Kính gởi BBT trang web Bình Giả,

Con có 2 thắc mắc (hơi trẻ con) liên quan đến những cử chỉ (nhiều người thực hiện khác nhau) khi tham dự Thánh Lễ. Mong BBT và quý Cha có thể giải thích rõ ràng hơn: 1) Khi làm dấu Thánh giá, đến đọan : "Nhân Danh Cha và Con", ta nên
a) đặt tay lên Ngực,
b) đặt tay lên Bụng,

theo con nghĩ, thì nên đặt tay lên Ngực. Việc này ám chỉ Chúa Giêsu luôn ngự trong tâm hồn, trái tim của mỗi người chúng ta.

2) Khi Linh mục chủ tế làm phép Thánh Thể, sau khi đọc " ... Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta", thì Ngài nâng Bánh, Rượu lên. Lúc này giáo dân nên:
a) Cúi đầu để bày tỏ lòng tôn kính và chúc tụng Chúa,
b) Ngẩng đầu lên để chiêm ngưỡng và ca tụng danh Chúa,
c) Cả hai đều có thể chấp nhận được.

Cuối thơ, con kính chúc BBT cùng quý Cha luôn dồi dào sức khỏe để giúp ích cho mọi người.

Con
Phương Trời Xa

Linh Mục Giuse Ngô Sĩ Đình trả lời:

1. Về việc làm dấu thánh giá:

Dấu thánh giá là một cử chỉ rất căn bản trong cuộc đời của người Kitô hữu. Ngày lãnh bí tích rửa tội, người Kitô hữu đã được ghi hình thánh giá trên trán, do thừa tác viên bí tích rửa tội, do cha mẹ, và người đỡ đầu. Dĩ nhiên, nghi thức chính yếu của bí tích rửa tội là đổ nước và đọc công thức rửa tội, nhưng dấu thánh giá đó đã in hình ảnh cây thập giá của đức Kitô lên người Kitô hữu, nói lên ý nghĩa của bí tích rửa tội, tức là người Kitô hữu được đồng hình đồng dạng với đức Kitô, được cứu chuộc nhờ cái chết và phục sinh của Người. Nhờ đó, họ được thừa hưởng các tước vị của đức Kitô, là vua, tư tế và ngôn sứ, và đựơc làm con Thiên Chúa. Mỗi lần làm dấu thánh giá trên mình, người Kitô hữu nhắc lại hồng ân đã đón nhận.

Dấu thánh giá cũng là một lời tuyên xưng đức tin. Ngày xưa các ông biện đã giải thích một cách rất hay rằng, khi làm dấu thánh giá, chúng ta tuyên xưng ba mầu nhiệm lớn nhất trong đạo: Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần); mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người (cử chỉ đưa tay từ trên trán xuống ngực); mầu nhiệm Cứu Chuộc (vẽ hình thánh giá). Như vậy có thể nói rằng, dấu thánh giá tuy đơn sơ nhưng là lời tuyên xưng căn bản và là trọng tâm của đức tin công giáo: tuyên xưng có một Thiên Chúa yêu thương con người, tình yêu đó được biểu lộ qua cái chết trên thập giá của Đức Kitô, yêu cho đến chết, và chết trên thập giá.

Người Kitô hữu làm dấu thánh giá để khởi đầu các giờ cầu nguyện, và là cử chỉ tuyên xưng đức tin của mình. Ngoài ra, Giáo hội cũng làm dấu thánh giá trong các nghi thức chúc lành, trong các bí tích hoặc các á bí tích. Trong những trường hợp đó, thừa tác viên ghi hình thánh giá, bằng ngón tay cái hoặc cả bàn tay trên người hoặc những đồ vật được chúc lành.

