NĂNG LỰC TRÍ TUỆ
Những Lời Dạy Căn Bản Của Phật Giáo
Nguyên tác: WISDOM ENERGY, BASIC BUDDHIST TEACHINGS
Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche - Vô Huệ Nguyên dịch
Wisdom Publications xuất bản

Chương hai:
THIỀN ĐỊNH 1. Ba Khía Cạnh Chính Của Con Đường
Dẫn Đến Giác Ngộ



Quán tưởng sự thanh tẩy
Chúng ta sẽ bắt đầu một thời thiền ngắn để thanh tẩy tâm của chúng ta và dĩ nhiên để giúp chúng ta thu thập được những lời giảng dậy một cách tốt đẹp.

Mỗi người hãy ngồi theo thế ngồi thiền quen thuộc thoải mái của mình. Nếu quý vị cảm thấy ngồi trên ghế sẽ thoải mái hơn thì cứ ngồi. Việc quan trọng là làm sao kiểm soát, theo dõi được tâm. Ngồi thẳng lưng và cân bằng hai vai giúp cho sự kiểm soát này. Mắt nên mở một chút để ánh sáng vào được, nhưng đừng mở lớn quá sẽ bị quấy nhiễu. Nếu không buồn ngủ thì quý vị có thể nhắm mắt.

Chúng ta bắt đầu quán tưởng đến muôn vàn chúng sinh đang ngồi chung quanh chúng ta, cùng nhìn về phía trước. Họ cùng chia sẻ với chúng ta tất cả những ơn ích, tất cả những phước đức mà chúng ta có thể lãnh nhận được từ việc thiền thanh tẩy này. Tất cả chúng sinh đều mang hình dạng con người, chúng ta hãy tưởng tượng quang cảnh bao la bát ngát chung quanh chúng ta mọi người cũng đang ngồi thiền định.

Bây giờ, hãy quán tưởng trong con mắt của tâm, ở ngay trước mặt chúng ta, cách khoảng một cánh tay, ngang với đầu chúng ta, có một tòa mầu vàng rất lớn trang hoàng đầy châu báu. Sự quán tưởng này phải thật trong sáng, hãy tiếp tục quán tưởng một đóa sen trắng nở lớn ở giữa tòa này. Đóa sen thật rực rỡ trong sáng, không một khuyết điểm, trắng tuyết. Ngay trong hoa sen có vầng trăng và mặt trời, lồng vào nhau. Đức Phật Thích Ca ngồi trên đó. Ngài mặc tăng bào. Bàn tay phải của Ngài đặt trên đầu gối phải, ngón tay chạm vào hoa sen, bàn tay trái đặt trên lòng giữ bát khất thực. Dù quán tưởng đến Đức Phật Thích Ca hay quán tưởng đến bất cứ gì ngay cả một hạt nguyên tử li ti thì cái đó cũng phải thật trong sáng, là ánh sáng trong suốt.

Hãy nghĩ đến sự toàn giác, đại viên mãn của Đức Phật Thích Ca, Ngài hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh tuyệt đối, không một chút bợn nhơ, không nhị nguyên. Ngài là bậc toàn tri toàn trí, siêu tuyệt. Ngài là đấng toàn năng có thể hướng dẫn muôn loài chúng sinh thoát khỏi khổ đau và những phương pháp của Ngài sẽ dẫn dắt chúng sinh tu tập đến giác ngộ, thành phật. Lòng từ bi bao la của Ngài che chở muôn loài, cả chúng ta, để lập tức chấm dứt tất cả khổ đau.

Ngài hằng muốn chỉ cho chúng ta con đường thoát khổ, nhưng bổn phận của chúng ta là phải chuyển hướng tâm của chúng ta vào trí tuệ, vào từ bi và vào sức mạnh độ trì của Ngài. Vì thế, hãy quán tưởng càng trong sáng càng tốt, mỗi một người chúng ta hãy tự phát nguyện: “Con qui y Phật, đấng toàn năng toàn giác Thích Ca Mâu Ni; con qui y Pháp, trí bát nhã và những lời dậy bảo của Ngài; con qui y Tăng, là những người biết kiểm soát tâm của họ theo lời dậy của Ngài. Con qui y và hoàn toàn nương tựa nơi Tam Bảo cho đến khi đạt giác ngộ. Con kính xin Ngài độ trì con và muôn vàn chúng sinh. Cho tất cả chúng con nhận được sự chỉ dậy đúng trên con đường tu tập, từ vị đạo sư đến sự chứng đắc cuối cùng của giác ngộ.”

Bây giờ hãy quán tưởng ba chủng tử xuất hiện trên thân thể của Phật Thích Ca. Những chủng tử này có thể là những Tạng ngữ, Anh ngữ hay dưới dạng ngôn ngữ nào cũng được. Trên trán của Ngài xuất hiện chủng tử màu trắng OM, ở cổ của Ngài chủng tử màu đỏ AH, và ở ngực của Ngài chủng tử màu xanh HUM. Những chủng tử này cũng là ánh sáng rực chiếu thoát ra từ trí tuệ siêu tuyệt qua thân khẩu và ý của Phật. Từ những tia sáng trắng, đỏ và xanh của những chủng tử này chúng chiếu rọi khắp nơi và thâm nhập vào tất cả chúng sinh để thanh tẩy tất cả những ô trược nghiệp chướng của thân khẩu và ý của chúng sinh. Khi tia sáng trắng thâm nhập vào trán của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ rằng tất cả những vọng tưởng, tất cả những ô nhiễm và tất cả những xấu xa nghiệp chướng của thân xác chúng ta đang được tẩy rửa cho đến không còn một dấu vết nào nữa. Chúng hoàn toàn bị xóa bỏ. Cũng giống như vậy, những tia sáng đỏ và xanh thấm nhập vào cổ và tim của chúng ta, chúng thanh tẩy tất cả những ô nhiễm của những lời nói và tâm tưởng của chúng ta, để chúng ta thoát khỏi nghiệp ác. Trong tiến trình thanh tẩy này, chúng ta hãy kinh nghiệm, hãy chiêm nghiệm sự rỗng lặng của khổ đau và những tình trạng sai lầm của tâm và hãy cảm nghiệm những ô nhiễm tâm thần này đang bị tiêu diệt xóa bỏ toàn diện.

Trong khi những tia sáng thanh tẩy đang chiếu sáng từ sự quán tưởng Đức Phật Thích Ca, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện sau đây rồi tụng những câu mật chú, lặp lại càng nhiều lần càng tốt:

Kính lạy Đạo sư, người sáng lập,
Con đường thanh tẩy hoàn toàn ô nhiễm,
Ngài là Phật, bậc toàn giác
Ngài là đấng chiến thắng,
Là đấng khôn ngoan của dòng Thích ca ---
Con xin kính lạy Thầy và con xin qui y,
Con kính xin Ngài nhận lễ vật của con.
Con kính xin Thầy độ trì con.
Tayatha om muni muni maha muniye svaha

Khi làm xong lễ quán tưởng thanh tẩy này, chúng ta hãy nghĩ rằng chúng ta đã nhận được sự độ trì và trí tuệ từ thân khẩu và ý thánh thiện của Đức Phật Thích Ca. Hãy cố gắng cảm nhận sự an lạc vô biên này bằng cả tâm hồn lẫn thể xác và hãy thường xuyên tập trung vào nó. Chúng ta đã thanh tẩy, bây giờ bằng cả tâm hồn và thể xác, chúng ta hãy ca hát trong niềm an lạc tự nhiên này. Với sự sửa soạn như vậy, chúng ta bắt đầu nghe những lời giảng dậy về Đạo Pháp.

Sự thực hành tâm linh tối cao

Chúng ta đang đi vào một lãnh vực thực hành đặc biệt, có thể là hoàn toàn mới lạ với một số người. Có một vài sự kiện chúng ta chưa bao giờ gặp, chưa bao giờ làm trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta đang tìm một phương pháp thực tế để giải quyết những vấn đề, những khó khăn của chúng ta, để từ đó chúng ta giải thoát chúng ta khỏi khổ đau, nhưng phương pháp này hoàn toàn khác với những phương pháp mà chúng ta đã gặp trong quá khứ. Khả năng tốt nhất mà những phương pháp khác có thể mang lại cho chúng ta chỉ là trì hoãn sự khổ đau; còn tệ hại hơn, chúng lại hướng dẫn chúng ta, chúng lại đem chúng ta đến những bất mãn, những nỗi chán chường to lớn hơn. Ngược lại, ở đây chúng ta sẽ được dậy bảo, những lời dậy bảo này có khả năng tạo sự tự tin mãnh liệt trong mỗi người chúng ta, vô số lượng chúng sinh trong quá khứ đã đạt giác ngộ theo phương pháp này. Sự thật này chắc chắn cũng sẽ xẩy ra cho thời đại của chúng ta và cho cả trong tương lai nữa. Đây là Đạo Pháp, đã được truyền dậy bởi những bậc toàn giác, bởi Phật Tổ.

