Những nhà nông chuyên nghiệp, lúa đã về đến sân nhà xong rồi, ấy cũng chưa phải là xong chuyện, còn phải làm thêm ba việc cần yếu nữa là:

- Phải loại bỏ phần lúa lép.

- Cất lúa chắc vào bồ.

- Lựa lấy giống lúa tốt để làm mùa sau.

Người đã tu theo Phật chưa phải là trọn đủ như nhà nông sau mùa lúa, còn phải làm thêm ba điều nữa mới hạnh phúc:

- Phải xa kẻ ác, như nhà nông sàng bỏ lúa lép.

- Thân cận với bậc trí thức, như nhà nông chọn lúa chắc cất vào bồ để dành.

- Cúng dường đến các bậc đáng cúng dường, cũng như nhà nông lựa giống lúa tốt để làm mùa sau.

Phần đông chúng ta hiểu rằng cúng dường là lo sắm nhang đèn bông hoa dâng trước tượng Phật, hay dâng đến chư Đại đức. Hiểu như vậy là chưa rốt ráo, chúng ta phải hiểu rõ:

- Ý nghĩa của cúng dường.

- Nhân vật nào đáng cho ta cúng dường?

- Nguyên nhân cúng dường.

Cúng dường đúng lời Phật dạy có một ý nghĩa cao sâu mầu nhiệm hơn. Người có tâm trong sạch đem lễ vật vào chùa cúng Phật hoặc Tăng, người ấy chưa gọi là thông đạt được ráo rốt ý dạy của đấng hoàn toàn giác ngộ.

Ở đầu sách này, dưới mục "Nguyên nhân có pháp hạnh phúc", chúng ta đã phân biệt 38 pháp Hạnh phúc làm hai loại. Một loại của một người học giả quan niệm ra thế nào, rồi tự tin như thế ấy. Còn một loại do đấng Giác ngộ, dựa vào quan niệm của Ngài, căn cứ vào kinh nghiệm hành trì của Ngài đã đắc giác ngộ dưới cội bồ đề, sau nhiều a tăng kỳ kiếp.

Tôi xin nhắc lại trong 38 pháp Hạnh phúc, có 38 cách thức hành trì khác nhau của đấng Giác ngộ đã thuyết. Sự cúng dường cũng là một chi trong 38 chi, hay là một hạnh trong 38 hạnh, mà Phật tử phải hành theo Phật.

Trước hết nên hiểu rõ tiếng Pūja (cúng dường) nghĩa là gì? Chúng ta thường lầm lẫn với tiếng Dāna nghĩa là "bố thí" trong pháp Hạnh phúc thứ XV. Sự cúng dường có ngụ ý là lễ bái một cách kính trọng hay là làm trở nên long trọng. Vì sự tôn kính hay kính trọng như thế gọi là Garavo. Khi xưa các đạo khổ hạnh và người ta nói hành đạo khổ hạnh như thế là cúng dường. Nói như thế cũng chẳng phải.

Theo sách chú giải, sự cúng dường có đủ ba tính chất mới đúng.

- Pagaganha: ca tụng, nghĩa là ca tụng nhân vật mà ta cúng dường, như ta ca tụng ân đức Tam Bảo theo kinh Tam Bảo mà ta hằng tụng, hoặc như ta tụng rằng Phật là đấng Từ bi Ba la mật để tìm đường giải thoát tế độ chúng sanh, Pháp là con đường đức Thế Tôn tìm thấy để đi đến nơi vô sanh bất diệt, Tăng là đấng đã lìa xa thế tục, bỏ cả vạn vật nơi vũ trụ, bỏ cả chính bản thân của mình, chỉ cần sự giải thoát thôi, là đấng nhận thấy rõ rệt luân hồi, khổ não và cố ra khỏi luân hồi, là đấng xứng đáng thay mặt bậc Giác ngộ dắt dẫn chúng ta ra khỏi bể trầm luân.

- Sakkara: vật cúng dường, đây là những vật dụng đem đi cúng dường cho nhân vật mà mình muốn cúng dường, thể hiện lòng sùng bái của ta đối với nhân vật ấy và cũng thể hiện hạnh bố thí của ta.

