* Niệm Phật không khó, khó ở bền lâu

* Niệm bền lâu không khó, mà khó ở nơi nhất tâm.

1. Pháp môn niệm Phật cao cả không cùng, rộng lớn như trời che đất chở. Ðây là pháp môn tổng trì của chư Phật ba đời, là đạo mầu đặc biệt trong một đời giáo hóa của Ðức Thích-ca. Trên như bậc Ðẳng Giác Bồ-tát, không thể vượt ra ngoài phạm vi của môn này, dưới dù kẻ phạm tội nghịch ác cũng được phần tế độ.

Ÿ Tuy nhiên, bởi pháp môn cao siêu như thế mà phần nhiếp cơ lại quá phổ cập, dùng ít sức mà thu thập kết quả rất mau lẹ lớn lao, nên những vị thông hiểu đôi chút về tông, giáo đều cho là môn tu trì của kẻ ngu phu, ngu phụ. Truy nguyên, cũng do các vị ấy chưa hiểu rõ chỗ lớn, nhỏ, khó, dễ của Phật lực và tự lực. Hai phương diện này, sự hơn kém thật không thể dùng lời nói, văn tự hình dung cho hết được. Vì sao? Bởi tất cả pháp môn khác đều nương theo sức giới, định, huệ tu cho đến nghiệp sạch, tình không, mới có thể thoát luân hồi sanh tử. Nhưng địa vị nghiệp sạch tình không, đâu phải là dễ được! Trong hai phần hoặc nghiệp, dứt được kiến hoặc khó cũng như ngăn chặn dòng nước đổ bốn mươi dặm, huống nữa là tư hoặc ư! Dù cho bậc tỏ ngộ cao siêu, nếu chưa dứt sạch phiền não, vẫn còn bị luân hồi. Và một khi đã thọ sanh thì kẻ thối thất trong một muôn có đến mười ngàn, kẻ tiến bộ trong ức người khó được ba bốn. Thế thì tự lực không đủ ỷ lại, không chi vững vàng. Những kẻ khoe mình là trí, không thuận theo lòng từ thệ nhiếp thọ của Như-lai, thử nghĩ có nên tự phụ chăng?

Ÿ Riêng về môn Tịnh độ, nếu người có đủ tín nguyện chân thiết, dùng lòng chí thành niệm Phật như con thơ nhớ mẹ và hằng ngày sự hành vi không trái với đạo đức, thì đến khi lâm chung sẽ được nhờ Phật tiếp dẫn sanh về Tây phương. Dù người ấy hoặc nghiệp hãy còn, nhưng khi đã vãng sanh thì chỗ sở đắc cũng cao hơn bậc A-la-hán tình không nghiệp sạch, vì lẽ chủng tánh không đồng. Kẻ chưa dứt nghiệp hoặc còn như thế, người đã hết nghiệp không đợi phải luận nhiều! Ấy bởi do Phật lực, pháp lực và tâm lực của chúng sanh đều không thể nghĩ bàn; mà tâm lực lại nhờ năng lực của Phật và Pháp, được hiển hiện một cách toàn vẹn. Cho nên, chỉ ỷ lại vào tự lực, sánh với nương nhờ Phật lực, thật kém xa nhau hằng hà sa số sự cách biệt của đất trời! Lại nên biết, đạo lý của môn Tịnh độ này không thể đem luận chung với các pháp môn phổ thông khác vì đây là pháp môn đặc biệt! Tôi thường có đôi liễn:

Ÿ “Pháp môn cao cả, lợi khắp ba căn, nhân đây chín cõi đồng về, mười phương khen ngợi”

Ÿ “Phật nguyện rộng sâu, không từ một vật, nên được ngàn Kinh đều chỉ, muôn Luận tuyên bày”

(Trên đây là lời của Ðại sư Ấn Quang, vị Tổ thứ 13 trong Liên tông Phật giáo Trung Hoa)

2. Sáu chữ “Nam mô A-di-đà Phật” là từ tiếng Phạn phiên âm ra. Nếu cắt nghĩa từng chữ một theo Phạn ngữ thì chỉ có bốn chữ mà thôi. Trước hết, chữ “Nam mô” có 6 nghĩa: Kính lễ, quy y, phụng thờ, cứu ngã, độ ngã, quy mạng. Chữ “A”“ nghĩa là không, là vô, chữ “Di-đà” nghĩa là lượng. Chữ Phật nghĩa là Giác giả. Hợp cả bốn chữ lại có nghĩa là: Quy y kính lễ đấng giác ngộ vô lượng.

