Fatima: Đức Mẹ Maria hiện ra thứ nhất vào ngày 13.05.1917


Fatima: Đức Mẹ Maria hiện ra thứ nhất vào ngày 13.05.1917

Hôm đó là ngày Chúa Nhật sau lễ Đức Chúa Giêsu Lên Trời, ba trẻ lùa chiên lên ăn cỏ trên đồi Cova da Iria, thuộc phần đất của cha mẹ Lucia, trên đó được trồng giống cây sồi nhỏ và cây Ô-liu.

Vào giữa trưa, khi đã lần hạt với nhau xong, ba trẻ lấy những hòn đá nằm lăn lóc trên đất, xây một bức tường chung quanh bụi cây.

Lucia kể lại :

Bổng chốc chúng tôi thấy có cái gì sáng giống như tia chớp.

Bấy giờ tôi nói với hai đứa em họ của tôi là có lẽ sắp có giông bão, chúng ta phải mau lùa chiên về nhà.

Chúng tôi đã bắt đầu lùa chiên xuống khỏi ngọn đồi và sắp ra đến đường đi chính.

Khi chúng tôi đến lưng chừng ngọn đồi, gần bên một cây sồi, chúng tôi trông thấy một tia chớp lòe lên, và sau khi tiến thêm được vài bước, chúng tôi nhìn thấy trên cây sồi có một Bà đẹp, mặc áo trắng, sáng chói như mặt trời, từ Bà, chiếu tỏa ra một luồng ánh sáng rực rỡ như ánh sáng mặt trời xuất hiện tựa qua một bình thủy tinh chứa đầy nước vậy.

Quá ngạc nhiên trước sự xuất hiện đó, chúng tôi đã đứng dừng lại.

Chúng tôi đứng rất gần, đến nỗi cả ba chúng tôi đều ở trong vùng ánh sáng, được ánh sáng đó bao phủ lấy. Khoảng cách vào độ một thước rưỡi.

Bấy giờ Bà đẹp nói với chúng tôi :

- «Các con đừng sợ, Bà không làm gì hại các con đâu!»

Tôi hỏi Bà : «Bà từ đâu tới?»

Bà trả lời : «Bà từ Trời đến!»

Tôi lại hỏi Bà : «Bà muốn gì nơi con?»

Bà trả lời : «Bà đến để xin chúng con một điều là trong vòng 6 tháng tới, các con hãy đến đây vào cùng thời giờ đúng ngày 13 mỗi tháng. Rồi Bà sẽ nói cho chúng hay Bà là ai và Bà muốn gì!»

Vì quá yêu mến Thiên đàng, nên khi nghe Bà đẹp nói Bà từ Trời đến, Lucia đã hỏi Bà ngay: «Con có được lên Trời không?»

Bà trả lời : «Vâng, con sẽ được lên Trời.»

Lucia: «Và Jacinta nữa?»

Bà đẹp : «Cả Jacinta nữa!»

Lucia : «Và cả Francisco nữa?»

Bà đẹp : «Cả Francisco nữa, nhưng nó còn phải siêng năng lần hạt Mân Côi nhiều hơn nữa mới được!»

Tiếp đến, Lucia còn hỏi về số phận của hai cô gái vừa chết mà Lucia quen biết.

Theo lời tường thuật của Lucia thì vị Thiên Nữ đã hỏi các em: «Các con có muốn sẵn sàng hy sinh chịu đựng tất cả mọi đau khổ mà Thiên Chúa sẽ gởi đến, để làm của lễ đền mọi tội lỗi xúc phạm đến Người và để cầu nguyện cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại không?»

Lucia trả lời: «Vâng, chúng con sẵn sàng.»

Vị thiên Nữ nói: «Các con sẽ phải chịu nhiều đau khổ, nhưng ơn Chúa sẽ là sức mạnh của chúng con.»

Lucia kể:

- « Khi vừa nói những lời này xong, thì lần đầu tiên, vị Thiên Nữ liền mở rộng hai tay ra, và từ tay Bà, phát ra một luồng ánh sáng rất mạnh, tựa như thể ánh phản chiếu của mặt trời, bao phủ trên chúng tôi.