Đạo Pháp không lừa dối chúng ta. Nó chính là liều thuốc giải độc, là liều thuốc hóa giải tất cả những sự lừa dối và tất cả những hiện tượng khổ đau đang diễn ra trong thế giới luân hồi này, thế giới này luôn luôn chỉ có đau khổ và lừa dối tiếp diễn. Tại sao chúng tiếp diễn như vậy? Chúng xuất hiện như thế nào? Nếu chúng ta không nhận diện được tính cách vô thường của chúng hoặc nếu không hiểu chúng xuất hiện như thế nào thì chúng ta chỉ biết nhắm mắt mà tin theo chúng thôi. Vì bị u mê say đắm trong sự xuất hiện của chúng nên chúng ta đã hoàn toàn đặt niềm tin của chúng ta vào những quan niệm, vào những ý niệm sai lầm của những đối tượng trong luân hồi. Từ đó chúng ta nhìn sự vật xuất hiện trong thế giới này không còn thật như chính chúng là mà đã bị méo mó theo những vọng tưởng của chúng ta rồi. Đây chính là những khuôn mẫu của tất cả những hành vi và thái độ của chúng ta đã được chất chứa từ muôn vàn kiếp cho đến ngày hôm nay. Chúng không là gì khác hơn là chỉ hướng dẫn chúng ta từ đau khổ này đến những đau khổ khác.

Dĩ nhiên, nếu chúng ta thực hành không đều đặn, chỉ áp dụng khi có dịp hoặc lơ là thì phương pháp thực hành Đạo này cũng chẳng giúp gì được chúng ta, vì như chúng ta đã biết những thói quen đã hằn in dấu vết trong tâm thức của chúng ta từ nhiều kiếp rồi. Sẽ chẳng có một chút ơn phước nào, nếu có thì cũng chẳng tồn tại lâu được vì chúng ta chỉ áp dụng trong một vài năm hoặc chỉ trong những dịp đi nghe thuyết pháp. Chúng ta cần phải thực hành liên tục trong từng giây phút, ở bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào. Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy nguy hiểm, từ thiên nhiên và từ chính con người làm ra. Chẳng có gì là chắc chắn vững bền, ngay cả việc bảo vệ cái thân xác này. Vì thế chúng ta nên chuyển tất cả những gì chúng ta làm trong đời sống hàng ngày vào việc thực hành Đạo Pháp. Chúng ta không nên viết đầy trong tập ghi chép của chúng ta hay chất đầy vào tâm của chúng ta những gì gọi là thông minh của những lời dậy bảo. Thay vì thế, ngay lập tức, chúng ta hãy cố gắng dồn tất cả nỗ lực vào việc thực hành Đạo Pháp. Như vậy, ngay cả việc đang ngồi lắng nghe bài giảng bây giờ cũng trở thành hoạt động tinh túy của Đạo Pháp, mang lại thật nhiều ơn phước. Không cần phải cầu kỳ về vật chất hoặc tinh thần mới có thể thực hành tâm linh có kết quả.

Không thể lấy những lợi ích trần gian để đo lường ơn phước trong việc thực hành Đạo Pháp. Chúng ta có thể có những phần thưởng hoặc những lời khen ngợi trong những công việc đòi hỏi nhiều khả năng tài chánh cũng như sự mạo hiểm, nhưng những sự thành đạt này hoàn toàn không có nghĩa lý gì nếu so sánh với sự thực hành tâm linh. Nếu chúng ta có gom góp ngọc ngà châu báu trong cả vũ trụ này lại thì chúng ta cũng không thể mua được sự giác ngộ, sự giải thoát, thanh tẩy vọng tưởng, sự bình an thật trong tâm hồn, lòng từ bi, tâm bồ đề, tâm buông xả, không gì có thể mua được những ơn phước mà chúng ta có được từ sự thực hành Phật Pháp.

Đừng ngạc nhiên khi những giá trị vật chất không thể mang lại cho chúng ta những giải quyết rắc rối trần gian. Tại sao vậy? Tại vì nếu chúng ta có chất chứa, có thâu góp tất cả những gì chúng ta đã sở hữu trong kiếp này và trong muôn vàn kiếp trước vào một nơi thì cả cái vũ trụ này cũng quá nhỏ bé chật hẹp đối với chúng. Mặc dù chúng ta có giầu đến độ không thể tưởng tượng nổi thì cũng không thể mua được cái gì có thể thay thế khổ đau của chúng ta. Tâm của chúng ta cũng vẫn rối loạn, cũng vẫn loạn động, cũng vẫn đòi hỏi để rồi lại tạo ra nhiều đau khổ hơn nữa cho chính mình và cho những người khác.

Tuy nhiên, qua việc thực hành Đạo Pháp, chúng ta có khả năng đạt giác ngộ và có rất nhiều ơn phước hướng dẫn chúng ta đến sự giải thoát tối thượng. Chúng ta sẽ được mãn nguyện trong sự hiểu biết của chúng ta về tất cả các hiện tượng ở bên trong tâm của chúng ta cũng như tất cả những hiện tượng xẩy ra ở bên ngoài. Hơn nữa, niềm an lạc của Đạo pháp sẽ không hề bị mất đi hay biến thành khổ đau. Nó mang lại hạnh phúc vĩnh cửu. Lạc thú của luân hồi và phúc lạc của Đạo Pháp hoàn toàn khác nhau. Đừng cố gắng đi tìm hạnh phúc ở những giá trị trong cõi luân hồi, vì không sớm thì muộn những giá trị này cũng tan biến mất. Hãy nhìn thẳng vào đời sống của mỗi người chúng ta, chúng ta sẽ tìm ra được rất nhiều bằng chứng cụ thể về sự thật này. Ngược lại, sự thực hành Đạo Pháp sẽ đem chúng ta đến giải thoát và giác ngộ, ngay khi bắt đầu thực hành chúng ta đã thấy những kết quả khác biệt rồi, niềm hạnh phúc này không bao giờ chấm dứt.

Vấn đề chính của chúng ta là chúng ta thiếu sự phân biệt và trí tuệ để hiểu rõ những gì kinh nghiệm của chúng ta dậy chúng ta về thực tính của những sự kiện xẩy ra trong cõi luân hồi. Mặc dầu chúng ta biết những khoái lạc trần gian chỉ dẫn chúng ta đến bất mãn và bất mãn, nhưng chúng ta vẫn cố tình quên đi sự thật căn bản này và vẫn tiếp tục đuổi theo những ảo ảnh hạnh phúc. Trong chiều hướng đó, những hiện tượng trần gian sẽ lôi cuốn chúng ta vào cạm bẫy, và hơn thế nữa, chính chúng ta tình nguyện để bị bẫy.

Tinh túy của sự thực hành Đạo pháp là tỉnh thức trong từng hành động của chúng ta và học hỏi từng kinh nghiệm của chúng ta. Nếu chúng ta thường xuyên liên tục làm như vậy thì không có gì có thể đánh lừa, đánh bẫy được chúng ta và tâm của chúng ta sẽ an trú sâu trong an lạc, mặc dầu chúng ta đang sống trong thế giới của mê mờ vọng tưởng. Đây là con đường tích lũy ơn phước chẳng những cho kiếp này mà còn cho tất cả những kiếp trong tương lai nữa.

Phương pháp căn bản, phương pháp cốt tủy trong việc chuyển hóa tất cả những sinh hoạt hàng ngày vào những hoạt động Đạo Pháp là kiểm soát tất cả những động lực, những động năng thúc đẩy trong chúng ta. Hãy hiểu rằng tất cả những việc chúng ta làm đều mang lại ơn phước cho chính chúng ta và cho những người khác. Nếu có động năng thúc đẩy tốt thì bất cứ gì chúng ta thực hiện đều mang lại những kết quả tốt lành. Đây chính là sự hòa nhập trong thực tại. Sản phẩm của tâm không phải chỉ có đau khổ mà còn có cả hạnh phúc và giác ngộ nữa. Tất cả đều khởi phát ra từ tâm. Vì thế, nếu chúng ta điều khiển được động năng, thái độ đúng của tâm, thì bất cứ gì chúng ta làm đều có thể hướng dẫn chúng ta đến giải thoát, đến giác ngộ, đến đại lạc.

Thật quý giá khi được mang thân người

Vị đại đạo sư Tây Tạng Je Songkhapa, người đã đạt sự toàn tri trong giác ngộ, nói:
Trong cõi đời này,
Được làm thân người, thật quý giá thay,
Còn hơn cả ngọc ngà châu báu.
Thực là khó tìm vì nó dễ tàn phai,
Như ánh chớp bay qua bầu trời.
Nghĩ đến bản tính của đời sống,
Đạt được tinh túy là điều cần thiết,
Trong cả đêm lẫn ngày.
Ta, một yogi, đã thực hành như vậy.
Còn ngươi, kẻ muốn được giải thoát,
Hãy cố gắng mà noi theo.

