tính của họ. Nó không phải là cái họ nhìn mà là cách họ nhìn, điều này đã tạo ra sự khác biệt, điều này đã tạo ra sự kỳ thị. Hoàn toàn chỉ là những điều tưởng tượng. Những điều tưởng tượng chứ không phải là những điều được dậy bảo; đó là một phần văn hóa của họ. Vì thế khi tôi nói về sự chuyển hóa sự thật tương đối của bất cứ một sự kiện nào bằng cách thành lập những quán tưởng (tưởng tượng) thích ứng là tôi đã không nói về một điều gì mới lạ hay khác lạ mà đây chính là những điều mà con người vẫn thường làm. Đã có những sự kiện ảnh hưởng sâu xa trong tâm của chúng ta nên khi được thanh tẩy, khi được chuyển hóa bằng những động lực thích ứng thì chắc chắn sẽ đạt được nhiều ơn ích, nhiều thành quả.

Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng khi ánh sáng mặt trời rọi vào căn phòng đen tối thì ngay lập tức bóng tối sẽ biến mất. Không có một sự nghi ngờ gì cho sự kiện này phải không? Khi chúng ta quán tưởng Đức Phật Thích Ca cũng vậy, ánh sáng trí tuệ, như ánh sáng mặt trời của Ngài sẽ chiếu soi tâm ta. Chiếu soi một cách tự nhiên trong tâm hồn chúng ta và sẽ trở thành một sự hướng dẫn. Khi sự quán tưởng của chúng ta về Ngài trở nên mạnh và trong sáng – thân của Ngài không phải là thân xác thịt nhưng đó chính là sự thị hiện của Pháp Thân Phật – trong khoảng 5, 10 phút thì thật là ơn ích, thật là hữu hiệu. Không cần phải tụng niệm, chỉ quán tưởng cũng đủ rồi.

Hãy tưởng tượng chúng ta đang đi dạo phố tại New York với những cửa hàng đầy quần áo đẹp đủ màu, thật là hấp dẫn trong những khung cửa sổ, nó đánh thức lòng ham muốn của chúng ta làm tâm chúng ta bấn loạn. Ngay tại đó chúng ta cũng có thể chuyển biến những năng lượng này vào ánh sáng trí tuệ của Phật hay nếu chúng ta biết cách, chúng ta cũng có thể hóa giải nó vào trong tính không của chính nó. Qua phương pháp này, mỗi khi chúng ta nhận thức được tính tham nổi lên qua những bộ quần áo, chúng chỉ là những trò huyễn ảo của tâm bình thường, do đó nó chẳng có một giá trị nào với tâm chân thật, vì thế bất cứ cái gì huyễn ảo xuất hiện thì cũng sẽ tự động tan biến. Sự khó khăn, lòng tham, sẽ được hóa giải. Nếu không như vậy, tâm của chúng ta cứ bám chặt vào vọng tưởng rồi nghĩ: “Ôi chao, đẹp quá, ước gì nó là của tôi,” chúng ta sẽ mang cái hình ảnh này suốt cả ngày.

Nếu chúng ta dừng lại và suy nghĩ thâm sâu chúng ta sẽ nhận ra sự thật này đang diễn ra. Chúng ta cũng có thể cho là “ Lạt ma này nói nhiều quá, những gì ông ta nói toàn là giả tưởng, chẳng có căn bản gì cả.” Nhưng chúng ta cũng đừng chấp nhận hay từ chối một cách mù quáng. Tốt hơn, hãy kinh nghiệm nó, đừng phê phán tốt hay xấu. Như chúng tôi đã trình bày trước kia, Đạo pháp không quan tâm đến quá khứ hay tương lai mà chính là ở ngay giây phút hiện tại. Vậy hãy tự kiểm chứng những lời dậy bảo này và cố gắng tìm ra giá trị ở trong đó.

Có thể có những nghi ngờ ở điểm này. Quý vị có thể nghĩ: “Tôi dùng phương pháp này để hóa giải những đối tượng đẹp và hấp dẫn một cách dễ dàng. Nhưng còn những vấn đề quá rắc rối, cực kỳ khó khăn thì sao? Như có người tấn công tôi, gây sầu khổ cho tôi, trong trường hợp này tôi phải làm gì?” Đúng là một quan tâm khá quan trọng. Được, nếu quý vị thực sự tỉnh thức, thực sự biết kiểm soát thì ngay cả những sự kiện vô cùng khó khăn cũng có thể hóa giải trong Đạo pháp.
Việc đầu tiên chúng ta phải làm khi có những liên hệ khổ đau với một người nào hay sự vật nào thì hãy nhớ rằng một phản ứng xấu, tiêu cực sẽ không bao giờ mang lại kết quả, không bao giờ giải quyết được vấn đề. Sự hối hận, sự tự vệ, lòng mong muốn trả thù... sẽ không hóa giải được gì, không giúp ích gì. Chúng chỉ làm cho chúng ta tức giận hơn, bấn loạn thêm. Hãy bình tĩnh nghĩ về những kinh nghiệm ở quá khứ sẽ giúp cho chúng ta biết đây là sự thật. Những xúc cảm và những ý nghĩ tiêu cực chỉ dẫn đưa chúng ta đến đau khổ trong tương lai, điều vô cùng quan trọng là hãy hướng về những phản ứng tích cực, trong sáng.