Ánh sáng xuyên qua ngực chúng tôi và vào sâu tận linh hồn, và trong Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng đó, chúng tôi có thể nhìn thấy được chính mình một cách rõ ràng hơn trong bất cứ tấm gương soi tuyệt hảo nào.

Lòng đầy xúc động, chúng tôi đã quỳ xuống và thì thầm lặp đi lặp lại: «Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, chúng con thờ lạy Chúa. Lạy Chúa, lạy Chúa, con yêu mến Chúa trong Bí tích cực thánh!».

Sau đó một chút, vị Thiên Nữ nói thêm: «Các con hãy lần hạt Mân Côi mỗi ngày, để chấm dứt chiến tranh và để hoà bình thế giới được vãn hồi.»

Sau đó, vị Thiên Nữ từ từ bay lên cao và tiến về hướng mặt trời mọc, mãi cho tới khi Bà biến mất vào trong cõi vô tận xa vời. Còn luồng ánh sáng bao phủ vị Thiên Nữ thì như mở ra một con đường trên bầu trời; do đó, như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, là chúng tôi đã nhìn thấy trời mở ra.»

Sau khi đã hồi tỉnh lại, các em đã vội chạy đi lùa chiên đang gặm cỏ ở cánh đồng bên cạnh về.

Tới nhà, mỗi em đã kể lại những gì đã xảy ra cho mọi người nghe.

Và qua câu chuyện kể của các em, người ta ghi nhận được ba điều khác nhau:

1. Vị thiên Nữ chỉ nói chuyện với Lucia mà thôi.

2. Còn Jacinta chỉ nghe được các câu đối đáp giữa Vị Thiên Nữ và Lucia.

3. Trong khi đó, Francisco chỉ nhìn thấy tất cả và chỉ nghe Lucia nói, chứ không nghe được lời vị Thiên Nữ nói.

Sự khác biệt này, mà sau này cả ba em đều trình bày lại trong các cuộc thẩm vấn, là một bằng chứng cho sự thành thật của các em. Vì giả thử các em tự bịa đặt việc hiện ra để lừa dối người khác, thì đó là cả một điều không thể tưởng tượng được, là làm sao với lứa tuổi và với sự đơn sơ chất phác của ba em như thế, các em lại có thể nghĩ ra được tư tưởng là bịa đặt ra được sự khác biệt trên.(*)

(Kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima : 1917-2007)

Đức Mẹ Fatima và vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II

Lm Nguyễn Hữu Thy

Vào ngày 13.5.1981, tên khủng bố Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, đã cố ý giết chết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng ba phát súng lục trong một cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma.

Mãi cho đến hôm nay nguyên nhân vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II của Ali Agca vẫn chưa được hoàn toàn giải thích một cách rõ ràng, mặc dù người ta đã biết được rằng Agca thừa hành lệnh của mật vụ Bảo Gia Lợi (Bulgarie). Sự nghi ngờ cho rằng vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là được Breschnew, Chủ tịch nhà nước và đảng trưởng Đảng cộng sản Liên Sô, sắp xếp và được cơ quan mật vụ Liên Sô KGB ở Mạc Tự Khoa trao cho mật vụ Bảo Gia Lợi thi hành, đã lan rộng ra liền ngay sau vụ ám sát. Riêng Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, hiện là TGM của Krakau/Ba Lan, và là vị thư ký lâu năm của Đức Gioan Phaolô II - kể từ khi ngài còn là Tổng Giám Mục Kraukau mãi cho tới hết 26 năm làm Giáo Hoàng -, thì hoàn toàn xác tín rằng: «Nói một cách khách quan thì hoàn toàn không thể tin được là Ali Agca chỉ là kẻ hành động lẻ loi một mình và tất cả mọi sự đều chỉ do một mình y thực hiện mà thôi». Trong các hồ sơ vụ việc người ta thấy có ghi nhận là bộ An nich Quốc gia của Đông Đức đã nhận lãnh sứ mệnh tìm cách làm giảm thiểu bớt trách nhiệm cho «cơ quan tuyên truyền của người anh em» Bảo Gia Lợi về việc ám sát Đức Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, trên thực tế các sự thú nhận hay các bằng cứ chắc chắn và rõ ràng về vụ ám sát thì mãi cho tới nay người ta vẫn chưa nắm hết được.

Đúng vậy, cho tới nay những lý do thầm kín phía sau vụ ám sát vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Chỉ một điều chắc chắn là Bộ chính trị trung ương Liên Sô đã nhiều lần bàn luận về việc «làm sao có thể giải quyết dứt điểm vấn đề Ba Lan». Ông John O. Koehler, một ký giả người Hoa Kỳ, thì khẳng định là ông đã đọc một hồ sơ được viết vào tháng 11 năm 1979, có ghi các chữ ký của các thành phần thuộc Bộ chính trị trung ương của Liên Sô cũ, trong số đó có cả chữ ký của ông Michail Gorbatschow.

Quả vậy, vào tháng 11.1979 chính là lúc ông Gorbatschow đang đảm nhận chức Tổng bí thư của trung ương Đảng cộng sản Liên Sô, nhưng ông lại chưa phải là thành viên của Bộ chính trị trung ương. Những quyết định về các phương thức hành động của cơ quan mật vụ KGB chỉ được một số rất ít các đảng viên cao cấp quyết định mà thôi. Trong một hồ sơ hiện đang được lưu trữ ở Văn khố quốc gia tại Mạc Tư Khoa có ghi: «Cần phải tận dụng tất cả mọi phương tiện khả dĩ để dẹp tan một khuynh hướng chính trị mới do vị Giáo Hoàng người Ba Lan khởi xướng đang chớm nở, và nếu cần thì phải sử dụng cả những phương tiện thông tin ngụy tạo và làm mất tín nhiệm.»

Còn riêng Đức Gioan Phaolô II chỉ bị trọng thương qua vụ ám sát. Và việc ngài sống sót là cà một phép lạ. Dĩ nhiên, sức khỏe vốn cường tráng trước kia của ngài đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi vụ ám sát, khiến ngài phải chịu đau đớn thường xuyên, kéo dài mãi cho tới lúc ngài băng hà năm 2005. Hai năm sau vụ ám sát, vào ngày 23.12.1983, Đức Gioan Phaolô II đã đích thân vào phòng giam thăm tên khủng bố Ali Agca, nói chuyện với y và nhất là ngài đã tha thứ cho y. ĐHY Stanislaw Dziwisz tường thuật lại là trong cuộc gặp gỡ và nói chuyện này tại nhà tù, Ali Agca chỉ lặp đi lặp lại với Đức Thánh Cha một câu hỏi duy nhất: «Tại sao Ngài lại không chết? – Tôi biết chắc chắn là tôi đã nhắm rất trúng đích. Tôi cũng biết rằng phát đạn tôi bắn ra có hiệu quả tàn phá và gây tử thương một cách chắc chắn. Nhưng tại sao Ngài lại không bị tử thương?»

Về phần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì hoàn toàn xác tín rằng chính nhờ bàn tay hiền mẫu của Đức Mẹ Fatima che chở nên ngài mới có thể thoát chết một cách lạ lùng như thế. Bởi vì, ngày ngài bị ám sát tại Rôma - ngày 13 tháng 5 (1981) - cũng chính là ngày Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên năm xưa tại Fatima, ngày 13 tháng 5 (1917). Hơn nữa, theo Đức Gioan Phaolô II, thì vị Giám Mục mặc áo trắng phải chịu đau khổ nhiều mà Đức Mẹ đã cho ba trẻ trông thấy trong một thị kiến khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, chính là ngài. Do đó, đúng một năm sau vụ ám sát (1982), Đức Gioan Phaolô II đã đích thân đi hành hương Fatima để tạ ơn cứu sống của Đức Mẹ và trong dịp này ngài cũng mang theo một trong các đầu đạn mà Mehmet Ali Agca đã bắn vào ngài để dâng kính Đức Mẹ. Và kìa một sự lạ lùng đã làm chính Đức Gioan Phaolô II và tất những người chứng kiến không khỏi sửng sốt và kinh ngạc, là đầu viên đạn mà ngài mang theo kia khi được gắn vào một lỗ hổng duy nhất còn sót lại ở mão triều thiên trên đầu tượng Đức Mẹ Fatima, mà các đoàn thể phụ nữ Bồ Đào Nha đã dâng cúng cho Đức Mẹ vào năm 1946, thì hoàn toàn vừa vặn như thể người ta đã cốt ý làm cái lỗ hổng đó sẵn cho viên đạn vậy.