Ÿ Ðức Phật A-di-đà là Giáo chủ thế giới Cực Lạc. Ngài đã từng phát nguyện rằng ai niệm danh hiệu Ngài, lúc lâm chung sẽ được Ngài tiếp dẫn sanh về nước Cực lạc. Vì thế, về sau chúng sanh căn cứ vào đó mà xưng niệm danh hiệu Ngài.

3. Pháp môn Tịnh độ, tức là môn niệm Phật, do Phật Thích-ca, Di-đà kiến lập, Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền chỉ quy, đức Mã Minh, Long Thọ hoằng dương và chư Tổ Huệ Viễn, Thiên Thai, Thanh Lương, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu Ích xướng đạo để khuyến khắp Thánh, phàm, ngu, trí đồng tu hành vậy.

4. Ðức Phật A-di-đà ngày xưa phát 48 lời nguyện làm duyên khởi tạo thành thế giới Cực lạc. Từ đó về sau, chúng sanh trong mười phương đều lấy sự phát nguyện vãng sanh làm căn cứ tu hành của tông Tịnh độ. Một đằng, Phật nguyện tiếp dẫn, một đằng chúng sanh nguyện vãng sanh, hai nguyện gặp nhau, hai lực lượng tự, tha hỗ trợ nhau mới đủ sức kết thành quả vãng sanh. Vì thế, người tu tịnh nghiệp quyết phải phát nguyện dõng mãnh.

5. Trong 48 lời đại nguyện của Ðức A-di-đà, lời đại nguyện thứ 19 nói một cách rõ ràng rằng nếu có người chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước Ngài, lúc lâm chung nhất định Ngài sẽ đến tiếp dẫn. Cho nên, hễ có phát nguyện là quyết định phải được vãng sanh.

6. Không sanh về Tịnh độ tất phải đọa ác đạo.

Ÿ Trong mười phương, số thế giới tuy nhiều vô tận, nhưng xét về phương diện tịnh uế, thì chỉ có thể chia làm hai loại mà thôi: Một là Tịnh độ của chư Phật, hai là tam giới (uế độ) của chúng sanh. Không sanh về bên nọ, tất phải sanh bên kia. Sanh về Tịnh độ tức là thoát ly sanh tử, sanh trong tam giới tức là còn sống chết luân hồi.

Ÿ Ở cõi Trời, phước báu tuy nhiều nhưng vẫn có giới hạn và sai khác nhau, nên cuối cùng sẽ có ngày phước hết, báo cùng, thọ mạng tất phải chấm dứt, để rồi tùy nghiệp mới mà thác sanh qua kiếp khác, quanh quẩn trong tam giới.

Ÿ Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên phải là niệm Phật. Ðó là một sự thật đương nhiên không thể phủ nhận.

7. Do vì Ðức Phật A-di-đà có bổn thệ nguyện lực nhiếp thủ chúng sanh niệm Phật, nên người dùng tín nguyện mà niệm Phật (tự lực) thời cảm thông với nguyện lực của Phật, nương nguyện lực của Phật nhiếp thủ (tha lực) liền đặng siêu thoát sanh tử luân hồi mà sanh về Cực lạc Tịnh độ. Ðã được vãng sanh tức là vào bậc Thánh lưu bất thối, nên gọi là rất viên đốn, rất huyền diệu và thành công cao.

8. Pháp môn niệm Phật là con đường phương tiện duy nhất hướng dẫn ta và tất cả chúng sanh từ xứ ác trược Ta-bà về đến thế giới thanh tịnh Cực lạc.

9. Nương pháp môn niệm Phật, ắt là ta sẽ được toại bổn nguyện: Giải thoát, thành Phật, độ sanh. Người cực ác tu còn thành tựu thay, huống ta chưa phải là kẻ ác!

10. Ðức Phật Như-lai có dạy một phương tiện siêu thắng để bảo đảm sự giải thoát, mà cũng để bảo đảm vững chắc bước đường thành Phật cho tất cả chúng sanh: Pháp môn Tịnh độ, tức môn niệm Phật cầu sanh Cực lạc thế giới. Theo lời Phật, dầu là hạng cực ác mà chịu hồi tâm tu theo pháp môn này trong một thời gian rất ngắn (10 niệm) cũng được vãng sanh; đã được vãng sanh thời là siêu phàm nhập Thánh, thoát hẳn sanh tử, bất thối Vô thượng Bồ-đề.

11. Với pháp môn niệm Phật này, không luận là kẻ trí ngu, không luận là Tăng tục, không luận sang giàu, nghèo hèn, già trẻ, nam nữ, không luận là sĩ, nông, công, thương... tất cả các giới trong xã hội đều có thể tu tập và đều có thể thành tựu đặng cả.

12. Văn Thù Bồ-tát nói: Các môn tu hành không môn nào qua môn niệm Phật. Niệm Phật là “vua” trong các pháp môn.

13. Ðức Quán Thế Âm bảo: Tịnh độ pháp môn là hơn tất cả hạnh khác.

14. Mã Minh Ðại sĩ cho rằng: Chuyên tâm niệm Phật là phương tiện siêu thắng của Ðức Như-lai.

15. Giác Minh Diệu Hạnh Bồ-tát nói: Pháp môn niệm Phật là tâm tông của chư Phật, là con đường giải thoát tắt nhất của mọi loài.

16. Pháp môn Tịnh độ nhiếp cả Thánh phàm, nhiếp cả thiện ác, nhiếp cả chúng sanh, như biển lớn gồm thâu muôn dòng vậy.

17. Ấn Quang Ðại sư cũng từng nói: Vì nương Phật lực nên tất cả mọi người, không kể là nghiệp hoặc nhiều hay ít, cũng không kể là công phu hành đạo cạn cùng sâu, miễn tin cho chắc, nguyện cho thiết, thời quyết muôn người tu muôn người vãng sanh không sót một. Còn nếu là bậc đã đoạn hoặc chứng chân mà cầu vãng sanh thời đốn siêu Thập địa. Bậc Thập địa mà cầu sanh thời mau viên Phật quả. Vì thế nên cả các ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ... các đại Bồ-tát đều nguyện vãng sanh. Ðến như những kẻ tạo ác cả đời, sắp đọa địa ngục, hồi tâm niệm Phật cũng được giải thoát, như các ông: Trương Thiện Hòa, Trương Chung Húc, Hùng Tuấn, Duy Cung... Hạng người phạm tội ác ấy mà còn được thành tựu thay, huống là những người chưa quá ác, huống là những người lành.

18. Trong Kinh Ðại Tập, Ðức Phật có lời huyền ký: “Thời mạt pháp muôn ức người tu hành, khó có một người được giải thoát, chỉ nương nơi pháp môn niệm Phật mà được thoát khỏi luân hồi sanh tử”.

19. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật đã dạy: “Trong đời vị lai, khi Kinh đạo diệt hết, Ta dùng lòng từ bi đặc biệt lưu lại kinh này tồn tại trong một trăm năm, chúng sanh nào gặp được kinh này, đều có thể được độ thoát như ý sở nguyện”.

20. Chân nghĩa của pháp môn Tịnh độ chỉ có Phật mới biết hết.

Ÿ Trong các Kinh nói về Tịnh độ, sở dĩ Phật không dùng lý để lập luận một cách chặt chẽ mà chỉ khuyến phát tín tâm và thực hành, không phải pháp môn Tịnh độ không có lý nghĩa vững chãi, chẳng qua vì nghĩa lý ấy quá thâm diệu và “bất khả tư nghị”, nên không thể nào nói hết. Cảnh giới Tịnh độ đã “bất khả tư nghị”, lại thêm ngữ ngôn chỉ hữu hạn, không thể nào nói đầy đủ được, dù cho có nói nhiều đến đâu, cũng chỉ diễn tả được một khía cạnh nào đó thôi, không sao tránh được thiếu sót, không sót bên nọ cũng sót bên kia, hoặc nói được một thì sót đến mười. Ðó là các lý do khiến Phật không lý luận mà chỉ khuyên tu trì, thực hành phép niệm Phật.