Vì thế, thay vì để ý đến những phiền não, giận ghét, hãy nhìn thẳng vào tâm ta, hãy nhìn sâu vào bên trong, bên ngoài xem cái gì, sự kiện gì đang xẩy ra. Hãy tự nhủ: “Khoan, đợi một chút, bình tĩnh lại. Cái này rồi sẽ qua đi.” Nếu chúng ta có thể cầm giữ sự nóng giận lại trong một vài giây, tâm của chúng ta sẽ trong sáng hơn. Ở trạng thái này chúng ta có thể hiểu thấu được vấn đề một cách tinh tế hơn, đúng hơn.

Nên nhớ rằng mỗi một sự kiện đang xẩy ra bây giờ đều có nguyên nhân. Có thể đây là những hậu quả mà chúng ta phải lãnh nhận vì những hành động xấu của chúng ta đối với người khác trong quá khứ. Vì thế, chúng ta nên nghĩ rằng chúng ta đang trả dần những món nợ cũ. Ngay cả những sự kiện gây đau khổ cho chúng ta, chúng ta cũng nên nghĩ rằng đây là những ơn phước. “Cho dù người nào hay bất cứ gì đang làm tôi khổ, thì đây cũng chỉ là sự thị hiện của Đạo pháp, giúp cho tôi thăng tiến trên đường tìm giác ngộ. Nếu tôi có thể học được gì trong những đau khổ này thì sẽ giúp tôi phát triển thêm lòng từ bi đến những người đang khổ đau và giúp tôi tránh được những hành động gây ra khổ đau cho chính tôi, hơn nữa nó sẽ mang lại hạnh phúc cho những người đã cho tôi những giây phút bực bội này. Nếu không có những người đối xử với tôi như là một đứa trẻ thì làm sao tôi có thể trưởng thành trong tình cảm và trong tinh thần được.” Với những cảm nghĩ như vậy, chúng ta có thể chuyển hóa những sự giận dữ, những sự bực bội của chúng ta thành lòng từ mẫn chân thành, trong một chiều hướng hiểu biết thâm sâu.

Hình như phương pháp này không quen thuộc với quý vị chút nào, có vẻ còn đi ngược lại với hoàn cảnh và đôi khi có người còn cho là điên khùng nữa. Nhưng đối với những người chân thành thực hành Đạo pháp thì đây là một phương pháp vô cùng quý báu để tinh tấn. Họ nhận thấy những phương pháp bình thường và thông thường đều không có giá trị để đối trị những vấn đề rắc rối, chúng chỉ dẫn đến đau khổ hơn hoặc bất mãn hơn mà thôi. Tuy nhiên chấp nhận tất cả mọi tình trạng khổ đau để tu tập, để hiểu thấu bản tính của tâm là phương pháp tuyệt diệu nhất.

Chúng ta không thể sống nếu cắt đứt tất cả mọi liên hệ với người khác, đặc biệt trong một thành phố lớn như thế này, mặc dầu có những liên hệ gây ra phiền toái. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục chung sống, tiếp xúc với nhau, chúng ta sẽ học được rất nhiều bài học quí báu. Nói đúng ra, chẳng có ai là hoàn toàn, còn rất nhiều điều chúng ta cần phải tinh tấn, còn rất nhiều vấn đề chúng ta cần phải tìm hiểu.

Bài học này chỉ có giá trị cho những người đang sống gần nhau, còn liên hệ giao tiếp với nhau. Nhiều khi có những va chạm nhưng họ đã phải cố gắng tìm hiểu nhau để trau dồi mối tương quan. Mặc dù có những người cố tình gây ra chuyện xấu, nhưng chẳng sao cả nếu còn có những người đang sống chân thành với Đạo pháp. Những điều xấu xa sẽ trở thành ơn phước nếu họ biết cách chuyển hóa chúng.

