61. Một câu “A DI ÐÀ PHẬT” là công án đầu tiên của tông môn. Thí như cỡi ngựa mà cầm gậy thì càng thêm vững vàng cho sự sống. Hết thảy trong hàng tứ chúng, ai niệm Phật cũng đều có ứng nghiệm, đương khi sống thì thêm phước thêm duyên, sau lúc chết được tiêu nghiệp. Cho nên người nào thọ trì thì những điều hy vọng của mình không có chi là chẳng mãn nguyện.

62. Nhất tâm niệm Phật, muôn việc trần tự nhiên dứt bỏ, tức là pháp “Bố thí ba-la-mật”.

Ÿ Nhất tâm niệm Phật, các việc ác tự dứt, tức là “Trì giới ba-la-mật”.

Ÿ Nhất tâm niệm Phật, lòng được nhu hòa mát dịu, tức là “Nhẫn nhục ba-la-mật”.

Ÿ Nhất tâm niệm Phật, vĩnh viễn không bị thối lui đọa lạc, tức là “Tinh tấn ba-la-mật”.

Ÿ Nhất tâm niệm Phật, không sanh các vọng tưởng, tức là “Thiền định ba-la-mật”.

Ÿ Nhất tâm niệm Phật, chánh niệm rõ ràng, tức là “Bát-nhã ba-la-mật”.

Ÿ Suy xét cho cùng tột, thì không ra ngoài nhất tâm niệm Phật mà muôn hạnh được đầy đủ cả.

63. Nghe nói danh hiệu Phật là “Văn huệ”, chấp thọ nơi lòng là “Tư huệ”, giữ gìn làm theo là “Tu huệ”.

64. Ðại Tập Kinh có lời: “Mạt thế, ức ức người tu hành không có một người được giải thoát, chỉ nương pháp môn niệm Phật mà ra khỏi luân hồi”.

Kinh lại nói: “Nếu người chuyên niệm Phật, hoặc ngồi mà niệm, hoặc đi mà niệm, ròng rặc trong 49 ngày, thời hiện đời được thấy Phật, liền đặng vãng sanh”.

65. Niệm Phật là chuyên xưng danh hiệu, chấp trì không tán loạn, cứ bền giữ như thế, trong đời này được thấy Phật. Hiện nay, phần đông người tu Tịnh độ đều lấy pháp Trì danh làm chính. Pháp xưng danh cần phải lắng lòng không cho tán loạn, mỗi niệm nối tiếp nhau, buộc tâm nơi hiệu Phật. Khi miệng niệm Nam mô A-di-đà Phật, tâm phải soi theo mỗi chữ cho rành rẽ rõ ràng. Khi xưng danh hiệu Phật, không luận ít hay nhiều, đều phải một lòng một ý tâm tâm nối nhau. Niệm như thế, mới có thể mỗi câu diệt được tội nặng nơi đường sanh tử trong tám mươi ức kiếp. Nếu chẳng vậy thì tội chướng khó tiêu trừ.

66. Vừa làm xong một việc, vừa nói xong một lời, chưa khởi tâm niệm Phật, mà một câu hồng danh niệm Phật cuồn cuộn tuôn ra đó là triệu chứng tam muội dễ thành vậy.

67. Người niệm Phật, thì không được nói chuyện tạp hoặc nghĩ ngợi lông bông. Nếu lỡ có phạm, phải suy xét: Ta là người niệm Phật không nên như thế, rồi niệm Phật vài tiếng để tự cảnh tỉnh mà đánh tan điều ấy.

68. Tâm ta chỉ có một niệm, niệm Phật tức là nó, mà tạp niệm cũng là nó. Chỉ nhân ta niệm Phật chưa tinh chuyên, niệm niệm trần còn vơ vẩn thế thôi.

69. Không cần phải trừ tạp niệm, chỉ đem tâm niệm hoàn toàn để trên hiệu Phật, tạp niệm liền mất.

70. Người đạo đức chưa thuần, nên tán loạn nhiều, phải cố thâu nhiếp sáu căn, lần lần sẽ được thanh tịnh. Nếu chưa làm được như thế, thì mở mắt chăm chú nhìn tượng Phật mà niệm, hoặc nhắm mắt tưởng chân dung Phật mà niệm, tạp niệm sẽ tiêu.

