. ĐỊNH NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC CỦA THÁI CỰC QUYỀN.

Thái Cực Quyền hiện nay được biết đến như là một môn thể dục dưỡng sinh trị liệu tốt, phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Hàng triệu triệu người đã hăng say tập luyện Thái Cực Quyền. Không kể Trung Hoa là nơi đã xuất phát ra Thái Cực Quyền, các nước như Nhật Bản, Âu Châu và nhất là Hoa Kỳ đã xem Thái Cực Quyền như một phương pháp tập luyện để dưỡng sinh, thư giãn tâm hồn và chống căng thẳng thần kinh (stress) . Thật vậy, Thái Cực Quyền đã giúp trị được nhiều bệnh mãn tính của cơ thể con người mà nhiều khi không cần đến thuốc men, cũng như làm giảm những bệnh ngoại cảm thời khí, và đặc biệt làm chậm tiến trình lão hóa nơi những người lớn tuổi.

Hai chữ “Thái Cực ” được dịch từ hai chữ “ Tai Chi” của Trung Hoa. “Tai” nghĩa là mênh mang rộng lớn, “ Chi” nghĩa là tuyệt cao tuyệt đỉnh. Tai Chi hay Thái Cực nghĩa là nguyên lý tột cùng của vũ trụ, là đầu mối nguyên thủy của vũ trụ. Theo kinh dịch, vũ trụ lúc đầu là khoảng trống không gọi là Thái Cực, sau Thái Cực phân thành Lưỡng Nghi (Âm Dương). Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng (Thái Dương- Thiếu Âm -Thiếu Dương- Thái Âm) và Tứ Tượng sinh Bát Quái (Kiền- Đoài- Ly- Chấn- Tốn- Khảm- Cấn- Khôn). Đến giai đoạn Bát Quái là vũ trụ được hình thành cùng với sự sống của sinh vật trên trái đất. Còn chữ “Quyền” là dịch ở chữ “ Chuan” của Trung Hoa.

Theo võ sử Trung Hoa thì môn Thái Cực Quyền được sáng tạo vào thế kỷ13 bởi Đạo Sĩ Trương Tam Phong (Chang Sen Feng) , người đồng thời sáng lập ra môn phái Võ Đang. Nhân một hôm đang luyện tu trên núi, chân nhân Trương Tam Phong thấy một cuộc chiến đấu giữa con rắn và con chim ưng. Chim ưng dùng cánh, mỏ và móng vuốt cứng để mãnh liệt tấn công con rắn, nhưng rắn với sự chuyển mình uyển chuyển đã hóa giải được tất cả các thế đánh của chim ưng khiến chim ưng không làm gì được và phải bay đi. Từ cuộc chiến giữa rắn và chim ưng, Trương Tam Phong đã nghiên cứu và nghĩ ra một môn võ công phối hợp với triết lý của Đạo Gia, có âm có dương và dùng nhu khắc cương, đặt tên là Thái Cực Quyền (Tai Chi Chuan). Môn võ Thái Cực Quyền tỏ ra là một môn võ công tuyệt thế trong giới võ lâm hồi bấy giờ khiến môn phái Võ Đang nổi tiếng gần như ngang hàng với môn phái Thiếu Lâm đã có từ ngàn năm, và Thái Cực Quyền đã được truyền lại qua nhiều đời tại Trung Hoa. Cho đến nay có năm trường phái Thái Cực Quyền nổi danh nhất do các Đại Quyền Sư họ Trần, Dương, Ngô, Võ, Tôn đã vận dụng sáng tạo và biến cải thành môn võ đặc thù riêng của hệ phái mình và được truyền lưu cho hậu duệ. Về tính cách phổ thông thì Thái Cực Quyền họ Dương được coi như được biết đến nhiều nhất và được nhiều người trên thế giới luyện tập nhiều nhất. Về phương diện võ thuật thì tuy các chiêu thức của mỗi hệ phái có biến cải đôi chút trong phương thế và bộ vị, có thay đổi trong tên gọi và số lượng chiêu thức, nhưng tựu trung vẫn cùng tôn trọng những nguyên lý căn bản .
II. NGUYÊN LÝ CĂN BẢN CỦA THÁI CỰC THIỀN QUYỀN.

Nói một cách tổng quát, Thái Cực Quyền vận dụng nguyên lý phối hợp Âm Dương, nên các động tác đều chậm rãi, khoan thai, uyển chuyển và có hư có thực, như thế mới phát triển được cái lẽ dùng nhu để thắng cương hay cái lẽ có cương ở trong nhu..

Giáo sư Nguyễn Cao Thanh, giảng sư Đại học Rice ở Houston TX, gần 20 năm qua, sáng lập và giảng dạy nhiều lớp Thái Cực Quyền theo hệ phái của Dương Gia tại Houston, đã đem những tinh hoa của nền văn hóa và triết lý Đông Phương vào phương pháp giảng dạy, để phối hợp những tư tưởng hay của Đạo gia, Phật gia, Y lý đông tây và khoa học vào trong võ học. Do đó những lớp học do Giáo Sư giảng dạy đã được gọi là Thái Cực Thiền, thay vì Thái Cực Quyền. Khi dùng chữ Thiền, phải chăng Giáo Sư muốn các môn sinh của mình chủ yếu dùng sự tu tâm làm chỉ đạo cho sự tập luyện quyền pháp?.

Sự hiến thân cao quý và vô vị lợi lâu dài của Giáo Sư trong việc giảng dạy và phổ biến Thái Cực Thiền tại Houston TX trong nhiều năm qua, đã được Tổng Tống Hoa Kỳ George W. Bush biết đến và Tổng Thống đã gửi đến cho Giáo Sư Thanh một lá thư khen ngợi, cám ơn và chúc lành nhân dịp lễ Thanksgivings vừa qua.