Ÿ Chúng ta thử nghĩ, nếu phương pháp trì danh niệm Phật không phải thật có ý nghĩa cao siêu và công đức bất khả tư nghị thì tại sao trong Kinh “Phật thuyết A-di-đà”, Phật dạy rằng khi Phật nói kinh đó thì hết thảy chư Phật trong sáu phương đều tán thán và hộ niệm? Như vậy, thì biết rằng pháp môn ấy đặc biệt và nhiệm mầu như thế nào!

Ÿ Vả lại, trong kinh có nói: “Không thể nhờ một ít nhân duyên phước đức thiện căn mà có thể vãng sanh được”. Tiếp đó Ngài lại dạy: “Bảy ngày chấp trì danh hiệu, đạt được nhất tâm bất loạn thì liền được vãng sanh”. Như thế thì thiện căn phước đức nhân duyên của sự chấp trì danh hiệu quả không phải nhỏ vậy.

21. Trong 48 lời nguyện của Ðức Phật A-di-đà đều có câu “Thề quyết không thủ ngôi Chánh giác”. Xin lưu ý rằng đó là một điều quan trọng. Không thủ ngôi Chánh giác tức là từ chối quả vị Phật, không chịu làm Phật để riêng an hưởng thường, lạc, ngã, tịnh một mình, trong khi chúng sanh trong quốc độ còn đau khổ. Lời nguyện vừa hợp tình, vừa xứng lý, vừa quảng đại bao la, thể hiện hoàn toàn được cả một trời đại từ đại bi thăm thẳm, khó thể nghĩ bàn.

Ÿ Trong Kinh “Phật thuyết A-di-đà” Ðức Thích-ca dạy rằng: Ðức Phật A-di-đà thành Phật đã từ mười kiếp rồi và 48 lời nguyện của Ngài đều đã được thực hiện hoàn toàn viên mãn. Nếu không như thế Ngài quyết không chịu thành Phật.

22. Sở dĩ hành giả bình thời xưng niệm danh hiệu Phật, chính là ứng hợp với đại nguyện thứ 18 của Ðức A-di-đà: “Mỗi ngày mười niệm quyết được vãng sanh”; bình thời phát nguyện cầu vãng sanh tức là ứng hợp với đại nguyện thứ 19 của Ðức A-di-đà: “Kẻ nào phát nguyện vãng sanh Cực lạc, lúc lâm chung sẽ có Phật đến rước”; và bình thời làm các công đức, hồi hướng công đức về quả Cực lạc tức là ứng hợp với đại nguyện thứ 20 của Ðức A-di-đà: “Kẻ nào hồi hướng công đức, nhất định được vãng sanh”.

Ÿ Hằng ngày, tu phép thập niệm phát nguyện vãng sanh và hồi hướng công đức, cũng như người có đóng bảo hiểm nhân thọ. Một bên là đóng bảo hiểm vật chất. Một bên là đóng bảo hiểm tinh thần; cả hai đều nhất định toại nguyện như nhau.

Ÿ Như trên, ta thấy quả vãng sanh là một quả có bảo đảm chắc chắn. Mà nhân vãng sanh lại là một nhân dễ tu tập. Ðiều cốt yếu là phải thật hiểu chân tinh thần của pháp môn niệm Phật mới sanh được chánh niệm và có được ba tư lương: Tín, Nguyện, Hạnh.

23. Pháp môn Tịnh độ dễ tu nhưng khó tin. Trong Kinh Phật thuyết A-di-đà, Ðức Thế-tôn cũng thừa nhận như thế (nan tín chi pháp)

Ÿ Ðã thế rồi, pháp môn này lại còn nương tựa hoàn toàn vào lòng tin để thành lập, nương tựa vào lòng tin để duy trì; có lòng tin rồi mới sanh khởi hành động và có hành động rồi mới đạt nguyện vọng nhân viên quả mãn. Nếu không có lòng tin vững chắc thì tuy cửa Phật rộng mở, cũng không thể gì vào được. Vì vậy nên Tín, Nguyện, Hạnh gọi là ba món tư lương về Tịnh độ.

