Câu đối dán chuồng heo

Nhà thầy học có giỗ, môn sinh được thầy cho ăn cỗ. Còn thừa một cỗ xôi, họ bàn chia phần. Một anh nẩy ra ý hay: ai dẫn được một câu trong sách ứng với việc lấy phần thì cho hưởng cả, khỏi phải chia. Mọi người tán thưởng..
Từ trưởng tràng (trưởng tràng là người học trò có uy tín được cử chỉ huy cả lớp học như lớp trưởng bây giờ) trở xuống đều gãi đầu, gãi tai, vắt óc lục hết Tứ thư, Ngũ kinh mà không tìm được câu nào. Riêng Nguyễn Thắng ( tên “cúng cơm” của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến) cứ tủm tỉm cười. Cuối cùng khi mọi người đã chịu, Thắng mới ung dung đọc:

“Thủ kỳ dư dĩ tử tôn! ”

Tức là “Lấy phần thừa để cho con cháu”

Nói rồi anh ta trút cả cỗ xôi thừa vào tráp của mình, đậy nắp lại.
Mọi người tưng hửng song đều phục Thắng là tài. Đó là một câu trong sách nói về việc tích đức để dành phần cho con cháu nhưng vận dụng vào việc lấy phần xôi thịt thừa thì quả là “láu”.
Trưởng tràng tức lắm, chọc Nguyễn Thắng:
-Chữ nghĩa chú mày cũng khá đấy. Lúc nào thư thả nghĩ cho mình đôi câu đối dán chuồng lợn.
Môn sinh cười ầm lên. Thắng ung dung:
-Nếu nhà anh cần, lấy ngay giấy bút ra đây, tôi đọc cho ghi.
Thấy câu chuyện ra chiều lý thú, anh em bèn đem giấy bút cho trưởng tràng, rồi xúm quanh chờ xem. Thắng đọc:

-Tràng tràng tràng tràng tràng tràng tràng

Mọi người ngơ ngác. Trưởng tràng quẳng bút không chịu viết tiếp. Thắng giục: “Cứ ghi đi!” và đọc tiếp:

-Tràng tràng tràng tràng tràng tràng tràng

Môn sinh cười ồ, tưởng Thắng chỉ đọc nhăng cho qua chuyện. Không ngờ, Thắng giật lấy bút ở tay trưởng tràng, vẽ thêm mấy nét móc cần thiết vào đầu mấy chữ “tràng” để thành chữ “trưởng”.
Do vậy hai câu trên thành đôi câu đối:

Trưởng trưởng, tràng tràng, tràng trưởng trưởng
Tràng tràng, trưởng trưởng, trưởng tràng tràng

Nghĩa là:

Lớn lớn, dài dài, dài lớn lớn
Dài dài, lớn lớn, lớn dài dài


Câu đối treo chuồng heo cầu cho heo chóng lớn, thiết tưởng không còn câu đối nào hay hơn nữa
Nhưng oái oăm thay, toàn bộ hai vế đối treo chuồng heo thu lại chỉ có hai chữ “trưởng tràng”
Anh trưởng tràng càng ngẫm lại càng cay


Câu đối tết

Cùng với chữ Hán, nhiều danh sĩ nước ta còn viết câu đối Tết bằng chữ Nôm. Ðầu thế kỷ 20, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã sử dụng tài tình chữ viết của dân tộc, đưa cả ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào câu đối. Trong 67 câu đối hiện còn của cụ thì 47 câu đối Nôm. Ðây là cảnh Tết của một nhà nghèo mà lòng vân phơi phới sắc xuân khi giao thừa sắp đến:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà"


Hiểu rõ vần xoay của tạo hóa, cụ ước ao: "Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân"