Ăn chay - hiểu và thực hiện đúng

Pizza - toàn là đồ chay (ảnh: getty images)
Ngày càng có nhiều người thực hiện ăn chay - một vài ngày trong tháng hoặc thường xuyên - vì lợi ích về mặt sức khỏe của các thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Ăn gì, ăn như thế nào để vừa chế ngự được sự thèm, vừa thích hợp với nhu cầu ăn uống của cá nhân, vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể ?
Cơ thể sẽ được cung cấp đủ các chất cần thiết nếu hiểu đúng về giá trị dinh dưỡng của từng loại thực phẩm:
Chất sắt có trong: mì ống, cơm, bánh mì, ngũ cốc các lọai như yến mạch, lúa mạch, đậu, hạt hướng dương, hạt đậu các lọai, bánh mì trắng, nước cà chua, bông cải và trái cây khô như mơ, nho, mận…
Kẽm có trong: sữa đậu nành, đậu phụ, mầm lúa mì, đậu và hạt các loại.
Vitamin B12 có trong: sữa ít béo và sữa không béo, ngũ cốc, sữa đậu nành.
Calcium có trong: sữa ít béo và không béo, sữa đậu nành, nước cam, bông cải, đậu phụ, trái mướp, cải xoăn, mù tạt xanh, các loại quả hạch.
Vitamin D có trong: sữa không béo và ít béo, sữa đậu nành, yaourt đậu nành, yaourt thường, ngũ cốc.
Vitamin A có trong: sữa không béo và ít béo, rau và trái cây đậm màu như bí ngô, cà rốt, dưa đỏ, rau bina, cải xoăn…
Omega 3 - một lọai axit béo rất tốt trong cá, đặc biệt là cá hồi và cá mòi – cũng được tìm thấy trong một số loại thực vật như: quả óc chó, đậu nành hạt.
Các nghiên cứu về dinh dưỡng đã cho biết rằng một thực đơn chay giàu dinh dưỡng –bao gồm trái cây, rau, đậu các loại - giúp giảm béo, giảm nguy cơ bệnh tim, nguy cơ áp suất máu cao, chống lại sự gia tăng của bệnh đái đường và phần nào giảm nguy cơ ung thư.
Từ các loại thực phẩm sử dụng được trong chế độ ăn chay với các giá trị dinh dưỡng đã biết như trên, bạn chỉ cần chế biến theo "gu" của mình là sẽ có một bữa ăn vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng lại tốt cho sức khỏe.