Chúng ta đã biết được mang thân người là một điều vô cùng quý giá, còn hơn cả ngọc ngà châu báu. Với thân xác này, chúng ta có trí thông minh và đầy đủ thời giờ để tu tập thành quả vị phật, giải thoát chúng ta khỏi luân hồi sinh tử và hưởng rất nhiều ơn phước mà không có gì có thể mua được, dù chúng ta là người giầu có nhất trần gian.

Được mang thân người thật qúy gía, không phải chỉ vì giá trị của nó mà chỉ vì nó quá hiếm hoi. Đại đạo sư Je Songkhapa nhấn mạnh điểm này bởi vì chúng ta chỉ có thể được một lần thôi, “trong thời hiện tại này.” Đây là một việc vô cùng khó khăn trong sự kết tập nghiệp qủa để tạo nên một con người. Chắc chắn chúng ta đã phải tích tụ biết bao nhiêu thiện nghiệp nên mới được sinh ra làm người trong kiếp này, thật là khó khăn thay. Sống đạo hạnh trong thời đại này thật là khó khăn, lại càng khó khăn hơn nữa nếu phải ở trong những cõi thấp hơn, cõi mà chỉ có khổ đau. Ở cõi cao hơn thì còn có chút thời giờ để tạo thiện nghiệp, bởi vì họ còn biết lánh xa khoái lạc.

Còn nữa, chúng ta cần biết sự thật quan trọng là không phải bất cứ ai cũng được ơn phước này. Phải có rất nhiều điều kiện khác nhau trước kia mới tạo ra được hoàn cảnh dẫn đưa đến mục đích hôm nay. Những lời giảng dậy về Đạo Pháp đã thâm nhập vào xứ sở mà chúng ta đã sinh sống và chắc chắn phải có những vị đạo sư đã hướng dẫn chúng ta, đó là hoàn cảnh bên ngoài. Lý do ở nội tâm là chắc chắn chúng ta phải thích, phải ước muốn, phải quyết tâm tìm kiếm đạo và thực hành đạo. Thêm vào đó, chắc chắn chúng ta phải được tự do, phải có đủ điều kiện trong cả hai phương diện tinh thần lẫn thể xác để có thể học đạo và thực hành đạo. Nó đòi hỏi rất nhiều tinh thần đạo đức để cho tình trạng này có thể xẩy ra được và cũng không chắc gì chúng ta có thể tạo thêm được nhiều thiện nghiệp nữa để có lại thân người. Vì thế, đạo sư Je Tsongkhapa khuyên chúng ta nên lợi dụng cơ hội cuối cùng, hiếm có và quí báu này.

Cơ hội hiếm được mang thân người này cũng rất dễ bị mất, nó đi nhanh như “ánh chớp ngang qua bầu trời.” Chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào, trước khi chúng ta đề cập đến nó. Nếu chúng ta nhìn vào chính chúng ta, có thể chúng ta thầm nghĩ mình sẽ còn sống lâu lắm. Nhưng biết đâu tử thần đã kề bên mặc dù một ngày chưa qua hết, trong khi niềm hy vọng sai lầm sống lâu trăm tuổi vẫn còn đang ôm ấp.

Ý niệm sai lầm này là một trong những trở ngại to lớn nhất ngăn cản sự tinh tấn trên con đường thực hành Đạo Pháp, bởi vì nó sẽ tạo ra sự lười biếng và trì hoãn. Vì tưởng rằng mình sẽ còn sống lâu nên không quyết tâm tu tập, không cố gắng thiền định và không chú tâm thực hành Đạo. “Tôi mệt qúa, người uể oải qúa, thôi để đến mai hãy thiền, làm gì mà vội... hãy đợi tuần sau đi, năm sau cũng chẳng sao mà!” Khi nghĩ như vậy, chúng ta đã tự đánh lừa mình và làm mất hết những gì đã học hỏi được.

Có lẽ tất cả chúng ta đã nghe những lời dậy bảo và đã làm quen với một số hướng dẫn về thiền định. Nếu chúng ta không thực sự áp dụng những sự hướng dẫn này vào thiền định thì chúng ta sẽ chẳng đón nhận được ơn ích nào cả. Ngày tháng sẽ đi qua mau, nhưng cơ hội thì không còn, rồi cũng chẳng chứng nghiệm được gì. Chúng ta lại tiếp tục sống với những thái độ tiêu cực quen thuộc của chúng ta, rồi cũng sẽ chẳng có một chút tinh tấn nào trên con đường tìm hiểu và thực hành Đạo Pháp. Như vậy, trước khi có thể nhận biết được nó thì chúng ta đã chẳng còn sống nữa. Chúng ta sẽ đánh mất một cơ hội hiếm hoi để thoát khỏi kiếp luân hồi mà ra đi trong niềm nuối tiếc và hối hận. Mặc dù có sống cả trăm năm mà không tinh tấn trong Đạo Pháp thì cũng uổng phí thôi, vì cái chết sẽ tới nhanh như ánh lửa lóe lên trong bầu trời.

Một khi chúng ta thiền định sâu xa về giá trị, về sự hiếm hoi và dễ tan vỡ của thân xác chúng ta, chúng ta sẽ nhận ra được những hoạt động trần gian, những sinh hoạt trong kiếp luân hồi chẳng còn một chút giá trị nào, chúng chỉ giống như cái vỏ thóc mà thôi. Chúng ta càng thiền định về những sự kiện này, càng quán tưởng về cuộc đời riêng của chúng ta và những gì liên hệ đến nó, chúng ta càng nhận ra rằng phúc lạc chân thật chỉ có từ sự thực hành Đạo Pháp. Chúng ta chỉ có thể đạt giác ngộ khi chúng ta cố gắng chân thành chuyển hóa tâm ta.

Điểm này dẫn chúng ta trở về với câu hỏi động năng thúc đẩy. Nhờ kiểm soát được tâm, nhờ theo dõi từng lời nói và hành động của mình, chúng ta có thể tránh được những sinh hoạt tiêu cực mà chính nó có thể dẫn chúng ta đến những kiếp tái sinh thấp hơn, nhiều đau khổ hơn. Nhưng, như chúng ta đã hiểu, mặc dù chúng ta có sinh lại trong một kiếp may mắn hơn chúng ta cũng vẫn không giải quyết được những vấn đề của chúng ta. Có những kiếp sinh ra ít đau khổ hơn đau khổ của kiếp trước nhưng sự đau khổ của kiếp hiện tại cũng đủ bao trùm cả cuộc sống rồi. Do đó, nếu chúng ta muốn giải quyết toàn diện đau khổ, chúng ta cần phải tu tập hướng tới sự chấm dứt nguyên nhân phát sinh ra luân hồi.

Như vậy, động năng tu tập để thoát khỏi đau khổ một mình không phải là động năng thúc đẩy cao nhất. Vô lượng chúng sinh đang khát vọng niềm an lạc và kinh hãi khổ đau như chúng ta, họ cũng đang bị giam trong luân hồi. Nếu chúng ta chỉ nghĩ giải thoát một mình trong khi những người khác đang u mê và vô vọng, thiếu thầy chỉ dậy cho con đường chấm dứt khổ đau của họ thì sao? Do đó, động năng tu tập, động năng thực hành Đạo Pháp của chúng ta không thể thiếu lòng từ bi, chúng ta cần phát triển tâm bồ đề. Chúng ta tu tập để giác ngộ, chúng ta cần giải thoát chính mình đồng thời cũng phải phát triển tâm từ và trí tuệ để có đủ khả năng giúp đỡ những người khác . Như vậy, những hoạt đôïng như đến đây lắng nghe Đạo Pháp cũng có thể chuyển thành sự thực hành đạo một cách vô cùng hiệu quả nếu chúng ta hoàn thành với một tâm nguyện bồ đề. Phát khởi tâm từ là một điều kiện vô cùng cần thiết trong việc tinh tấn tu tập và tỉnh thức.

Tâm Hoàn Toàn Buông Xả

Nếu phải đề cập đến tinh túy của Đạo Pháp thì chúng ta có thể thâu tóm vào ba lãnh vực, được gọi là ba nguyên lý căn bản của con đường dẫn đến giác ngộ. Đó là Tâm Hoàn Toàn Buông Xả, Tâm Bồ Đề và Quan Niệm Đúng về Tánh Không. Nói vắn gọn, chúng như là chất dầu đặc biệt đẩy phi thuyền của chúng ta thẳng tới mặt trăng toàn giác. Chúng ta sẽ tìm hiểu chúng trong phần còn lại của bài giảng này. Theo phương pháp này, có thể sẽ dễ hơn và nhanh hơn để chúng ta chiến thắng những tính tiêu cực mà chúng đã hành hạ chúng ta trong vô lượng kiếp. Đạo sư Je Tsongkhapa đã để lại một bài kệ vô cùng quí gía về ba nguyên lý này, tôi sẽ trình bày nó theo lối viết của ngài Kyabje Pabongka Rinpoche, một đại hành giả tu khổ hạnh Tây Tạng đã đạt ngọâ theo lối thiền mật tông Heruka Chakrasamvara.

Cánh cửa mở ra cho tất cả những con đường tâm linh, từ sự giải thoát cá nhân đến sự giác ngộ tối thượng, chính là tâm hoàn toàn buông xả. Như là một giấy thông hành, một sự chủng ngừa và một số tiền độ thân cần thiết cho một cuộc đi du lịch, muốn tinh tấn trong sự thực hành Đạo, tâm cần phải buông xả một cách toàn diện. Một thiền giả sẽ không đạt được một sự tiến bộ nào nếu không thực tâm buông xả tất cả. Mặc dù họ đang ở nơi tu tập, đang lắng nghe và đang nhận lãnh những lời dậy bảo về thiền định, nhưng họ cũng đang tiếp tục bị ràng buộc bởi những chướng ngại thầm kín của cả tinh thần và thể xác họ. Sở dĩ nói như vậy bởi vì họ đã không phát triển sức mạnh của tâm hoàn toàn buông xả. Cho tới khi nào sức mạnh của lòng thành tâm buông xả tăng lên, thì những chướng ngại ẩn náu sâu xa kia sẽ tự động sút giảm và kết quả của sự thiền định sẽ tới ngay. Lúc đó, tâm cũng tự điều chỉnh để mang lại sự tinh tấn.

Đức Phật Thích Ca đã tinh tấn trên con đường tu tập của Ngài bởi vì Ngài quyết tâm buông bỏ tất cả. Do đó, Ngài có thể thanh tẩy, tinh tiến vượt bực, có khả năng chuyển hóa muôn vàn chúng sinh, hướng dẫn họ sinh vào những cõi cao hơn, giải phóng họ và giúp họ đạt giác ngộ, cho đến ngày hôm nay. Cũng giống như vậy, đại thiền giả du già Tây Tạng MIlarepa đã từ bỏ tất cả để tu tập và Ngài đã hoàn toàn giác ngộ chỉ trong một kiếp.

Người ta thường nghĩ rằng phát triển tâm buông xả như vậy sẽ làm chúng ta bi quan và ngu dốt đi, nhưng hoàn toàn ngược lại, tất cả những vị thiền giả tinh tấn trên con đường thiền định đều kinh nghiệm được sự hạnh phúc chân thật và an lạc ngay trong cuộc sống trần gian này. Nếu chúng ta nghĩ rằng sự buông xả sẽ phá hủy sự hưởng thụ trong cuộc sống này thì chúng ta đã hiểu sai ý nghĩa của nó rồi. Khi một người thực sự phát triển tâm buông xả, họ sẽ có kinh nghiệm và thực chứng sâu xa về hạnh phúc và an lạc, cả tinh thần lẫn vật chất, niềm hạnh phúc của họ vượt xa những người chỉ biết quanh quẩn với những thú vui xa hoa vật chất mà không có thực chứng.

Chúng ta hãy thử nhìn sâu vào lãnh vực này xem sao. Một người sở hữu tài sản to lớn có thể nói rằng họ đang tận hưởng cuộc đời, như vậy họ không cần sống đạo, không cần Đạo Pháp. Họ nói như thế nhưng tâm của họ đang hờn giận ganh ghét, vô minh, kiêu mạn,...vân vân... Nếu đây là tất cả những gì họ tin tưởng, thì tại sao chúng ta lại bảo rằng họ đang khổ, còn nhà tu hành từ bỏ tất cả kia lại sung sướng hạnh phúc hơn họ? Câu trả lời là người đó đang đi tìm hạnh phúc và sự an toàn trong luân hồi, những thứ này đang làm họ mờ mắt, dù họ biết hay không biết, đau khổ rồi sẽ đến. Để tạm thời bảo vệ cái tâm trạng của mình, họ từ chối không nhận những điều bất mãn mà họ đang kinh qua. Hơn nữa, họ không có khả năng nhìn ra được vọng tưởng đang nằm trong vấn đề này. Vì thế, điều mà họ cho là đang hạnh phúc thực ra chỉ là sai lầm u mê, nói một cách rất thành thật, họ chẳng hạnh phúc chút nào. Ngược lại, thiền giả vượt qua được những chướng ngại trong tâm chính là nhờ sức mạnh của tâm buông xả, làm họ thoát khỏi những khổ đau của vọng tưởng mà tiến tới một đời sống vững chắc trong sự an lạc của cả thể chất lẫn tinh thần.

Những vấn đề vật chất đều phát khởi từ tinh thần. Còn nữa, chúng ta thường cho rằng nguyên nhân tạo ra đau khổ không phải là kết quả của lòng ganh tị và ham muốn, mà chỉ có những bệnh tật của thân xác mới đem lại khổ đau. Thực ra, nguyên nhân của cái đau phát xuất từ một tâm tiêu cực và đây chính là cái khổ của chính nó.

Thí dụ như lòng mê vọng kiêu mạn, khi bị nó ảnh hưởng chúng ta sẽ không còn yên ổn mà vô cùng bực bội. Chúng ta bị bơm phồng lên như một trái banh. Nếu kiểm điểm, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu và sẽ nhận thấy nhiều hiện tượng xẩy ra chung quanh mình, thân xác thì run lên tinh thần thì bấn loạn. Nếu chúng ta công nhận tình trạng “bất an” này là đau khổ thì chắc chắn chúng ta phải liệt kê kiêu mạn vào trong danh sách này.

Thật là dễ dàng để nhận ra rằng nóng giận cũng nằm trong danh sách của khổ đau. Chẳng có một chút thoải mái nào khi ở vào tình trạng này. Nóng giận gây ra đau tim, mất bình tĩnh và biết bao nhiêu hậu qủa xấu xa khác cho tâm hồn. Nó chẳng mang lại một niềm hạnh phúc nào ngoài đau khổ.

Lòng tham lam là một loại mê vọng gây đau khổ khó nhận ra nhất. Đây cũng chính là một chướng ngại, một nguyên nhân mang lại đau khổ. Hãy tưởng tượng chúng ta đang ở trong một cửa tiệm, có một món hàng mà chúng ta rất thích thú, muốn có cho bằng được. Tâm của chúng ta liền bị khựng lại khi nhìn thấy món hàng đó, không thể không mua được, phải mua ngay. Mỗi khi ý tưởng này xuất hiện ra trong tâm của chúng ta, chúng ta cảm thấy có một cái gì đó thắt chặt tim ta hoặc như một lưỡi dao nhọn dí vào trái tim ta. Có thể chúng ta cho rằng đây là một thói quen rồi chấp nhận nó như một niềm hạnh phúc, nhưng nếu nhìn gần hơn, sâu hơn chúng ta sẽ thấy thực sự đây là một tình trạng bị gò bó, một sự thắt chặt.

Cũng như vậy, tất cả những phiền não tinh thần và những ảnh hưởng của nó đều mang lại khổ. Rất nhiều người trong chúng ta không nhận ra được những tâm trạng tiêu cực này là bệnh hoạn mà cứ tưởng rằng họ vẫn khỏe mạnh lắm. Chúng ta có thể hiểu được sự thật này qua sự sử dụng thuốc men. Nhiều khi chúng ta đi khám bệnh mà không có một lý do rõ rệt nào, nhưng bác sĩ lại phát giác ra chúng ta đang mang một chứng bệnh hiểm nghèo. Như vậy điều mà trước kia chúng ta nói rằng chúng ta chẳng có bệnh gì hết là sai lầm, nếu khôn ngoan thì chúng ta nên nghe theo lời bác sĩ mà chữa bệnh ngay. Do đó một người cho rằng họ không khổ, việc thực hành Đạo chỉ để dành cho những người thất bại hoặc những người bất mãn với thời cuộc, nếu họ tự kiểm điểm một cách sâu xa về những thái độ tự vệ này thì họ sẽ trở nên khôn ngoan hơn.

Một tâm hoàn toàn buông xả sẽ dẫn đến phúc lạc vì những nguyên nhân gây ra xáo trộn đã không còn hoạt động. Phát triển tâm buông xả không có nghĩa là đi sống biệt lập với xã hội và rời xa những sinh hoạt lợi lạc của nó. Nếu nó xẩy ra như vậy thì chúng ta sẽ không còn khả năng và cơ hội để phát triển tâm buông xả nữa mà phải đợi cho đến khi nào rời khỏi xác thân này, vì thân xác cũng là một phần của thế giới vật chất. Nó cũng không có nghĩa là chúng ta phải vất đi tất cả những tài sản của chúng ta. Trong một khía cạnh nào đó, tâm của chúng ta cũng là một tài sản, làm sao chúng ta có thể chạy trốn nó được? Vì thế, buông xả không phải là một hành động tách biệt, chia cắt hoặc lìa bỏ; nó không là một cái gì đó mà chúng ta có thể hoàn thành giống như làm xong một công việc. Đúng hơn, nó là một hoạt động của tâm.