- Samamana: kính trọng, là kính trọng một nhân vật nào mà ta đem lễ vật đến biếu dâng, nhưng ta không có tâm muốn một tư lợi nào do người ấy ban bố cho ta.

Tóm lại, sự cúng dường phải có đủ ba tính chất do sự ca tụng vật cúng dâng và nhân vật thọ cúng.

Sự cúng dường cũng như sự ăn. Ta chẳng nên nghĩ rằng ăn gì cũng được, miễn là no bụng thôi. Nghĩ vậy là sai lầm. Ta cần ăn, nhưng phải là món ăn bổ ích cho cơ thể ta, nếu không bổ ích cũng không hại đến sức khỏe ta. Sự cúng dường cũng vậy, ta phải biết chọn nhân vật để cúng dường.

Đối tượng mà ta cúng dường là ai?

- Người thọ cúng là một vị nào, hay một đấng, thiêng liêng hoặc một vị giáo chủ nào, là bậc có công đức đối với chúng ta, như cha mẹ và Đức Phật là hai bậc đáng cho ta cúng dường.

- Lời giảng dạy tức là Pháp bảo, tức là lời giảng dạy của Đức Phật mà cũng là con đường của chư Phật tử để noi theo, để đi đến Niết Bàn.

- Cùng một nhóm người, tức thị chư Tăng, là bậc có giới đức thanh cao, người thoát khỏi vòng của sắc, tài, danh lợi, là ngọn cờ của Phật giáo, là người có thể thay Phật để dạy tín đồ, là đấng có chí hướng thanh cao, có đức tánh Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Có hai hạng người xứng đáng thọ lãnh cúng dường, là:

1. Người có công đức cao thượng như Đức Phật, là đấng có đủ đức hạnh, là công đức đối với chúng sanh. Vì Ngài là đấng tìm ra đường giải thoát, mà lại đem ra giáo hóa chúng sanh không nài cực nhọc.

2. Người có công sanh dưỡng là cha mẹ, và người có công chỉ dạy con đường giải thoát cho ta, là chư Tăng và các bậc thầy tổ.

Nói tóm lại, sự cúng dường và sự đền ơn có khác nhau. Ta có thể cúng dường chư Phật, vì chư Phật dạy đời không vì tư lợi hay danh vọng, cũng không mong được chúng sanh kính nể, mà chỉ dạy đời với tất cả tấm lòng từ bi, thương chúng sanh phải luân hồi khổ não, chẳng khác nào người mẹ hiền thương con, dạy con với tấm lòng sông biển.

Còn cha mẹ nuôi con cũng chẳng cần sự đền đáp của con và cũng không bao giờ kể công với con. Cha mẹ là Đức Phật đối với con. Người không phụng thờ cha mẹ mà cúng dường đến Đức Phật, thật không bổ ích vào đâu cả, đúng với câu: "Phật trong nhà không thờ, lại đi thờ Phật Thích Ca ngoài đường".

Ngoài hai bậc đã kể trên, người nào giúp đỡ ta, ta nhớ ơn mà lo đền đáp lại bằng cách này cách nọ thì không gọi là cúng dường mà gọi là đền ơn.

Cúng dường có nhiều ý nghĩa:

1. Cúng dường có nghĩa là đệ tử đem lễ vật đến dâng cho thầy tổ để tỏ lòng biết ơn của các ngài dạy cho mình con đường giải thoát.

2. Cúng dường có nghĩa là kính trọng các bậc có đặc ân cao thượng, là giải thoát khỏi luân hồi.

3. Cúng dường theo ý 38 điều Hạnh phúc của Đức Phật đã dạy, khi mình đã hiểu ra nhân vật mà mình hiểu, hiểu rằng nhân vật ấy là bậc thánh nhân, còn nếu không phải là thánh nhân chăng nữa, cũng là gắng hành để giải thoát. Hiểu như thế rồi ta hết lòng kính trọng, hành theo lời giảng dạy của nhân vật ấy để giải thoát khỏi luân hồi. Cách cúng dường như vậy Đức Thế Tôn mới ngợi khen, gọi là cúng dường bằng cách hành theo thánh đạo để tự giải thoát cho mình. Cách cúng dường như thế này mới gọi là cúng dường cao thượng, mà Chư Phật và Chư thánh nhân mới thường lấy làm hoan hỷ.