Mặc dù lòng từ mẫn có giá trị cao quí, nhưng chúng ta cũng không thể luôn luôn mở rộng tình thương mà nói: “ Tôi thương anh, lúc nào tôi cũng đối xử tốt với anh.” Rất có thể chúng ta làm như vậy vì chúng ta muốn được bảo vệ, được mọi người để ý hoặc muốn được an toàn. Nếu chúng ta cứ để chúng ta bị lệ thuộc vào người khác theo kiểu này thì chúng ta không bao giờ khám phá ra được khả năng của chúng ta và cũng không bao giờ có thể phát triển được năng khiếu nào. Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta không có tài, không được mạnh, thực sự tâm của con người có một sức mạnh phi thường. Chúng ta chỉ cần thể hiện sức mạnh đó ra bằng hành động. Thay vì để mình trong tình trạng chán nản, chúng ta hãy dùng nó vào việc thực hành tu tập. Như vậy, chúng ta có thể chuyển hóa, buồn thành vui, chán nản thành hăng say, bất mãn thành an lạc giải thoát. Trong những bài học thực hành tu tập của người Tây Tạng gọi là “chuyển hoàn cảnh thành con đường giải thoát.”

Thường thường khi gặp phải những chuyện bất bình, chúng ta nói: “Chán quá!” Nhưng nếu nhìn thật sâu vào vấn đề, hỏi đi hỏi lại cái gì làm chúng ta chán trong hoàn cảnh này, có lẽ chẳng có câu trả lời nào làm chúng ta hoàn toàn vừa lòng. Không ai có thể chứng minh được cái gì thật sự là “chán.” Vì thế, bất cứ gì mà tâm thường tình cho là bất mãn, chán nản, khó chịu đều có thể chuyển hóa được bởi Đạo pháp trong con đường thực hành tâm linh. Chắc chắn là được, ngay cả những gì khủng khiếp nhất.

Đối với những người Tây phương thì không có gì đáng nghi ngờ khi nghe bài giảng chuyển xấu thành tốt này. Trong những nước thiếu văn minh, người ta khó có thể hiểu được con người có thể chuyển biến cái này thành cái kia. Nhưng ở đây, truyền thống giáo dục của quý vị thường chú trọïng đến vấn đề thay đổi những môi trường sinh sống ở bên ngoài. Do đó, khi quý vị nghe nói về những phương pháp chuyển hóa tâm linh để ảnh hưởng đến những tình cảm ở bên ngoài, quý vị sẽ hiểu ngay nó là gì và sự hiệu nghiệm của nó như thế nào.

Phần nhiều những người ở Hoa Kỳ đi làm việc cho người khác. Họ có rất nhiều cơ hội để học hỏi và tiến thân mà những người khác không có. Vào buổi sáng, trước khi đi làm, quý vị nên xác định lại tính năng động, sự hăng hái của mình. Hãy nhớ đến đặc tính thâm nhập tự nhiên của khổ đau mà phát triển lòng từ bi đến tất cả những người mà quý vị sẽ gặp. Rồi nên dành sức lực của mình để mang lại lợi ích cho người khác. Chúng ta nên quyết tâm làm việc và hoàn thành công việc một cách chăm chỉ, hăng say. Với một căn bản vững chắc như vậy, chúng ta sẽ không còn lười biếng, buồn bực hoặc tức tối mỗi khi lái xe đến sở làm. Không mong muốn chiếm phần lợi ích trong bất cứ lãnh vực nào, không lừa dối chủ, chúng ta làm việc trong tinh thần tương thân tương trợ lẫn nhau. Với thái độ đó, một ngày làm việc của chúng ta sẽ vô cùng giá trị và hữu ích thay vì mất thời giờ vô ích.

Thời nay có rất nhiều người muốn những hình thức luyện tập thân thể khác nhau. Những hoạt động như tăng sự kiểm soát thân thể, cần phải đạt nhiều tiện ích... nhưng học để kiểm soát tâm rồi từ đó đem lại lợi ích cho người khác là một sự thực hành vô cùng quí giá. Có một kỷ luật tâm linh như vậy, chúng ta có thể tinh tấn rất nhanh và rất xa trong mọi lãnh vực kể cả con đường dẫn đến giải thoát. Một trong những thành quả vĩ đại của việc áp dụng kỷ luật này là để chuyển hóa tất cả những sinh hoạt bình thường hằng ngày vào con đường tu tập tâm linh.

Trong thời Đức Phật Thích Ca, có một ông già rất muốn thực hành Đạo. Nhưng đáng tiếc ông ta quá ngu muội, không thể hiểu được những lời dậy của Phật. Những đệ tử của Ngài thất vọng nên không đủ kiên nhẫn để dậy ông ta. Vì thế, lần lượt hết thầy này đến thầy khác từ giã ông; quá chán nản, ông muốn gieo mình xuống sông tự tử để chấm dứt cuộc đời đau khổ này.

Nhìn thấy tình trạng đáng thương không thể vượt qua của ông già, Đức Phật liền gửi ngay một đệ tử thân cận nhất của Ngài đến khuyên can và nói với ông rằng chính Phật sẽ chỉ dậy cho ông cách thực hành tâm linh. Khi ông già được dẫn đến trước mặt Ngài, Đức Phật nói rất nhỏ nhẹ với ông : ”Ông không cần phải học hỏi sâu xa, không cần phải cầu nguyện cũng không cần phải tụng kinh. Ông chỉ cần quét chùa và cố gắng giữ nó càng sạch càng tốt. Tuy nhiên, mỗi khi quét ông hãy tự nhủ, ‘ Hãy sạch ! Hãy hết mùi hôi thối !’ Ông chỉ cần thực hành như vậy cũng mang lại rất nhiều ơn ích.”

Ông già rất cảm kích về sự thực hành đơn giản này và bắt đầu hăng say thực tập. Ông quét chùa mỗi ngày, thực hành chăm chỉ theo đúng sự chỉ dẫn. Rồi đến một ngày, trong lúc đang quét bụi và rác, ông ta nghĩ, « Bây giờ tôi cảm thấy tôi thực sự hiểu được ý nghĩa của lời Phật dậy ‘ Hãy sạch ! Hãy vất rác đi’ Bụi bặm không phải ở bên ngoài ; nó ở bên trong. Mùi hôi thối không phải ở đây, trong ngôi chùa này; nó ở ngay trong tôi, không phải chỉ quét chùa mà thôi, tôi cũng phải làm sạch cả tâm của tôi nữa. » Bang ! Ánh sáng nội tâm bắn thủng bức màn vô minh của ông già làm ông bừng tỉnh hiểu được tứ diệu đế, nền tảng của toàn thể con đường. Vì thế, chỉ trong một tích tắc ông ta đã chuyển hóa từ một ông già quét rác u mê thành một người có trí tuệ.

Qua câu chuyện này, quý vị chưa nhận thức được từng chi tiết của sự phát triển trí tuệ trong Đạo pháp. Điều quan trọng là tất cả những gì chúng ta học và kinh nghiệm được đều trực tiếp đi ngay vào tâm chúng ta rồi ngay lập tức nó chuyển thành hành động. Như vậy, dù là chỉ nghe một lời dạy đơn giản cũng có thể mở toàn diện tâm ta. Cái gì chúng ta nghe được không quan trọng bằng cách chúng ta nghe như thế nào. Oâng già nhận được một lời chỉ dẫn vô cùng đơn giản nhưng ngay khi nhận thức được nó có liên hệ đến cuộc đời của ông, ông đã thực tập và tinh tấn nhanh chóng.

Tương tự như vậy, chúng ta nên chuyển hóa tất cả những gì chúng ta nhận được – âm thanh, mùi vị, mầu sắc... vân vân... – vào Đạo pháp. Làm thế còn tốt hơn là vồ chụp hoặc xua đuổi chúng. Nếu chúng ta nhìn sự vật từ bên trong lẫn bên ngoài với một cái nhìn toàn diện thì cuộc đời của chúng ta sẽ giá trị biết bao. Đừng nhìn thế giới bằng con mắt tham sân si thì thế giới sẽ xuất hiện vô cùng trong sáng.

Thường thường những vọng tưởng của chúng ta mang lại nhiều trở ngại, nhiều rắc rối hơn là chính sự vật, hơn là chính đối tượng. Thí dụ, khi đi dạo trên những đường phố ở New York, chúng ta thường nghĩ thành phố này quá dơ bẩn. Thực sự không hoàn toàn đúng như vậy. Chính vì những bất an ở trong tâm, sự vội vã tấp nập của xe trên đường phố và những cảnh sinh hoạt nhộn nhịp đã làm chúng ta dễ dàng tức giận với những người chung quanh. Nếu chúng ta dừng lại nói chuyện với một người nào, chúng ta sẽ nhận thấy tâm của họ cũng y hệt như chúng ta. Đó chỉ là những xét đoán tầm thường, bề ngoài, dựa trên những xúc cảm thoáng qua về thành phố New York và dân chúng của thành phố này.

