Đạo là cái gì mà có thể bế và khai được. Chữ Đạo là một danh từ chẳng thể giải thích nổi, nó mô tả một cách không vẹn toàn cái thực thể thâm diệu mà Lão Giáo cầu nơi chúng ta sự cảm ứng hơn là thích nghĩa. Thực thể ấy bất tiêu bất diệt, không có khởi thủy, không có hồi chung cuộc, chẳng biến hình biến dạng. Thế tại sao có ngày Khai Đạo ?

Chúng ta biết rằng Đạo Cao Đài là một tôn giáo có triết lý đặc sắc của nó. Triết lý ấy không phải là một sự vá víu, vay mượn của các giáo thuyết khác đem về chấp nối một cách vụng về và được thần thánh hóa bằng cơ bút. Không phải cứ chép một đoạn trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, một đoạn trong Kinh Thánh Tân Ước trộn lẫn với vài lối giải thích siêu hình của các nhà thần học Tây Phương mà vẽ nên hình Chí Tôn, Phật Mẫu được bao giờ. Bởi vậy chữ Đạo mà chúng ta thường dùng chẳng phải cứ suy luận từ tư tưởng Lão Giáo mà thấu triệt được, nó đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn bao quát tất cả các triết lý cổ kim mới hiểu được điều hiện thực ở đàng sau danh hiệu ấy. Đó là cái gốc khởi sự phát sanh sự sống của muôn loài, tuôn tràn từ gốc ấy đến các cảnh giới siêu phàm và hiện hữu len vào trong từng diễn biến của các hiện tượng trong đời sống của cá thể cũng như tập thể. Chữ Đạo vì vậy có muôn ngàn nghĩa lý khác nhau, người chỉ nên tìm hiểu chớ đừng định nghĩa. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu một khía cạnh nhỏ trong vấn đề Khai Đạo hay Khai Tâm.

Cái lẽ thâm diệu trong trời đất gọi là Đạo, chẳng bao giờ có bế cả nên cũng chẳng có khai, nhưng cách hướng dẫn người đời nên Thần, nên Thánh, nên Tiên, nên Phật cũng gọi là Đạo thì có hồi hiệu nghiệm, có hồi không, nên cách hướng dẫn ấy có thời thịnh buổi suy, nên người đời mới gọi là bế Đạo và khai Đạo. Vậy cái hình tướng thì thay đổi mà nội dung vẫn như nhiên, sự thất kỳ truyền chẳng phải do nơi đạo pháp mà chính tại lòng người. Chính Đức Chí Tôn đã minh giải điều ấy.

" Nguyên từ buổi bế Đạo, tuy chánh pháp ra cũ mặc dầu, chớ kỳ trung thọ đắc kỳ truyền. Luật lệ tuy cũ chớ Đạo vẫn như nhiên. Do công đức mà đắc Đạo cùng chăng ..." ( Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q I, trang 38 )

Có bao giờ chúng ta dám đối diện với chính tòa thiên lương của mình, cả gan thách thức tìm cho được Đạo bị bế chỗ nào mà nay khai, hầu minh giải lời Chí Tôn cho thêm phần thiết thực. Giáo lý nhiệm mầu của Đức Phật còn đó, diệu pháp bí truyền chơn Tiên còn đó, sao đã gọi thất truyền ? Phải chăng con người đã bế lại lòng mình bằng một vòng u tối, cô lập sự sống của mình trong vòng bản ngã, nên chẳng có cơ hội thấy được ánh sáng nhiệm mầu của Đạo, cảm thông được với sự sống dạt dào tuôn chảy ở khắp mọi nơi trong trời đất. Phải chăng chính tâm linh ấy mới có thể bế và khai, chớ Đạo mà Lão Tử thường gọi có ai đóng được bao giờ mà gọi là khai. Cho nên kỷ niệm ngày khai Đạo không phải là một đề tài suy gẫm về cái vẽ ồn ào náo nhiệt của một ngày đại hội, cũng không phải là một sự hồi tưởng lại về quang cảnh ngày này, năm xưa mà là sự suy gẫm về cái lý diệu huyền của nó. Kinh điển chứa đầy mà vẫn chưa thoát tục, đó là lời cảnh cáo nghiêm trang của Thiêng Liêng với chúng ta khi còn lặn hụp trong vòng thể pháp của Tam Kỳ Phổ Độ. Chính tâm linh của chúng ta đối với ta đang bị đóng kín lại và dĩ nhiên không ngộ được Đạo. Lập Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn trao cho chúng ta cái chìa khóa để tự mình mở nó ra với sự giúp đỡ của Ngài. Đó là sự khai tâm và khi tâm khai mở thì tức khắc ngộ được Đạo, nên khai tâm cũng là khai Đạo, hai điều ấy tuy hai mà một chớ chẳng có cái trước cái sau, nghĩa là chẳng có ý niệm thời gian nào xen lẫn trong đó.

Khai Đạo vì thế chính là khai tâm vậy và khai tâm thì không phải là dễ. Nhứt nhứt mọi sự gì diễn ra trước mặt đều là một bài học cho chúng ta. Ngày khai Đạo diễn ra với bao nhiêu cảnh tượng huy hoàng, với vẽ uy nghi lộng lẫy của Tòa Thánh...nhưng tất cả chỉ là cảnh chết nếu thật sự tâm linh chúng ta không sống. Tiếp tục bế kín tâm linh mình lại chính là tiếp tục sống trong vòng cõi chết thì có bao giờ biết được sự sống là gì, trong trạng thái dật dờ như vậy, những lời nói về ngày khai Đạo của chúng ta chỉ là nét vẽ vời về cái hình tướng của Đạo, chưa phải là một sự sống thực với Đạo. Phải thực sự mở rộng lòng mình, yêu thương một cách chân thành không so đo tính toán, không có kẻ thù và người không thù, không có đối tượng tranh đấu nhằm triệt hạ mới đúng là học đòi theo sự thương yêu của Chí Tôn, Phật Mẫu và đó là khai tâm vậy. Có được như thế thì ngày khai Đạo mới thật sự Khai Đạo, bằng không thì đó chỉ là một ngày Đại Lễ.

Ngẫm vậy thay !

Hiền Tài Nguyễn Long Thành