Ở Hà Nội, cách hành xử xấu đã thành quán tính
13/05/2011 0758

- Là người rất am hiểu và yêu văn hóa Hà Nội, nhà nghiên cứu Giang Quân có cái nhìn rất khách quan về những cái đẹp cũng như cái chưa đẹp của mảnh đất này.

Chỉ còn 5% người Hà Nội gốc

Ông là người Hà Nội gốc?

Quê tôi ở Cẩm Giàng, Hải Dương. Gia đình lên Hà Nội từ những năm 50, như vậy là sống ở mảnh đất này đã hơn 60 năm rồi. Mình nhận thức được cái hay, cái đẹp của văn hóa Hà Nội, từ lời ăn tiếng nói đến cách ứng xử, giao tiếp đều rất văn minh, thanh lịch, mình tiếp nhận được cái đó, gần như trở thành người Hà Nội (cười).

Thực ra, qua bao nhiêu thời kỳ, sự giao lưu văn hóa tràn vào, số người Hà Nội gốc, tính theo diện tích mở rộng hiện chỉ còn khoảng 5%.

Có phải vì thế mà những gì là tinh hoa của văn hóa Hà Nội giờ không thể phát tiết ra nổi?

5% của hơn 6 triệu người thì có là bao nhiêu. Chỉ đơn cử như chuyện tất cả mọi mặt đường phố, trừ mấy phố Hàng Ngang, Hàng Đào của các nhà tư sản lớn, còn các phố khác, người Hà Nội rút vào ngõ, bán nhà cho những người giàu mới ở các tỉnh về mua để mở cửa hàng.

Quanh khu nhà tôi cũng thế, chỉ còn có 2 nhà cũ, còn bán nhà hết rồi. Người tỉnh khác về đây cũng mang cái tinh hoa, cái văn hóa của quê hương họ tới, nhưng đồng thời cũng đem theo cái nếp sống kẻ quê, có sự luộm thuộm, xô bồ, không tuân thủ kỷ cương, trật tự đô thị. Do đó, ta cũng không nên lấy làm lạ vì cái cảnh lộn xộn ngoài kia. Phải có thời gian, dần dần người ta sẽ thấy ra.


Nhà nghiên cứu Giang Quân: Người Hà Nội giàu không ai biết, nghèo không ai hay.


Theo ông, cái gì là đặc trưng của văn hóa Hà Nội?

Đó là cái hào hoa, phong nhã, lịch sự. Người Hà Nội giàu không ai biết, nghèo không ai hay. Xưa có mấy ai đeo những cái nhẫn, những cái vòng vàng to như bây giờ. Ngay cả khi nhà hết gạo, phải sang hàng xóm vay, cũng phải đặt cái rá vào trong tráp để người khác không biết là đi vay gạo. Những việc nho nhỏ đó nhưng nó là một cái gì đó hết sức tinh tế. Trong gia đình cũng rất có trật tự, gọi là có gia phong.

Các gia đình như gia đình cụ Nguyễn Lân, cụ Hoàng Tích Trí, cụ Đào Duy Anh... vẫn luôn giữ được gia phong. Chính những gia tộc như thế đã giữ cho Hà Nội còn một chút thanh lịch.
Nhà nghiên cứu Giang Quân tên thật là Nguyễn Hữu Thái, sinh năm 1927. Ông nguyên là trưởng ban biên tập Thông tin - Triển lãm, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Ông là tác giả của 30 cuốn sách viết về văn hóa Hà Nội.

Chỉ nhìn vào cái xấu là không nên

Tôi có đọc được vào thời Hồ Quý Ly, khi rời về Tây Đô, ông ta đã đặt ra tiêu chuẩn để lựa chọn người vào sống ở kinh đô mới. Theo ông, nếu có Luật Thủ đô, ta có nên đặt ra các tiêu chuẩn này không?

Có quy định cả đấy, nhưng người ta không theo. Tôi vào Đà Nẵng thấy trong đó có đặt ra tiêu chuẩn để nhập hộ khẩu là phải có bằng đại học. Hà Nội thì hơi khó vì đây là thủ đô, không thể cấm người bốn phương tìm về. Thường những người tài hoa, giỏi giang đều tìm cách về thủ đô, vì mảnh đất này tạo điều kiện cho họ phát triển. Hà Nội là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, từ xưa đến nay vẫn thế. Còn những người nhà quê ra đây làm đủ mọi nghề, chính họ cũng phục vụ cho việc xây dựng thủ đô. Vì vậy, phải chấp nhận và tìm biện pháp mà quản lý thôi.

Nói thật là cứ đi ra khỏi Hà Nội là thấy hết bức bối, chứ ngày ngày phải chịu cảnh tắc đường, bụi, rác, rồi nói tục, chửi bậy, khạc nhổ ra đường... thì làm sao mà yêu được.

Có nhiều bài viết về Hà Nội kinh lắm. Theo tôi chỉ nhìn vào cái xấu là không nên, phải nhìn vào cái tốt. Hà Nội bây giờ khác Hà Nội của 50 năm trước như thế nào, đời sống xã hội ra làm sao. Nếu chỉ nhìn vào những hiện tượng không hay mà nói Hà Nội không ra sao, như thế là ý thức công dân của anh trong việc xây dựng rất kém.

Vậy ông yêu là yêu Hà Nội của ngày xưa?

Hà Nội bây giờ tôi cũng yêu, yêu ở khía cạnh khác, mình phải biết loại trừ thôi. Không thể ôm đồm tất cả được. Lên Hồ Tây, thắng cảnh đẹp như vậy mà người ta chiếm ghế ngồi bán hàng, phơi quần áo rách lên lan can ấy. Nhưng đấy là cách quản lý đô thị của mình dở, nếu mình quản lý tốt, tự khắc nó đi vào trật tự, nền nếp.

Tức là không việc gì phải buồn?

Việc đấy là tất nhiên thôi, chúng ta đừng sốt ruột. Rồi một ngày nào đó khi dân trí được nâng lên và người ta nhận thức ra hành động ấy là không hay. Tôi viết rất nhiều về văn hóa người Hà Nội, nhưng nó cứ như hòn đá rơi tõm xuống nước, không thấy đâu cả. Thế nhưng, vẫn cứ phải làm thôi, vẫn cứ phải giáo dục, tranh luận về thế nào là thanh lịch của người Hà Nội để từ đó người ta nhận thức ra.

"Cảm ơn, xin lỗi" là câu cửa miệng của người Hà Nội xưa

Vừa rồi sau vụ động đất và sóng thần ở Nhật Bản, báo chí ca ngợi người Nhật và lại phê bình tính vô kỷ luật của người Việt. Nhưng tôi thấy người Việt, nhất là người Hà Nội trước đây cũng rất lịch sự và kỷ luật đấy chứ?

Đúng vậy. Thời kỳ bao cấp, người ta đứng xếp hàng mua hàng nhường nhau đẹp lắm chứ. Cũng có chen lấn nhưng không nhiều. Nhận hàng của cô bán hàng, trả tiền mua hẳn hoi mà vẫn nói cảm ơn. Câu cảm ơn, xin lỗi là câu cửa miệng của người Hà Nội xưa. Nhưng giờ đây nó mất đi đâu cả rồi.

Theo ông tại sao cái nét đẹp đó lại mất đi?

Có lẽ vì người ta nhiều tiền quá, giàu quá trở nên khinh người, hợm mình, luôn làm theo ý mình và cho những hành động của mình là hay. Vì thế mới sinh ra những cái lố lăng đó. Chúng ta nhiều khi lại vô tình phù trợ cho lối sống xa hoa, tiêm nhiễm vào đầu óc lớp trẻ sự sùng bái vật chất. Giờ thì cách hành xử ấy đã trở thành quán tính.

Đã thành quán tính thì sẽ khó mà sửa được?

Mọi cái đều có quy luật của nó. Cái xấu sẽ bị đào thải dần, không nên lo lắng quá. Ta cứ bình tĩnh xử lý từng vấn đề, dần dần sẽ khắc phục những yếu kém. Nôn nóng quá cũng không giải quyết được. Nếu nhìn lại mấy chục năm trước mình cấm quần loe, quần ống bó... nhưng không được, vậy mà sau không cần cấm tự nó cũng mất. Chúng ta nên giữ mình và bảo vệ cho con cháu mình và để những điều tốt đẹp tỏa sáng ra xung quanh.

Tôi nghĩ mình giữ mình cũng là khó rồi, nói gì đến những người xung quanh. Ví dụ, tôi nhìn thấy người ta vứt rác, tôi nhắc khéo người ta lại chửi, có khi còn đánh cho ấy chứ.

Tốt nhất là đừng nhắc, hãy nhặt rác bỏ vào thùng, không cần nói năng gì. Trước cửa nhà tôi có bến xe buýt, người ta đứng đợi rồi vứt rác ra đó, mình cứ lẳng lặng cầm chổi ra quét. Những người có lương tâm họ sẽ ngượng mà lần sau không làm thế nữa. Biết ngượng là còn tốt. Nếu không cũng đành chịu. Đó là thực tế đáng buồn. Nhiều khi chúng ta thấy việc xấu mà phải lờ đi vì sợ. Sợ là phải, nhỡ nó đấm cho một phát thì đau. Kêu ai. Ai cũng thế thành ra vô cảm.

Nghe thế thấy bi quan quá?

Đừng bao giờ bi quan. Dù hằng ngày ta vẫn nhìn thấy, vẫn phải chấp nhận những hiện tượng đáng buồn đó, nhưng phải nhận thức được bản chất, quy luật của nó thì sẽ không bi quan. Mình luôn lạc quan thì tâm hồn mình thanh thản.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này!

Nhật Minh (thực hiện)