Những bí ẩn về "cây cột đá tử thần"
10:09' 22/03/2008 (GMT+7)
- Cây cột đá tử thần giờ đã được an cư tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang. Bên con sông suốt ngày đêm gầm thét, cột đá được dựng lại uy nghi với lời thuyết minh được khắc vào tấm bia đá phía dưới: “Tương truyền rằng khoảng giữa thế kỷ XIII (cách đây hơn 200 năm), tại Đường Thượng, huyện Yên Minh, có một thổ ty phong kiến người Mông tên là Sùng Chúa Đà khét tiếng tàn ác, đã sử dụng cột đá này để trừng trị những người vi phạm luật lệ do hắn đặt ra”.

Chúng tôi tìm đến Đường Thượng để đi tìm những bí ẩn về cây cột đá tử thần ngày nào cách đây trên 200 năm.

Nhà thơ Cao Xuân Thái, nguyên chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang, là một trong những người tiền bối trong làng văn làng báo ở đất Hà Giang. Gặp lần nào, tôi đều được khám phá những câu chuyện lạ của cao nguyên đá mà ông kể.


"Cây cột tử thần"


Nhà thơ Cao Xuân Thái bảo rằng: Tất cả các vùng đất này ông đều đã đặt chân đến rồi. Nhưng có lẽ, vùng đất Đường Thượng - Yên Minh làm ông ấn tượng nhất, không chỉ bởi vẻ hoang sơ mà nó còn có những bí ẩn chưa có lời giải, mà cây cột đá là một trong những huyền tích chưa có lời giải thích nào một cách rõ nét nhất, thuyết phục nhất.

Sự bí ẩn của cây cột đá và những dữ kiện qua sự khám phá của nhà thơ đã làm chúng tôi tò mò đi tìm lời giải có vẻ như rất xa vời. Và thế là khoác ba lô, ngược những con dốc đá cao nguyên, chúng tôi đến Đường Thượng.

Những ngày đầu năm 2008, Đường Thượng giá buốt hơn nhiều bởi không khí lạnh tăng cường.

Đêm ở nơi thâm sơn cùng cốc, trong cái lạnh tê tái, câu chuyện của những cụ cao niên kể về một thổ ty phong kiến người Mông tên là Sùng Chúa Đà khét tiếng tàn ác, sử dụng cột đá để trừng trị những người vi phạm luật lệ do hắn đặt ra đã khiến chúng tôi toát mồ hôi... Câu chuyện của Cụ Giàng Cồ Minh, 72 tuổi kể lại đầy bí ẩn như một truyền thuyết nhuốm mầu "liêu trai chí dị".

Những bí ẩn bạo tàn của chúa đất Sùng Chúa Đà

Tương truyền, khoảng giữa thế kỷ XVIII (cách đây hơn 200 năm), có một truyền thuyết mà người dân trong vùng lưu truyền miệng đến ngày nay. Chúa đất Sùng Chúa Đà, là người khét tiếng gian ác, bạo liệt, cũng là một thổ ty có máu mặt của vùng. Ông ta có những cánh đồng bằng phẳng thuộc khu đất Đường Thượng ngày nay. Đất nhiều, lại có quyền thế và rất có uy tín với quan trên. Sùng Chúa Đà vì thế mà có rất nhiều nô bộc và người làm công trong vùng đất của hắn.


Vùng đất Đường Thượng


Sùng Chúa Đà là người rất phong tình, có nhiều vợ, đều là những cô gái xinh đẹp do hắn bắt về. Một trong những người vợ mà hắn cưng chiều và yêu nhiều nhất là bà vợ ba, trẻ đẹp và quyến rũ. Chính vì luôn phải đi thăm đồng và gặp gỡ quan trên, Sùng Chúa Đà thường xuyên vắng nhà. Điều này tạo cơ hội cho bà vợ ba trẻ đẹp lẳng lơ, ong bướm ngoại tình cùng anh nô bộc trăn ngựa cường tráng.

Chuyện tình của họ cứ dấm dấm, dúi dúi rồi cũng không thể qua mắt được các nô bộc trong nhà. Những lời qua tiếng lại rì rầm bàn tán chuyện ông chủ bị "cắm sừng". Sau những chuyến đi dài ngày, nhiều tin đồn về sự "hoang dại" của người vợ ba đến tai khiến Sùng Chúa Đà sinh nghi. Một kế hoạch bắt quả tang cô vợ lẳng lơ được Sùng Chúa Đà hoàn tất. Và với sự trợ giúp tích cực của các nô bộc, Sùng Chúa Đà đã bắt được quả tang cô vợ "đa đoan" của mình đang làm "chuyện ấy" với anh nô bộc đáng chết.

