NP55- CẦN GIỮ TÂM THANH TỊNH, KHIÊM HẠ MỚI TỐT (13/11/2010)

Nam Mô A Di Đà Phật

Kính Cư sĩ Diệu Âm Úc Châu:

Nhân đọc bài (Cố gắng niệm Phật gởi cho Thầy Tuấn). Tôi được giải tỏa “Tiếng Niệm Phật từ Tâm”. Chân thành cảm ơn thật nhiều Cư sĩ Diệu Âm Úc châu. Tiếng niệm Phật được A Lại Gia Thức thu băng,tiếng niệm Phật được huân tập vào Tâm và từ Tâm phát ra, ta nghe từ Tâm. KHÔNG NGHE TỪ BÊN NGOÀI. Kính xin Cư sĩ nói rõ (có tiếng niệm Phật hòa từ trong không trung), nếu nghe từ không trung thì đó Chư Phật, chư Bồ Tát giúp mình ?????



Trân Trọng

Cảm Ơn!!!!



Trả lời:



Long,



Diệu Âm nghe Long nói, nhờ nghe thư trả lời cho Thầy Tuấn mà giải tỏa trong tâm. Tuy nhiên, trong thư hỏi thấy Long chỉ trích lại có một đọan nhỏ, còn phần còn lại, quan trọng hơn, lại không thấy trích. Sợ rằng Long hiểu lầm nên Diệu Âm lục lại thư đó và copy trọn đoạn nói về chuyện đó như phía sau để bổ túc câu trả lời cho Long nhé.



"...... Khi thành tâm niệm Phật, tiếng Phật hiệu đã nhập tâm, nhiều người đã nghe được có tiếng niệm Phật hòa từ trong không trung. Hiện tượng tốt, không phải là điều e ngại! Tuy nhiên, đây chưa phải là cảnh giới "Nhất tâm bất loạn" đâu. Xin Thầy hãy tiếp tục thành tâm niệm Phật. Phải luôn luôn khiêm nhường và thành kính, đừng bao giờ tự nghĩ là chứng đắc thì Thầy sẽ cảm thấy an lạc hơn, tự tại hơn và an toàn hơn. . .



Tiếng niệm Nam và Nữ gì đó, xin cứ giữ tự nhiên, đừng trông mong, đừng mừng khi có, đừng buồn khi mất. Ta vẫn còn đang ở trong cảnh sanh tử, tự ta phải lo tu hành, chứ không phải nghe được vậy là vãng sanh đâu. Những lời sơ siển và bộc trực này, xin Thầy xét qua......"



Long hãy xem lại đoạn thư trên cho đầy đủ nhé.



Tiếng hòa lại từ trong không trung bắt nguồn từ đâu thì Diệu Âm không dám tự quyết được. Chỉ có thể nói rằng, những người nhiếp tâm niệm Phật đôi khi có hiện tượng này xảy ra. Cảm ứng này tốt chứ không phải xấu,



TUY NHIÊN, xin chớ nên vội vã mừng rỡ! Vì một khi mừng rỡ thì coi chừng bị trở ngại, nhẹ nhất là hiện tượng cảm ứng sẽ không còn, nặng hơn là: tâm ta bị thối chuyển; nặng hơn nữa có thể lâm vào trạng thái cao ngạo, vọng tưởng, mà dễ biến thành một thứ hư huyễn bất thường, sẽ ảnh hưởng không được tốt về sau.



Tốt hay xấu đều do chính tâm mình có VỮNG HAY KHÔNG? Có THANH TỊNH HAY KHÔNG?



Tâm ta vô thường, biến chuyển trong từng sát-na. Xin cố gắng giữ gìn mức thanh tịnh cao, phải tập coi nhẹ những thứ cảm ứng bất thường, dù tốt hay xấu, dù thuận hay nghịch, cũng hãy để tự nhiên, đừng nên tham chấp vào đó. Có như vậy thì tâm ta mới an tịnh, khỏi bị vọng loạn. Nên nhớ, một khi tâm đã loạn động thì dù cho cảnh ban đầu có chân thật đi nữa, sau cùng cũng dễ dàng biến thành hư vọng. Đã thành hư vọng thì sẽ trở ngại trên đường vãng sanh cho mai hậu!



Ngài Ấn Quang luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải lấy lòng khiêm nhường, chí thành niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Có công phu huân tập đứng đắn, thì Ngài nói, dẫu có gặp ma cảnh cũng sẽ tăng thiện duyên cho mình tiến tu đạo nghiệp. Còn người khấp khểnh mừng vui, tâm tính hiếu kỳ, thường để tâm tham đắm tới những cảm ứng lạ, thì dù cho có gặp Thánh cảnh cũng dễ biến thành ma sự, hà huống chi chưa chắc đó là Thánh cảnh. Đây là lời Tổ Ấn Quang nói.



Vậy thì chính ta phải luôn chí thành, khiêm hạ tu hành. Thành tâm niệm Phật tha thiết cầu hết báo thân được Phật tiếp dẫn vãng sanh là điều an toàn nhất vậy.



Chúc Long an tịnh



A-Di-Đà Phật

Diệu Âm Úc Châu

http://tinhtong.vn/articles/read-np5...12010_143.html