Khi đọc sách báo hoặc gặp gỡ trực tiếp, tôi được nghe nhiều nhà văn, nhà báo nhận xét về tính cách cha tôi. Hầu hết đều bảo, cha tôi ít nói và có vẻ ngoài lành lạnh. Cha tôi cũng tự nhận rằng mình có “Cái mặt không chơi được”.

Riêng nhà văn Tô Hoài và Chu Văn lại bảo: Đấy là lúc bình thường, chứ khi đã “mặn chuyện” rồi thì ít ai nói kịp với cha tôi.

Nhà văn Tô Hoài mô tả: “Những người mới gặp Nam Cao thường nói: Anh ta lạnh lùng quá. Kéo mép lên mới nở được một nụ cười khó nhọc…” và bác nói tiếp: “… Khi vui chuyện hoặc quá chén thì cái anh chàng gầy gò lẻo khoẻo ấy đỏ mặt, đỏ tai lên, vừa rung đùi vừa nói và băm băm bàn tay. Chửi bới rất hùng hổ, coi trời bằng vung… Nào Gorky viết cũng xoàng. Lỗ Tấn thì khá một tý. Mình sâu một tý nữa có thể kịp Chekhov… Tao ấy à, tiểu thuyết của tao sẽ… và rung đùi, và hoa chân, múa tay.

Nhưng khi cái “bốc” ấy qua rồi, thì Nam Cao cả ngày ngồi lừ rừ suy nghĩ. Còn nhà văn Chu Văn, tuy chỉ gặp cha tôi đúng một lần, nhưng ông cũng nhận xét: Bình thường cha tôi rất ít nói.

Song, lúc “mặn chuyện” rồi, người nói thật nhiều. Ông Chu Văn bảo: “Nam Cao chân thành, khiêm tốn, không ồn ào. Pha trò rất chín. Người khác cười phá lên, thì anh chỉ tủm tỉm… Nhưng có lúc anh lại nói rất nhiều”.

Nhà văn Chu Văn gặp cha tôi một lần vào cuối năm 1951. Cha tôi từ Việt Bắc về căn cứ khu Ba tại hang Độc Tru, huyện Lệ Thủy để bắt liên lạc vào công tác ở vùng sau lưng địch.

Người nghỉ lại ở cơ quan nhà văn Chu Văn một đêm. Vào buổi tối, các ông đốt một đống lửa to ngay giữa nhà. Mọi người quây quần xung quanh đống lửa vừa sưởi, vừa nướng sắn ăn, vừa trò chuyện. Lúc ấy cha tôi nói rất nhiều chuyện.

Nào chuyện làng Đại Hoàng quê tôi, với những đặc sản chuối ngự, hồng đỏ. Mùi thơm lừng mà ăn thì mát cả buồng phổi. Nào chuyện người dân khéo tay hay làm thạo rất nhiều nghề: dệt vải, làm vườn, thợ mộc… Chuyện thôn Đức Bản có ba mươi hai cụ giả liệt sĩ…

Khi nhà văn Chu Văn hỏi cha tôi về các nhân vật trong tác phẩm thì cha sôi nổi hẳn lên. Người bảo: “Bá Kiến, Lý Cường, Binh Chức… là có thật cả đấy!”. Cha tôi lại nói: “Những người như thế làng xã nào chả có, nếu muốn tìm Trạch Văn Đoành, Thiên Lôi thì cứ đến ngã ba Tam Tình, chỗ gặp nhau giữa sông Hồng và sông Luộc ấy!”.

Nghe nhà văn Chu Văn bảo: “Anh Nam Cao khi mặn chuyện, nói nhiều mà rất hóm”. Tôi chợt nhớ ngày xưa mẹ tôi kể: “Cứ mỗi lần cha con về quê thường đến thăm bác Bật là anh ruột mẹ. Hôm nào cha có mặt, là y như hôm đó cái Toan - con gái bác bị mắng.

Bởi Toan rất thích nghe chuyện của cha con. Cứ cha con ngồi kể chuyện là Toan bỏ hết công việc để ngồi chầu rìa, nghển cổ lên nghe. Nhiều hôm đến bữa cũng không chịu thổi cơm. Và cu cậu Hoàng Cao - con trai bác thì còn hơn cả Toan nữa.

Cu cậu có thể ngồi với cha con từ sáng đến chiều. Chú, cháu chuyện trò đông, tây, kim, cổ quên cả ăn, uống. Bác gái, vốn tham công tiếc việc, tức lên bảo: “Cái chú này, cứ thấy chú đến là y như rằng, chẳng đứa nào màng đến công việc gì nữa. Không biết chú có bùa, bả gì mà chúng nó mê thế, không biết?”. Cha con tủm tỉm cười, rồi đứng dậy: “Thế à! Vậy thôi em về kẻo bác lại mất việc”.