Vậy thì tâm buông xả là gì? Đây chính là sự buông bỏ những nguyên nhân gây ra đau khổ, những sự buồn lòng tự chính nó. Mỗi khi chúng ta loại bỏ được những nguyên nhân này thì những khó khăn rắc rối không còn xẩy ra một cách dễ dàng nữa – cho một cá nhân hay cho cả một cộng đồng xã hội -- như vậy tham lam, giận dữ và kiêu mạn sẽ không còn làm gì được chúng ta. Chúng ta sẽ không còn bị rơi vào những vấn đề gây ra buồn phiền hay không buồn phiền, bởi vì những nguyên nhân của chúng đã bị loại bỏ.

Xin nhấn mạnh điều này, từ bỏ không có nghĩa là vất bỏ đi tất cả những thú vui trần gian mà chúng ta đang có. Đã có rất nhiều vị giác ngộ là những thương gia giầu có, vua chúa, vân...vân...Đây không phải là sự sở hữu của chúng ta mà chính là sự vô minh của chúng ta, tất cả những thái độ bám víu, níu kéo, dính mắc và nuối tiếc của chúng ta vào chúng cần phải buông bỏ (Một vị đạo sư nói: hãy thưởng thức tất cả những gì có trên đời này nhưng đừng bám víu vào bất cứ cái gì, đó là nguồn gốc của khổ đau và hạnh phúc. –Dg ). Mặc dầu trong hiện tại chúng ta không để ý, không thực tập trên thái độ này nhưng nếu chúng ta chỉ hiểu ý nghĩa thực sự buông bỏ là gì thì chúng ta cũng đã bớt được rất nhiều phiền muộn. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự thực hành phát triển tâm buông xả thì chúng ta sẽ tiến rất xa trên con đường giải thoát. Chúng ta sẽ xử dụng những của cải của chúng ta một cách khôn ngoan hơn để không bị chúng hành hạ. Chúng ta sẽ biết cách đối trị những mâu thuẫn nội tại về ý nghĩa thật của sự buông xả, thấu suốt được toàn triệt những niềm tin nhảm nhí đã dẫn dắt chúng ta đến khổ đau, bất hạnh, yếu hèn như một kẻ ăn xin.

Buông Bỏ Đau Khổ

Không có một tâm hoàn toàn buông bỏ khổ đau thì không có cách nào thoát khỏi biển trầm luân. Chúng ta đã bị chới với trong biển này từ muôn vàn kiếp và sẽ tiếp tục chìm lặn trong đó nếu chúng ta không quyết tâm ngay từ bây giờ thoát ra khỏi nó. Với quyết tâm buông bỏ toàn diện như vậy sẽ tạo nền tảng vững chắc cho con đường giải thoát đến giác ngộ, đây chính là những lời dậy bảo trước kia về động năng thúc đẩy đến giác ngộ, đây cũng chính là một quan điểm đúng đắn về tính không.

Chúng ta không hy vọng phát triển được tâm buông xả nếu chúng ta không hiểu luân hồi là gì và đau khổ là gì. Nếu chúng ta không nhận thức được bản tính khổ đau của luân hồi thì chúng ta cũng không có một năng lực nào thúc đẩy chúng ta tìm con đường thoát khổ. Vì thế, chúng ta cứ mãi hoài ngụp lặn trong những thú vui tạm bợ, nhất thời, bị mù quáng và bị cột chặt vào bánh xe khổ đau và bất mãn. Chúng ta như những tên tù khờ dại chẳng hiểu biết gì về nhà tù khốn khổ khi so sánh với một đời sống thoải mái tự do, nên chẳng bao giờ tạo cơ hội mà trốn thoát. Do đó, thiền định trên bản tính của khổ đau là một việc làm vô cùng quan trọng nếu chúng ta muốn tìm kiếm và theo đuổi con đường giải thoát khỏi luân hồi.

Có rất nhiều người hiểu sai về luân hồi. Một số người nghĩ đó là một xứ sở, một nơi chốn, một căn nhà hay là một loại thức ăn ...vân...vân. Vì hiểu lầm như vậy nên người ta nói rằng ở Tây Tạng có những người chuyên môn phục dịch cho những lạt ma cao cấp. Những người này ở với lạt ma cả đời, phục vụ ông ta và lo lắng tất cả mọi việc cho ông ta. Rồi một ngày nào đó họ thay quần đổi áo bằng một bộ cà sa tu hành.

Một thời gian ngắn sau họ được gửi đến một vị lạt ma khác. Lạt ma này nghĩ rằng chắc ông đã hiểu Đạo thâm sâu vì đã ở với cao tăng lâu lắm rồi. Lạt ma hỏi ông đã tinh tấn như thế nào trên đường tu tập. Ông trả lời: “Con đã thoát khỏi luân hồi.” Vị lạt ma có vẻ hài lòng và hỏi thêm làm sao mà ông ta đạt được điều đó. Ông trả lời: “ Dễ thôi, con đã thay quần áo rồi !”

Đó là những kiểu hiểu lầm về luân hồi. Lại có những người khác, họ rời bỏ lối sống thường ngày để đi vào hang động và rừng sâu để tu, họ nghĩ rằng như vậy là đã trốn thoát khỏi luân hồi. Đây cũng là một hiểu lầm, dù có lên mặt trăng mà ở, chúng ta cũng vẫn ở trong luân hồi. Luân hồi không phải là một nơi chốn để mà chạy trốn, nó chính là tình trạng và thái độ của tâm chúng ta.

Luân hồi (samsara) là một danh từ tiếng Phạn (Sanskrit) có nghĩa là “chu kỳ, vòng tròn” hay “vòng hiện sinh.” Cho tới khi nào chúng ta chưa kiểm soát được vòng chết và tái sinh là chúng ta còn ở trong luân hồi. Ngay bây giờ, chúng ta đang du hành qua hình dạng con người. Khi đời sống này qua đi, tâm thức của chúng ta –hoặc, chính xác hơn, sự liên tục của năng lượng tinh thần—sẽ bay theo cơn gió nghiệp vào một đời sống khác mà không có quyền lựa chọn. Như vậy là nó lại cư trú vào một thân nghiệp khác. Và rồi đời sống này lại cũng sẽ chấm dứt, tâm thức của chúng ta lại ra đi không có quyền chọn lựa. Trừ khi chúng ta kiếm ra được một con đường để thoát nếu không tiến trình này sẽ liên tục tự lặp đi lặp lại không bao giờ chấm dứt.

Cái gì làm chúng ta lòng vòng trong bánh xe luân hồi? Đó chính là nghiệp lực được tạo ra bởi chính những hành động của chúng ta cộng với những vọng tưởng của chúng ta thúc đẩy chúng. Hai lực này cột chặt chúng ta vào những thân nghiệp khác nhau như những sợi dây cột tù nhân. Điều khác biệt là chính chúng ta tự trói chúng ta bằng những sợi dây nghiệp và vọng tưởng do chính chúng ta tạo ra, không có một ai khác trói chúng ta cả.

Cho tới khi nào chúng ta còn tiếp tục tái sinh vào một thân xác trong luân hồi thì chúng ta còn tiếp tục bị phiền não và bất mãn. Hãy thử nghĩ mà xem, tất cả những khó khăn, tất cả những vấn đề mà chúng ta găïp đều chỉ vì chúng ta mang cái hình thể hiện tại. Chúng ta phải cho nó ăn, phải cho nó mặc, chúng ta phải săn sóc nó rất cẩn thận thì mới mong nó được khỏe mạnh. Chúng ta phải làm việc cực nhọc để có tiền mà phục vụ nó, ngay cả việc phải có một căn nhà để giữ nó ấm. Sau một ngày làm việc cực khổ, tâm chúng ta bị mệt mỏi, chán chường vì thân xác của chúng ta rã rời và uể oải. Còn nữa, mặc dù chúng ta đã cố gắng hết sức bảo vệ nó, thân xác của chúng ta vẫn thường xuyên bị nhiễm trùng và bị thương. Măïc dù bị như vậy nhưng không một ai trong chúng ta muốn xa rời cái nguyên nhân bất an này, dường như không còn một con đường nào khác để trốn thoát nếu không có nó. Sự thiếu tự do chọn lựa này là một sự kiện rất tự nhiên của luân hồi.

Chúng ta không thể có tự do sau khi tự tử. Hành động điên cuồng này, sinh ra trong tuyệt vọng, chỉ để thay thế một thân xác bệnh hoạn khác mà thôi. Thay vì như thế, giống như một tù nhân cắt đứt sợi dây trói, chúng ta cũng phải cắt đứt nghiệp và những vọng tưởng của chúng ta. Chỉ có cách này mới giải thoát chúng ta khỏi luân hồi. Chỉ có sự hiểu biết sâu xa và sự kinh hãi khổ đau đã kinh nghiệm được trong những kiếp luân hồi mới tạo nên những động năng mãnh liệt để thúc đẩy chúng ta vượt thoát khỏi nó. Như vậy thiền định trên sự buông xả cần phải được đào sâu và phát triển thật nhiều, nhiều hơn nữa.