71. Niệm Phật đừng vội vàng nóng nảy, phải lóng định tâm tư, niệm chậm rãi hiệu Phật ra từ nơi tâm, phát thành tiếng nơi miệng, rồi lại vào nơi tai, tâm nghĩ, miệng niệm, tai nghe, cứ tuần hoàn như thế, tạp niệm sẽ dứt.

72. Nên đem sáu chữ Nam mô A-di-đà Phật mà niệm. Khi niệm ghi nhớ rành rẽ, tiếng thứ nhất là Nam, tiếng thứ nhì là mô, như thế đủ sáu chữ, liên hoàn không dứt, thì vọng niệm không còn chỗ xuất sanh.

73. Chúng sanh cùng ta đồng một bản thể, là cha mẹ của ta trong nhiều kiếp, là chư Phật đời vị lai, nếu chẳng phát tâm cứu độ, chỉ cần giải thoát riêng mình, thì đối với tình có chỗ chưa an, với lý có điều sơ sót. Huống chi chẳng phát đại tâm, thì ngoài không thể cảm thông với chư Phật, trong không thể khế hợp tánh chân, trên không thể tròn quả Bồ-đề, dưới không thể độ khắp muôn loài. Như thế làm sao báo bổ người ân nhiều kiếp, làm sao cởi mở oan gia nhiều đời, làm sao thành tựu căn lành đã gieo trồng từ xưa, làm sao sám trừ tội nghiệp đã tạo ra từ trước? Và như thế thì tu hành chỗ nào cũng gặp chướng duyên, dù có thành tựu cũng là quả thấp, cho nên phải xứng tánh phát lòng Bồ-đề vậy.

Ÿ Nhưng phát đại tâm, phải tu đại hạnh, mà trong tất cả hành môn, tìm phương pháp dễ dụng công, mau thành tựu, rất yên ổn, rất viên đốn, thì không chi hơn dùng Tín Nguyện sâu trì danh hiệu Phật. Nói chấp trì danh hiệu tức là giữ chắc hiệu Phật nơi lòng không tạm quên. Nếu có một niệm gián đoạn, hoặc một niệm xen tạp, thì không gọi là chấp trì. Giữ được một niệm nối nhau không xen tạp, đó là chân tinh tấn; tinh tấn mãi không thôi, sẽ lần vào cảnh nhất tâm bất loạn mà viên thành tịnh nghiệp. Nhất tâm bất loạn là chỗ quy túc của tịnh nghiệp, là đại môn của Tịnh độ; chưa vào môn này tất chưa yên ổn, học giả há chẳng nên cố gắng ư?

74. Tâm đã hay tạo nghiệp thì cũng có thể chuyển nghiệp và nghiệp đã do tâm tạo, tất cũng tùy theo tâm mà chuyển. Nếu tâm mình không chuyển được nghiệp, tức bị nghiệp trói buộc, nghiệp không chuyển theo tâm thì có thể buộc tâm. Nhưng dùng tâm thế nào mới chuyển được nghiệp? Ấy là giữ tâm hợp với đạo đức, hợp với Phật. Và nghiệp làm sao buộc được tâm? Ấy là để tâm y theo đường lối cũ, buông lung theo cảnh trần.

75. Nghiệp đã tạo ra từ trước, đành đã lỡ rồi, chỉ trông mong có phát đại tâm để biến chuyển; mà nắm giữ cơ quan ấy chính là ta chớ không ai khác. Nếu hôm nay ta phát tâm niệm Phật cầu sanh Cực lạc để mau chứng quả, độ chúng sanh, giữ niệm hiệu Phật nối nhau không dứt, lâu ngày tâm sẽ hiệp với đạo, thì chuyển được quả báo Ta-bà thành Cực lạc, đổi nhục thai thành liên thai. Không bao lâu, chính mình sẽ là một bậc thượng thiện, tướng tốt trang nghiêm, an vui tự tại nơi cõi liên hoa thất bảo. Như ta tu hành nửa chừng bỗng lần biếng trễ thối lui, tất bị nghiệp lực mạnh mẽ từ kiếp trước sai sử, rồi vẫn y nhiên một kẻ chịu vô lượng sự thống khổ về thân tâm ở cõi Ta-bà, không tránh khỏi bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh vậy. Những ai có chí thoát ly, cầu về Tịnh độ há không nên sợ hãi, tỉnh ngộ, phát tâm phấn chấn tu hành ư?

