Ðây là câu chuyện bên Ấn Ðộ. Một ngày kia, có một vị thầy khai ngộ bảo đệ tử bỏ đời xuất gia theo ông. Tuy nhiên, người đệ tử nói rằng vợ anh, cha mẹ, anh em, tất cả mọi người thương anh nhiều lắm, và anh không nỡ bỏ họ. Sự ra đi của anh sẽ đem rất nhiều đau khổ đến cho gia đình. Vị thầy nói: "Ðể tôi chỉ anh thấy gia đình anh yêu thương anh tới cỡ nào".

Thế là hai người cùng đi tới nhà của người đệ tử. Vị thầy đưa cho học trò một viên thuốc bảo anh ta trốn bên ngoài, rồi giả bộ là người lạ. Sau khi nuốt viên thuốc vào, người đệ tử trở thành như chết, tim ngừng đập hoặc không thở, thân thể cứng đơ, lạnh ngắt. Gia đình anh khóc lóc xin Trời Phật cứu, nhưng không hiệu quả.

Bỗng nhiên vị thầy đi vào nói với họ rằng: "Tôi có thể cứu được người bà con của quý vị". Nghe vậy họ sung sướng, lạy lục, năn nỉ ông thầy cứu người đó ngay lập tức. Vị thầy nói: "Nhưng với một điều kiện. Muốn anh ấy sống lại thì một người phải chết thay, bởi vì đây là luật nhân quả. Nếu tôi làm anh ấy sống lại thì tôi phải chết thay cho anh ấy. Nhưng tôi không phải là thân thích! Anh ta là người thân của quý vị. Nếu quý vị thương anh ấy nhiều như vậy thì quý vị phải vui lòng chết thế. Tôi chỉ là người qua đường, sao lại chết thay? Cho nên nếu một người trong quý vị sẵn lòng chết thay cho anh, tôi sẽ mang hồn anh trở lại ngay lập tức. Vì không thể thoát khỏi luật của nhân quả, một sự đổi chát phải xảy ra."

Không một người nào sẵn sàng chết thay cho anh. Họ lấy cớ rất hay. "Nếu tôi chết, ai sẽ lo cho cái nhà này?" "Nếu tôi chết, ai sẽ lo công việc làm ăn?" Mặc dầu vợ của người đệ tử đó rất yêu anh ấy, đã khóc lóc trong tuyệt vọng, lăn lộn dưới đất, bà ta trả lời: "Không, không! Nếu tôi chết thì không có người nào săn sóc cho hai đứa con tôi." Rồi họ nói: "Thôi được, người đàn ông này đã chết rồi, chịu vậy thôi. Chúng ta hãy đem xác đi hỏa táng." Nghe vậy, người đệ tử đứng ngay dậy nói rằng: "Tôi chưa chết!" Rồi anh bái chào gia đình và ra đi theo thầy.

Có nhiều câu chuyện như vầy. Ðôi khi chúng ta thương một người, hoặc khi một người thương một người, luôn luôn có những khía cạnh nào đó thiếu hoàn mỹ. Thường thường chúng ta không thương người khác nhiều tới độ quên thân mình hoặc sẵn lòng chết cho người đó. Vì thế, có nhiều cái chúng ta không biết được sự thật nếu không trải qua kinh nghiệm đó. Chúng ta chỉ nhận thấy qua những hình ảnh bên ngoài, nó không hẳn là đúng.

Những cái chúng ta lưu luyến ở thế giới này không phải là cứu cánh. Tốt hơn hết là đừng trở lại, bởi vì dù quyến luyến, gắn bó tới mức nào, một hồi rồi cũng phải ra đi. Thành ra, tốt nhất là sửa soạn trước, tới giờ đi thì mình đi luôn. Nếu không, kỳ sau trở lại, chúng ta lại quyến luyến nữa, ràng buộc nhau nữa. Sau một hồi lại phải bỏ đi lần nữa. Lúc đó mấy người bà con đau đớn vô cùng. Thành thử tốt hơn hết ra đi một lần là xong, không cần trở lại gây khó khăn cho người khác. Ðây cũng là một hành vi hiếu đạo. Quý vị thấy vậy không? (Mọi người: Dạ)

Giữa vợ chồng cũng vậy. Sau một thời gian, mỗi người đi một ngả. Vì cả hai lúc giã từ đều luyến lưu, đau khổ, thì đừng có lập lại. Do đó chúng ta phải chuẩn bị về mặt tâm linh. Ra đi dứt hẳn thì tốt hơn. Ðừng trở về để diễn lại cảnh đau thương ấy. Nếu không, chúng ta sẽ khổ và người kia cũng khổ. Ích lợi gì đâu?

ST