Có rất nhiều lý do khiến chúng ta phải tìm hiểu càng sâu xa càng tốt. Trong mỗi một phút chúng ta tạo ra hàng trăm thứ nghiệp, và, tùy theo cường độ và sự lặp đi lặp lại của chúng, chúng có thể đẩy chúng ta vào rất nhiều loại hiện sinh khác nhau, rất nhiều hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau. Chỉ cần thận trọng để ý tâm của chúng ta mỗi khi nó nổi cơn nóng giận là chúng ta biết ngay cảnh địa ngục chúng ta thường tạo ra như thế nào. Nếu trong khi chết mà chúng ta mang một tâm trạng đầy u uất và trầm thống bởi những vọng tưởng thì thử hỏi cái thân xác nào sẽ thích hợp với những tâm thức u uẩn khổ đau đó? Chắc chắn nó sẽ không mang hình dạng con người!

Nói rộng hơn nữa, mặc dù với một nhãn quan hạn hẹp chúng ta cũng có thể nhìn thấy được rất nhiều đời sống khác ngoài con người, và cũng có rất nhiều hình dạng con người khác nhau trên trái đất này. Không ai có thể chứng minh được đau khổ của loài vật hay của một người bị bệnh tâm thần không ảnh hưởng đến chúng ta, chúng thực sự có ảnh hưởng đến chúng ta! Vì thế, một tâm buông xả toàn diện phải được bao trùm trên tất cả mọi cuộc sống, từ chỗ cao nhất đến nơi thấp nhất. Nhờ sự chuyên cần theo dõi trong thiền định, không những chúng ta có thể phát triển được tâm buông xả mà chúng ta còn phát triển được tâm từ bi đến tất cả những chúng sinh bất hạnh đang trầm luân trong khổ đau. Tâm từ bi đó rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt cho tiến trình tinh tấn tu tập của chúng ta.

Đức Phật Thích Ca đã dậy chúng ta có ba cõi thấp hơn cõi con người, mỗi một cõi đều do nghiệp cấu tạo ra những tình trạng tương ứng như vậy. Ba cõi đó là : cõi Địa Ngục, cõi của khổ đau; cõi Ngạ Quỷ, cõi của đói khát và cõi Súc Sinh, cõi của sợ hãi. Tùy theo nghiệp của từng cá nhân, những tình trạng khổ đau này sẽ được thị hiện ra trong mỗi một hoàn cảnh, nơi chốn vật chất và thân thể khác nhau, hay tác động trên tâm thức ở mức độ nông sâu khác nhau. Dù ở bất cứ trường hợp nào, những đau khổ này đều rất thật đối với những người đã tạo ra nghiệp đó để thực sự kinh nghiệm nó.

Nhờ thực hành tâm linh sâu vào những cõi giới bất hạnh này, chúng ta mới tạo ra được những động lực mạnh hầu buông bỏ những hành động tiêu cực dẫn chúng ta vào tái sinh. Nhờ nếm một chút khổ đau bây giờ trong thiền định, trong khi còn có cơ hội chuyển hóa ác nghiệp, còn hơn là cứ giữ mãi tình trạng khinh thường không sợ hãi cho đến một ngày phát giác ra mình đang bị sập bẫy. Khi đó thì quá trễ rồi, chẳng còn làm được gì nữa, chỉ còn chờ cơn thống khổ đến muôn đời.

Nếu chúng ta nghĩ được rằng những cõi khổ đau này là do nghiệp quả mà ra thì rất có thể chúng ta đã được hưởng nhiều ơn ích trong cuộc đời lắm rồi. Thí dụ, có thể chúng ta thường rất tự hào và có những hành vi ngạo mạn đối với những cái đáng lý ra chúng ta nên hạ mình xuống. Nhưng, nếu chúng ta hiểu được rằng những ngạo mạn đó sẽ dẫn chúng ta sinh vào một trong ba cõi thấp nói ở trên và nếu chúng ta có kinh nghiệm về khổ đau trong lúc thiền định thì tâm của chúng ta sẽ tự động thoát khỏi những tâm trạng khổ này. Biết rằng sợ hãi sẽ làm khổ tâm cũng đủ để chấm dứt việc tạo ra những nguyên nhân gây khổ đau khác, đây không phải là một điều xấu, không phải là một thái độ tiêu cực. Đó là một ơn ích, một việc rất có lợi. Nếu là thái độ tiêu cực nó sẽ dẫn đến khổ đau. Do đó, vì sợ tạo ra ác nghiệp nên sẽ dẫn đến việc quyết tâm chấm dứt khổ. Đây là một việc tốt, không xấu.

Ngài Shantideva (Thế Thân), một vị đại bồ tát người Ấn độ, đã dẫn chứng những ơn ích khi thiền về những cõi khổ như sau:
Kẻ nào nhớ đến những khổ đau mà bực bội
Kẻ đó sẽ hết kiêu căng.
Khi khám phá ra sự khổ đau của mình
Kẻ đó cũng khám phá ra khổ đau của người khác.
Đó là cơ hội cho lòng từ bi khởi phát.
Như vậy, những chúng sinh bình thường như chúng ta, là những người luôn luôn tạo ra nghiệp và không thể kiểm soát được vọng tưởng, thì thiền trên những khổ đau của ba cõi giới này là cách tốt nhất để chúng ta tu tập và phát triển tâm buông xả toàn diện.

Sáu Nẻo Luân Hồi

Cõi tái sinh thấp nhất là cõi địa ngục, chúng sinh ở cảnh địa ngục. Chúng ta tạo ra nghiệp và kinh nghiệm được khổ đau qua nghiệp khi chúng ta cố tình gây khổ đau và thương tích cho người khác. Đánh nhau, chém giết nhau, hãm hiếp kẻ khác ...vân vân... là những hành động không đạo đức, kết quả là sẽ tái sinh vào đây. Cõi địa ngục có thể rất nóng hoặc rất lạnh, tái sinh vào cõi giới này thường ở rất lâu dài. Mang một nghiệp này sẽ bị tái sinh vào địa ngục nóng có thể dài tới 9 tỷ năm! (nghĩa là cho tới khi nào hoàn toàn thanh tẩy hết nghiệp đó, nhưng chúng ta cũng nên biết rằng trong lúc chúng ta đang tẩy nghiệp này thì chúng ta cũng vẫn tạo thêm nghiệp, thí dụ chúng ta đang thanh tẩy khẩu nghiệp là không nói xấu người khác nhưng chúng ta cũng vẫn thường nói không đúng sự thật về người khác. Vì thế, nếu không tỉnh thức thì thời gian tái sinh có thể còn dài hơn 9 tỷ năm –Dg)

Rất đau đớn trong từng giây từng phút ở địa ngục. Có kẻ sẽ phải chiến đấu với kẻ thù do chính nghiệp tạo ra. Mỗi khi bị chết, họ sẽ hồi sinh lại để đánh nhau tiếp. Cái đau mà chúng ta cảm như hàng trăm mũi nhọn đâm vào da thịt chẳng có thể so sánh được với cái đau của những kẻ xấu số trong địa ngục.

Càng đi sâu vào địa ngục thì càng kinh nghiệm thêm đau khổ và cuộc tái sinh sẽ lại tăng lên gấp hai. Nơi thấp nhất trong địa ngục nóng là A-tỳ địa ngục, ở đây đau khổ triền miên, liên tục không ngừng, lửa thiêu đốt thân xác không bao giờ tắt, hết ngày này qua ngày khác, hết kiếp này qua kiếp kia.

Nếu vào địa ngục lạnh thì như trong ngục tối tăm bao bọc bởi đá băng. Chúng ta bị ép trong những dẫy núi đóng đầy băng tuyết. Khi những cơn bão tuyết tràn tới, nhiệt độ cứ giảm dần mà thân xác thì như bị vỡ tan ra từng mảnh. Nghiệp sẽ tạo ra những con trùng nhỏ chui rúc vào những nơi thịt da rạn nứt mà chúng ta không thể làm gì được, vì đang trong tình trạng đông cứng.

Còn có những cảnh diễn tả khủng khiếp hơn nữa nhưng chúng ta không thể nói ở đây. Có những cảnh khổ y như chúng ta cảm nhận được ở trong cõi loài người (Một người đang trong cảnh cùng cực cô đơn, với từng cơn ray rứt, buồn tủi, sợ hãi thì đâu có khác gì đang ở trong địa ngục lạnh --Dg). Rất nhiều cảnh khủng khiếp này đã được dịch sang Anh ngữ. Khi chúng ta đọc những cảnh này hoặc khi chúng ta thiền về những cõi giới này chúng ta không nên coi đó chỉ như là những cuốn sách truyện. Đức Phật Thích Ca đã dậy chúng ta về những cảnh giới này theo sự chứng ngộ của Ngài và do lòng từ bi của Ngài. Ngài đã nhìn thấy chúng sinh bị trầm luân trong những cảnh giới này và chỉ cho chúng ta cách thoát ra khỏi những nơi khủng khiếp đó. Nếu chúng ta coi những cảnh này như là những câu chuyện cổ tích mà không thay đổi lối suy nghĩ hoặc thay đổi những thái độ của chúng ta thì chúng ta đã bỏ qua một cơ hội hiếm có, một cơ hội quí báu để thoát khỏi khổ đau. Chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng lười biếng và bị lôi cuốn đến bất cứ nơi nào mà tâm của chúng ta bị cơn gió nghiệp thổi đi.