Ÿ Nói tư lương cũng ví như nói người muốn đi xa cần phải có tiền của (tư) và lương thực (lương). Nếu thiếu một trong hai thứ đó thì khó mà đạt mục đích mình muốn đến. Cũng thế, ba món tư lương cần có để lên đường về Tịnh độ cũng không thể thiếu một. Hơn nữa, ba món này liên hệ mật thiết với nhau theo thứ tự trước sau tiếp nối sanh khởi. Trước hết phải do có lòng tin thâm thiết mới có phát sanh nguyện cầu; do nguyện cầu thành khẩn mới hăng hái hành động. Nếu lòng tin không có thì quyết nhiên nguyện và hạnh không thể thành lập được.

24. Tín là căn bản của người tu hành pháp môn Tịnh độ.

Ÿ Thứ nhất, phải tin rằng ba bộ kinh nói về Tịnh độ là do Ðức Thế-tôn vì lòng từ bi chân thật mà dạy cho chúng ta, quyết không phải như sách ngụ ngôn giả thiết để khuyến tu.

Ÿ Thứ hai, phải tin rằng ngoài thế giới ô uế mà chúng ta hiện sống, chắc thật có thế giới Tịnh độ trang nghiêm.

Ÿ Thứ ba, phải tin rằng 48 lời đại nguyện của Ðức Phật A-di-đà, cùng là những công hạnh kiến lập cõi Tịnh độ của Ngài là chân thật, cũng như việc Ngài hiện đang ứng hóa độ sanh tại cảnh giới Tịnh độ ấy là chân thật.

Ÿ Thứ tư, phải tin rằng sanh Tịnh độ hay uế độ hoàn toàn do tự tâm ứng hiện, hễ trồng nhân tịnh thì được quả tịnh, trồng nhân uế thì được quả uế, tuyệt nhiên không liên quan gì đến vấn đề thưởng phạt.

Ÿ Thứ năm, phải tin rằng chánh niệm của ta cùng tâm niệm của Ðức Phật A-di-đà chắc chắn cảm ứng với nhau, lâm chung thế nào cũng được Ngài tiếp dẫn vãng sanh.

Ÿ Thứ sáu, phải tin rằng tuy ác nghiệp của chúng ta có nhiều, nhưng một khi đã sanh về Tịnh độ, nhờ có hoàn cảnh tốt đẹp thuận tiện, nhờ ơn giáo huấn thường xuyên của Phật và Bồ-tát, ác niệm không thể sanh khởi lại và ác báo do đó sẽ lần lần tiêu trừ.

Ÿ Thứ bảy, phải tin rằng sức mình và sức Phật, cả hai đều bất khả tư nghị. Trong hai sức cùng bất khả tư nghị ấy, sức Phật lại bất khả tư nghị gấp trăm ngàn muôn ức lần hơn, cho nên một khi được tiếp dẫn, dù sức mình còn kém cỏi thì với sức Phật cũng đủ giúp ta vãng sanh.

Ÿ Thứ tám, phải tin rằng khi mình niệm một câu Phật là tức thời Ðức Phật liền nghe và liền thâu nhiếp.

Ÿ Thứ chín, phải tin rằng hễ mình niệm Phật thì chắc chắn lúc lâm chung được Phật và Thánh chúng đến tiếp dẫn vãng sanh về thế giới Cực lạc, quyết không còn đọa lạc luân hồi trong sáu đường nữa.

Ÿ Tóm lại, phải tin chắc rằng những lời Phật dạy trong kinh đều chân thật, cần phải thâm tín, tuyệt đối không nên sanh tâm ngờ vực. Lòng ngờ vực là chướng ngại vật không thể vượt qua trên con đường dẫn đến đạo quả. Có lòng ngờ vực rồi thì tất nhiên nguyện và hạnh sẽ không có cứ điểm để sanh khởi. Nếu lòng tin kiên cố, tự nhiên phát nguyện cầu sanh Cực lạc và đã phát tâm nguyện cầu tự nhiên chuyên tâm tinh tấn, y pháp hành trì, không đợi ngoại duyên thúc đẩy.