Tôi cũng từng được cha đưa đi chúc Tết và được chứng kiến một câu chuyện tương tự. Hồi ấy, tôi mới khoảng năm, sáu tuổi. Vào dịp Tết năm đó, mẹ tôi bận em bé.

Sáng ngủ dậy, hai cha con ăn uống qua loa xong, mẹ bảo: "Sáng nay, hai bố con đi chúc Tết ông bà đôi bên và bác cả. Sau đó vào nhà các cậu, các dì nữa nhé! Tranh thủ để chiều còn đến hàng xóm, láng giềng".

Lát sau, cha con ra đi. Chúc Tết ông bà nội, ngoại xong hãy còn sớm lắm. Cha đưa tôi đến nhà bác. Lúc ấy trong nhà có bác trai, anh Hoàng Cao và chị Toan. Không thấy bác gái. Cha tôi vừa bước vào nhà, chị Toan đã reo lên: “A, năm mới chú đến chơi, cháu chúc chú năm mới mạnh khoẻ, làm ăn phát tài bằng năm, bằng mười năm ngoái ạ!”.

Cha tôi vừa tủm tỉm cười, vừa bước vào nhà. Rồi bốn người quây quanh bàn nước, và chuyện bắt đầu nở như ngô rang. Tôi lẻn xuống bếp, chơi với lũ mèo con nhà bác. Thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng cười như nắc nẻ của chị Toan và anh Hoàng Cao vọng xuống.

Tôi đang say sưa, đùa nghịch với lũ mèo con, thì giật nẩy mình vì một tiếng quát:

- Cái Toan đâu rồi? Đến tận bây giờ vẫn chưa cơm, nước gì hả? Mà hình như nhà cửa cũng chưa dọn dẹp gì sất cả? Con với cái! Chị Toan ló đầu ra khỏi cái mành mành tre che cửa.

- Ơ! Sao mẹ về sớm thế! Mà mẹ làm ầm ĩ cả lên! Chuyện của chú đang hay. Mẹ làm con mất cả hứng, “giông” cả năm rồi!

Lúc ấy, cha tôi cũng bước ra hè:

- Bác đã về! Chết chưa, thế mà trưa mất rồi nhỉ.

Rồi cha tôi khẽ khàng bảo:

- Con ơi! Thôi chào bác và các anh, chị đi rồi mình về con! Bác gái nhìn thấy cha tôi, hiểu ngay nguyên nhân nào đã làm chị Toan quên hết cả việc nhà. Bác cười cười bảo:

- Thì ra là vậy, lại là ông Tri. Chả trách mà… và bác chuyển “gam” luôn: “Năm mới chúc chú mạnh khỏe, kiếm được nhiều tiền để cô ấy trang trải hết mọi khoản nợ nần” rồi bác mở hầu bao lấy ra đồng hào: “Bác mừng tuổi cho cháu gái của bác này”.

Hai cha con về đến nhà đã xế trưa. Mâm cơm đã dọn sẵn, mẹ tôi đang chờ hai cha con về ăn. Lúc ngồi bên mâm, mẹ tôi hỏi: “Sáng nay hai bố con đi được hết mọi nhà chưa? “Tôi nhanh nhảu: “Mới đến được nhà ông bà và bác Bật thôi ạ!”. Mẹ tôi lẩm bẩm:

- Cả buổi sáng mà đi được có vậy. Chắc bố, con còn ngủ ở nhà bác Bật chứ gì?

Lúc ấy cha tôi mới thủng thẳng đáp:

- Năm nay bố con mình cứ gọi là “giông” cả năm mất thôi. Đến nhà bác thì bác gái đuổi. Về nhà mình, thì lại bị mẹ mắng. Chiều nay bố con mình ở nhà “đánh” một giấc, để cho mẹ đi, thì mới gặp may được.

Sau khi cha tôi hy sinh rồi, các em thường đi học vắng nhà và chúng còn quá nhỏ. Những lúc nhớ cha, mẹ tôi thường đem chuyện về cha tôi kể lại. Nhiều lần mẹ bảo: “Ai cũng tưởng cha con nói ít lắm! Nhưng, khi đã vui chuyện rồi thì đố ai nói kịp với ông ấy đâu”. Trong nhà tôi, có lẽ cậu Thành - con thứ ba của cha mẹ tôi, giống tính cha tôi ở điểm đó.

Nam Định 11/2005

(Nguồn: Tiền Phong)