4. Cúng dường cũng có nghĩa là lễ bái với tất cả tấm lòng cung kính đến đấng có đặc ân cao thượng là:

- Paññāguna: đặc ân là Trí tuệ.

- Karunaguna: đặc ân là Từ ái.

- Visuddhiguna: đặc ân là Trọn lành.

Cúng dường có hai thể cách:

- Amisapūja: cúng dường bằng vật dụng, như là cơm, nước, y phục, nhà và thuốc.

- Patipattipūja: cúng dường bằng sự hành đạo để mau tới nơi giải thoát, như người tại gia cư sĩ, khi tin theo lời Phật dạy, thì quy y Tam Bảo, hành theo ngũ giới, hay bát quan trai giới, thêm nữa có thể gắng tham thiền để mau dứt được phiền não. Đây gọi là cách cúng dường cao thượng đến chư Phật.

Để giải rộng về hai thể cách cúng dường ấy, tôi xin nhắc lại sự tích của một phụ nữ nghèo cúng dường đến Đại đức Ca Diếp:

Gần thành Gājagaha có một hang tên Pipphali. Bên miệng hang ấy có một cây dương. Trong hang ấy có Đại đức Ca Diếp nhập đại định bảy ngày. Sau khi xả định, ngài rảo bước đi bộ, dùng trí tuệ xem người nào có duyên với ngài, thấy có một cô gái rất nghèo giữ ruộng bắp có duyên với ngài, ngài liền mang bát đi đến nơi cô ấy. Khi cô trông thấy Đại đức Ca Diếp, cô liền phát tâm kính thành và rất trong sạch, thầm nghĩ rằng: "Nhiều khi ta có vật cúng dường mà lại không gặp ngài để cúng dường, cũng khi ta không có vật gì lại gặp ngài. Hôm nay ta có vật cúng dường, mà lại gặp ngài thì thật là quí hóa biết chừng nào". Vật mà cô ta có ấy là hột nổ (bắp rang). Cô liền đem hột nổ ấy dâng cúng cho ngài Ca Diếp và phát nguyện rằng: "Bạch ngài, duyên lành của đệ tử gieo trồng hôm nay, xin cho đệ tử đắc những pháp mà ngài đã đắc!" Rồi ngài ra về.

Cô giữ ruộng bắp được làm phước trong lòng vui thích vô cùng. Khi ấy, vì vô ý cô lại đạp nhằm một con rắn độc, cô bị rắn cắn chết liền tại chỗ. Vì trong khi tâm cô vui với phước, cô được sanh về cõi trời Đao Lợi, ví như người đang ngủ giựt mình tỉnh dậy. Cô thấy cô đang ở trong một tòa lầu bằng vàng.

Tích này còn dài hơn nhưng chỉ nhắc sơ lược để chúng ta dễ nhớ và thấy rằng, sự cúng dường đến các bậc đáng cúng dường có được nhiều hạnh phúc như vậy. Sự tích cô giữ bắp còn cho ta thấy rằng, sự bố thí hay cúng dường của ta không trọng về vật nhiều hay quí mà quí ở tấm lòng trong sạch và thành kính của chúng ta. Chúng ta không nên nghĩ rằng giàu mới làm phước được, nghèo không làm phước được. Dù giàu hay nghèo, tùy theo của mình có và tấm lòng trong sạch của mình, sự bố thí của mình mới quí.

Sự cúng dường bằng vật dụng đã cao quý như thế, nhưng sự cúng dường bằng sự hành đạo giải thoát còn cao thượng, quý hơn vô tận vô cùng.

