BỒ ĐỀ ĐẠT MA ĐỘ CHIM OANH VŨ
Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng
http://www.dharmasite.net/bdh07/ToaThienKhaiThi-3.html


Tham thiền là pháp môn ấn tâm vi diệu do đức Thích Ca thân truyền tại đỉnh Linh Sơn. Dạo ấy, đức Phật cầm một cành hoa trong tay và đưa lên, miệng mỉm cười. Không ai trong pháp hội hiểu đặng ý Phật, duy chỉ có ngài Ma Ha Ca-Diếp minh bạch ý chỉ của Phật. Ngài liền mỉm cười. Đây là lần đầu tiên pháp môn “dĩ tâm ấn tâm” được truyền và từ đó, pháp môn ấy được các vị Tổ truyền thừa cho các thế hệ tiếp nối.



Ngài Đại Ca-Diếp lúc bấy giờ đã trên trăm tuổi. Là vị tu hạnh đầu-đà bậc nhất, luôn luôn phấn chấn nỗ lực dụng công, Ngài không cười cợt bừa bãi đâu. Lý do Ngài mỉm cười là vì liễu ngộ ý chỉ của Phật, rồi biểu thị pháp “lấy tâm ấn tâm” đấy.



Đức Phật Thích Ca truyền pháp môn này cho Ngài Đại Ca-Diếp làm sơ tổ. Sơ Tổ truyền cho Tổ thứ hai là Ngài A-Nan-Đà. Ngài A-Nan-Đà lại truyền cho Tổ thứ ba là Ngài Thương-Na Hòa-Tu, và Ngài Thương-Na Hòa-Tu truyền tiếp cho vị Tổ thứ tư là Ngài Ưu-Ba Cấp-Đa. Cứ như thế “tâm pháp” được truyền thừa cho đến Ngài Bồ Đề Đạt-Ma, vị Tổ thứ 28 ở Ấn Độ. Ngài Bồ Đề Đạt-Ma nhận thấy căn-tánh dân Ấn lúc bấy giờ chưa thuần thục, trong khi căn tánh dân Trung Hoa thì chín mùi, đủ sức tiếp thọ Pháp Đại Thừa. Vì thế Tổ dùng đường biển đi qua Trung Hoa, và đến Quảng Châu vào năm 527 sau Tây lịch. Do đó Quảng Châu còn được gọi là “Tây Lai Sơ Địa”. Nhưng người Quảng Châu bấy giờ chưa có thể tiếp nhận Pháp Đại Thừa này liền vì họ không nhận biết Tổ là ai. Họ miệt thị gọi Ngài là “malacha” (quỷ la sát!). Một từ ngữ khinh miệt dùng để gọi người Ấn Độ. Người bèn đi Nam Kinh bổn ý là muốn độ Pháp Sư Thần Quang. Khi Pháp Sư Thần Quang giảng kinh ở Nam Kinh, biện tài của Ngài vô ngại đến nỗi chư thiên tán hoa trên trời xuống, và dưới đất sen vàng vụt mọc lên.



- Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma hỏi Ngài Thần Quang:

“Ông giảng kinh để làm gì?”



-“Tôi giảng để dạy người liễu sanh thoát tử”



- Ngài Bồ-Đề-Đạt-Ma lại hỏi: “Trong kinh toàn là giấy trắng mực đen, ông nương vào đâu liễu sanh thoát tử?”



Nghe vậy Ngài Thần Quang bực mình lắm, nghĩ rằng ông râu này phỉ báng Tam Bảo. Nổi giận, Ngài cởi chuỗi tràng hạt bằng sắt nặng chình chịt ra quấn vào mặt Tổ, đánh gãy mất hai chiếc răng của Tổ. Ngày xưa, rất nhiều người biết võ công kể cả những thầy tu.. đã là thầy tu thì không được mang khí giới trong mình, cho nên nhiều thầy đeo chuỗi hạt bằng sắt để làm khí giới phòng thân, sử dụng nó như cây nhuyễn tiên để đối địch.



Lại nói truyền thuyết về hàm răng của những vị Thánh nhân: rằng nếu răng của vị Hiền Thánh rơi xuống đất, thì trời sẽ hạn hán ba năm, và người dân vùng ấy có thể chết đói vì mất mùa. Cho nên khi thấy mình bị đánh gãy luôn một lần hai cái răng, Tổ không nỡ để cho dân chịu khổ vì mình. Thay vì để răng rơi xuống đất, Ngài nuốt chửng hai răng ấy, rồi bỏ đi. [Ở Trung Hoa có câu tục ngữ “Đả nha vãng đổ liễu yến” nghĩa rằng nếu răng ông bị đánh gãy, hãy nuốt vào bụng, là từ giai thoại này mà ra.]



