Lược khảo về những lễ nghi trì tụng Huỳnh Đình

Có người đến được với Trời với Đạo bằng trí huệ, có người đến được với Trời với Đạo bằng niềm tin và lòng sùng tín.

Số người đến được với Đạo bằng trí huệ, dĩ nhiên là rất ít. Đối với những người có đại căn này, thì đọc kinh là hiểu nghĩa, coi kinh là phương tiện, và chẳng cần gì lễ nghi trì tụng.

Xưa nay trong đạo Lão những người trì tụng Huỳnh Đình đều trì tụng kinh này với niềm tin sắt đá rằng mình sẽ trở thành thần tiên.

Trước khi truyền kinh, họ quan hình sát sắc người đệ tử tương lai, và sau khi biết chắc chắn rằng người đó là người nhân từ, trung tín, yêu thích đời sống đạo hạnh, muốn đi tìm những điều huyền diệu, kính trọng thần minh, thầy mới truyền kinh cho trò và dạy cho biết áo nghĩa huyền vi của kinh

Khi thầy đã đồng ý truyền kinh cho trò, trò phải sửa lễ xin dâng cho thầy. Sau khi đã trai giới 9 hoặc 7 hoặc 3 ngày trò sẽ đem dâng cho thầy:

– 90 thước gấm huyền vân,

– 40 thước lụa là kim giản phụng văn.

– 9 cúc vàng.

Nếu nghèo thì có thể sửa lễ thanh đạm hơn như:

– Lụa mộc trắng

– Vải xanh

– Vòng vàng, nhẫn vàng v.v...

Thầy trò lập minh ước trước là không được tiết lộ bí quyết của Kinh cho ai, sau là thề hứa với Trời đất, với Thần minh. Một người được truyền kinh, có quyền truyền kinh cho 9 người khác.


Lại cứ mỗi năm đến kỳ bát tiết 八 節 (Lập xuân, Xuân phân, Lập hạ, Hạ chí, Lập thu, Thu phân, Lập đông, Đông chí) trò phải đem dâng thày nhẫn vàng, và 9 thước lụa xanh. Thày ghi tên ngày sinh tháng đẻ, quận huyện của đệ tử vào miếng lụa đó, lên đỉnh núi cao, hướng về phía Bắc và tấu danh đệ tử lên Thanh Đế cung, và khai bẩm đại khái rằng: «Xin cửu phủ ngũ nhạc, tứ linh, nhớ cho những tên mà tôi đã trình tấu. Sau đây ba năm xin đến đón vi hình của họ, cho phép họ được lên Bát cảnh, lên Thượng đế đình. Khải tấu xong đem chôn giải lụa nơi triền núi.»

Có lẽ chính vì vậy mà nhiều đạo sĩ than vì nghèo, nên công phu tu luyện phải diên trì.

Quyển Huyền Diệu Cảnh 玄 妙 景 của Ly Trần Tử, Lý Xương Nhân, đã để cả một chương «Nội Ngoại Pháp, Tài, Lữ, Địa» 內 外 法 財 侶 地 để nói lên cái tâm tư đó. Ta đọc thấy cổ nhân xưa nói: «Muốn cầu báu trên trời, phải mượn của thế gian ...» [3]

Cát tiên ông 葛 仙 翁 nói: «Ta được chân quyết từ 30 năm nay, chỉ vì không có tịnh thất và tiền của, nên khó liễu đạt được chí đạo.» [4]

Trương Tam Phong 張 三 丰 than:

Không tiền khó tu luyện,
Không dám nói cùng người.
Chỉ hận ta không tiền,
Ngày đêm tấu thượng thiên...


Người trì tụng Huỳnh đình phải trường chay, nghĩa là không được ăn:

– Thịt lục súc (bò, ngựa, dê, gà, lợn, chó),

– Cá tanh,

– Năm thứ rau cay: Như hành sống, tỏi, hẹ, kiệu, rau hồ tuy (1 loại rau thơm).