Cúng dường đến Đức Phật bằng cách cao thượng hơn hết là chỉ có sự hành đạo để giải thoát cho mình, như thọ trì giới hạnh trang nghiêm, hành thiền cho tinh tấn, dùng trí tuệ hằng quán xét ba tướng (khổ, vô thường, vô ngã).

Khi Đức Thế Tôn sắp nhập diệt dưới cội Sala, chư thiên, Phạm thiên đem các kỳ hoa dị thảo đến cúng dường cho Đức Phật, để gom lại cao như núi, và rải đầy cả mặt đất. Đức Thế Tôn trông thấy sự cúng dường rất nhiều như thế, ngài mới gọi Đức Ānanda đến mà dạy rằng:

"Sabbaphāli phullakho ānanda yamakasala alakapuppehi tathagatassa sariram okiranti.

"Này Ānanda, hai cây Sala trổ bông trái mùa và rụng trên mình Như Lai, đó là tỏ ý cúng dường Như Lai. Bông Mandārava (Tàu âm là Mạn thú) từ trên không rơi xuống trên mình Như Lai cũng tỏ ý cúng dường Như Lai. Những tiếng đàn ca, kèn trống ở trên không, đều là những món cúng dường Như Lai. Này Ānanda, Như Lai không cho rằng cúng dường trọng thể như vậy là kính mến Như Lai. Này Ānanda, tín đồ nào trong hàng Tỳ khưu và Tỳ khưu ni, thiện nam, tín nữ là người cố gắng hành đúng theo lời dạy bảo của Như Lai, người ấy mới gọi là người kính mến, yêu thương và cúng dường trọng thể đến Như Lai. Vậy, tín đồ trong giáo pháp của Như Lai nên luôn luôn ghi nhớ rằng: ‘Chúng ta phải hành trì theo chánh pháp, không được dễ duôi’, Ānanda này, các người nên nhớ như vậy!".

Đức Thế Tôn dạy thêm: "Ānanda này, Như Lai không phải là đấng để chúng sanh cúng dường bằng các vật cúng dường như vậy. Ānanda này, những công đức mà Như Lai tạo ra và phát nguyện dưới chân của các đấng giác ngộ, nhất là Đức Phật Nhiên Đăng, không phải là để ta muốn những vật cúng dường như vậy, vì lẽ ấy mà Như Lai mới dạy rằng: Như Lai không phải là đấng để cho mọi người cúng dường những hương hoa và các vật dụng nào khác." (trích Dighanikāya - Trường Bộ, bài kinh Parinibbāna - Bát Niết Bàn).

Lời dạy trên đây về sự cúng dường tựa dường như không nhất trí với nhiều lời dạy của Đức Thế Tôn ghi lại trong trong kinh điển, về Ngài hằng giải về quả báu mà sự cúng dường nhỏ nhen như một nắm cát của đứa bé, hay là nhờ nhớ đến ân Đức Phật.

Suy cho cùng thì tánh chất của sự cúng dường vẫn tương đối, tùy trình độ tinh tấn của tín đồ, nên Ngài tùy cơ hội mà thuyết huấn, chỉ muốn cho tín đồ tùy cấp bậc tu hành mà tiến mãi cao lên. Vì lòng từ bi vô lượng vô biên nên Ngài dạy cúng dường bằng công đức tu hành, chứ không phải bằng phẩm vật phàm tục, Ngài e rằng trong tương lai các thầy Tỳ khưu không gắng lo tu học theo Giới-Định-Tuệ, mà lại bày chỉ cho thiện nam, tín nữ cúng dường vật này vật nọ, hay lập ra mấy muôn ngàn cái tháp, mấy triệu cảnh chùa, vì hành đạo như vậy không thể làm cho Phật giáo được thịnh hành, chỉ có hành trì cho chín chắn theo chánh pháp và giới luật thì mới có thể làm cho Phật giáo được trường cửu.

Lời giảng của Đức Thế Tôn về pháp cúng dường trên đây có nhiều điều lợi ích là:

- Tín đồ hành theo chánh pháp được mau giải thoát.

- Khi hành đúng theo kinh luật thì Phật giáo không bị suy đồi.