Lạy Đức Mẹ Fatima, xin thương xót chúng con, là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử! Amen.
(Suy niệm Tháng Hoa 2009)

Fatima : Bí mật thứ ba của Fatima

Lm Nguyễn Hữu Thy
«Lửa và khói sẽ từ trời rơi xuống; nước trong đại dương sẽ bốc hơi và phun bọt lên tận tới trời. Tất cả những gì đang đứng sẽ gục ngã xuống. Hàng triệu triệu người bị tiêu diệt trong từng giờ. Khắp nơi trên mặt đất sẽ có hoạn nạn đói khổ và các dân tộc sẽ trở nên hoang mang sợ hãi. Kìa xem, thời giờ đang mỗi lúc mỗi tiến gần.»

Những loại tin tức như trên hay những lời đồn thổi giả tạo khác về bí mật thứ ba của Fatima đã từng bành trướng mau lẹ ra khắp nơi. Nhưng vào ngày 26.06.2000, Đức Hồng Y tổng trưởng thánh bô Giáo lý Đức tin, Josef Ratzinger, và nay là ĐTC Bênêđíctô XVI, đã cho công bố bản văn chính thức của bí mật thứ ba Fatima, mà Đức Trinh Nữ đã nói với ba trẻ trong lần hiện ra vào ngày 13.07.1917.

Bản văn đó được viết như sau: «Sau hai phần trước mà tôi đã trình bày, chúng tôi đã nhìn thấy phía bên trái Đức Bà một vị Thiên Thần đang cầm trong tay trái một chiếc gươm bằng lửa; và từ lưỡi gươm có lửa bốc ra như thể muốn đốt cháy cả thế giới. Nhưng khi những ngọn lửa chạm phải ánh hào quang từ tay phải Đức Bà chiếu ra trên vị Thiên Thần, thì ngọn lửa bị dập tắt. Còn vị Thiên Thần thì giơ tay phải chỉ vào mặt đất mà hô to: Hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội! Và chúng tôi đã thấy một ánh sáng kỳ lạ, đó chính là Thiên Chúa: ‘một cái gì’ xem như thể những con người trong một tấm gương, khi họ đã đi qua tấm gương rồi thì chúng tôi thấy một Vị Giám Mục mặc áo trắng, và chúng tôi biết ngay đó là Đức Thánh Cha. Nhiều vị Giám Mục, Linh mục và Tu sĩ Nam Nữ khác trèo lên một ngọn núi dốc, trên đỉnh núi có dựng một tượng Thánh Giá được làm bằng gỗ thô, hình như bằng gỗ cây sồi còn để cả vỏ nữa. Trước khi Đứcc Thánh Cha đến chỗ đó, ngài đi qua một thành phố lớn, mà một nửa đã bị phá hủy còn một nửa cũng sắp đổ, với những bước đi run rẩy do bị đau đớn và lo lắng, ngài cầu nguyện cho linh hồn của những xác chết ngài đã gặp trên đường đi. Khi đến được ngọn núi, ngài quỳ xuống dưới chân tượng Thánh Giá khổng lồ. Ở đó người bị một đám lính giết chết: Họ bắn súng và mũi tên vào ngài. Sau đó các vị Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ Nam Nữ và nhiều người đời khác, cả đàn ông lẫn đàn bà thuộc mọi giai cấp và địa vị, cũng chết cách tương tự như thế. Dưới hai cánh tay Thánh Giá có hai vị Thiên Thần, mỗi vị cầm một chiếc bình bằng thủy tinh trên tay. Các vị hứng máu các vị Tử Đạo vào trong bình và đưa cho các linh hồn ở gần Chúa uống!»

Từ lời khai của ba trẻ Fatima trong bản văn trên người ta có thể tóm tắt lại trong ba điểm :

1. Một biển lửa đang đe dọa thiêu hủy cả thế giới. Nhưng nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria, thế giới đã thoát được cơn hoạn nạn đó. Phải chăng chúng ta không cần khẩn thiết chạy đến xin Đức Mẹ bầu cử cho? Phải chăng thị kiến trên đã không muốn nói cho chúng ta biết rằng nhờ lời cầu thay nguyện giúp của Mẹ Maria mà thảm cảnh thế chiến thứ ba bằng bom nguyên tử đã bị ngăn chặn lại và không xảy ra?

2. Nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria, mà một cơn hoạn nạn khủng khiếp đã được ngăn chặn không xảy ra. Nhưng lời cảnh cáo khẩn thiết là mọi người phải ăn năn hối cải thì vẫn còn đó. Vì thế, sứ điệp Fatima luôn luôn có tính cách thời sự. Và ăn năn hối cải có nghĩa là đổi mới cuộc đời và quay trở về cùng Thiên Chúa nhân từ. Tràng hạt Mân Côi, mà chúng ta hằng suy gẫm và tự hỏi mỗi mầu nhiệm trong đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta, sẽ dẫn đưa chúng ta từng bước tiến tới một cuộc sống hoàn hảo hơn.

3. Sau cuộc ám sát ngày 13.05.1981 tại quãng trường Thánh Phêrô ở Roma, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho mở bản văn của bí mật thứ ba của Fatima và ngài đã nhận ra vị Giám Mục mặc áo trắng được nói đến trong đó là chính ngài và định mệnh của ngài. Quả thực, chưa hề có một Giáo Hoàng nào trong lịch sử Giáo Hội đã gắn bó mật thiết với Fatima như Đức Gioan Phaolô II :

Ngày 13.05.1981: ngài bị ám sát;

* Ngày 13.05.1982: ngài dâng hiến cả thế giới cho Trái Tim vô Nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria ;
* Ngày 25.03.1984: cùng với tất cả các Giám Mục trên khắp thế giới, ngài đã dâng hiến cả thế giới cho Mẹ Maria.

Có lẽ sẽ có người còn tìm cách thoái thác: Vị Giám Mục mặc áo trắng bị bắn, tuy nhiên Đức Gioan Phaolô II chỉ bị trọng thương, chứ không chết.

Chúng ta phải biết rằng khi một lời nói tiên tri về tương lai của một người nào đó, thì không thể nói hết được tất cả mọi chi tiết; nếu không, sự tự do của người liên hệ sẽ bị tổn thương. Đàng khác hàng triệu người thành tâm trên thế giới đã cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng được thoát nguy hiểm.

Bây giờ chúng ta quay trở lại với những suy tư trên. Đức Giám Mục Karol Wojtyla (ĐGH Gioan Phaolô II) đã từng nói với các Linh mục sinh viên: “Cha muốn kết hiệp với Đưc Kitô trong thiên chức Linh mục qua Đức Maria, Mẹ Thánh của Người. Vị trí của Mẹ trong lịch sử cứu độ rất ít được biết đến. Vì thế, chúng ta muốn mỗi ngày tìm hiểu vị trí đó cách sâu xa hơn và đem hoà nhập vào công việc của chúng ta, bởi vì Đức Maria giữ một vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc cứu thế của Đức Kitô.»

Trong khi đó, chính Fatima lại khẩn thiết chỉ cho chúng ta nhận chân được vai trò vô cùng quan trọng đó của Mẹ Maria. Tiếp đến, kinh nguyện và lòng tôn sùng của chúng ta đối với Mẹ Maria cũng là một đóng góp cần thiết bất khả thiếu, để làm nổi bật vai trò và địa vị đồng công cứu chuộc của Mẹ trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Trong Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, chính Mẹ là nhịp cầu nối kết con cái loài người chúng ta lại với Thiên Chúa. Per Mariam ad Jesum!

SỐNG SỨ ÐIỆP FATIMA

Trần Mỹ Duyệt
Năm 1917, Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima , Bồ Ðào Nha ban cho nhân loại 3 mệnh lệnh:

- Cải thiện đời sống

- Lần hạt Mân Côi

- Tôn sùng Trái Tim Mẹ

Ba mệnh lệnh trên chính là 3 đòi hỏi căn bản và cần thiết mà nhân loại cần phải thực hiện để thế giới được thái bình, chấm dứt nạn Cộng Sản Vô Thần, một chủ thuyết sẽ gieo rắc lầm than, đau khổ và khốn khó cho nhân loại. Ngoài ra, Ðức Mẹ còn tiết lộ cho ba trẻ được thị kiến lúc bấy giờ là Lucia, Giaxinta, và Phanxicô 3 điều bí mật, được gọi là Bí Mật Fatima.