Hận vợ và để trả thù sự bất kính của tên nô bộc, Sùng Chúa Đà cho người đẽo ngay một cây cột đá và xích đôi gian phu, dâm phụ giữa trời đông giá rét. Họ đã chết trong sự đau đớn và nhục nhã dưới bàn tay của Chúa Đà. Việc hành hạ đôi "gian phu dâm phụ" kia có lẽ sẽ bị lãng quên nếu sự việc chỉ dừng ở đó. Thế nhưng, để trả thù cuộc đời, Sùng Chúa Đà đã nghĩ ra một cách tra tấn ghê rợn và đặt ra những luật lệ hà khắc cấm trai gái trong vùng đất mà hắn quản lý yêu nhau. Nếu đôi tình nhân nào mà bị phát hiện sẽ bị còng vào cột đá. Ngoài ra, những nô bộc nào phạm luật như làm sai việc, chống lại Sùng Chúa Đà cũng bị còng trên cột đá, phạt không cho ăn, cho uống, tội nặng thì bỏ cho chết đói...

Ngày mà người vợ ba bị hành chết tại cây cột đá cũng là ngày đánh dấu mốc tàn bạo của Sùng Chúa Đà với những hình thức tra tấn ghê sợ đối với nô bộc, người làm công của hắn. Những hình phạt như cho kiến vàng đốt, để lạnh ngoài trời không cho ăn, nước uống đã dần đàn giết chết bao kẻ dám trái lệnh Sùng Chúa Đà.


Con người Đường Thường ngày nay


Cây cột đá "quái dị" được dựng lên, như một bảo bối trừng trị những người dưới quyền của Sùng Chúa Đà. Cột đá xanh cao chừng 1,9m, được đẽo to như cây cột đình, hai bên được khoét lỗ để vừa cánh tay hai người có thể luồn qua. Khi Sùng Chúa Đà trừng trị những người phạm luật, thường là hai người bị còng tay vào nhau và được buộc chặt vào cột đá, bỏ đói, khát, để cho kiến, rắn rết cắn đến chết.

Sự hà khắc và cách thức hành hạ cũng rất bạo liệt, đôi tình nhân gần nhau mà không chạm được vào nhau, không được gần nhau, chỉ có cột đá lạnh lẽo áp sát vào da thịt và cái lạnh tê tái giữa cao nguyên mà thôi. Họ cứ "thụ án" như vậy từ ngày này, qua ngày khác và chết dần chết mòn...

Sự tàn bạo của thổ ty Sùng Chúa Đà và hình phạt này đã khiến nhiều đôi trai gái không dám thể hiện tình yêu của mình ngay trong những phiên chợ tình nổi tiếng ở vùng Đường Thượng xưa. Nhiều người quá sợ hãi trước cảnh không còn một tấm vải che thân ôm cột đá cùng người tình của mình, rồi bị kiến vàng đốt suốt ngày và cả cái cảnh đàn quạ đói bu nhau vào rỉa thịt... Để rồi, sau những cuộc hành hình ấy, bà con vẫn bảo, oan hồn của những người bị cột đá thừa lệnh bạo chúa mà hành hình vẫn còn lẩn khuất quanh quẩn đâu đó bên cột đá.

Những câu chuyện kỳ bí lạ lùng được người dân thêu dệt, họ tin rằng, trai gái yêu nhau chỉ cần qua cây cột sẽ không lấy được nhau. Trâu bò chửa đi qua, tử khí của hàng trăm năm trước bốc lên cũng đủ trụy thai mà chết. Người nặng vía, kể cả những người khoẻ mạnh, nếu đến gần cũng ốm thập tử nhất sinh, người cứ thế héo mòn mà không có một loại thuốc nào chữa trị được. Cứ thế, những câu chuyện truyền khẩu cứ ám ảnh người Mông nơi đây như một truyền thuyết đầy sự khiếp sợ.

Giải mã bí ẩn của "cây cột đá tử thần"?

