Có lần, khi Mahatma Gandhi đang tuyệt thực tại Ấn Ðộ, một người Ấn Ðộ giáo đến nói với ngài: "Tôi chắc chắn sẽ đi địa ngục, và không ai có thể cứu được tôi. Nhưng tôi vẫn muốn cúng dường ông chút đồ ăn bởi vì ông đang tuyệt thực cho chúng tôi. Tôi không muốn ông chết đói và khiến tôi bị trách nhiệm về một tội ác nữa khi đi địa ngục". Sau đó, người đàn ông đưa cho Gandhi miếng bánh mì và bảo ngài hãy ăn, nói rằng: "Làm ơn ăn bánh. Tôi chưa sẵn sàng đi địa ngục cho đến khi nào ông ăn xong miếng bánh mì này".

Gandhi hỏi người này vì sao ông nghĩ sẽ phải đi địa ngục. Ông trả lời rằng ông là người Ấn Ðộ giáo, và con ông đã bị người Hồi giáo giết trong trận chiến giữa Hồi giáo và Ấn Ðộ giáo. Vì vậy, để trả thù, ông đã giết một đứa bé Hồi giáo một cách ác độc, nhưng sau đó cảm thấy rất tội lỗi. Gandhi nói: "Tôi biết có một cách cứu anh khỏi địa ngục. Hãy tìm một đứa bé Hồi giáo đã mất cha mẹ, hay bất cứ đứa bé mồ côi nào, đem nó về nhà, nuôi nó trưởng thành như một người Hồi giáo. Rồi anh sẽ không đi địa ngục".

Lời bàn:

Tôi không nghĩ rằng đề nghị của Gandhi có thể lập tức xóa bỏ nghiệp chướng của người đàn ông này. Chúng ta cũng không biết chắc phương pháp này có thật sự cứu được ông thoát khỏi địa ngục hay không. Tuy nhiên, ý kiến này rất hay. ít ra cũng giảm bớt được cảm giác tội lỗi khi ông còn sống. Thêm vào đó, trong khi nuôi nấng đứa trẻ, ông sẽ thể nghiệm được tình cha con. Ðiều này cho ông niềm an ủi và cảm giác xứng đáng được nhìn đứa trẻ lớn lên và học hỏi. Việc nhận một đứa bé mồ côi sẽ cho ông thêm sự tự tin và mãn nguyện. Vì vậy, đây là một hiệu pháp để giảm bớt cảm giác tội lỗi của ông.
Nếu ông ta cứ tiếp tục than thở về cảm giác tội lỗi của mình, nó cũng chẳng giúp gì ông. Làm vậy chỉ vô ích. Lại càng không giúp được chính ông! Không cần biết mỗi ngày chúng ta tự quở trách mình đến đâu, chúng ta vẫn không xóa bỏ được cảm giác tội lỗi trong tim, khi biết rằng mình đã làm điều xấu, ngoại trừ chúng ta thể nghiệm được một cảm giác sung sướng hơn để xóa bớt lỗi lầm khi trước, và giảm thiểu đến độ như không còn hiện hữu nữa. Khi chúng ta thành tựu được việc gì, hoặc cảm thấy hạnh phúc, thành quả này có thể làm giảm bớt và xóa nhòa cảm giác tội lỗi của chúng ta.
Thí dụ như, khi ánh sáng mặt trời thật mãnh liệt, dù có một mảng tuyết lớn trên mặt đất, nó cũng sẽ tan đi. Tôi đã có kinh nghiệm này ở Nhật Bản. Ðôi khi trời tuyết liên tục ba, bốn ngày, nhưng khi mặt trời xuất hiện, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ là tuyết tan biến! Lúc đầu, tuyết trắng bao trùm toàn khu vực vì trong mấy ngày tuyết rơi liên tục, nhưng khi mặt trời ló dạng, tất cả băng tuyết từ từ tan đi và biến mất.
Do đó, chúng ta nên làm tiêu tan tội lỗi giống như làm tan tuyết. Bằng không, nếu chúng ta cứ ôm ấp cảm giác tội lỗi, không những thật vô nghĩa, mà còn khiến chúng ta cảm thấy phiền muộn và căng thẳng. Thêm vào đó, nó còn đem đến sự căng thẳng cho những người chung quanh. Khi chìm trong bóng tối, chúng ta không thể tiếp xúc với người khác; chúng ta trở nên lạnh lùng đối với bất cứ những điều gì họ nói. Cho dù họ nói chuyện khôi hài, chúng ta nhiều lắm cũng chỉ cố gắng mỉm cười và rồi lại chôn vùi vào những cảm giác bi quan, phủ định, không thể làm cho mình vui; bởi vì niềm vui này không quan hệ gì đến cảm giác tội lỗi của chúng ta. Vì vậy, chỉ có cách là làm điều gì đó để đền bù tội lỗi của mình, chúng ta mới có thể thật tình hạnh phúc. Do đó, mỗi hậu quả đều có một nguyên nhân.
Hối lỗi và khiêm nhường là điều rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là yêu thương chính mình. Nếu một người không thể thương chính họ thì làm sao có thể thương ai khác? Thương chính mình không có nghĩa là ích kỷ, là lấy tất cả về cho mình, hoặc chỉ nghĩ đến mình trong mọi trường hợp mà không quan tâm đến cảm giác hoặc sự tiện nghi của người khác, hoặc không làm gì để giúp người khác hạnh phúc, chỉ quan tâm đến hạnh phúc cá nhân mình và đổ lỗi cho kẻ khác khi mình không có được niềm vui. Ðây không phải là yêu thương chính mình, mà là độc đoán, chuyên quyền, và ích kỷ! Ðó lại là chuyện khác.
Yêu thương chính mình bao gồm nhận thức rằng đẳng cấp tâm linh của chúng ta không được cao lắm, do đó khi thiền định, chúng ta tập trung không giỏi. Có thể là trong những kiếp trước thiếu sự hướng dẫn của một Minh Sư khai ngộ, chúng ta đã vô minh và tạo nên nhiều nghiệp chướng hơn những người khác. Vì vậy trong kiếp này chúng ta không thể tu hành tốt đẹp, hoặc tiến bộ chậm chạp. Do đó mà chúng ta nên thương chính mình nhiều hơn. Khi thấy ai như vậy, chúng ta tội nghiệp cho họ, vậy chẳng lẽ chúng ta không biết thương xót chính mình hay sao? Thành ra, chúng ta nên cố gắng làm hết sức mình và cải thiện bản thân càng nhiều càng tốt thay vì chỉ nói: "Tôi rất ân hận; quý vị không thấy sao? Tôi đã sám hối rồi. Vậy chưa đủ sao?" Không, như vậy không đúng.
Hối hận thật sự có nghĩa là tự dạy dỗ chính mình, giúp đỡ chính mình, khuyến khích chính mình và nhắc nhở chính mình nên làm tốt hơn trong tương lai. Nên ghi xuống tất cả những điều mà chúng ta biết là tốt cho mình và người khác, và cố gắng làm hết sức tốt đẹp. Trong khi đó, chúng ta cũng nên thay đổi những thói xấu của mình từng cái một cho đến khi không còn nữa.
Vì vậy, chúng ta cần phải quan tâm về cả hai phương diện thay vì mỗi ngày cứ tập trung đầu óc vào tội lỗi của mình, rồi cứ ở trong bóng tối, không chịu áp dụng những phương pháp cải biến khẳng định. Làm vậy không ích lợi gì và chẳng tốt gì cho mình. Chúng ta nên nghĩ tới những phương cách để đền bù, và khi làm việc thiện lành, chúng ta sẽ cảm thấy được an ủi, khuyến khích, và từ từ sẽ quên đi tội lỗi của mình. Bằng cách này, những thói xấu sẽ tự động thay đổi và chúng ta sẽ tha thứ cho mình.
Bằng không, chúng ta sẽ không thể tha thứ chính mình. Không phải là người khác không tha thứ chúng ta, mà là chúng ta bị áp lực cho tới chết do chính cảm giác tội lỗi của mình gây ra. Ðịa ngục được tạo thành bằng cách này. Những kẻ lầm lỗi không thể tìm được cách đền bù, cho nên họ không thể tự tha thứ chính mình. Không phải là Thượng Ðế hay bất cứ người nào trừng phạt chúng ta. Chúng ta là chủ nhân của tất cả chúng sinh; không một ai có thể trừng phạt chúng ta được ngoại trừ chính chúng ta. Chúng ta cho phép mình chìm xuống đến mức độ này chỉ là để dạy dỗ chính mình.

ST