'Quyền lực mềm' giúp Chúa Nguyễn mở cõi thành công
Cập nhật lúc 27 PM, 08/05/2011

(ĐVO) Trong cuộc mở cõi trải dài về hạ lưu sông Cửu Long (Sài Gòn bây giờ), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên là người đặt nền móng vững chắc ban đầu khi biến 2 công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Hoa (con gái chúa) thành thứ "quyền lực mềm" đối với các hoàng đế lân bang.



Đồng lòng vì quốc gia đại sự

Ngọc Khoa và Ngọc Vạn không chỉ xinh đẹp mà còn tài chí, một lòng giúp phụ thân hoàn tất sứ mệnh mở mang cõi Việt.

Năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên lên thay Nguyễn Hoàng. Ông cho cải tổ lại bộ máy theo phiên chế của họ Nguyễn, bắt đầu ly khai chính quyền Lê Trịnh. Lúc này, Hạ lưu sông Cửu Long vốn là một vùng đất mênh mông, hoang vu hứa hẹn nhiều tiềm năng, vị chúa Nguyễn nổi tiếng tinh anh, từ lâu nung nấu sử dụng đường lối “dân đi trước, làng nước theo sau” để mở mang bở cõi. Ông cũng hy vọng biến nơi đây thành kho lương thực, tài sản quí giá cho người dân và “quốc gia” bé nhỏ của mình. Và ông suy tính, chỉ có thể dùng kế mỹ nhân mới ít phải hao tài, tốn lực.




Đèo Hải Vân. (Ảnh minh họa)


Đúng thời điểm đó, vua Chân Lạp Chey Chetta 2 muốn tìm một đối lực để chống lại lân bang Xiêm La nên xin cưới một công nữ, con chúa Nguyễn, làm hoàng hậu. Chúa Sãi chỉ đợi có thế ưng gả ngay nàng Ngọc Vạn, người con gái thứ 2, cho vị vua lân bang này. Và vào năm 1620, cuộc hôn thú có tầm "chính trị" này đã được thực hiện, có ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng Chân Lạp sau này.

Không chỉ dừng lại ở đó, ông cho cô con gái út là Ngọc Khoa, vị công nương út, vốn nổi tiếng đẹp nhất trong các công nương, giả làm người đi buôn vào đất Chiêm Thành. Danh tiếng cô lái buôn xinh đẹp đến tai vua xứ này là Po Romé. Vua lập tức cho mời nàng đến. Vừa trông thấy Ngọc Khoa, Po Romé lập tức say mê, rước về làm vợ và phong tước là nàng Bia Út (hoàng hậu Út).

Giống như chị gái, Ngọc Khoa chấp nhận cuộc hôn nhân này và về sau hết lòng phụng sự công cuộc mở cõi của vua cha.

Quyền lực mềm của những mỹ nhân


Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) là vị chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền Đàng Trong (ở ngôi từ 1614 đến 1635) sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Trong thời gian ở ngôi chúa, ông đã xây dựng một vương triều độc lập, từng bước mở rộng nước Nam xuống tận vùng hạ lưu sông Cửu Long như bây giờ.

Nàng Ngọc Vạn vốn xinh đẹp lại đức hạnh vì vậy được vua Cao Miên vô cùng yêu quý. Một mặt giúp chồng trị nước, nàng còn trở thành chiếc cầu nối đưa người Việt đến định cư ở đất nước này.

Nhờ ảnh hưởng của mình, hoàng hậu Ngọc Vạn xin cho nhiều người Việt Nam vào giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình. Bà cũng lựa lời xin cho nhiều người Việt Nam lập hãng xưởng và buôn bán gần kinh đô Oudong.

Năm 1623, lấy cớ để giúp chính quyền Miên gìn giữa trật tự, một sứ bộ của chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở ở Prey Kôr (tức Sài Gòn ngày nay) và được mở ở đó một sở thu thuế hàng hóa. Vua Chey Chetta cũng dễ dàng chấp thuận và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đấy làm ăn.

Ngoài ra, chúa Sãi còn pháo một tướng khác đến đóng ở Prey Kôr. Khi Chey Chatta mất, vùng đất từ Prey Kôr trở ra Bắc đến biên giới Chiêm Thành (tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay), đã có nhiều người Việt đến ở và khai thác đất đai.

Đổi lại, chúa Sãi hai lần giúp con rể (Chey Chetta 2) đẩy lui quân Xiêm sang xâm lược. Giáo sĩ người Italy tên Christopho Borri ở Quy Nhơn đã nhìn thấy viện binh từ Đàng Trong tiến sang Cao Miên, nên đã ghi lại trong cuốn hồi ký của mình (xuất bản năm 1631) như sau: “Chúa Nguyễn luôn luyện tập binh sĩ và gởi quân đội giúp vua Cao Miên, tức chàng rể chồng của con chúa. Chúa viện trợ cho vua Cao Miên thuyền bè, binh lính để chống lại vua Xiêm...”.

Cũng nhờ những bước di dân đi trước này của chúa Sãi, trong đó người có công đầu là nàng công nữ Ngọc Vạn, mà công cuộc sáp nhập Cao Miên về với lãnh thổ Việt sau này có nhiều thuận lợi hơn.

Cũng giống như chị gái, Ngọc Khoa ở đất Chàm 20 năm đã giúp cho tình thân hữu hai nước khăng khít. Bà từng bước đưa người dân Việt vào khai khẩn, lập nghiệp. Nhưng năm 1651, đất nước này xảy ra một cuộc nội loạn, chia phe phái giết hại lẫn nhau, Hoàng hậu Ngọc Khoa và đức vua đều bị sát hại. Hiền Vương (sau này là vị chúa Nguyễn thứ 4 của chính quyền Đàng Trong) phải đưa quân vào cứu, dẹp tan loạn, rồi đặt người Việt giữ đất trị an. Từ đó, Chiêm Thành sáp nhập vào lãnh thổ Việt thành những tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết.

Ca ngợi công lao của hai nàng, Á Nam Trần Tuấn Khải đã chấp bút đề thơ: “Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài/Nghìn xưa Trưng Triệu đã từng oai/Noi gương Khoa, Vạn, hai công chúa/Một sớm ra đi mở đất đai”…

Vân Nhi