Từ ngày đó, nhân loại đã trải qua những năm tháng chờ đợi trong sự tò mò. Nhiều người muốn biết những điều bí mật ấy là gì, có liên quan như thế nào đến vận mệnh của mình, vận mệnh thế giới? Gần đây, nhân loại đã thở phào nhẹ nhõm khi biết tất cả 3 điều bí mật ấy đã được công bố, nước Nga đã từ bỏ chủ thuyết Cộng Sản, và Cộng Sản Ðông Âu cũng đã tan rã. Không còn Cộng Sản Nga nữa, và 3 điều bí mật ấy cũng không liên quan gì đến con người, và không ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới nên Fatima bắt đầu đi vào quên lãng. Sứ điệp Fatima , vì thế, cũng có ít người quan tâm đến.

Nhưng thật bất ngờ, ngày 8 tháng 1 năm 2009 vừa qua, trong buổi triều yết dành cho các nhân viên ngoại giao của 177 quốc gia có liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh, Ðức Bênêđíctô XVI đã phát biểu như sau: “Tương lai bây giờ bị lâm nguy hơn trong quá khứ, nhưng chúng ta không nên ngã lòng, đúng hơn, phải tăng gấp đôi sự dấn thân cho hòa bình.”

Nhân loại lâm nguy:

“Tương lai bây giờ bị lâm nguy hơn trong quá khứ”. Thật vậy, chủ thuyết Cộng Sản do Nga khởi xướng tuy đã được giải thể ở Nga và Ðông Âu, nhưng nó vẫn còn tồn tại ở Trung Hoa, Bắc Hàn, Việt Nam và Cuba . Chủ thuyết Cộng Sản tạm thời chấm dứt, nhưng chủ thuyết Hồi Giáo Cựu Ðoan đang làm cho nhân loại hoảng sợ. Nạn Cộng Sản Vô Thần tuy đã lui vào bóng tối, nhưng một lối sống vô thần khác lại đang ảnh hưởng trầm trọng đến tương lai nhân loại, đó là tư tưởng và lối sống tự do quá khích. Tự do ly dị, phá thai, đồng tính, và hôn nhân đồng tính. 4 chọn lựa này là 4 quái thai của tư tưởng nhân loại thời đại đang tạo nên một bầu tử khí bao trùm sinh hoạt tâm linh con người, khiến Ðức Gioan Phaolô II đã phải đặt cho nó một tên gọi rùng rợn, đó là “văn hóa sự chết”. Và trong thực tế, không mấy ai mà không bị ảnh hưởng, hoặc trở thành nạn nhân của nền văn hóa này.

Thật vậy, nền hòa bình nhân loại hiện đang trên bờ vực thẳm, và tương lai nhân loại không sáng sủa không phải do những vũ khí nguyên tử của Mỹ, Nga, Trung Cộng, và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Không phải do ngòi nổ từ Trung Ðông, hoặc nền kinh tế thế giới kiệt quệ như hiện nay. Nhưng sự bấp bênh, nguy hiểm của tương lai nhân loại nằm trong ảnh hưởng của một nền văn hóa toàn cầu, trong đó, người ta cố tình loại bỏ ảnh hưởng và sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Lịch sử nhân loại đã minh chứng điều này, trong thế kỷ của chúng ta đang sống, mạng người đã bị cướp đi nhiều hơn nhân mạng đã bị giết vì chiến tranh của tất cả các cuộc chiến tranh từ trước cộng lại. Nhìn vào những con số thống kê của các vụ phá thai trên toàn thế giới, con số lên đến hàng chục triệu mỗi năm. Có cuộc chiến nào suốt trong chiều dài lịch sử đã giết chết hàng chục triệu mạng người một năm? Nhân danh tự do lựa chọn, nhân danh quyền làm mẹ, có đến 60 triệu thai nhi bị giết mỗi năm trên khắp thế giới bằng hành động phá thai. Một hành động dã man, lạnh lùng đến kinh hãi nếu chúng ta nhìn bằng cặp mắt của tâm linh, của trái tim biết rung động. Và hệ quả của nó là gia đình tan nát, hôn nhân mất ý nghĩa, tình yêu bị lợi dụng, luân lý bị suy đồi.

