HLV Lê Văn Sức có tướng ngũ đoản rất hợp với môn vật và cả đời gắn với môn vật nên có biệt danh "Sức vật".


HLV Lê Văn Sức chỉ đạo học trò trước trận đấu. Ảnh: H.L.

Về tình yêu và niềm đam mê với môn vật ở Việt Nam, khó ai bằng HLV Lê Văn Sức. Tại giải VĐQG vật nữ lần thứ nhất, tổ chức ở huyện Thạch Thất (trước thuộc Hà Tây, nay thuộc về Hà Nội), sới vật nằm giữa hồ nước, vì quá mải mê chỉ đạo học trò trong một trận đấu rất căng thẳng, ông Sức vung tay thị phạm động tác đến mức mất thăng bằng và sau một tiếng "tùm", khán giả ngơ ngác quay ra đã thấy ông lóp ngóp ở dưới hồ nước. Cú ngã của ông đã khiến cả sới vật đông người cười nghiêng ngả. Sau này, hễ có ai nhắc đến ông Sức là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, Hoàng Vĩnh Giang, một người cũng rất yêu môn vật, lại tủm tỉm: "À, cái cậu ngã tùm xuống hồ chứ gì".

Năm 2001 môn vật nữ được gây dựng trở lại ở Việt Nam và khi đó định kiến của xã hội về vật nữ còn rất nặng nề. Ông Sức từng chịu nhiều dị nghị khi đi tìm kiếm các tài năng để gây dựng đội vật nữ đầu tiên, đến mức khi thầy trò tập luyện với nhau cũng phải tìm chỗ kín để tránh điều tiếng và phải nói dối là tập judo.

Với đặc trưng của môn vật nữ, ngay cả chuyện hướng dẫn, thị phạm động tác cho các học trò cũng có rất nhiều chuyện tế nhị, thầy trò phải hiểu nhau lắm mới tập được. Sau những vất vả ban đầu đội vật nữ Hà Nội do ông gây dựng đã có thành tích rực rỡ tại giải vô địch quốc gia 2002 với 5 tấm HC vàng trong 6 nội dung thi đấu. Thành tích này cũng giúp ông được đôn lên phụ trách đội vật nữ quốc gia đầu tiên chuẩn bị cho SEA Games 2003 tại Việt Nam.

Đội tuyển vật nữ của ông khi ấy cũng không được kỳ vọng nhiều vì phong trào vật nữ ở nước ta mới được gây dựng vài năm trong khi các nước khác như Philippines, Thái Lan, Campuchia… đã phát triển vật nữ trước chúng ta cả thập kỷ. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra khi đội tuyển vật nữ Việt Nam giành tới 5 HC vàng, trong đó có 4 người do ông Sức trực tiếp tuyển chọn và huấn luyện từ ban đầu là: Lê Thị Trang (hạng 48kg), Nghiêm Thị Giang (hạng 55kg), Nguyễn Lan Anh (hạng 59kg) và Nguyễn Hồng Hạnh (hạng 63kg). Những năm sau đó, vật nữ Việt Nam cũng thống trị ở đấu trường khu vực khi giành thêm được 3 HC vàng ở SEA Games 2005 và 4 HC vàng ở SEA Games 2007. Tất cả thành tích đó đều có dấu ấn sâu đậm của HLV Lê Văn Sức.

Nhưng ở SEA Games 2009 tổ chức tại Lào, vật nữ Việt Nam chỉ giành một HC vàng vì hàng loạt lý do khách quan. Chẳng hạn hạng cân 48kg của Nguyễn Thị Lụa không thể tổ chức vì các đối thủ khu vực nghe tên Lụa đã nhận thua. Vật Việt Nam khi đó còn mất thêm vài HC vàng khác vì bị trọng tài xử ép. Đó cũng là kỳ SEA Games cay đắng nhất của ông khi niềm hy vọng số một mất cơ hội tranh huy chương chỉ vì một lý do mà chỉ ở SEA Games mới có.

Ở đấu trường châu lục, đội vật nữ của ông Sức cũng lập được nhiều thành tích tốt, thể hiện qua thành tích 5 HC bạc và 6 HC đồng ở các giải vô địch và giải trẻ châu Á. Ngay cả chiếc HC bạc ASIAD vừa rồi của Nguyễn Thị Lụa tại Quảng Châu cũng có phần nào dấu ấn của ông Sức. Lụa là VĐV được ông Sức đào tạo từ những ngày đầu mới lên tuyển và khi ấy nhận thấy những tố chất từ Lụa, ông đã nhận định rằng cô bé này sẽ đạt tới đẳng cấp châu lục. Nhưng cú vấp ở SEA Games 2009 đã không cho ông cơ hội lên tuyển nữa sau nhiều năm gắn bó. Giờ ông là chuyên gia vật cho Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội và lại bôn ba với việc tuyển quân, huấn luyện, thi đấu.

Không chỉ nổi tiếng là chuyên gia vật nữ, ông Sức cũng từng là đô vật nổi tiếng khắp các sới vật làng. Ông từng 60 lần lên ngôi vô địch ở các hội làng với chiến lợi phẩm là 60 cái mâm đồng. Ông cũng giành được hai danh hiệu vô địch quốc gia và nhờ thành tích xuất sắc đó sau này ông đã được triệu tập vào đội tuyển quốc gia. Khi ông nghỉ thi đấu, suốt bao nhiêu năm vật Hà Nội không tìm được VĐV nào thay thế. Sau này những đô vật nổi tiếng của vật Hà Nội như Trần Văn Sơn, Đới Đăng Hỷ đều do ông tìm về từ các sới vật làng rồi mang về đào tạo và trưởng thành.

Cho tới nay làng vật Việt Nam chưa có ai vượt qua kỷ lục do ông đạt được khi ở tuổi 41 vẫn thi đấu và giành HC vàng tại Đại hội thể thao các dân tộc toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức tại Hòa Bình. Thực chất khi đó ông đã làm công tác huấn luyện nhưng bất ngờ một VĐV chấn thương không thể thi đấu được. Ông Sức đành vào đăng ký thi đấu để đảm bảo chỉ tiêu huy chương cho đơn vị chủ quản. Và điều bất ngờ đã xảy ra khi ông không chỉ giành HC vàng mà còn lập kỷ lục về thời gian chiến thắng, trong đó trận nhanh nhất chỉ mất 6 giây.

Cả đời ông Sức bôn ba với môn vật đến mức mọi việc ở nhà dường như một mình vợ ông phải quán xuyến. Nhà ông Sức ở Trung Màu, Gia Lâm, Hà Nội rộng tới 2.000 m2, có đủ ao thả cá rộng 200m2, 200 gốc bưởi Diễn, 100 gốc cam Canh.... Vợ chồng ông còn thuê thêm hơn 1.000 m2 nữa để làm vườn du lịch sinh thái. Thi thoảng được nghỉ về nhà là ông lại trần mình ra với mô hình Vườn - Ao - Chuồng, nguồn thu nhập chính của gia đình và cũng nhờ đó mà ông yên tâm công tác.

Theo nghiệp vật, quanh năm suốt tháng xa nhà, nhưng ông vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi. Mấy chục năm lăn lộn với môn vật, cùng các học trò đem về cho thể thao Hà Nội nhiều tấm huy chương quý báu nhưng cuối cùng ông vẫn không được vào biên chế và chỉ làm việc theo chế độ ký hợp đồng, trong khi có những học trò của ông giờ đã ổn định và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng.

Khánh Vy