Tâm của chúng ta đã đầy ắp những ý niệm sai lầm như vậy. Có người tin rằng những ý niệm sai lầm này có trong thiên nhiên và họ đã học được từ người khác hoặc ở một nơi nào đó. Điều này không hoàn toàn đúng như vậy. Những ý niệm sai lầm không truyền từ tâm này qua tâm kia, cũng không nhất thiết đến từ một chuỗi sai lầm nào đó. Đúng ra, tâm -- bị ảnh hưởng bởi nghiệp và vọng tưởng đi vào một thân xác đầy ô nhiễm -- đã sẵn mang đầy vọng tưởng, như tin rằng “cái tôi ” là một thực thể độc lập và có thật. Những tin tưởng sai lầm này không có dính dáng gì đến ngôn từ hay tư tưởng. Đúng ra, nó từ những nguyên nhân khác. Nó chỉ liên hệ đến ngôn từ hay tư tưởng khi tâm ô nhiễm cố gắng diễn tả chính nó ra trên bình diện ý thức, khi đó nó dùng ngôn từ để chuyên chở, chuyển đạt những quan niệm sai lầm của chính nó. Do đó, không nên nghĩ rằng tâm của chúng ta không có những ý niệm sai lầm bởi vì chúng ta đã không bao giờ học triết ở trường học.

Nhìn vào tâm để khám phá và điều chỉnh những huyễn ảo của chính nó là một việc làm đầy thích thú, phải vậy không quý vị? Nếu chúng ta khám nghiệm mọi sự qua lăng kính Đạo pháp thì chẳng có gì làm chúng ta chán nản cả. Thật là thích thú khi thấy tâm nhậy bén trong việc sáng tạo và thích ứng với những hoàn cảnh mới. Còn thích thú hơn nữa khi kiểm soát được tiến trình này và nhìn ra được mọi sự đều có thể chuyển hóa vào sự thực hành Đạo. Có rất nhiều người, dù có việc làm hay không có việc làm, cảm thấy không có gì có giá trị để làm trong cuộc đời của họ. Nhưng sự hiểu biết của Đạo pháp sẽ làm chúng ta rất bận rộn. Vì quán tâm nên chúng ta sẽ bận rộn trong việc học hỏi những điều mới lạ và cũng biết được chúng rất thực tế (mà trước kia chúng ta không hiểu được.) Không giống những học trò, họ nhận được sự hiểu biết qua sách vở, không phải do những kinh nghiệm của đời sống. Thật tốt nếu chúng ta học được trên cả hai phương diện, sách vở và kinh nghiệm, nhưng qua kinh nghiệm thì có gía trị hơn rất nhiều.

Được sinh ra là người là một điều vô cùng may mắn. Vì thế, chúng ta có khả năng dùng sự hiểu biết của chúng ta để phân tích. Sự khác biệt lớn lao giữa con chó và con người là chúng ta biết khám nghiệm tư cách của chúng ta, con chó không có khả năng này. Bởi vì chúng ta có thể thẩm định được tất cả những hành động của chúng ta từ tinh thần đến thể xác là tốt hay không tốt, chúng ta có nhiều cơ hội và trách nhiệm để tự khám nghiệm những đặc tính của những lỗi lầm và những điều chợt đến của chúng ta. Có khi những vấn đề này rất khó chia sẻ với những người khác, sẽ có rất nhiều ơn ích nếu chúng ta khám phá ra được căn nguyên, gốc rễ thâm sâu của những yếu kém của chúng ta. Thật đáng xấu hổ nếu không biết sử dụng khả năng hiếm có này, mà cứ nhìn đời với một con mắt mù quáng và không biết phân tích! Vì thế, cho dù sự việc xẩy ra tốt hay xấu, chúng ta nên kinh nghiệm chúng bằng trí tuệ trong sáng của Đạo pháp, hãy chuyển hóa chúng vào sự thanh tịnh vô biên của con đường dẫn đến giác ngộ.

Như chúng tôi đã đề cập trước kia, có một số vấn đề đã xẩy ra sau khi một số người Tây phương qua Đông phương học đạo với Lạt ma hay đạo sư. Có thể họ đã thiếu một số nghi lễ để hoàn tất sự học hỏi rồi cảm thấy rằng họ không thể thực hành đạo với các vị đó nữa. Thí dụ, ở Đông phương có những mùa đã được ấn định để tổ chức các nghi lễ cúng dường. Trong những nghi lễ, trước ảnh tượng các vị đã giác ngộ, chiêng, trống, chuông, tù và… thường được dùng cùng với những bài tụng niệm, rồi nến, bát nhang, chén nước, mâm hoa quả, thức ăn cũng được bày ra. Những nghi thức cúng dường như vậy có thể rất dài và thực sự cần thiết cho những buổi thực hành Đạo của chúng ta.

“Cúng dường” danh từ tiếng Phạn là “Puja”. Tại sao người ta lại cúng một người khác? Thông thường là để làm vừa lòng người đó. Đó là ý nghĩa thấp, tương đối. Trong Đạo pháp, cúng dường có một ý nghĩa thâm sâu hơn. Khi chúng ta chuyển hóa tất cả vào những hình ảnh, âm thanh, mùi vị tốt đẹp.... rồi dâng cúng chúng theo những nghi thức tượng trưng của tâm giác ngộ thì đó chính là ơn phước cho người cúng dường. Nhờ tập trung tất cả những năng lượng của chúng ta vào lễ nghi để hướng về tâm giác ngộ là chúng ta đã đem chúng ta đến gần sự bình an vĩnh cửu và hạnh phúc thường hằng.