- Và các vị Tỳ khưu không thể lợi dụng sự lập chùa đúc tượng để thủ đắc tư lợi.

Đức Thế Tôn dạy cúng dường cách cao thượng như thế chỉ có một ý cao sâu mầu nhiệm, là Ngài chỉ muốn chúng sanh phải gắng lo tu hành, mau giải thoát khỏi luân hồi và không muốn để các vị Tỳ khưu bất chính khai thác lòng tín ngưỡng của tín đồ để mưu lợi riêng cho cá nhân mình. Sự thật khi tín đồ hiểu thông lý đạo, thì dù chư Tăng có cấm không cho họ cúng dường, họ vẫn cúng dường như thường, vì họ nhận thấy rằng đó là phận sự và cũng là một phương pháp diệt trừ phiền não là lòng tham.

Đức Thế Tôn không khen ngợi sự cúng dường bằng vật dụng nghĩa là tài thí ấy, Ngài lại khen cúng dường bằng sự hành đạo rằng: "Này Ānanda, trong hàng tứ chúng có một người nào hành đúng theo phận sự của mình, người ấy gọi là người cung kính và cúng dường đến Như Lai. Vì lẽ ấy, các người nên gắng hành theo chánh pháp." (Bộ Digha-nikāya - Trường Bộ, bài kinh Parinibbāna).

Những lời Phật dạy trên đây thật là quý báu vô cùng. Giờ phút nhập diệt đã kề rồi, mà Ngài vẫn không quên những đứa con nhỏ dại đang ở trong những cảnh khổ giữa nhiều cám dỗ và cạm bẫy của ma vương, nên Ngài có dặn lại câu cuối cùng như thế. Chúng ta là hàng Phật tử chân chánh nên nhớ câu này để hành đạo của Ngài.

Vào ngày rằm tháng Giêng, Đức Thế Tôn cho các hàng đệ tử hay rằng, còn ba tháng nữa Ngài sẽ nhập diệt. Các vị Tỳ khưu còn tâm phàm cất tiếng lên than khóc, tiếc thương. Duy có một vị Đại đức tên Tissa không than thở buồn than gì cả, vì ngài nghĩ rằng: "Nghe tin Đức Thế Tôn sắp nhập diệt ngày rằm tháng Tư mà tâm ta vẫn còn nhiều phiền não, vậy ta phải đạt được cho quả A La Hán trong khi Đức Thế Tôn còn sinh tiền". Rồi ngài kiếm nơi thanh tịnh hành trì. Chuyện ấy thấu đến tai Đức Thế Tôn, ngài cho mời vị Đại đức ấy lại hỏi. Vị Đại đức mới bạch rằng: "Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử xuất gia từ lâu nhưng chưa đắc đạo quả, đệ tử xét rằng đệ tử không xứng đáng là Phật tử biết thương đấng Từ Phụ".

Đức Thế Tôn đáp: "Lành thay! Này các thầy Tỳ khưu, kẻ nào thật biết thương Như Lai, kẻ ấy nên thực hành như Tissa, vì những người cúng dường ta bằng vật phẩm tràng hoa v.v... không gọi là cúng dường ta, chỉ có người thực hành theo chánh đạo mới gọi là người cúng dường Như Lai rất xứng đáng." Rồi Ngài thuyết câu kệ:

Pavivekarasam pipvā

Rasam up asamassa ca

Nyddaro hotinippāpo

Dhammappitirasampivanpi.


Nghĩa là các bậc thánh nhân hưởng vị của Viveka (thanh tịnh) và vị của sự vắng lặng, vị của hỷ lạc trong thiện pháp (đạo quả và Niết Bàn), các ngài biết sự nóng nảy (của phiền não), và các ngài không tạo ra tội lỗi.

Tóm lại, sự cúng dường cao quý nhất trong Phật giáo là sự hành đạo đúng chánh pháp, để giải thoát cho bản thân mình. Nếu tất cả hàng tứ chúng đều thực hành theo lời Phật dạy, thì Phật giáo sẽ được trường tồn và vẫn hưng thịnh đến năm ngàn năm.

(38 Pháp Hạnh Phúc)