kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Nhựa độc Prua - sức mạnh đại ngàn

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Nhựa độc Prua - sức mạnh đại ngàn

    Nhựa độc Prua - sức mạnh đại ngàn
    11:18' 25/03/2008 (GMT+7)

    Đó là một chất nhựa cây cực độc, chỉ người Ve mới có. Xung quanh nó là những huyền thoại về sức mạnh của đại ngàn.

    Người Ve uống nước lá đầu nguồn, săn con nai, con hoẵng. Chết trả thân cho rừng. Cuộc sống hoang dã đã dạy cho họ nghĩ ra cách dùng chất độc để săn thú dữ và giết quân thù.

    Những người thợ săn làng Pêtapoót kể rằng chất độc Prua làm máu người đông cứng trong vòng 20 bước chân. Chưa có con vật có máu nào là không chết dưới chất độc này. Những bí quyết pha chế chất độc không được truyền cho người ngoài dòng tộc.

    Truyền thuyết độc Prua

    Kring Phông Nhấp, 50 tuổi là thợ săn lừng lẫy nhất làng Pêtapoót. Trên vách nhà của ông có đến hàng trăm xương đầu, nanh heo và móng vuốt các loài thú. Ông cũng là người duy nhất có thể tìm thấy cây Prua và biết cách chế biến loại độc dược này. Ông Nhấp khẳng định rằng tại đầu nguồn con sông Ring, trong rừng sâu sông Thanh vẫn còn hai cây Prua xanh mướt, dưới gốc cây có nhiều đống xương thú.


    Kring Phông Nhấp - người chế độc Prua cho làng Pêtapoót.


    Ngày nay, các cụ già vẫn còn biết về câu chuyện trả thù giặc của chàng trai Pêtapoót nhờ vào chất độc Prua. Chuyện kể rằng trong một đêm không trăng, làng Pêtapoót bị giặc tấn công giết sạch, chỉ một chàng trai chạy thoát vào rừng. Chàng chạy mãi, chạy mãi lên thượng nguồn con sông Ring và than khóc vì tiếc thương dân làng bị giết hại, khóc vì uất hận. Một mình chàng không thể trả thù nổi nên chỉ biết khóc từ ngày này sang ngày khác.

    Khi chợp mắt nằm ngủ vì kiệt sức, chàng mơ thấy một người đến gần và bảo: Muốn trả thù hãy lên thượng nguồn con sông Ring tìm cây mà trả thù. Nghe vậy, chàng thức dậy thôi than khóc, chuẩn bị lương thực, đi dọc con sông Ring gần ba tháng trời.


    Khi đến thượng nguồn, chàng hỏi các loài cây: “Cây nào trả thù giúp tôi được?” Một cây cổ thụ có tàn lá to lên tiếng: “Nhìn xuống gốc tôi thì biết”. Khi nhìn xuống đất, một đống xương thú do dính phải nhựa cây mà lăn ra chết. Chàng chặt một nhánh cây đem về làm nỏ, lấy nhựa cây tẩm vào cung tên đi trả thù cho làng.

    Chính vì sợ làng khác biết cách chế biến chất độc lợi hại này nên người Ve không truyền cách pha chế chất độc cho người ngoài dòng tộc. Kring Phông Nhấp kể rằng ông nội của ông lúc trước biết rất nhiều cách pha chế chất độc như: thuốc nhử chim cá, thuốc để người khác thương mến hay ganh ghét nhau, thuốc dùng trong buôn bán...

    Ông cũng là người duy nhất có thể lấy lá rừng xông hơi cứu người hoặc làm cho người đó chết. Nhưng ông qua đời khi chưa kịp truyền bí quyết cho con cháu nên phương thức chế thuốc này bị thất truyền.

    Chống Pháp, giữ làng bằng nhựa Prua

    Những câu chuyện kể xung quanh chất độc Prua và các loài cây thuốc có thể là mơ hồ nhưng người Ve vẫn tin ở điều đó. Bởi trên cùng một cánh rừng, người này bắt được nhiều chim cá hơn người khác, người này thấy được nhiều tổ ong hơn người kia...


    Săn bắt thú rừng - công việc chính của thanh niên trong làng.


    Kring Phông Nhấp kể rằng thời chiến tranh, người Pêtapoót đã biết dùng độc Prua để giết giặc. Năm đó, quân Pháp đóng ở đồn Bến Giằng đổ bộ vào suối Bệnh Viện, gần làng Pêtapoót cũ, sát biên giới Lào. Dân làng đã dùng cung, nỏ tẩm chất độc Prua mà bắn. Giặc trúng tên độc bước chưa tới 20 bước chân đã gục ngã. Độc Prua chỉ cần dính vào khi bị trầy xước da cũng đủ làm chết người vì máu đông cứng.

    Hôm chúng tôi tới nơi, làng Pêtapoót vui như hội. Người già, thanh niên, trẻ con tụ tập quanh nhà Kring Hội để “ăn mừng con nít”. Vợ Kring Hội vừa hạ sinh một đứa con trai tròn 10 ngày. Anh tổ chức giết gà, mổ heo, lấy rượu tà-vạt đãi cả làng theo tục lệ. Kring Hội khoe: “Con trai mình là người thứ 37 của làng. Làng ít người nên sinh thêm người được làng thương lắm. Vì vậy phải làm thật to, cúng thật lớn”.

    Trong men rượu ngà ngà, Kring Hội kể “Hôm qua, dân làng vừa săn được một con sơn dương to hơn trăm ký. Thịt sơn dương chia đều cho 10 hộ dân trong làng. Cả làng hôm nay đều ớn thịt sơn dương. Con sơn dương bị trúng độc Prua mà chết. Máu nó đông cứng nhưng thân vẫn còn ấm do mới chết.

    Người làng đã lấy tim, gan, phèo, phổi của con sơn dương bóp với lá chua và tiêu rừng ăn sống mà không sợ trúng độc. Bởi độc tố Prua không thấm qua thành ruột và đi vào máu nên vẫn có thể ăn sống nội tạng động vật vừa chết mà người vẫn khỏe”.

    Pha chế chất độc Prua

    Kring Phông Nhấp mang mũi tên vừa bắn được con sơn dương ngày trước ra cười khoe: “Mũi tên này ba ngày trước đã giết được con lợn rừng nặng gần 70 ký. Hôm sau được tiếp một con sơn dương. Mình sẽ chữa, lại thay độc để tiếp tục được thú”. Rồi ông tiết lộ về cây Prua và cách pha chế độc.


    Thịt rừng khô xông khói bếp, lương thực dự trữ của người dân Pêtapoót.


    Cây Prua thân cao, cành lá dày, thân lá to bằng ba ngón tay, vỏ cây màu trắng. Nhựa Prua màu trắng đục như mủ cây cao su. Người Ve lấy nhựa Prua bằng cách gọt vỏ cây cho nhựa cây chảy ra rồi dùng ống lồ ô hứng lấy. Chín ống nhựa lồ ô trộn với một ống nước cây thuốc lá và một cái đầu rắn hổ mang nghiền ra bột đem nấu keo. Nấu cho đến khi chất dẻo chuyển sang màu đen và keo lại còn một ống lồ ô thì có thể dùng được.

    Muốn biết chất độc có tác dụng mạnh hay yếu, thử bằng cách bắt con chuột hoặc con ếch rạch ra, bôi chất độc vừa pha chế vào. Nếu con ếch, con chuột chết ngay lập tức thì chất độc đã có tác dụng. “Con thú lớn máu nhiều hơn con ếch, con chuột. Con ếch chết nhanh thì con thú mới chết nhanh được. Nếu không, khi trúng tên nó sẽ chạy mất” - già Nhấp nói.

    Cây Prua quanh năm cho nhựa độc bốn mùa. Nhưng cách tốt nhất là lấy độc vào mùa nắng, khi đó thân cây ráo nước, nhựa cho độc tố nhiều hơn các mùa khác. Tùy theo từng vùng, từng bản làng mà có cách pha chế và các chất xúc tác khác nhau. Có người trộn thêm lá môn trên núi cao hoặc chất đất bùn, cây nước đắng để làm tăng nồng độ độc.

    Kring Hội kề tai thì thào: “Già Nhấp có chỉ cho cán bộ cũng không làm độc được đâu. Chế biến như vậy nhưng cả làng Pêtapoót này ai có biết cây Prua ra sao mà lấy nhựa. Thôi đi gài bẫy, gài thò bắt thú cũng được. Ở cánh rừng này thú nhiều vô kể. Chỉ sợ thiếu muối thôi”.

    Men rượu ngà say, già Nhấp tra một mũi tên vào nỏ, ngắm một cây cao siết cò. Mũi tên cắm phập vào cành cây trong nháy mắt, trước tiếng vỗ tay hoan hô của dân làng. Cung tên, thuốc độc là biểu tượng sức mạnh của người Ve ở làng Pêtapoót. Từ ngàn đời nay họ dùng chúng để ngăn thú dữ và chống lại quân thù và tránh để độc rơi vào tay kẻ xấu.

    Theo Tấn Vũ (báo Pháp Luật TP.HCM)
    Last edited by Bin571; 25-03-2008 at 08:24 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •