Kỳ 1: Thế võ lưu truyền hơn 300 năm

Lâm Sơn Động là một võ phái được nhiều người biết đến với nhiều màn công phu đặc dị. Hiện nay, môn phái này rất phát triển với hàng ngàn môn sinh tập trung ở hàng trăm võ đường khác nhau trong cả nước. Chính thức ra đời mới hơn 20 năm, nhưng những thế võ của Lâm Sơn Động đã được lưu truyền mấy trăm năm từ đời này qua đời kia của một dòng họ.


Võ sinh Lâm Sơn Động đang thực hiện màn công phu Lưu đinh nội nhục


Mặc dù đã ở tuổi ngoài 70, nhưng võ sư Nguyễn Ngọc Bỉnh vẫn còn rất khoẻ mạnh. Cầm cây côn, ông đi một bài quyền với những động tác vừa nhanh, mạnh mà hơi thở vẫn đều đặn, mặt không hề biến sắc. Sau khi đưa chúng tôi đi tham quan một vòng từ đường tại làng Dương Cốc, Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội, ông tự hào kể về nguồn gốc và truyền thống của võ phái Lâm Sơn Động.

Võ công truyền qua nhiều thế hệ

Ông Nguyễn Ngọc Bỉnh kể, theo gia phả của dòng họ thì vào thời Hậu Lê, trong đoàn quân Tây Sơn di chuyển từ Nghệ An ra Bắc dẹp loạn có một vị tướng văn võ kiêm toàn tên là Lương Ngọc Nhuệ. Khi ra đến đất Bắc, vị tướng tài ba này chọn xứ Đoài (nay là làng Dương Cốc, Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội) để sinh cơ lập nghiệp. Tại đây, cụ đã mở lớp dạy chữ nho và chiêu nạp những người yêu thích võ nghệ với mục đích là rèn luyện sức khoẻ, bảo vệ đất nước. Từ đó có nhiều người thành tài, sáng tạo thêm những tuyệt chiêu mới rồi truyền từ thế hệ này đến thế hệ kia của dòng họ Lương Ngọc. Cụ Lương Ngọc Nhuệ có con trai là Lương Ngọc Xuân kế nghiệp rồi truyền cho đời thứ ba là Lương Ngọc Bá rồi đời thứ tư được truyền lại cho cụ Lương Ngọc Nha. Thời điểm này có một biến cố xảy ra là một nửa làng mang họ Lương Ngọc bỗng đổi thành họ Nguyễn Ngọc. Cho đến bây giờ con cháu dòng họ vẫn chưa tìm được nguyên nhân dẫn đến biến cố này, nhưng theo sự suy đoán của một số người thì có thể biến cố có liên quan đến sự truy sát của nhà Nguyễn với những người thuộc nghĩa quân Tây Sơn nên con cháu của một số dòng họ buộc phải thay tên đổi họ.

Cụ Nguyễn Ngọc Ban là hậu duệ đời thứ năm, mặc dù đã thay đổi họ nhưng vẫn được cha truyền lại võ công của dòng họ và tiếp tục kế thừa sự nghiệp của tổ tiên. Cũng luyện võ với cụ Nguyễn Ngọc Ban lúc bấy giờ có cụ Nguyễn Thị Tỵ vốn rất xinh đẹp lại thông minh có nhiều tiềm năng để phát triển võ học. Được cụ Lương Ngọc Nha và anh em đồng môn vun vén, hai người đã kết duyên và cùng nhau lưu giữ và phát triển các thế võ của dòng họ. Năm 1944, cụ Ban qua đời nhưng cũng đã kịp truyền lại toàn bộ bí kíp môn phái của dòng họ cho người vợ hiền. Theo di huấn của chồng, cụ đã truyền hết lại cho người con thứ ba là ông Nguyễn Ngọc Bỉnh và sau này cho người cháu nội là Nguyễn Ngọc Huỳnh. Võ sư Nguyễn Ngọc Huỳnh kể vẫn còn nhớ như in hình ảnh của bà nội lúc còn sống dù đã già nhưng thân pháp rất mau lẹ. Anh còn nhớ, vào một buổi trưa hè, mặc dù đã ở tuổi 84 nhưng bà nội vẫn trèo lên cây ổi cao 7m hái ổi vì bà rất thích ăn vỏ quả ổi đào chín. Từ trên cây, bà nhìn xuống gọi anh: Huỳnh! Nhìn bà nhảy này. Chưa kịp ngạc nhiên anh đã thấy bà nhảy ùm xuống mặt ao, bơi vào bờ rồi nhìn anh cười. Sau này, khi bà nội đã mất thì chính anh là người đã truyền lại võ nghệ cho em trai là Nguyễn Ngọc Hải.