Theo tài liệu giảng dạy của Giáo Sư Thanh, có 13 yếu quyết chính cần phải tôn trọng trong lúc luyện tập Thái Cực Thiền. Những yếu quyết này xin được tóm lược như sau:

1) An thư diện mục.

Người tập Thái Cực Quyền lúc nào cũng phải giữ nét mặt điềm đạm, an vui và thư thái, theo đúng lẽ hư vô của triết thuyết Lão Tử. Có biết được lẽ hư vô thì tâm hồn mới thoát ra được khỏi những tham sân si và hỉ nộ ái ố tầm thường của thế nhân.

Khi có được sự an vui thư thái thì những sự căng thẳng (stress) của thần kinh sẽ giảm và cơ thể sẽ ít bệnh tật. An thư diện mục ảnh hưởng đến hai cơ quan nội tạng là Tuyến Tùng Quả ở sâu trong não và Hung Tuyến ở trong lồng ngực,. Hai tuyến này đều tiết ra kích thích tố giúp tăng cường hệ thống miễn nhiễm và giảm mức nhũ toan trong máu, giúp tăng cường sức khỏe.

Trên phương diện tâm linh, an thư diện mục giúp con người biết gần gũi và thương yêu nhau để tạo nên một gia đình và một xã hội hiền hòa, bền vững và hạnh phúc.

2) Dũ mạn dũ hảo.

Dũ mạn dũ hảo là càng chậm càng tốt. Khi các động tác chậm rãi thì chiêu thức được chính xác, sự hô hấp sâu lắng và khí trầm nơi đan điền. Dũ mạn dũ hảo ảnh hưởng trực tiếp đến làn sóng não, với tần số não phát ra thật thấp từ 8 đến 12 chu kỳ (hertz) khiến tâm hồn được thư giãn và thần kinh không còn bị căng thẳng ( stress). Nội dung là lấy tịnh cai quản động nên nhịp tim chậm lại, khí huyết trao đổi trọn vẹn nơi từng tế bào trong cơ thể giúp lục phủ ngũ tạng được an lành.
3) Tương liên bất đoạn.

Các động tác của Thái Cực Quyền cần diễn ra từ đầu tới cuối triền miên không ngừng, như dòng nước luân lưu chảy. Chiêu thức này tiếp theo chiêu thức kia, vòng đi rồi lại trở về, tuần hoàn thao thao bất tuyệt. Kình lực cũ chưa hết mà kình lực mới đã sinh, khiến vòng quyền thức không có chỗ nào sơ hở.

Sinh khí triền miên sẽ khiến cho nội tâm an vững, nhịp tim đều hòa, làm gia tăng sức chịu đựng của cơ thể và làm điều hòa mức cholesterol trong cơ thể..

4) Hư linh đỉnh kình.

Hư linh là để khí huyết tự nhiên lưu thông, không gò ép. Đỉnh kình là đầu cổ ngay thẳng so với sống lưng, để tinh thần sâu suốt trên đỉnh, linh hoạt và dễ tập trung, đối phó thích ứng với biến động bên ngoài.

Hư linh đỉnh kình phù hợp với khoa chỉnh hình ( chiropractic) , nghĩa là giữ cho cột sống ngay thẳng, không bị lệch nhưng vẫn xoay trở được uyển chuyển .Xương sống bị lệch sẽ đè lên dây thần kinh khiến năng lượng do não bộ phát ra không tới được các lục phủ ngũ tạng và cơ thể có nguy cơ bị bệnh.

Hư linh đỉnh kình chính là phương pháp giúp cả cho hai sức mạnh thể chất và tinh thần được dồi dào.

5) Chân biệt hư thực.

Thái cực Quyền lấy sự phân biệt âm dương hư thực là điều quan trọng hàng đầu. Nếu trọng lượng toàn thân dồn về chân phải, thì chân phải là thực (dương) và chân trái là hư ( âm). Ngược lại, nếu trọng lượng dồn về chân trái, thì chân trái là thực và chân phải là hư. Cũng còn gọi là bán khinh bán trọng và điều cần nhớ làø trọng tâm của thân thể cần đặt ở điểm 1/3 trong khoảng cách giữa hai chân về phía chân mang trọng lực “dương”. Nói cách khác, sức nặng toàn thân dồn 2/3 trên chân “ thực” và 1/3 trên chân “hư”. Điều này cũng phù hợp vói nguyên lý của lực học. Có phân biệt hư thực thì sự chuyển động mới vững vàng, nhẹ nhàng và linh hoạt, không phí phạm sức lực. .

6) Hàm hung bạt bối.

Hàm hung là ngực thẳng và hơi thóp vào để khí lắng xuống đan điền. Rất kỵ ngực nhô ra vì như thế sẽ hạ bàn nhẹ đi, mất thăng bằng. Bạt bối là khí ẩn sát trong lưng khiến kình lực phát ra rất mạnh, đó là ý nghĩa của câu nói “ bốn lượng đẩy nghìn cân”.

7) Thung dung yêu bối.

Thung dung yêu bối là eo lưng buông lỏng, khiến cơ thể xoay chuyển nhẹ nhàng và cân đối trên một hạ bàn vững chắc. Eo lưng nhịp nhàng làm cho cột xương sống uyển chuyển, cải thiện chức năng của lục phủ ngũ tạng.

8) Trầm kiên trụy chẩu.

Trầm kiên là hai vai buông thõng tự nhiên khiến khí lắng trầm, toàn thân di động nhẹ nhàng. Trụy chẩu là hai cùi chỏ không căng thẳng mà hướng xuống, để bảo vệ huyệt trên đường kinh tim ở vị trí nách, nếu bị tấn công sẽø nguy đến tính mạng.