Vì thế, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa đích thực của sự cúng dường là gì. Nó không phải là những lời tụng niệm cũng chẳng phải là hoa quả mà chính là sự tôn kính, sự chân thành của chúng ta đặt chúng lên bàn thờ, đây mới chính là tinh túy của sự cúng dường. Bất cứ hành động nào, bất cứ hình thức thiền định nào mà chúng ta thực hiện đều đem tâm thức của chúng ta đến gần sự an lạc thường hằng đồng thời phá tan đi những lầm lẫn và loạn động -- đó mới thực sự là cúng dường. Vì thế, chúng ta không nên nghĩ rằng không có những nghi lễ Tây Tạng hoặc Aán Độ ở nước Mỹ là chúng ta không thể thực hành Đạo. Quý vị không cần những âm thanh “ting, ting, ting” của chuông cũng chẳng cần mõ, tù và hay chiêng trống trong khi cúng dường. Tất cả những gì chúng ta làm –ngay cả những việc đơn giản như ăn uống – cũng có thể chuyển thành cúng dường. Mục đích chỉ là gìn giữ sự thanh tịnh.

Thí dụ, ở Mỹ người ta luôn luôn uống một cái gì. Từ khi đến New York tôi không ngừng uống nước, nóng quá! Từ bây giờ, mỗi khi khát nước hoặc mỗi khi lấy một cái gì để uống, hãy kiểm soát, hãy nhìn vào tâm chúng ta. Thay vì nuốt nước một cách vô ý thức, hãy lắng đọng tâm tư một giây và dâng cúng ngụm nước đó cho sự giác ngộ của chúng ta. Nếu chúng ta đã được dậy bảo về những lời chú, như OM AH HUM, hãy niệm chúng. Nếu không biết, chúng ta cũng có thể chuyển hóa nước thành những giọt cam lồ thanh tịnh bằng cách hãy nhìn vào tâm của chúng ta. Vì hướng năng lượng của những gì chúng ta uống lên cấp độ cao hơn, như không vì mục đích ích kỷ, không vì sự khoan khoái thân xác, mà chúng ta tự nhiên nhận được sự cứu độ. Cả một tiến trình chuyển hóa chỉ diễn ra trong một phút mà hiệu quả của sự cúng dường tồn tại lâu dài trong tâm của chúng ta hơn mức độ bình thường.

Vị đại bồ tát Long Thọ nói rằng chúng ta không nên dùng thân xác hiếm có này vào những mục tiêu vô giá trị. Vì thế, mỗi khi nuôi dưỡng chăm sóc nó, đừng làm vì những lý do hư vọng như làm đẹp để quyến rũ người khác. Thay vì như thế, hãy nghĩ rằng chúng ta bảo trì và trau dồi sức khỏe để đem lại lợi ích cho người khác và cũng cho chính chúng ta. Hãy dùng toàn thể năng lượng để phát triển con đường tâm linh và đạt mục tiêu tối hậu. Vì thế, hãy chuyển hóa tất cả những năng lượng đi vào thân xác của chúng ta cho con đường an lạc miên viễn dẫn đến giác ngộ.

Cách tốt nhất để dùng những nguồn năng lượng một cách toàn hảo là luôn luôn tỉnh thức và ý thức bất cứ cái gì đang xảy ra cho chúng ta. Mỗi khi tỉnh thức và ý thức như vậy thì dù một cử chỉ đơn giản nhỏ mọn cũng được chuyển hóa vào Đạo pháp. Thí dụ, khi chúng ta ăn uống, hãy để ý đến những cảm giác đang xẩy ra trong hệ thần kinh của chúng ta. Khi Đức Phật Thích Ca còn sống, không có việc cúng dường bên ngoài như vậy. Chính thiền định cũng là cúng dường. Cũng như vậy, khi chúng ta ăn, uống trong sự tỉnh thức thì cũng như chúng ta đang thiền định, tất cả mọi hành động đều là cúng dường Đạo pháp.

Những rung cảm ở bên trong và những cảm giác ở bên ngoài đều dấy lên trong bất cứ hành động nào, cử chỉ nào chúng ta làm. Khi chúng nổi lên, đừng nghĩ ngay, “cái này tốt,” hoặc “cái này xấu.” Phản ứng ngay như vậy chỉ gây ra những bối rối và lầm lẫn, sự thật thường bị che giấu như vậy. Thay vì thế, hãy ý thức, hãy tỉnh thức trên tất cả những rung cảm ở bên trong cũng như bên ngoài rồi hãy kiểm chứng chúng bằng con mắt trí tuệ. Thực hành đều đều như vậy sẽ phát triển trong tâm của chúng ta một thói quen tỉnh thức, dần dần sẽ thanh tẩy tâm chúng ta mỗi ngày mỗi sạch hơn, sạch hơn.

Muốn ý thức tất cả những hành động một cách hoàn toàn, chúng ta cần phải tu sửa những hành vi cử chỉ của chúng ta. Vì thế khi ăn, uống chúng ta nên ăn trong yên lặng, đừng nói nhiều quá, đừng ồn ào quá. Có thể bàn luận những đề tài đơn giản còn những đề tài phức tạp, khó khăn hãy để lúc khác. Nếu không làm như vậy tâm của chúng ta sẽ bị dồn dập hết vấn đề này đến vấn đề khác, sẽ đi vòng quanh thế giới, mọi chuyện sẽ chằng chịt với nhau đến nỗi không còn tập trung vào cảm giác ăn uống được nữa. Vì thế, muốn có một bầu không khí yên tĩnh, hãy bớt nói chuyện càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, khi đã ăn xong và tới giờ tranh luận, chúng ta hãy chuyển tâm của chúng ta vào tranh luận, hãy chuyên chú vào đó. Đừng nghĩ về bữa ăn vừa qua cũng đừng nghĩ đến bữa ăn sắp đến. Đừng nói chuyện lung tung cũng đừng chuyển đề tài quá nhanh, quá nhiều. Điều này chỉ làm những thói quen bừa bãi trong tâm chúng ta tăng lên mà thôi, vì nó đã nằm sâu trong đó. Chúng ta đã huân tập biết bao hành động vô ý thức qua muôn vàn kiếp mà không hề chú tâm vào chân lý trong từng giây phút của thực tại. Vì thế không thể nắm được trọn vẹn vấn đề, không nhìn được toàn diện mà chỉ là những chắp nối trộn lẫn với nhau rồi đi vào một cái tâm lơ đãng, không biết tập trung. Do đóù chúng ta cần phải huấn luyện tâm, phương pháp tốt nhất để bắt đầu là hãy tập trung vào cái gì chúng ta đang làm, đừng để tâm bị phân tán, bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng không cần thiết hoặc hão huyền.

Kinh nghiệm đã cho chúng ta biết tập trung vào tâm là một điều vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta học quá nhiều vấn đề trong một lúc thì rất khó mà hoàn tất được một cái nào. Khả năng của chúng ta sẽ bị phân tán làm chúng ta không thể nào hiểu được điều chúng ta đang học. Nhưng khi chúng ta tập trung vào một đề tài trong một thời gian thì tâm của chúng ta sẽ trở nên trong sáng để dễ dàng hấp thụ vấn đề. Vì thế, thay vì để tâm lang thang hết vấn đề này đến vấn đề khác, chúng ta nên tập trung vào một thì dễ kiểm soát tiến trình tinh thần của chúng ta hơn.

Hãy phát triển sự kiểm soát này trên tất cả những sinh hoạt của chúng ta và đặc biệt chú ý đến thân, khẩu và ý, đừng để chúng tự do dẫn chúng ta đi lòng vòng. Hãy cố gắng tập trung vào một điểm, vào một hành động. Điều này rất tốt cho tâm của chúng ta, từ đó chúng ta có thể giảm bớt được những xung khắc, những lầm lẫn ở nội tâm và dần dần chúng ta có thể phá vỡ được những thói quen đã kết tụ trong quá khứ. Những thói quen này chỉ dẫn chúng ta đến đau khổ, vì thế chỉ có thể chiến thắng chúng bằng cách hãy phát triển tâm tỉnh thức.

Tất cả những điều chúng ta đang đề cập đến ở đây như làm việc, ăn, uống và tỉnh thức chỉ để giúp chúng ta có một giấc ngủ ngon. Hầu như lúc nào chúng ta cũng đi ngủ với một tâm trạng bất an hoặc không được kiểm soát. Đi ngủ trong một tâm trạng an bình, tỉnh thức, thanh tịnh thì tốt hơn là một tâm trạng bất an, bất tịnh. Nếu chúng ta có thể thiền được ở trên giường thì rất tốt, vì chúng ta có thể chuyển tất cả giấc ngủ vào Đạo pháp. Trong những lời giáo huấn của Đại thừa có giải thích rất tỷ mỷ về làm cách nào để đạt được ơn ích trong giấc ngủ và giấc mơ. Nhưng ở đây chúng ta có thể nói rằng nhờ biết tập trung mà chúng ta có thể tin chắc giấc ngủ của chúng ta sẽ an lành.