76. Lúc đi đứng ngồi nằm, uống ăn làm việc, câu niệm Phật vẫn thường hiển hiện. Nếu gặp cảnh duyên phiền não, tâm không yên, chỉ nên chuyên niệm Phật, phiền não liền tan mất. Bởi phiền não là cội gốc luân hồi, niệm Phật là thuyền vượt qua biển khổ sanh tử. Muốn thoát sanh tử, chỉ đem câu niệm Phật phá tan phiền não, đó là phương pháp đơn giản mà rất hay.

77. Ðiều cần yếu nhất trong sự tu hành là tâm tha thiết về việc luân hồi sanh tử. Tâm sanh tử không tha thiết, làm sao dám gọi là niệm Phật thành một khối? Nếu người quả vì sự luân hồi mà tha thiết, thì mỗi niệm như cứu lửa cháy đầu, chỉ theo khi mất thân người, muôn kiếp khó được. Lúc ấy quyết giữ chắc câu niệm Phật, quyết đánh lui vọng tưởng, trong tất cả thời, tất cả chỗ, hiệu Phật thường hiện tiền, không bị vọng tình ngăn che lôi kéo. Dùng công phu khổ thiết như thế, lâu ngày niệm sẽ thuần thục, tâm được tương ưng, tuy không hy cầu mà niệm lực tự nhiên thành một khối.

78. Hạnh thấp mà nói vọng đạo lý cao siêu không bằng kẻ chất phác mà giữ giới niệm Phật.

79. Nên giữ bổn phận, không nên tham cầu danh lợi, đừng chạy theo duyên ngoài, chỉ cần phân minh lý nhân quả, một lòng chuyên niệm Phật mà thôi.

80. Tánh háo kỳ, ưa cầu sự linh thông của ma quỷ, không bằng chánh tín nhân quả mà niệm Phật.

81. Người niệm Phật giữ lòng ngay, dứt hạnh ác, gọi là Thiện nhân. Người niệm Phật nhiếp tâm trừ tán loạn, gọi là Hiền nhân. Người niệm Phật rõ tâm tánh, dứt hoặc nghiệp, gọi là Thánh nhân.

82. Trong lúc muôn niệm rối ren, chính là thời khắc dùng công phu, mỗi khi tán loạn liền mau thâu nhiếp lại. Cứ như thế mãi, lâu ngày công phu thuần thục, tự nhiên vọng niệm không sanh. Vả lại, người biết vọng niệm nhiều, là do niệm Phật, lúc không niệm, vọng tâm như sóng nổi nước trào không giây phút nào dừng nghỉ, khi ấy đâu có tự biết được.

83. Tạp niệm là bệnh, niệm Phật là thuốc. Niệm Phật chính để trị tạp niệm, mà không thấy hiệu quả là do dụng công chưa được chân thiết. Cho nên khi tạp niệm nổi lên, phải chuyên lòng gia công niệm Phật, mỗi chữ, mỗi câu chuyên nhất không xao lãng, thì tạp niệm tự dứt.

84. Tâm hỗn loạn đã lâu, không thể một lúc mà an định được, cho nên người niệm Phật nếu tâm không thanh tịnh đừng quá vội lo, chỉ cần khi niệm mỗi chữ mỗi câu đều do nơi tâm phát ra, dụng công bền lâu tự có hiệu quả.

85. Người niệm Phật, tâm chân thiết cùng không, có thể suy mà biết được. Ðại để như người chân tâm niệm Phật, dù ở cảnh phiền não hay vui mừng cũng giữ câu niệm Phật không gián đoạn, cho nên những cảnh ấy không làm lay động họ được. Hai điều trên đã không thể làm lay động, thì đối với cảnh sống chết, họ vẫn tự nhiên không sợ hãi.