Về cách thức thực hiện, chúng ta có hai hình thức, quen gọi là làm dấu đơn và làm dấu kép. Khởi đầu thánh lễ, linh mục và cộng đoàn làm dấu thánh giá đơn, còn trước khi nghe đọc Phúc âm thì làm dấu thánh giá kép. Sách Nghi Thức Thánh Lễ không xác định vị trí đặt tay khi làm dấu thánh giá, nhưng một số sách giáo lý giải thích như sau: Khi làm dấu kép (gọi là dấu kép vì vẽ tới 3 hình thánh giá trên mình, trong tiếng Anh thì lại gọi là Small sign of the Cross, có lẽ vì phạm vi nhỏ hơn) bàn tay nắm lại, ngón tay cái vẽ hình thánh giá nhỏ lên trán, lên miệng, và lên ngực.

Còn khi làm dấu đơn (vì chỉ vẽ một hình thánh giá mà thôi, trong tiếng Anh lại gọi là Large sign of the Cross) các ngón tay của bàn tay phải, thường là bốn ngón, vì ngón cái ngắn hơn, đặt lên trán (nhân danh Cha), lên ngực (và Con),và trên hai vai (và Thánh Thần), trong khi đó tay trái có thể đặt lên bụng cho nghiêm trang. Bạn hoàn toàn có lý khi cho rằng nên đặt các ngón tay lên trán rồi lên ngực vì “muốn ám chỉ Chúa Giêsu luôn ngự trong tâm hồn, trái tim chúng ta”, nhưng đúng hơn cả con người chúng ta được ghi dấu thập giá của Chúa Kitô. Tuy vậy, những ai làm dấu thánh giá mà đưa tay từ trên trán xuống tới bụng rồi sang hai vai cũng không phải là sai, ngược lại làm như thế cũng có vẻ hợp lý vì giống với hình cây thập giá hơn. Điều quan trọng là cần thực hiện cử chỉ này một cách trang nghiêm và chủ ý với tâm tình thờ kính và tuyên xưng, hơn là kiểu… “đuổi ruồi”.

Bạn có thể đọc thêm ý nghĩa của việc làm dấu thánh giá trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

2. Về việc tôn thờ sau truyền phép:

Sách Nghi Thức Thánh Lễ không xác định cử chỉ của giáo dân khi linh mục nâng Mình Thánh vừa truyền phép, mà chỉ nói rằng linh mục nâng Mình Thánh, rồi Máu Thánh “cho cộng đoàn thấy.” Như vậy, thiết tưởng lúc đó, cộng đoàn không nên cúi đầu, vì cúi đầu thì làm sao thấy được, nhưng ngẩng đầu lên để tuyên xưng Tình Yêu Thiên Chúa đã ban Đức Kitô cho chúng ta, rồi sau đó, khi linh mục cúi mình, cộng đoàn cũng cúi đầu thờ lạy.

Có người giải thích rằng khi linh mục nâng Mình Thánh và Máu Thánh lên thì cộng đoàn cũng hướng lên để như một cử chỉ bày tỏ tâm tình dâng lên Thiên Chúa của lễ là đức Kitô. Rồi sau đó, cúi đầu thờ lạy, như cử chỉ đón nhận Của lễ đó được Chúa Cha ban lại cho con người. Thiết tưởng ý nghĩa này cũng chấp nhận được, mặc dù cử chỉ của linh mục khi nâng Mình và Máu Thánh sau truyền phép không phải là dâng lên Thiên Chúa. Việc này đúng hơn được thực hiện cuối phần phụng vụ Thánh Thể, tức là khi đọc “Chính nhờ Người, với Người và trong Người…”. Tóm lại trong phần tôn thờ sau Truyền Phép, vừa có ý nghĩa chiêm ngưỡng, vừa có ý nghĩa tôn thờ. Chúng ta có thể thực hiện cả hai hành vi đó qua việc hướng nhìn lên Mình Máu thành để chiêm ngưỡng và sau đó, khi linh mục cúi mình, chúng ta cũng cúi đầu tôn thờ.

Thân mến
Lm. Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.