Hễ Tín đã vững chắc thì Nguyện và Hạnh tự nhiên thành tựu, khỏi cần phải nhắc nhủ, khuyến hóa.

25. Ðã tin sâu, nguyện thiết, phải tu chánh hạnh niệm Phật. Sự tu trì đây đều tùy theo thân phận của mình mà lập, không nên chấp định một pháp thức nào. Như người không việc chi hệ lụy, nên từ mai đến chiều, chiều lại mai, lúc đi đứng nằm ngồi, nói nín động tịnh, khi ăn cơm mặc áo cùng đại tiểu tiện, tất cả thời, tất cả chỗ đều giữ một câu hồng danh không rời nơi tâm niệm. Nếu khi thân hình sạch sẽ, y phục chỉnh tề, chỗ nơi thanh khiết, thì niệm thầm hay ra tiếng đều được. Như lúc ngủ nghỉ, tắm gội, đại tiểu tiện hoặc ở chỗ không sạch chỉ được niệm thầm, không nên ra tiếng, niệm thầm công đức vẫn đồng, nếu ra tiếng thì có lỗi không cung kính. Chớ cho rằng những lúc ấy không nên niệm, chỉ e niệm không được mà thôi. Lại khi nằm nếu niệm ra tiếng, chẳng những không cung kính, mà còn bị tổn hơi, phải biết điều này.

26. Muốn được vãng sanh về cõi Tịnh độ Tây phương, hành giả phải chuẩn bị ba yếu tố: Tín, Hạnh, Nguyện, nếu thiếu một món nào cũng không thể tu hành có kết quả. Hành giả phải suốt đời chuyên tâm niệm Phật với một lòng thành kính, tin tưởng và nhất quyết cầu khi lâm chung được vãng sanh cõi Tịnh độ. Niệm cho đến “nhất tâm bất loạn” thì chắc chắn sẽ được mãn nguyện.

27. Pháp môn niệm Phật cần có đủ 16 chữ:

Vì thoát sanh tử, phát tâm Bồ-đề

Lấy tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật

Bởi vì hết thảy những sự thống khổ cực nặng trong thế gian, không chi bằng cái khổ sanh tử, mà nếu sanh tử chẳng dứt được thì sanh rồi tử, tử rồi sanh, ra khỏi bào thai này, chun vào bào thai khác, cởi bỏ đãy da nọ, mang lấy đãy da kia, khổ nào xiết nói!

28. Một chữ nguyện bao gồm cả tín và hạnh. Tín là tin tự, tha, nhân, quả, sự, lý không hư dối. Tín tự: Tin tất cả do tâm tạo, mình niệm Phật sẽ được Phật tiếp dẫn. Tín tha: Tin Phật Thích-ca không nói dối, Phật A-di-đà không nguyện suông. Tín nhân: Tin niệm Phật là nhân vãng sanh, giải thoát. Tín quả: Tin sự vãng sanh thành Phật là kết quả. Tín sự: Tin cảnh giới Tây phương, tất cả sự tướng đều có thật. Tín lý: Tin lý tánh duy tâm bao trùm Phật độ. Mỗi điều trên đây đều xác thật nên gọi là không hư dối. Hạnh là chuyên trì danh hiệu không xen tạp, không tán loạn. Nguyện là mỗi tâm ưa thích, mỗi niệm mong cầu. Trong ba điều này, người tu tịnh nghiệp cần phải đủ không thể thiếu một, mà Nguyện là điểm cần yếu. Có thể có Tín, Hạnh, mà không Nguyện, chưa từng có Nguyện mà không Tín, Hạnh.

29. Ðược vãng sanh hay không là do Tín Nguyện có hay không, còn phẩm vị vãng sanh cao hay thấp là tùy việc trì danh sâu hay cạn.

30. Tín, Nguyện, Hạnh là ba tư lương sanh về Tịnh độ. Nếu tư lương không đủ, quyết không được vãng sanh. Sở dĩ vì thế mà sự phát nguyện chiếm một địa vị tối quan trọng trong pháp môn tu Tịnh độ.