Lịch sử cũng đang chứng minh rằng, con người ngày nay đang trải qua những khủng hoảng trầm trọng về niềm tin. Ðối với những ai tin vào Thiên Chúa họ cũng đang trải qua những cơn bắt bớ, trù dập, và tử đạo mọi ngày. Tại các quốc gia Hồi Giáo cực đoan, tại một vài tiểu bang ở Ấn Ðộ, và tại các quốc gia mà chủ thuyết Cộng Sản còn rơi rớt lại như Trung Hoa, Cuba, Bắc Hàn... sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo vẫn đang bị cấm cách, trù dập với trăm ngàn mánh khóe và thủ đoạn của những nhà cầm quyền. Những Kitô hữu vẫn đang phải tử đạo vì niềm tin và tôn giáo của mình.

Trở lên là tội lỗi và hậu quả của những tín hữu, những người không tin vào Thiên Chúa. Còn thành phần tận hiến thì sao? Câu trả lời mà ai cũng tìm thấy rõ ràng qua biến cố lạm dụng tình dục của các giáo sỹ, và một số giáo phẩm ở Hoa Kỳ, cũng như trên khắp thế giới. “Hương khói Satan đã lọt vào Giáo Hội qua những kẽ hở của đời sống tận hiến”.

Những bấp bênh của những giải pháp chính trị, kinh tế, cộng với ảnh hưởng của nền văn hóa sự chết, càng làm cho đời sống Kitô hữu ngày càng trở nên hết sức khó khăn và đầy thách đố. Chiến tranh, loạn lạc và hồng thủy không chỉ diễn ra trên mặt nổi của cuộc đời, mà còn là một trận hồng thủy âm ỷ, sâu lắng trong cõi lòng Giáo Hội, và con người. Ðiều này đã được 3 vị Giáo Hoàng cận đại nhìn thấy và đã từng lớn tiếng cảnh báo. Trước đây hơn nửa thế kỷ, Ðức Piô XII đã phát biểu rằng: “Tội lớn nhất của con người thời đại, là đánh mất đi ý thức tội lỗi”. Tiếp đến, Ðức Gioan Phaolô II thì cho rằng, nền văn hóa ngày nay là một “nền văn hóa sự chết”. Và Ðức Bênêđíctô XVI thì cảnh giác thế giới về triết lý sống “tương đối”.

Sống sứ điệp Fatima :

Do việc đánh mất ý thức tội lỗi, nên con người ngày nay làm điều sai trái mà cứ tưởng mình làm đúng. Làm điều tội lỗi mà vẫn cho mình là sống thánh thiện. Thiên Chúa và Satan. Tà và thiện. Tội và phúc được định giá như nhau và đồng đều theo nhu cầu và sự cần thiết của mỗi người. Trong nền “văn hóa sự chết” này, hôn nhân và đồng tính là hai lối sống được quan niệm đều tốt như nhau, và con người có quyền chọn lựa theo nhu cầu và lối sống. Người ta có quyền mang hoặc hủy bỏ một mạng sống, dù đó là mạng sống của con mình nhân danh quyền tự do lựa chọn. Và người ta cũng có quyền cắt đứt sự sống của một người già cả, nhân danh sức khỏe, sự tốn kém trị liệu, và rất nhiều những lý do nhân đạo.

Những điều xấu xa ấy, trước những vấn nạn không thể giải quyết bằng khả năng con người ấy, Kitô hữu chúng ta phải làm gì? Bỏ cuộc? Hay ngồi nguyền rủa cuộc đời? Nguyền rủa bóng tối?

Rất may, sứ điệp Fatima vẫn là sứ điệp mà con người có thể dùng để giải quyết những vấn nạn của xã hội, và những khó khăn cuộc sống. Trong sứ điệp Fatima , 3 phương thế thực hành đã được Ðức Maria nhắc đến: Cải thiện đời sống. Tôn sùng Trái Tim Mẹ và Lần Hạt Mân Côi. Tuy nhiên, cả ba điều kiện trên đều không dễ thực hiện mặc dù xem ra như nhỏ mọn và tầm thường.