Năm 1990, sau khi đã lĩnh hội được hết bí kíp võ công của dòng họ, giành được nhiều thứ hạng cao trong các cuộc thi võ thuật, môn sinh cũng ngày càng đông và lúc đó, việc xin giấy phép thành lập môn phái cũng đã dễ dàng hơn, võ sư Nguyễn Ngọc Huỳnh đã chính thức thành lập môn phái lấy tên là Lâm Sơn Động. Anh cũng được cha trao quyền chưởng môn phái và sau khi thành lập, để tri ân tổ tiên, anh đã đổi lại họ cũ là Lương Ngọc Huỳnh. Sau khi võ sư Lương Ngọc Huỳnh sang Nga, võ sư Nguyễn Ngọc Hải đã thay anh trai giữ quyền chưởng môn.

Bắt chước thú rừng

Khi được hỏi ý nghĩa tên môn phái, ông Nguyễn Ngọc Bỉnh vừa biểu diễn chiêu thức vừa giải thích ý nghĩa cái tên Lâm Sơn Động. Lâm là rừng, Sơn là núi, Động là động vật, tức võ công mô phỏng động tác của các loài động vật của núi rừng. Sở dĩ có cái tên này là do trong thời kỳ chiến tranh, cả gia đình phải sơ tán lên vùng miền núi và trong quá trình vào rừng kiếm sống nên gần gũi với nhiều loại thú rừng. Do thường xuyên quan sát cách bắt mồi của chúng, những người con của dòng họ Lương Ngọc đã bắt chước sáng lập thêm nhiều chiêu thức mới, hoàn thiện và nâng cao tinh hoa võ thuật đặc trưng của dòng họ.

Được đúc kết từ dòng võ binh chế lại ứng dụng triệt để những nguyên lý cơ bản của triết học phương Đông nên võ thuật Lâm Sơn Động là một võ phái rất độc đáo. Vẫn dùng các loại côn, kiếm, đao, thương… như các môn phái khác nhưng Lâm Sơn Động lại mang tính phản đòn nhiều hơn là tấn công. Đã đánh là kẻ thù không còn đường lui, nhẹ thì đả thương toàn thân, nặng thì tiêu vong tại trận. Người theo học môn phái này phải hội đủ hoặc rèn luyện được năm đức hạnh “trí, lực, năng, tâm, thiện” thì mới mong cầu đạt đến độ thâm hậu. Đối với các môn sinh, muốn biểu diễn được công phu đòi hỏi người học phải có trình độ cao, phải chịu đựng được khổ luyện, phải có đầy đủ về khí, thần khí nội sinh và thông kinh hoạt lạc, để tạo được thần công lực.

Võ sư Nguyễn Ngọc Bỉnh cho biết, nét độc đáo nhất của Lâm Sơn Động phải kể đến môn khí công. Đây là một môn công phu đòi hỏi người học võ phải đạt đến một trình độ nhất định đồng thời phải có tâm trong sáng, đức hướng thiện, tự tin, kiên nhẫn, kiên trì và cũng phải có năng khiếu mới luyện được. Người luyện khí công Lâm Sơn Động phải nắm được những nguyên lý âm dương cơ bản đồng thời nắm vững những quy luật sinh, khắc của học thuyết âm dương bát quái ngũ hành. Khi đã luyện đến độ đạt được sự hài hoà giữa con người và vũ trụ, môn sinh Lâm Sơn Động có thể thực hiện được những màn công phu thần kỳ.

