Kính thưa quý Cha, quí Thầy, quý vị và các bạn thân mến,

Tôi được một người bạn trong sở giới thiệu trang web binhgia.net, mặc dầu không phải người Bình Giả nhưng thấy có mục Hỏi & Đáp rất hay và đang có một thắc mắc khá lâu chưa có câu trả lời, nên nhờ người bạn nêu trong mục Hỏi & Đáp để xin một lời giải đáp.

Trong đạo Công Giáo, chúng ta tin rằng mọi người sinh ra đều mang tội tổ tông dù sinh ra trong gia đình ngoại giáo hay Kitô Giáo. Thắc mắc của tôi là tại sao hai vợ chồng Công Giáo, tức là đã sạch tội tổ tông, nhưng những người con sinh ra bởi hai người đó vẫn mang tội tổ tông? Nói một cách khác, tại sao một đứa bé được sinh ra bởi hai người đang vô tội lại có tội?

Xin cám ơn quý Cha, quý Thầy, quý vị, và các bạn.

V. Trần

Linh Mục Giuse Ngô Sĩ Đình trả lời:

Bạn V. Trần thân mến,

Câu hỏi của bạn rất hay và đụng chạm đến một vấn đề rất căn bản trong Giáo lý Công giáo, vấn đề tội “tổ tông”. Tại sao trong một gia đình công giáo, cha mẹ đã được rửa tội, tức là đã sạch tội tổ tông mà con cái sinh ra vẫn phải được rửa tội? Thắc mắc của bạn là do cách hiểu tội tổ tông theo kiểu “con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi xin phép nói thêm hai điểm: tội tổ tông là gì? Tại sao ta biết con người mang tội tổ tông?

1. Tội tổ tông là gì?

Gọi là tội tổ tông, một từ ngữ cổ điển hầu như chỉ còn sử dụng trong ngôn ngữ “nhà đạo”, bởi vì tội này do nguyên tổ loài người đã mắc phạm và truyền lại cho con cháu. Giáo lý Công giáo dạy rằng, Thiên Chúa sáng tạo con người và cho con người sống trong tình nghĩa yêu thương của ngài. Nói Thiên Chúa sáng tạo con người, tức con người là loài thụ tạo, mà để sống đúng theo bản chất một thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương, con người cần chấp nhận mình là loài thụ tạo. Kinh Thánh dùng hình ảnh cây trái cấm như biểu tượng của khoảng cách giữa Ðấng sáng tạo và loài thụ tạo mà con người không được vượt qua, con người phải “tự do suy phục” trước Ðấng tạo hóa. Nếu con người lỗi luật này, tức khắc sẽ phá hủy căn tính của mình, đi ngược lại bản chất thụ tạo của mình. Ðể trình bày điều đó, sách Sáng Thế nói rằng con người không được ăn trái cây cấm, nếu không sẽ phải chết. Nhưng do bị ma quỉ cám dỗ, con người muốn được ngang bằng Thiên Chúa “… ông bà sẽ trở nên như những vị thần biết điều thiện điều ác”, nên con người đã phạm tội. Có thể nói rằng tội đầu tiên của con người là tội chống lại Thiên Chúa: khi muốn phá hủy khoảng cách của thân phận thụ tạo trước Ðấng tạo hóa, thì đồng thời con người cũng đã phá hủy ý nghĩa của mình, đi ngược lại với bản chất của mình. Ðó chính là ý nghĩa của tội tổ tông.

2. Tại sao biết con người mắc tội nguyên tổ?

Chúng ta biết rằng chỉ có mặc khải mới giúp chúng ta biết rõ hơn về tội nguyên tổ. Nhưng mặc khải đó được thực hiện qua kinh nghiệm của con người. Thực vậy, từ xa xưa, con người vẫn thắc mắc tại sao lại có sự dữ trong thế giới, tại sao con người phải đau khổ, tại sao phải làm ăn vất vả dãi nắng dầm mưa, tại sao phải mang nặng đẻ đau… trong khi Thiên Chúa là đấng tốt lành không thể tạo ra những điều xấu xa như thế được. Vậy thì đau khổ, sự ác từ đâu mà ra? Những câu hỏi như thế cũng như những câu hỏi liên quan đến sự ác, sự dữ chỉ có thể có một lời giải thích: do tội của con người. Các chương đầu của sách Sáng thế là một nỗ lực để giải thích lý do hiện hữu của sự dữ. Bởi con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa, đã đi lạc mất chính bản chất của mình, nên con người phải đau khổ. Tội nguyên tổ chính là lời giải đáp cho chúng ta về sự dữ trong trần gian.

3. Tại sao con cái cha mẹ công giáo vẫn phải được rửa tội?

Bây giờ tôi xin trả lời chính thắc mắc của bạn. Có hai lý do để giải thích tại sao một đứa bé sinh ra trong gia đình công giáo vẫn phải được rửa tội.

- Lý do thứ nhất: Vì như chúng ta đã nói, tội nguyên tổ đi liền với bản tính con người, nên bất cứ ai trong thân phận con người, cũng đều phải đón nhận tội này.

- Lý do thứ hai (quan trọng hơn): Vì mọi người đều phải được cứu độ nhờ đức Kitô. Thánh Phaolô khẳng định: “Do sự bất tuân của một người, nhiều người (nghĩa là tất cả mọi người) bị liệt vào hàng tội nhân” (Rm 5,19) và cũng như sự chết đã truyền đến mọi người do một người đã phạm tội, “thì sự công chính của một người (tức là Chúa Kitô) đã mang lại cho mọi người sự công chính hóa ban sự sống” (Rm 5,18). Mọi người liên đới với Adam nên tất cả mọi người đều liên can trong tội của Adam, cũng như tất cả mọi người đều liên can trong sự công chính của Chúa Kitô. Nếu có ai sinh ra trong gia đình công giáo, mà theo lý luận của bạn, họ không mắc tội tổ tông truyền, thì dĩ nhiên họ không cần ơn cứu độ của Chúa Kitô, nhất là trường hợp các em bé chưa phạm tội riêng. Ðiều này không hợp lý, vì Ðức Kitô là đấng cứu độ mọi người, là Vua vũ trụ.

Chúng ta vừa mừng lễ Ðức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội (8/12), tức là mừng Ðức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền. Từ lâu Giáo hội vẫn tin như vậy, nhưng nhiều nhà thần học không chấp nhận, vì nếu Ðức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền thì Ðức Mẹ không cần ơn cứu độ của Chúa Kitô. Cho đến năm 1854, khi đức Giáo Hoàng tuyên bố tín điều này, thì Ngài cũng xác định, Ðức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền, nhưng cũng phải nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, Ðức Mẹ được hưởng trước công nghiệp đó, nên đã được gìn giữ khỏi tội tổ tông truyền. Ðây là một đặc ân riêng Thiên Chúa ban cho đức Maria.

“Như vậy có thể coi giáo lý về tội tổ tông là “mặt trái” của Tin Mừng cho ta biết Chúa Giêsu là Cứu Chúa của mọi người, mọi người cần phải được ơn cứu độ và ơn này được ban tặng cho mọi người nhờ Chúa Kitô.” (sách Giáo Lý Công Giáo số 389)

(Bạn có thể tham khảo thêm sách Giáo Lý Công Giáo)

Linh Mục Giuse Ngô Sĩ Đình
nguồn: http://www.binhgia.net/site/thieng-l...mc-v-ti-t-tong