Trên thực tế, chẳng mấy ai nhận mình có lỗi và vì thế cũng chẳn mấy ai nghĩ mình cần phải sửa lỗi. Ðiều này dễ hiểu, vì một khi đã đánh mất niềm tin, đánh mất ý thức tội lỗi, thì làm gì còn thấy mình có lỗi để sửa lỗi. Ðiểm trùng hợp giữa hai nhận xét của Ðức Piô XII và Ðức Bênêđíctô XVI là vì đánh mất ý thức tội lỗi, nên con người thời đại nhìn gì cũng chỉ thấy những giá trị tương đối.

Nhận ra cái tuyệt đối. Phân biệt giữa đen và trắng thì tương đối dễ hơn là phân biệt giữa trắng nhiều và trắng ít, giữa đen nhiều và đen ít. Giữa một cái áo trắng nếu có vết bẩn nào dính vào, nó hiện ra rõ ràng, nhưng trên một mảnh vải đen thì một vài vết bẩn không còn là điều khiến cho ta quan tâm nữa. Cái nguy hiểm của quan niệm và lối sống này làm cho con người không cảm thấy nhu cầu cần phải sửa sai hay thăng tiến. Ảnh hưởng của nó đã biến thành một độc dược tỏa lan trong không khí sinh hoạt để biến nền văn hóa sự sống thành “nền văn hóa sự chết”.

Do đó, để nhận ra điều cần phải sửa đổi cần thiết con người phải tìm gặp và tiếp cận với Ðấng thiêng liêng, cao cả. Và sự tiếp cận ấy là lời cầu nguyện. Mẹ Maria đã giới thiệu phương thế cầu nguyện rất đơn sơ bằng chuỗi Mân Côi. Mẹ cũng lôi kéo tâm hồn con người về với tình thương Thiên Chúa qua hình ảnh trái tim của một hiền mẫu.

Ðể phục hồi nền văn hóa sự sống, để cứu vãn nhân loại và thế giới khỏi đi sâu vào con đường diệt vong, con đường tự hủy diệt, cần phải có một phép lạ. Nhưng phép lạ ấy sẽ không thể nào sẩy ra nếu không có sự can thiệp của Mẹ. “Người bảo gì hãy làm như vậy” (Gio 2:5), đó là lời của Ðức Trinh Nữ Maria đã nói với các gia nhân trong bữa tiệc cưới tại Canna, và vì làm như lời Mẹ dậy bảo, nên phép lạ nước lã hóa rượu đã được thực hiện.

Nhân loại ngày nay cần những phép lạ của niềm hy vọng để có thể tin tưởng vào Con của Ðức Trinh Nữ Maria giữa một thế giới đã đánh mất niềm tin. Nhân loại ngày nay cũng cần những phép lạ của tình thương giữa một thế giới chết chóc, giữa một thế giới mà nghi kỵ, thù hận gây ra bởi mất niềm tin vào Ðấng đã yêu thương con người nên đã hóa thân làm người. Tất cả những phép lạ này đều được thực hiện bởi Chúa Giêsu, Con Mẹ Maria.

Sứ mạng của hồn nhỏ là yêu thay và đền thay.

Nghề của hồn nhỏ là cầu nguyện.

Nhưng chúng ta không thể yêu được, đền được, cũng như cầu nguyện sốt sắng được nếu như chúng ta không tiếp cận với Chúa qua Mẹ Maria. “Per Mariam ad Jesum”. Nếu Chúa Giêsu là đấng làm nên phép lạ, thì Mẹ Maria là người đề nghị và cầu xin phép lạ ấy cho chúng ta: “Họ hết rượu rồi” (Gio 2:3). Vậy hãy nghe lời Mẹ dậy: “Cải thiện đời sống. Siêng năng lần hạt, và Ðền Tạ Trái Tim Mẹ”. Sứ điệp Fatima vẫn chưa phải là sứ điệp lỗi thời và nó không thể bị quên lãng, vì: “Tương lai bây giờ bị lâm nguy hơn trong quá khứ, nhưng chúng ta không nên ngã lòng, đúng hơn, phải tăng gấp đôi sự dấn thân cho hòa bình.” (Bênêđíctô XVI).