Kỳ 2: Những màn công phu đặc dị

Với những bí quyết luyện công đặc biệt, Lâm Sơn Động đã có nhiều môn công phu với những màn biểu diễn khiến nhiều người thót tim rợn tóc gáy rồi trầm trồ thán phục và đã lập nhiều kỷ lục Guiness Việt Nam.


Màn biểu diễn hít bát vào bụng kéo ôtô của môn sinh Lâm Sơn Động

Cung thể thao Quần Ngựa, Hà Nội vào một buổi sáng tháng 10, tất cả mọi người đứng quanh đều nín thở, chăm chú nhìn vào giữa sân. Một võ sinh đang cởi trần ngồi trên ghế, gương mặt bình thản với nụ cười trên môi. Bên cạnh đó là một võ sinh khác mặc đồng phục xanh tay cầm búa, tay cầm cây đinh dài gần hai tấc chuẩn bị đóng vào lưng đồng môn. Khi cây đinh chạm vào vai và cây búa ấn xuống, nhiều người yếu bóng vía không dám nhìn. Nhưng rồi cây đinh cứ lún dần vào da thịt, xiên ngang đâm ra ngoài mà không hề có giọt máu nào chảy ra. Mọi người đứng xem đều đồng loạt vỗ tay và xuýt xoa thán phục.

Những kỷ lục công phu đặc dị

Trên đây là màn biểu diễn công phu Lưu đinh nội nhục của môn sinh Nguyễn Khả Trường tại liên hoan Võ thuật cổ truyền Việt Nam nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Sau màn biểu diễn đóng đinh vào người đó, mọi người lại nín thở khi xem tiếp tiết mục Dụng thương thôi xa của một võ sư khác. Cây thương dài với đầu nhọn hoắt, sáng loáng với một đầu đè lên chiếc ôtô làm điểm tựa, đầu nhọn cắm vào cổ võ sư. Nhiều người há hốc kinh ngạc khi thấy đầu mũi thương bị cong đi nhưng cổ của võ sư không hề chảy máu, cũng không một vết trầy xước. Buổi sáng hôm đó, Lâm Sơn Động đã nhận được những tràng pháo tay vang dội của khán giả khi biểu diễn thêm nhiều tiết mục nữa như Thôi sơn phá thạch là dùng đá đặt trên bụng rồi lấy búa đập, Nhãn bì khiêu thuỷ là dùng hai đồng tiền xu có đục lỗ ở giữa rồi luồn dây qua lỗ, một đầu có móc rồi dùng lực của mi mắt hút lấy hai đồng xu và đặt hai xô nước vào hai cái móc và nhấc lên, Giác pháp công là hít bát vào bụng rồi kéo ôtô…

Võ sư Nguyễn Ngọc Hải, quyền chưởng môn cho biết, Lâm Sơn Động đã có 52 nội dung ứng cử xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam và đã có 27 tiết mục được công bố là phá kỷ lục trong chương trình “Chuyện lạ Việt Nam”. Xem chương trình này, khán giả đã phải nhiều phen ngạc nhiên thán phục trước những tiết mục như: đập tảng đá 500kg lên bụng, trải cót chạy trên mặt nước của võ sư Đỗ Bá Cường hay đứng trên độ cao 2m nhảy thẳng vào đống thuỷ tinh, nằm sấp trên năm ngọn thương đẩy lên cao của võ sư Trần Phi Hồng. Giới võ thuật từng phải chấn động trước tiết mục Thưởng nhạc lưu đinh, vừa ngồi chơi đàn vừa đóng đinh vào người một tiết mục cũng được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam của Võ sư Nguyễn Ngọc Hải. Anh ngồi độc tấu đàn guitar trong khi 11 chiếc đinh lần lượt được đóng vào cơ thể nhưng tiết tấu tiếng đàn vẫn không thay đổi và nét mặt vẫn ung dung tự tại. Đặc biệt phải kể đến những tiết mục phá kỷ lục thế giới của võ sư Nguyễn Ngọc Huỳnh như hít bát vào bụng treo trên không đã vượt qua kỷ lục thế giới tới 20 phút tại Matxcơva.

Hiện môn phái Lâm Sơn Động có đến mấy ngàn môn sinh nhưng những người luyện được khí công không nhiều. Theo quy trình học, sau khi học võ, nắm được các đường quyền thế thủ nâng cao, nhuần nhuyễn về binh khí, người học mới được tham gia rèn luyện về khí công. Để đạt tới bước này, người học nhanh cũng phải mất tới ba năm, người chậm cũng phải năm năm và để luyện khí công thành tựu thì phải mất thêm năm đến mười năm nữa

Giải mã công phu Lâm Sơn Động

Lý giải vì sao những võ sư của Lâm Sơn Động có thể thực hiện được những màn công phu đặc dị mà cơ thể không hề bị đau hay trầy xước gì, anh Nguyễn Ngọc Hải cho biết, theo khoa học thì người khổ luyện công phu có khả năng tự sinh ra morphine nội sinh nhiều lần hơn người thường. Morphine nội sinh này khi kết hợp với chất receptor có trong não bộ tạo thành hợp chất mới receptor opiit có tác dụng làm giảm đau. Chất này không gây nghiện và tự hoá giải sau khi kết thúc tập luyện hoặc biểu diễn. Vì vậy mà các võ sinh có thể chịu đựng mọi va chạm mạnh mà không cảm thấy đau đớn.

Anh Hải cho biết, các võ sinh muốn luyện thành công cách vận khí, điều kinh thường trải qua quá trình luyện tập khổ hạnh, ở nhiều môi trường khác nhau. Chìa khoá để đảm bảo võ sinh có thể luyện và biểu diễn được những màn công phu đặc dị là phải đạt đến độ tâm tĩnh và định thần. Cách mà Lâm Sơn Động thường áp dụng để nắm bắt được sự đạt ngộ của các võ sinh khi bắt đầu một quá trình luyện tập khí công, đó là dùng đinh đóng vào cơ thể. Việc đóng đinh sẽ mang lại rất nhiều tác dụng trong việc điều hoà khí huyết. Khi hỏi về việc 11 chiếc đinh đâm vào cơ thể mà không hề chảy máu hay gây đau đớn, anh Hải giải thích: là do đã điều chỉnh huyết áp xuống thấp. Với người bình thường, huyết áp là 70 – 80/120 nhưng khi thực hiện môn công phu Thưởng nhạc lưu đinh, anh đã tĩnh tâm định thần, dung thần sai khí, dung khí nhập định để đưa cơ thể về trạng thái nhịp tim, nhịp mạch giảm xuống đồng nghĩa với khí huyết không chảy mạnh, huyết áp lúc đó xuống rất thấp. Khi đó, máu ở các động mạch chủ sẽ chảy lờ đờ, và chiếc đinh ghim vào sẽ không làm vỡ các động mạch dẫn đến chảy máu.

Với môn Giác pháp công, quá trình luyện tập phải sung khí ở trung tiêu đưa khí dương vào, đẩy tà khí đi và có sự trao đổi khí ở đó. Từ “giác” có nghĩa là rút khí âm vào chiếc cốc được úp ở vùng đau khi ta giác hơi. Người luyện môn này phải sung khí thật tốt ở trung tiêu và hệ thống nội tạng của cơ thể cũng phải vận hành đảo đi đảo lại nhiều lần để làm quen với trạng thái luân chuyển nội tạng, sẽ tạo ra sự trao đổi khí nên một chiếc bát bình thường không cần keo, cồn chỉ cần úp vào bụng cũng sẽ bị hút dính lấy cơ thể và có thể kéo được chiếc xe tải nặng 4,5 tấn đi một quãng đường 18 – 20m.

Cùng với rất nhiều kinh nghiệm dân gian, kết hợp với các học thuyết của âm dương và khí công, những màn công phu của Lâm Sơn Động đã chứng minh con người có những khả năng kỳ diệu mà nếu được rèn luyện đúng phương pháp sẽ phát tiết ra ngoài.

Theo báo SGTT