Khi lời thốt ra mà không ứng hợp, Tổ liền biết hiện tại cơ duyên Thần Quang chưa đến, Ngài liền tới núi Tung Sơn, tỉnh Hồ Nam. Trên đường Tổ gặp một con chim oanh vũ bị nhốt trong cái lồng mây. Con chim nhận ra Ngài và hỏi:



“Tây lai ý,

Tây lai ý,

Thỉnh nhữ giáo nhã

Xuất lưng kế”



Tạm dịch:



“Với ý chỉ từ phương Tây,

Với ý chỉ từ phương Tây,

Xin Ngài dạy con,

Kế sách thoát khỏi lồng này”



Bồ-Đề-Đạt-Ma bèn dạy cho chim kế rằng:



“Xuất lung kế,

Xuất lung kế,

Lưỡng thối trường thân,

Lưỡng nhãn bế,

Thử tiện thị nhữ xuất lung kế”



Tạm dịch:



“Kế thoát lồng,

Kế thoát lồng,

Hai chân duỗi thẳng

Mắt nhắm nghiền,

Chính là diệu kế bay thoát lồng”



Con chim lắng nghe xong là hiểu ngay. Rồi nó ngay cẳng ra, nhắm nghiền mắt lại, giả chết. Khi người chủ chim đi làm về, anh ta đến lồng thấy chim, bèn la lên: “Úi da! Chim ơi ngươi làm sao thế?”



Hoảng hốt, anh ta mở cửa lồng, bồng chim ra. Chàng chim nín thở bất động… Người chủ chim thấy làm lạ, coi tới coi lui chàng chim, rồi nghĩ: “Chim không cục cựa, giống y như đã chết. Song chết rồi thì sao thân không lạnh?”. Do dự, phân vân hết sức, anh ta từ từ mở tay ra… Đúng lúc ấy, chàng chim vỗ cánh bay khỏi tay anh ta. Tự do!



Câu chuyện này đáng làm cho chúng ta suy nghĩ. Ai trong chúng ta không như chim nhốt trong lồng? Tuy ngày ngày ta sống nhởn nhơ, song ta nào có tự do, ra ngoài vòng sanh tử. Mà sự thật là ta sanh ra mê muội, rồi thì mê muội chết đi, chưa hề thấy bản lai diện mục của mình. Vì vậy, nếu muốn được tự do sanh tử, thì trước hết hãy coi mình là kẻ đã chết.* Cho nên nói:



“Nhược dục nhân bất tử

Tức hạ tử công phu.”



Tạm dịch:



“Nếu muốn mình không chết

Thì phải tu hết mình”



Mục đích việc tu hành, là muốn thấu rõ mình từ đâu sanh ra và mình chết sẽ đi về đâu? Và để thấu rõ lý do gì mình không thể làm chủ vận mạng của chính mình.



“Có chứ”. Các vị có thể nói: ”Tôi làm chủ thân tôi. Thân này thuộc về tôi”. Nếu các vị thật sự làm chủ thân mình, sao các vị chẳng làm thân trẻ mãi không già? Đến lúc bịnh sao các vị không tự chủ – đừng bịnh? Tới lúc chết, các vị lại càng không thể tự chủ. Cho nên mình cần phải thật sự hiểu rõ ngọn ngành sanh tử. Rằng:


”Lai thời hồ đồ, khứ thời bi

Uổng tại nhân gian, tẩu nhất hồi

Bất như bất lai diệc bất khứ

Diệc vô hoan hỉ diệc vô bi.”



Tạm dịch:



“Đến thật hồ đồ, đi buồn lo

Sống uổng trên đời chạy vòng vo

Chi bằng không đến cũng không đi

Cũng chẳng vui sướng chẳng sầu bi.”



Con người sanh ra trong u mê, chết đi trong u mê. Khi lâm chung thì buồn rầu khổ não. Nếu bị cảnh trạng này xoay chuyển thì làm người thật vô nghĩa. Vòng vo quanh quẩn hoài trong u buồn, khổ bi thì thật uổng đời lắm. Chi bằng không đến không đi, há không khỏe hơn sao? Được vậy tức thoát khỏi vòng hoan hỉ sầu bi, thực sự tự do tự tại.



Chúng ta không nên tự nhốt mình trong lồng. Lồng gì? Chiếc lồng là thân này. Thân người là một tập hợp hư giả của tứ đại: đất, nước, gió, lửa mà bổn hữu Phật tánh thì bị nhốt trong cái lồng tứ đại ấy, y như chim bị nhốt trong lồng, không thể thoát ra được. Nếu muốn thoát lồng mình phải học “vô quái vô ngại, vô khủng vô bố, vô phiền vô não” (không chướng ngại ai, cũng không gì chướng ngại mình, không sợ hãi gì, cũng không làm ai sợ hãi, không có phiền não gì, cũng không làm ai phiền não). Có nghĩa là chúng ta phải làm chủ chính mình. Vì lý do đó, chúng ta nên học ngồi thiền. Mỗi người phải tự chấm dứt sanh tử của chính mình. Không một ai khác có thể làm chuyện ấy thay mình.. người khác có thể chỉ đường, nhưng mình phải tự mình bước đi. Nếu các vị muốn thoát lồng thì phải tự mình nỗ lực, phải một phen khổ công!



*Chết hết mọi dục vọng, quyền lợi, tiếng tăm, sung sướng v.v…hết đi mọi đấu tranh, truy đuổi, tham cầu.