86. Người niệm Phật, bình thường niệm được không gián đoạn, nếu trong giấc ngủ thoạt có quên niệm, khi thức dậy thống khóc, đến trước bàn Phật cúi đầu sám hối, rồi quỳ niệm Phật một ngàn hay một muôn câu, dùng hết sức mình thì thôi. Làm như vậy vài ba phen, dù trong lúc ngủ mê, câu niệm Phật vẫn hiện ra không gián đoạn.

87. Khi lâm chung được chánh niệm, toàn nhớ lúc thường nhật dụng công phu sâu.

88. Niệm Phật không luận là hạng người nào, nếu nghĩ mình thuở bình sanh có nhiều điều ác mà tự bỏ không chịu tu hành, là sai lầm!

Ÿ Niệm Phật không quản thời gian nào, nếu cho rằng mình đã già sắp chết mà không chịu tu hành, là sai lầm.

Ÿ Niệm Phật, bất kỳ là phương pháp nào, nếu lập ra một quy củ nhất định, bắt mọi người đều tin theo, khiến cho sự tu hành của họ bị chướng ngại, là sai lầm.

Ÿ Nên biết pháp môn Tịnh độ chẳng lựa trí ngu, sang hèn, nghèo giàu, chẳng phân nam nữ, già trẻ, tăng tục, chẳng luận kẻ huân tập đã lâu hay mới tu hành, đều có thể niệm Phật.

Ÿ Hoặc niệm lớn, niệm nhỏ, niệm ra tiếng, niệm thầm, đảnh lễ mà niệm, tham cứu mà niệm, nhiếp tâm mà niệm, quán tưởng mà niệm, lần chuỗi mà niệm, giữ hiệu Phật liên tục không dứt như dòng chảy mà niệm, cho đến đi đứng nằm ngồi niệm, ngàn muôn niệm đều về một niệm.

Ÿ Niệm theo cách nào cũng được, chỉ cần yếu giữ cho lâu bền đừng lui sụt và phát lòng tin quyết định cầu sanh Tây phương. Nếu quả hành trì được như vậy, cần chi tìm bậc tri thức hỏi đường.

Ÿ Cho nên tu Tịnh độ có nhiều phương pháp, kết quả ra sao là do chỗ xu hướng của tâm nguyện. Có thể gọi: “Ði thuyền cốt bởi người cầm lái, hiểu được đồng về cõi Tịnh liên”.

89. Niệm Phật chỉ nên để cho thân tâm nhàn đạm, thầm nhớ chẳng quên, khi hưỡn, gấp, động, tịnh vẫn một niệm không khác. Niệm như thế, ngày kia xúc cảnh chạm duyên, bỗng nhiên tỉnh ngộ. Chừng ấy mới biết cõi Tịch quang Tịnh độ không rời nơi đây, Phật A-di-đà chẳng ngoài tâm mình. Nếu lập tâm muốn cầu tỏ ngộ, thì trở lại thành chướng ngại, nên chỉ lấy lòng tin làm căn bản, chẳng tùy theo tạp niệm mà thôi. Hành giả trì như thế, dù không tỏ ngộ, khi chết cũng được sanh về Tây phương, theo giai cấp mà tiến tu, không còn lo thối chuyển.

90. Người tu hành nếu bị túc nghiệp ngăn che, khiến cho nghiệp hạnh lui kém, phải nhất tâm trì tụng chú vãng sanh. Chú này gọi là môn đà-la-ni, nhổ trừ tất cả cội gốc nghiệp chướng, tụng một biến tiêu diệt hết tội ngũ nghịch thập ác trong thân. Tụng mười muôn biến, được không quên mất Bồ-đề tâm; tụng hai mươi muôn biến, liền cảm sanh mầm mộng Bồ-đề; tụng ba mươi muôn biến, Phật A-di-đà thường trụ trên đảnh, quyết định sanh về Tịnh độ.