Phi công ngồi máy bay khu trục

(chữ E ở câu thứ ba xin hiểu nghĩa là chữ “Air” của tiếng Anh)

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Thành xây khói biếc, non phơi bòng vàng
E thay những dạ phi thường
Nữa khi dông tố phũ phàng, thiệt riêng

Một ông bạn của nàng Phù Dung (thuốc phiện) cứ cả tuần mới vào cầu một lần, mà mỗi lần trên thì thông, dưới lại bí, ì ạch mãi chẳng được, cũng nhăn nhó lẩy Kiều:
Buồn trông ngọn nước mới sa,Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bốn lần!
(dặn =rặn, theo phát âm miền Bắc)

Một ông xuất thân làm nghề hát chèo, sau trở nên giàu có, đứng ra mở một công ty nấu rượu lớn, được mừng như sau:

Hương càng đượm, lửa càng nồng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo


Một ông khác cho người hàng xóm mượn tiền, mãi không thấy trả, sai người đi hối thúc mới hay con nợ đã bỏ đi từ hồi nào không biết, bèn lẩm bẩm phàn nàn:

Thúc ông nhà ở gần quanh
Bạc đem mặt bạc lánh mình cho xa


Cô Kiều cười

Một nhóm học trò lớn, nhân một hôm thầy đi vắng, ngồi tán gẫu với nhau về thơ Kiều.
Một anh nhận xét:
- Trong suốt Truyện Kiều, người ta thấy cô Kiều lúc nào cũng khóc, không có lúc nào cười, các bạn có thấy không?
Một anh nữa nói:
- Ðúng đấy! Cô Kiều quả thật không bao giờ cười. Nhưng mà có một lần người ta trông vào cô thì thấy cô buồn cười. Ðố các bạn đó là lần nào?
Nhóm học trò còn đang suy nghĩ, thì một anh chợt nói:
- Tôi biết rồi! Ðó là lần thăm mả Ðạm Tiên:

"Vân rằng: Chị cũng nực cười!
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!"

Cả nhóm thanh niên đều vỗ tay cười. Nhưng một anh nãy giờ không nói gì, đứng ra nói:

- Các anh bảo cô Kiều không bao giờ cười ư?. Tôi nói là có đấy, mà lại cười to, cười nhiều nữa kia!.Nhóm học trò sửng sốt, hỏi vặn:

- Ðâu, lúc nào?. Anh đọc chúng tôi nghe!.Anh học trò ung dung nói:

- Ðó là lúc Từ Hải trở về rước cô:

"... Cùng nhau trông mặt cả cười
Dang tay về chốn trướng mai tự tình...".

Nhóm học trò lại một phen vỗ tay như pháo rang...