Các "siêu nhân" đâm dao nhọn vào người hay dùng tay móc mắt mà không biết đau thực ra đã mắc phải một căn bệnh hiếm gặp. Sự đột biến ở một gene đã khiến họ không thể cảm nhận đau đớn.


Những người bình thường sẽ phải lắc đầu lè lưỡi khi chứng kiến những màn biểu diễn đâm dao nhọn vào người, dùng dây thép xuyên qua cơ thể, lấy tay móc mắt. "Diễn viên" tự nhận mình là những "người thép" không bao giờ biết đau đớn.

"Tôi có sức mạnh siêu nhiên" - đó là lời giải thích của cô Megan người Pakistan sau khi thực hiện màn trình diễn kinh dị. Dù bị những chiếc gậy bóng chày đập thoải mái vào người, cô không hề cảm thấy đau đớn.

Tại khu vực phía Bắc Pakistan có nhiều "người thép" giống như Megan. Họ có thể xuyên dao qua lưỡi, dùng kim nhọn đâm suốt cánh tay, đóng đinh vào lưng hay rảo bước trên than hồng mà không có cảm giác gì. Họ thường lang thang biểu diễn để kiếm sống trên phố hay tham gia những show truyền hình giải trí.

Các nhà nghiên cứu đã vào cuộc để giải mã hiện tượng "người thép" và phát hiện ở khu vực Bắc Pakistan có 6 người sở hữu khả năng đặc biệt đó. Họ là những người mất cảm giác đau. Tìm hiểu kỹ 6 "người thép", các nhà khoa học phát hiện họ có nhiều vết thương ở miệng, lưỡi, có người mất hẳn 1/3 lưỡi. Nguyên nhân là họ tự cắn nhầm từ khi còn nhỏ vì cơ thể không có khả năng cảnh báo cơn đau. Thậm chí có một cậu bé 14 tuổi đã chết vì nhảy qua cửa sổ do mắc bệnh mất cảm giác đau bẩm sinh.

Phát hiện gene gây bệnh

Đau là phản ứng của cơ thể trước một kích thích. Kích thích được dây thần kinh ngoại vi tiếp nhận, truyền vào tủy sống rồi đưa lên một bộ phận của não bộ, nơi mà cảm giác đau được phát hiện. Sau đó, bộ phận này lại chuyển tín hiệu tới vùng não chịu trách nhiệm về cảm giác thể chất, cảm giác xúc động và sự suy tư. Não sẽ đưa ra biện pháp đối phó, thích nghi, tiết ra những hóa chất làm dịu cơn đau hoặc báo động sự nguy hiểm.

Con người có phản ứng khác nhau với sự đau. Có người đau nhiều, người đau ít. Cường độ cảm giác đau cũng thay đổi tùy theo nhiều yếu tố (như tâm trạng, thái độ đối với đau; kỷ niệm đau trong quá khứ; trình độ học vấn và giai tầng trong xã hội, tuổi tác và giới tính).

Kiểm tra trên 6 “người thép” ở Pakistan, các nhà khoa học phát hiện nguyên nhân chính gây ra bệnh là do đột biến của một gen có tên là SCN9A, khiến các tế bào thần kinh không thể truyền tín hiệu thông báo tới bộ não về cơn đau thể chất. Hiện trên thế giới có khoảng vài trăm người mắc căn bệnh được gọi là mất cảm giác đau bẩm sinh này. Bệnh nhân thường hay ốm nhẹ, thiểu năng trí tuệ nhẹ.

Paola Sandroni, một chuyên gia về thần kinh học ở Minnesota, (Pakistan) đang theo dõi một bệnh nhân mắc chứng trên. Ông cho biết, bệnh nhân này gặp phải những phiền phức đôi khi nguy hiểm đến tính mạng vì không có cảm giác cảnh báo những cơn đau. Có lần người này cầm tay vào dây điện mà không hề biết rằng tay mình đang cháy sém. Ông cho rằng các "người thép", do không có cảm giác đau nên không học được kinh nghiệm để tránh tai nạn cho bản thân.

Trong thực tế, nếu bạn bắt gặp những cảnh biểu diễn kinh dị của "người thép", không hẳn đó là người mắc căn bệnh hiếm gặp trên. Họ có thể là các nhà ảo thuật, hoặc tham gia khổ luyện một số dòng võ thuật kỳ bí nào đó.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)