Đã rất nhiều lần, sau một ngày đầy bực bội, có thể chúng ta đã tự hỏi: “Tôi không thể ngủ được. Tôi phải làm gì đây?” Tâm bị phân tán ra rất nhiều hướng, vì bực bội vẫn còn vang vọng trong đầu, làm sao mà ngủ được. Thiền định có thể giúp tâm chúng ta trở lại yên tịnh và chúng ta có thể ngủ được. Rất nhiều người trong chúng ta đã làm công việc này và họ đã có rất nhiều kinh nghiệm về sự thật này. Đã bao nhiêu lần quý vị đi vào giấc ngủ khi thiền định, ngay cả thiền lúc ban ngày?
Hãy kiểm điểm xem những lần mất ngủ, những lần chờ đợi giấc ngủ đến, chúng ta như thế nào? Có thể chúng ta đã chú ý đến những hành động của chúng ta đã làm trong ngày, nhưng nếu chúng ta không kiểm điểm lại trước khi đi ngủ, chúng ta đã làm mất một dịp để hiểu những gì chúng ta đã tạo ra. Có thể chúng sẽ trở lại trong giấc mơ và làm lu mờ đi những gì chúng ta đã học được, những ý tưởng về sự tỉnh thức sẽ bị tràn ngập bởi những năng lượng xấu.

Một trong những lý do cần thiết để có một giấc ngủ an lành là những giấc mơ phải có giá trị và có hiệu lực hơn lúc thức. Quý vị có thể không tin điều này, quý vị nghĩ: “Ban ngày tôi có thể ý thức vào những hành động của tôi. Tôi có thể biết và kinh nghiệm được mọi thứ, từ thể xác đến tinh thần. Nhưng ban đêm tâm thức của tôi mơ mộng, nó tạo ra những trò huyễn ảo.Vì thế tình trạng vô ý thức này có giá trị hơn thế nào được?”

Lý do mà tôi đề cập tới vấn đề này là mặc dầu chúng ta nghĩ trong lúc tỉnh chúng ta đã chú ý vào những công việc của chúng ta nhưng những cảm quan khác của chúng ta vẫn hoạt động, vẫn mở, vì thế chúng vẫn phản ứng với những gì chúng nhận được. Tuy nhiên trong lúc mơ, năm giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi và xúc giác không hoạt động. Thí dụ, khi chúng ta nhìn một vật trong lúc mơ thì chúng ta nhìn bằng con mắt của tâm chứ không phải bằng con mắt thường. Khi thiếu vắng sự hoạt động của những giác quan bên ngoài thì tâm của chúng ta được tập trung toàn diện một cách tự nhiên. Do đó, thí dụ, hiệu quả của giấc mơ về lòng tham có thể mạnh hơn và ghi dấu ấn sâu hơn vào tâm của chúng ta hơn là sự xúc động bình thường tới tim trong đời sống hàng ngày. Dĩ nhiên, sự kiện này cũng xẩy ra y như vậy với những ấn tượng của tâm linh.

Quý vị hãy tự suy nghĩ và tự cảm nghiệm sự thật này, đừng tin những gì tôi vừa trình bày bởi vì chúng là lời nói từ một lạt ma. Hãy kinh nghiệm và hãy nhìn những kết quả bằng sự kiểm soát tâm của quý vị, ngày cũng như đêm. Nếu chúng ta thực hành một cách thành thật, chúng ta sẽ kinh nghiệm được kết quả trong một thời gian rất ngắn, vậy hãy bắt đầu ngay bây giờ.

Nếu chúng ta hiểu Đạo pháp một cách đúng đắn, chúng ta sẽ không còn lo lắng, hối hả về con đường giác ngộ cuối cùng nữa. Không thể có chán nản trên con đường thực hành của chúng ta, như nghĩ “ Tôi sẽ tự tử nếu tôi không giác ngộ ngay bây giờ.” Đừng bao giờ hạ quyết tâm như vậy, việc này chỉ đem đến những điều bất lợi mà thôi. Hãy tỉnh thức trên tất cả mọi hành động của chúng ta và giữ lòng hăng say của chúng ta càng thanh tịnh càng tốt. Bằng cách này chúng ta sẽ đạt được mục đích một cách tự nhiên.

Tôi rất vui vì được đóng góp một chút hiểu biết vào biển trí tuệ của quý vị. Tôi hy vọng tất cả quý vị sẽ thực hành Đạo Pháp trong đời sống hàng ngày của quý vị. Điều này thật là quý báu, thật là giá trị.

Kính chào quý vị, cám ơn quý vị thật nhiều, thật nhiều.