Cõi tiếp theo là cõi Ngạ qủy, ma đói, hồn ma vất vưởng cực kỳ đói khát. Chúng ta có thể cảm nhận sự đau khổ, sự dày vò của họ qua những hành động điên cuồng của mê vọng tham dục, khát khao, bủn xỉn và hà tiện. Trong cõi ngạ quỷ không phải chỉ bị đói khát mà còn bị lạnh lẽo, mệt mỏi, nóng bức và sợ hãi cùng cực nữa. Nói rộng ra, đây là cõi không bao giờ được thỏa mãn, không bao giờ được hài lòng với bất cứ gì mà họ mong muốn, ước vọng.

Ngạ quỷ lang thang hết năm này qua năm khác, hết kiếp này qua kiếp khác mà không bao giờ tìm được một giọt nước. Nếu nhìn thấy nước, khi tới gần thì nước lại biến mất. Từ xa họ nhìn thấy hồ nước trong xanh, mát mẻ, họ vội vã, họ hối hả chạy lại nhưng họ chỉ thấy bùn lầy và rác rưởi. Nếu may mắn tìm được một chút nước thì đó cũng chỉ là vọng tưởng, là ảo ảnh, uống vào thì nó lại là một chướng ngại. Miệng của họ nhỏ hơn con mắt của họ, bao tử của họ lớn hơn cổ của họ, cổ của họ bị thắt lại nên cái bụng to bao giờ cũng đói. Nước thì bị bốc hơi ngay tại cửa miệng hay nó biến thành nước độc trước khi vào bao tử.

Đời sống trong cõi này thường rất dài, nó được tính từng ngàn năm một. Nơi cư ngụ của họ trong lòng đất nhưng họ cũng đi lang thang trong cõi loài người và cõi súc sinh. Có những người nhìn thấy họ do duyên nghiệp nhưng hầu hết chúng ta không nhìn thấy họ. Tất cả chúng ta đã từng nhìn thấy những người có tính bủn xỉn, tham lam vô độ, nhưng thực sự chúng ta không biết họ thuộc cõi giới nào.

Cõi kế tiếp là cõi súc sinh (thế giới loài vật). Tái sinh vào cõi này là kết qủa của bản tính súc vật mù quáng, bản năng trì độn tâm đóng kín mít. Nếu chúng ta phải sinh vào cõi này, chúng ta sẽ mất hết cơ hội để giúp đỡ chính mình, không còn khả năng học hỏi. Cả đời chỉ biết tạo thêm ác nghiệp và bị trầm luân trong đau khổ và sợ hãi. Nếu có người nào cố gắng dậy bảo chúng ta những điều tốt đẹp mong tẩy xoá đi những ác nghiệp thì chúng ta cũng chẳng biết gì cả chỉ biết gật đầu để xin ăn.

Hầu như đau khổ lớn nhất của loài thú là đói, khát và sợ hãi bị con thú khác lớn hơn ăn thịt. Thường thường, khi một con vật bắt được miếng mồi, nó cấu xé, nhai ngấu nghiến như sợ bị cướp mất, đôi mắt láo liên nhìn chung quanh sợ mình bị giết bởi con thú khác. Những con thú nuôi trong nhà được may mắn hơn không sợ con khác bắt như loài thú hoang nhưng lại bị chủ bắt làm những công việc nặng nhọc hoặc bị xiềng xích như một tù nhân. Thêm nữa, rất nhiều loài thú còn bị con người săn đuổi và bị giết, họ giết thú vật một cách tàn nhẫn không thương tiếc, còn dã man hơn là chính loài thú giết nhau. Chúng ta phải tưởng tượng mới nhìn ra được đau khổ của cõi điạ ngục và ngạ qủy nhưng những đau khổ của cõi súc sinh thì chúng ta đã nhìn thấy tận mắt của chúng ta thường ngày.

Đây chỉ là những diễn tả ngắn gọn về những cõi bất hạnh, khổ đau. Còn nữa, có ba cõi khác được coi là “may mắn” hơn, gọi như thế vì họ được hưởng một số lạc thú khác nhau trong luân hồi. Ba cõi này là: cõi con người; cõi thần hay A tu la và cõi trời, cõi thiên hay còn được gọi là cõi tiên, có tiên nam và tiên nữ. Nói chung, được sinh vào ba cõi này vì đã tạo được rất nhiều ơn phước. Tuy nhiên, vì được hình thành trong vô minh và do những động lực không thanh tịnh nên chúng ta vẫn bị nghiệp lực và vọng tưởng quăng chúng ta vào chốn luân hồi. Những đau khổ mà chúng ta cảm nhận trong những cõi giới này có thể vi tế hơn ở những cõi bất hạnh nói ở trên kia, nhưng cũng đủ làm chúng ta bất mãn, chán chường.

Cõi trời là cõi cao nhất trong sáu cõi luân hồi, cõi này được hưởng đầy phước lạc. Đây là những tòa lâu đài tráng lệ, lộng lẫy với đủ loại lạc thú. Nhưng vì đây là cõi lạc thú nên họ chỉ biết hưởng lạc mà không còn biết nghĩ đến chuyện tạo thêm phước đức cho chính mình. Tất cả thời giờ ở đây chỉ để dành cho những nghiệp quả tốt mà họ đã tạo được ở trong quá khứ nên khi chết họ chỉ còn lại những nghiệp quả xấu mang đi với họ, do đó, cuộc hành trình mới là đi vào những cõi thấp hơn.

Vào tuần cuối cùng trong cuộc đời của một vị tiên (cũng khoảng 350 năm ở trần thế) họ sẽ cảm thấy đau khổ hơn những chúng sinh ở cõi ngạ quỉ. Họ biết rằng họ sắp chết và họ cũng biết rằng họ sẽ phải sinh vào những cõi thấp hơn. Những người bạn của họ biết rằng họ sắp chết nên rời xa họ. Họ bị cô đơn, những đóa hoa tươi mát, óng ả đang từ từ ngục xuống, chờ chấm dứt một quãng đời vinh quang.

Cũng tương tự như vậy, ở cõi thần lúc nào cũng có chiến tranh, họ luôn luôn tranh giành lẫn nhau. Họ ganh tị với cõi trời, họ điên khùng vì ghen tương. Nhưng họ không thể thắng nổi cõi trời, họ không thể giết được thần tiên. Sự ganh tị tức tối của họ làm họ không lúc nào bình an mà hưởng phúc lạc của cuộc đời thành ra những cố gắng của họ chỉ mang lại những chán chường tái tê hơn nữa và hơn nữa.

Cuối cùng là cõi loài người. Chúng ta đã luận bàn nhiều về những khổ đau trong sinh lão bệnh tử của con người mà chúng ta đã gặp trong cuộc đời, chúng ta đã từng thích thú, vừa lòng, bất mãn và chán chường tái tê với cuộc đời. Hơn nữa, trong từng kinh nghiệm về khổ đau của năm cõi kia đều tìm thấy ở nơi con người. Còn rất nhiều đau khổ khác đã không được nhắc tới, chúng ta không có đủ thời giờ để bàn luận về tất cả mọi thứ khổ đau mà chúng ta đã trải qua hay chưa gặp phải.

Một trong những cái làm cho con người đau khổ nhất mà chúng ta đã không nhắc đến đó chính là sự sở hữu, sự hy vọng hão huyền (vọng tưởng), học thức và nhất là tình trạng hiện tại của chúng ta. Chúng ta đã tốn biết bao nhiêu thời giờ và công lao để có được những cái tốt đẹp, nhưng có gì bảo đảm những cái đó không tàn phai hoặc chúng ta sẽ không bao giờ mất chúng. Một sự thật hiển nhiên mà chắc chắn ai cũng biết là những cái này không tồn tại mãi mãi, chúng vô thường, chúng luôn luôn thay đổi và chúng sẽ hư nát.