Thạc sỹ văn hoá Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang, người đã cùng những cộng sự của mình nhiều lần lên đất Đường Thượng, để tìm hiểu những cứ liệu về cột đá. Những tâm tư của anh Hợp cũng như nhiều đồng nghiệp của anh cùng có chung một nhận định: Đối với những cứ liệu lịch sử chưa rõ ràng về nguồn gốc, thì dù cột đá ghi dấu tội ác của một bạo chúa đi nữa, nó vẫn cần được bảo vệ, nhất là bà con vẫn còn nặng nề trong việc trả thù cho cha ông bằng việc "trừng trị cột đá".

Điều quan trọng hơn, đây là một công cụ tra tấn, hành quyết con người mà hình như trong lịch sử chưa bao giờ nhắc đến. Có lẽ, sự tàn ác đến khét tiếng của Sùng Chúa Đà đã sáng tạo nên trong những công cụ tra tấn con người cần làm sáng tỏ. Anh Hợp cho hay: Trong quá trình nghiên cứu về nguồn gốc của cây cột đá, mặc dù đã tốn rất nhiều công sức, tiền của, nhưng bảo tàng Hà Giang vẫn còn bỏ ngỏ lời chỉ dẫn cho hiện vật kỳ lạ “có một không hai” đã sưu tầm kể trên.


Ông Vừ Mí Kẻ (bên trái), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: "Có thể chắc chắn rằng, đây là một công cụ tra tấn của bọn thổ ty phong kiến xưa nhằm trừng trị những gia nô phạm tội, mà cây cột đá của Sùng Chúa Đà là một minh chứng cụ thể..."


Lời khắc trên phiến đá “giải nghĩa” cho cột đá vẫn rất thận trọng “Tương truyền rằng...”. Anh Hợp cũng đã cất công xuống tận Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 ở Hà Nội tìm tư liệu, xem có dòng nào viết về cột đá ở Yên Minh, nhưng cũng không thấy dòng bút tích nào nói về lịch sử của Yên Minh trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, anh vẫn hy vọng, một ngày nào đó, có nhà nghiên cứu nào có thể biết, hoặc vô tình biết điều gì về cột đá của Sùng Chúa Đà? Những bí ẩn về thân phận của Chúa đất Sùng Chúa Đà và cây cột đá vẫn còn treo lơ lửng. Số phận của biết bao người đã từng giã từ cõi đời từ cây cột đá cũng theo năm tháng mất dần vào quên lãng?

Chị Nguyễn Thị Hương, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Giang nói: Dù sao đi nữa, với trách nhiệm của cơ quan quản lý, việc sưu tầm và giải mã những bức màn bí mật của cuộc sống rất cần cho công tác nghiên cứu. Cây cột đá cũng đang là một đề tài hết sức thú vị đối với các nhà sử học, khảo cổ, nó có giá trị để minh chứng cho một giai đoạn lịch sử cụ thể.

Ông Vừ Mí Kẻ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, người đã từng gắn bó với miền đá này cả cuộc đờimột nhân chứng sống, kể với tôi về cây cột đá ở Đường Thượng: "Thời kỳ còn công tác, mình cũng đã nhiều lần đến Đường Thượng và cũng có nghe nhiều câu truyện truyền khẩu về cây cột đá này. Có thể chắc chắn rằng, đây là một công cụ tra tấn của bọn thổ ty phong kiến xưa nhằm trừng trị những gia nô phạm tội, mà cây cột đá của Sùng Chúa Đà là một minh chứng cụ thể. Về lai lịch của cây cột đá có từ thời kỳ nào thì cũng không có ai biết, chỉ biết rằng nó có ở Đường Thượng rất lâu rồi...".

Sự thật về cây cột đá và cuộc đời bạo liệt của chúa đất Sùng Chúa Đà vẫn chưa được khám phá và hành trình đi tìm sự thực của một chứng tích, hiện vật mà du khách vẫn thấy ở bảo tàng tỉnh Hà Giang vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với các nhà sử học, những người nghiên cứu văn hoá. Xem ra câu trả lời về cây cột đá vẫn còn bỏ ngỏ. Phía trước là những bí ẩn của cây cột đá cũng như thân phận của bao người sống trong thời kỳ chúa đất Sùng Chúa Đà đang đợi các chuyên gia khảo cổ, nhà sử học vào cuộc để tìm sự thật đúng nhất.

Nguyễn Trường Giang