Chúng ta không nên để chính chúng ta bị lừa bịp bởi những thứ hấp dẫn, chúng quyến rũ chúng ta vào vòng luân hồi như những tài sản, thân xác và những vui thú trần gian của chúng ta. Những vấn đề, những rắc rối không nằm trong sự thưởng thức, trong sự sử dụng những đồ vật khi chúng ta sở hữu chúng, nhưng chính là sự bám viú, chính là sự khao khát, chính là những vướng viú gắn bó vào chúng. Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta đã từng sở hữu cả một trời ham muốn trong những kiếp trước nhưng có cái nào giúp tâm chúng ta giải thoát khỏi khổ đau không? Không! Chẳng có cái nào cả. Chúng ta vẫn trầm luân trong luân hồi hết kiếp này qua kiếp khác mà chẳng nhìn thấy một lối đi ra.

Trong cả sáu nẻo luân hồi, chúng ta đã từng bị khổ đau vì phải rời bỏ thân xác của chúng ta nhiều lần. Đây là bằng chứng của vô thường. Để hiểu được những ý tưởng khó khăn này, chúng ta cần phải tưởng tượng ra rất nhiều, càng nhiều càng hay, gia phả của chúng ta – đó là cha mẹ chúng ta và cha mẹ của những người khác, ...vv... Bao nhiêu người mà chúng ta có thể tưởng tượng được là bấy nhiều đời mà chúng ta đã trải qua. Đó cũng chính là cách mà tổ tiên của chúng ta đã sinh ra, sống một thời gian, rồi chết, rồi chúng ta lại sinh ra, lại sinh ra, rồi lại rời bỏ thân xác, rồi lại đầu thai ...

Ở ngay trong những khoảng thời gian ngắn của một đời, chúng ta cũng kinh qua, cũng tạo ra biết bao nghiệp. Chúng ta có thể là một người tầm thường, một tổng thống hay một vị vua trong một thời rồi bị bắt, bị cầm tù vì chính trị. Thí dụ, ở Tây Tạng, có những người giầu họ cứ tưởng là họ sẽ giầu mãi mãi, nhưng chỉ một thời gian ngắn, họ mất tất cả tài sản, có khi còn mất cả mạng sống.

Có lúc chúng ta buồn khổ vì cô đơn. Mặc dù chúng ta có rất nhiều bạn bè, rất nhiều người thân, nhưng chúng ta luôn luôn phải đối diện với những cơn khủng hoảng, với những nỗi tuyệt vọng của cuộc đời một mình. Chúng ta sinh ra rồi chết đi mà chẳng có ai chia sẻ được với chúng ta những nỗi niềm riêng tư sầu khổ và lo lắng. Cứ như thế, chúng ta đi vào sáu nẻo luân hồi đầy khổ đau. Đây không phải vì bi quan hay vì tin vào số mệnh khi chúng ta nói về khổ, mà đây chính là sự thật. Tốt hơn, chúng ta hãy trực tiếp đối diện với những vấn đề một cách thẳng thắn và từ đó tìm ra một con đường giải thoát hơn là cứ chạy trốn nó, cứ lẩn tránh thực tại để rồi cứ phải tiếp tục khổ đau.

Cần phải nhấn mạnh là không có một nghiệp quả nào trong luân hồi mà không có nguyên nhân. Chúng không thể xuất hiện nếu không có người này, vật kia tạo ra, chúng cũng không thể tự hiện diện. Chính chúng ta đã tạo ra những nguyên nhân và hoàn cảnh cho những đau khổ xảy ra qua thân (hành động), khẩu (lời nói) và ý (tư tưởng) của chúng ta. Nghiệp của chúng ta thay đổi theo từng cõi luân hồi. Không có một khoái lạc nào hay một khổ đau nào trong luân hồi tồn tại mãi mãi. Chúng tùy thuộc vào thái độ của chúng ta, chúng thay đổi theo thái độ tinh thần của chúng ta. Tuy nhiên, những hành động không đạo đức mang lại khổ đau và những hành động đạo đức mang lại hạnh phúc thì luôn luôn hiện diện. Vì thế, chúng ta cần phải tránh những hành động không có đạo đức và luôn luôn thực hiện những hành động đạo đức càng nhiều càng tốt.

Chúng ta không thể phá hủy bánh xe luân hồi nếu chúng ta không nhận diện được tất cả khoái lạc chỉ là hình bóng khác của khổ đau. Và chúng ta không thể có được nhận xét này nếu chúng ta không phát triển lòng kinh hãi luân hồi và đặc biệt là những bất hạnh của từng cõi trong sáu cõi. Chúng ta phải hiểu thấu suốt điều này, nếu chúng ta để bị lôi cuốn vào những vọng tưởng thì hậu quả là chúng ta sẽ bị mang nghiệp rất nặng trong khổ đau, bây giờ và cả trong tương lai. Trở ngại mạnh nhất ngăn cản chúng ta không cho chúng ta nhận ra được sự thật là chúng ta cứ chạy theo những khoái lạc của luân hồi, của trần gian. Sự bám víu cũng giống như chất dầu, rất khó mà tẩy được dầu khi nó đã thấm vào giấy. Bụi bậm đất cát đã hòa tan trong dầu nên nó càng làm cho giấy dơ bẩn hơn nữa. Giống như vậy, chính sự bám víu đã làm ô nhiễm tâm ta, nó càng làm tâm ta dễ lấn sâu vào vọng tưởng. Cách tốt nhất để chúng ta có thể thoát khỏi những vọng tưởng là luôn luôn nhớ đến những khổ đau của luân hồi để chúng ta phát triển tâm buông xả, tâm từ bỏ những nguyên nhân của khổ đau.

Nếu chúng ta sợ bị ô nhiễm bởi tham sân si như sợ bị lửa thiêu đốt thì chúng ta mới có thể bảo vệ chúng ta khỏi hiểm nguy. Trong những cao ốc người ta gắn những bình chữa lửa, tại sao người ta lại gắn những bình chữa lửa ở đó? Chỉ vì họ sợ sự tàn phá của lửa, chỉ vì họ hiểu lửa nguy hiểm như thế nào. Chính vì sự hiểu biết này mà chúng ta tránh được nguy hiểm, chính vì sự hiểu biết này mà chúng ta biết cách bảo vệ đời sống hàng ngày của chúng ta. Cũng giống như vậy, vì sợ khổ đau và từ bỏ những nguyên nhân tạo ra khổ đau nên chúng ta mới biết sử dụng thân người quý báu này một cách tốt nhất.

Hãy tưởng tượng có hai người đang ăn kem. Một người, tâm chưa được huấn luyện, họ ăn ngấu nghiến, ăn vội vàng và thèm khát. Hầu như mỗi một lần cắn một miếng kem, mỗi một lần nuốt kem vào cổ họng họ đều để lại dấu ấn của nghiệp. Vì tâm đầy ắp những thèm muốn, ao ước, chán, khen chê, bất mãn... nên người này đã không còn biết thưởng thức những mùi vị thơm ngon của chất kem. Ngược lại, người bạn của anh ta đã có một chút kinh nghiệm thiền định về bản tính của khổ trong những thú vui của luân hồi nên anh ta ăn một cách từ tốn, thoải mái. Anh ta không để cho sự thèm khát, tham ăn khởi lên trong sự thưởng thức ly kem của anh ta. Do đó tâm anh không bị ràng buộc bởi những vọng tưởng, ô nhiễm, anh còn có thể chuyển hóa những sinh hoạt đơn giản này vào sự thực hành Đạo Pháp. Vì thế anh ta có thể kinh nghiệm được cái gì là những thú vui nhất thời và cái gì là những niềm hạnh phúc trường cửu mà anh bạn của anh ta thường khen chê và bất mãn. Thí dụ này cho chúng ta biết, tâm buông xả mang lại cho chúng ta sự thưởng thức thật sự, ngay cả trong đời sống thường ngày của luân hồi chứ không cần phải thoát khỏi luân hồi.

Chúng ta tạo ra luân hồi như thế nào

Chúng ta đã biết chúng ta bị trôi lăn vào những nẻo luân hồi là do nghiệp lực và do những vọng tưởng của chúng ta. Và chúng ta cũng đã được chỉ dạy khi chúng ta tiếp xúc với những loại ô nhiễm khác nhau, khi bị ảnh hưởng bởi những loại ô nhiễm khác nhau thì nghiệp được cấu tạo do những nguyên nhân nào? Tới đây chúng ta có thể chia sẻ với nhau một chút về con đường chuyển tiếp chúng ta từ kiếp này qua kiếp khác như thế nào.

Đây là một chuỗi duyên khởi của 12 nhân duyên : (1) vô minh, ignorance, (2) hành, karmic formations, compositional action (3) thức, consciousness, (4) danh sắc, name and form, (5) lục nhập, the six sense faculties, the six sense spheres (6) xúc, contact, impression (7) thọ, feeling, (8) ái, craving, attachment (9) thủ, grasping, (10) hữu, becoming, existence (11) sinh, birth, (12) lão và tử, aging and death. Ngài Long Thọ, một đại giảng sư về những lời dậy bảo của Đức Phật Thích Ca, nói rằng:

Trong 12 nguyên nhân
Có 3 nguyên nhân là vọng tưởng
Có 2 nguyên nhân là hành động
Còn lại 7 là những kết quả.

(còn nữa)